HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | MI-RI-AM
“Hãy hát cho Đức Giê-hô-va”!
Bé gái núp ở phía xa xa, ánh mắt chăm chú nhìn về phía đám sậy. Em vẫn ở yên đó, căng thẳng chờ đợi trong khi nước sông Nin chầm chậm chảy. Thời gian cứ trôi qua nhưng em vẫn kiên nhẫn quan sát, cố lờ đi đám côn trùng bay vo ve xung quanh mình. Nơi mắt em hướng đến có một giỏ mây không thấm nước đang được giấu, bên trong là em trai của em. Khi nghĩ đến em trai bé bỏng, đơn độc nằm trong giỏ, tim em như thắt lại. Nhưng em biết cha mẹ đã quyết định đúng, đó là hy vọng duy nhất cho đứa bé trong thời điểm kinh hoàng ấy.
Bé gái ấy đã thể hiện lòng can đảm nổi bật và em sắp phải can đảm nhiều hơn nữa. Trong lòng em đang hình thành một phẩm chất tuyệt vời khác, đó là đức tin. Phẩm chất này sẽ được thấy rõ trong những giây phút tiếp theo và sẽ tác động đến cả cuộc đời của em. Nhiều năm sau, khi lớn tuổi, chính đức tin đã hướng dẫn em trong thời kỳ hào hứng nhất lịch sử của dân mình và giúp em khi phạm lỗi nghiêm trọng. Bé gái ấy là ai? Chúng ta học được gì từ đức tin của em?
Mi-ri-am—Một bé gái nô lệ
Lời tường thuật này trong Kinh Thánh không nhắc đến tên của bé gái nhưng chúng ta biết em là ai. Em là Mi-ri-am, con đầu lòng của Am-ram và Giô-kê-bết, những nô lệ người Hê-bơ-rơ tại xứ Ai Cập (Dân số 26:59). Em trai út của em sau này được đặt tên là Môi-se. A-rôn là anh của Môi-se, lúc đó khoảng ba tuổi. Chúng ta không biết chắc tuổi của Mi-ri-am lúc ấy, nhưng rất có thể em dưới mười tuổi.
Mi-ri-am sống trong thời kỳ đen tối. Người Ai Cập xem dân của em, người Hê-bơ-rơ, là mối đe dọa lớn nên đã bắt họ làm nô lệ và áp bức. Khi thấy những người nô lệ gia tăng nhanh chóng, người Ai Cập sợ hãi và dùng thủ đoạn tàn nhẫn hơn. Pha-ra-ôn ra lệnh giết tất cả các bé trai người Hê-bơ-rơ khi vừa mới sinh. Hẳn Mi-ri-am nghe về đức tin của hai bà đỡ là Siếp-ra và Phu-a, những người đã âm thầm chống lại lệnh vua.—Xuất Ai Cập 1:8-22.
Mi-ri-am cũng thấy được đức tin của cha mẹ mình. Sau khi đứa con thứ ba chào đời, Am-ram và Giô-kê-bết đã giấu con trong ba tháng. Họ không để nỗi khiếp sợ lệnh vua khiến họ đứng nhìn con mình bị giết (Hê-bơ-rơ 11:23). Nhưng không dễ để giấu một đứa bé, họ sớm phải đối mặt với một quyết định đau lòng. Giô-kê-bết phải bí mật mang con đi và đặt ở nơi mà sẽ có người thấy được cũng như có khả năng bảo vệ và nuôi nấng đứa bé. Hãy hình dung người mẹ đã cầu nguyện tha thiết đến mức nào khi bà đan chiếc giỏ sậy, trét nhựa đen lên giỏ để chống thấm, rồi đặt đứa con yêu dấu vào đó và thả ra sông Nin! Hẳn bà đã bảo Mi-ri-am ở lại đó để xem chuyện gì sẽ xảy ra.—Xuất Ai Cập 2:1-4.
Mi-ri-am—Một bé gái giải nguy
Rồi Mi-ri-am chờ đợi ở đó. Một lúc sau, em thấy có người đang đến, đó là một nhóm phụ nữ. Họ không phải là những người Ai Cập bình thường mà chính là con gái Pha-ra-ôn và các hầu gái đến tắm ở sông Nin. Mi-ri-am hẳn rất lo lắng. Có thể nào chính con gái của Pha-ra-ôn lại cãi lệnh vua cha và chọn bảo vệ một đứa bé Hê-bơ-rơ? Hẳn Mi-ri-am đã cầu nguyện tha thiết trong giây phút đó.
Người đầu tiên nhìn thấy cái giỏ mây trong đám sậy chính là con gái Pha-ra-ôn. Cô sai nữ tì mang cái giỏ đến. Lời tường thuật cho biết: “Khi mở giỏ ra, cô thấy một bé trai đang khóc”. Cô nhanh chóng đoán được điều đã xảy ra: Một người mẹ Hê-bơ-rơ nào đó cố cứu lấy mạng sống của con mình. Khi nhìn thấy bé trai kháu khỉnh, con gái Pha-ra-ôn động lòng trắc ẩn (Xuất Ai Cập 2:5, 6). Hẳn Mi-ri-am nhận ra điều này qua nét mặt của người phụ nữ ấy. Cô bé biết thời điểm đã đến, đây là lúc đặt đức tin nơi Đức Giê-hô-va và hành động. Thu hết can đảm, cô bé tiến đến gần con gái Pha-ra-ôn và các hầu gái.
Chúng ta không biết điều gì có thể xảy ra cho một bé gái nô lệ người Hê-bơ-rơ dám đến gần và nói chuyện với người của hoàng gia. Dù vậy, Mi-ri-am đã can đảm hỏi công chúa: “Công chúa có muốn con đi gọi một bà vú người Hê-bơ-rơ để chăm sóc và cho em bé bú không?”. Câu hỏi của cô bé thật thông minh. Con gái Pha-ra-ôn biết rằng cô không thể chăm sóc đứa bé. Có lẽ cô nghĩ sẽ an toàn hơn nếu đứa bé tạm thời được nuôi nấng trong vòng dân của em. Sau này, cô có thể đem đứa bé về hoàng cung làm con nuôi và chăm lo cho việc học hành của em. Hẳn lòng Mi-ri-am vô cùng vui mừng khi nghe công chúa trả lời: “Ngươi đi đi!”.—Xuất Ai Cập 2:7, 8.
Mi-ri-am chạy về nhà báo tin cho cha mẹ đang lo lắng. Hãy hình dung cô bé vừa thở hổn hển vừa hào hứng kể cho mẹ nghe điều đã xảy ra. Hẳn Giô-kê-bết nhận ra chính Đức Giê-hô-va hướng dẫn sự việc nên bà đi cùng Mi-ri-am đến chỗ con gái Pha-ra-ôn. Có lẽ, Giô-kê-bết cố giấu đi sự vui sướng và nhẹ nhõm khi công chúa bảo: “Hãy mang đứa bé này về nhà và chăm sóc nó, ta sẽ trả công cho ngươi”.—Xuất Ai Cập 2:9.
Hôm đó, Mi-ri-am học được nhiều điều về Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mình. Cô bé học được rằng ngài chăm sóc cho dân ngài và lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Cô bé cũng hiểu là không chỉ người lớn hoặc người nam mới có lòng can đảm và đức tin. Đức Giê-hô-va lắng nghe mọi tôi tớ trung thành của ngài (Thi thiên 65:2). Tất cả chúng ta, dù nhỏ hay lớn, nam hay nữ, đều cần ghi nhớ điều này trong thời kỳ đầy khó khăn hiện nay.
Mi-ri-am—Một người chị kiên nhẫn
Giô-kê-bết chăm sóc và nuôi nấng đứa bé. Hãy hình dung Mi-ri-am gần gũi thế nào với người em trai mà cô bé góp phần cứu sống. Có lẽ cô bé đã dạy em tập nói và vui sướng khi lần đầu tiên nghe đứa bé phát âm tên Đức Chúa Trời, đó là Giê-hô-va. Khi đứa bé lớn hơn, đã đến lúc phải đưa em đến cho con gái Pha-ra-ôn (Xuất Ai Cập 2:10). Chắc chắn, cả gia đình rất buồn khi phải xa em. Đứa bé được con gái Pha-ra-ôn đặt tên là Môi-se. Hẳn Mi-ri-am rất muốn biết Môi-se lớn lên sẽ trở thành người như thế nào. Cậu bé sẽ tiếp tục yêu thương Đức Giê-hô-va khi lớn lên giữa hoàng gia Ai Cập không?
Câu trả lời được thấy rõ qua thời gian. Hẳn lòng Mi-ri-am tràn đầy tự hào khi biết em trai mình lớn lên và chọn phụng sự Đức Chúa Trời thay vì nắm lấy những cơ hội ngàn vàng trong hoàng cung Pha-ra-ôn! Khi Môi-se 40 tuổi, ông bênh vực cho dân của mình. Ông giết một người Ai Cập ngược đãi một nô lệ người Hê-bơ-rơ. Khi sự sống bị lâm nguy, Môi-se phải chạy trốn khỏi Ai Cập.—Xuất Ai Cập 2:11-15; Công vụ 7:23-29; Hê-bơ-rơ 11:24-26.
Có lẽ Mi-ri-am không nghe tin tức gì về em trai trong vòng bốn thập kỷ khi ông sống thầm lặng và chăn cừu ở xứ Ma-đi-an xa xôi (Xuất Ai Cập 3:1; Công vụ 7:29, 30). Thời gian trôi qua, giờ đây Mi-ri-am đã lớn tuổi. Dù phải chứng kiến dân mình ngày càng khốn khổ, bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi.
Mi-ri-am—Một nữ tiên tri
Có lẽ Mi-ri-am gần 90 tuổi khi Môi-se trở lại Ai Cập. Đức Chúa Trời phái ông đến để giải cứu dân ngài. A-rôn làm phát ngôn viên cho Môi-se, hai người em này của Mi-ri-am đã đến gặp Pha-ra-ôn để xin vua cho dân Đức Chúa Trời đi. Hẳn bà đã hết lòng ủng hộ và khích lệ họ sau khi họ bị Pha-ra-ôn từ chối, và cả khi họ trở lại hết lần này đến lần khác trong thời gian Đức Giê-hô-va giáng mười tai vạ để cảnh báo người Ai Cập. Cuối cùng, sau tai vạ thứ mười giáng xuống làm cho mọi con trai đầu lòng trong xứ Ai Cập bị giết, thời điểm dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập đã đến! Hãy hình dung Mi-ri-am giúp đỡ dân mình một cách không mệt mỏi khi họ rời đi dưới sự lãnh đạo của Môi-se.—Xuất Ai Cập 4:14-16, 27-31; 7:1–12:51.
Sau đó, khi dân Y-sơ-ra-ên mắc kẹt giữa Biển Đỏ và quân đội Ai Cập, Mi-ri-am chứng kiến em trai mình là Môi-se đứng trước biển và giơ cây gậy lên. Nước biển liền rẽ làm hai! Khi Môi-se dẫn dân chúng băng qua đáy biển khô ráo, hẳn Mi-ri-am cảm thấy đức tin của bà nơi Đức Giê-hô-va mạnh hơn bao giờ hết. Bà phụng sự một Đức Chúa Trời có thể làm bất cứ điều gì và thực hiện bất cứ lời nào ngài hứa!—Xuất Ai Cập 14:1-31.
Sau khi dân chúng được an toàn và nước biển ập xuống chôn vùi Pha-ra-ôn cùng đạo quân của hắn, Mi-ri-am thấy rõ Đức Giê-hô-va mạnh hơn đạo quân hùng mạnh nhất trên đất. Dân chúng được thúc đẩy để hát bài ca cho Đức Giê-hô-va. Rồi Mi-ri-am dẫn đầu những người nữ hát đáp lại rằng: “Hãy hát cho Đức Giê-hô-va, vì ngài đã toàn thắng vinh quang. Ngài quăng ngựa lẫn người cưỡi ngựa xuống biển sâu”.—Xuất Ai Cập 15:20, 21; Thi thiên 136:15.
Đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời của Mi-ri-am mà bà sẽ không bao giờ quên. Đến đây thì lời tường thuật gọi Mi-ri-am là nữ tiên tri. Mi-ri-am là người nữ đầu tiên được Kinh Thánh gọi là nữ tiên tri. Bà ở trong số ít người nữ được chọn để phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách đặc biệt này.—Quan xét 4:4; 2 Các vua 22:14; Ê-sai 8:3; Lu-ca 2:36.
Qua đó, Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va đang quan sát và mong muốn ban thưởng cho chúng ta về những nỗ lực khiêm tốn, sự kiên nhẫn và ước muốn ngợi khen ngài. Dù trẻ hay lớn tuổi, nam hay nữ, chúng ta đều có thể thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Đức tin như thế làm ngài vui lòng; ngài sẽ không bao giờ quên và sẵn sàng ban thưởng (Hê-bơ-rơ 6:10; 11:6). Điều này cho chúng ta lý do chính đáng để noi theo đức tin của Mi-ri-am.
Mi-ri-am—Một người vướng bẫy kiêu ngạo
Đặc ân và sự nổi trội mang lại ân phước nhưng cũng có thể là cạm bẫy. Vào thời điểm dân Y-sơ-ra-ên được thoát khỏi ách nô lệ, có lẽ Mi-ri-am là người nữ nổi trội nhất trong nước. Liệu bà có trở nên kiêu ngạo hoặc tham vọng không? (Châm ngôn 16:18). Đáng buồn là bà đã rơi vào bẫy này trong một thời gian.
Vài tháng sau khi ra khỏi Ai Cập, Môi-se chào đón những người thân từ xa đến, gồm cha vợ là Giê-trô, vợ của Môi-se là Xê-phô-ra và hai con trai. Môi-se kết hôn với Xê-phô-ra trong thời gian cư ngụ tại Ma-đi-an 40 năm. Trước đó, Xê-phô-ra trở về quê nhà ở Ma-đi-an, có lẽ để thăm gia đình, và giờ đây cha cô đưa cô đến trại của Y-sơ-ra-ên (Xuất Ai Cập 18:1-5). Hãy hình dung dân chúng háo hức thế nào khi những người thân của Môi-se đến! Hẳn nhiều người rất mong được thấy vợ của người mà Đức Chúa Trời đã chọn để dẫn họ ra khỏi Ai Cập.
Mi-ri-am có vui khi Xê-phô-ra đến không? Có lẽ lúc đầu thì có. Nhưng dường như với thời gian, bà đã để cho tính kiêu ngạo chế ngự. Rất có thể, bà lo sợ Xê-phô-ra trở thành mối đe dọa và khiến bà mất đi vị trí người nữ nổi trội nhất trong Y-sơ-ra-ên. Dù sao đi nữa, Mi-ri-am và A-rôn bắt đầu nói những lời tiêu cực. Những cuộc nói chuyện như thế thường mau chóng chuyển sang những lời cay đắng và hằn học. Lúc đầu, họ nói tiêu cực về Xê-phô-ra; họ phàn nàn rằng bà không phải là người Y-sơ-ra-ên mà là người Cút-sơ. * Nhưng sau đó, họ phàn nàn luôn cả Môi-se. Mi-ri-am và A-rôn nói: “Đức Giê-hô-va chỉ phán qua Môi-se thôi sao? Chẳng phải ngài cũng phán qua chúng ta đó sao?”.—Dân số 12:1, 2.
Mi-ri-am—Một người bị phong cùi
Những lời trên cho thấy tinh thần cay đắng đang phát triển trong lòng Mi-ri-am và A-rôn. Họ không hài lòng về cách Đức Giê-hô-va dùng Môi-se vì họ muốn có thêm quyền hành và tầm ảnh hưởng. Phải chăng vì Môi-se là người độc đoán và cố tìm sự vinh hiển cho mình? Đúng là ông cũng có những khuyết điểm nhưng ông không kiêu ngạo hay tham vọng. Kinh Thánh ghi lại: “Môi-se là người khiêm hòa nhất trong tất cả những người sống trên đất”. Dù sao thì Mi-ri-am và A-rôn đã đi quá xa, và họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm về thiêng liêng. Lời tường thuật cho biết: “Đức Giê-hô-va nghe họ nói”.—Dân số 12:2, 3.
Đức Giê-hô-va bất ngờ lệnh cho ba chị em Môi-se đến lều hội họp. Có một trụ mây đáng sợ, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va, ngự xuống và đứng trước lối ra vào lều hội họp. Rồi Đức Giê-hô-va nói. Ngài quở trách Mi-ri-am và A-rôn, nhắc họ nhớ về mối quan hệ đặc biệt ngài có với Môi-se và việc ngài rất tin cậy ông. Đức Giê-hô-va hỏi: “Vậy sao các con dám nói nghịch lại tôi tớ của ta là Môi-se?”. Chắc chắn Mi-ri-am và A-rôn rất run sợ. Đức Giê-hô-va xem việc họ bất kính với Môi-se như thể họ đang bất kính với chính ngài.—Dân số 12:4-8.
Hẳn Mi-ri-am là chủ mưu trong việc này. Bà đã thuyết phục em trai đứng về phía mình để chống lại em dâu. Điều này lý giải tại sao Mi-ri-am chính là người bị trừng phạt sau đó. Đức Giê-hô-va đã giáng cho bà bệnh phong cùi. Căn bệnh đáng sợ này đã khiến cho da của bà trở nên “trắng như tuyết”. Thấy vậy, A-rôn lập tức hạ mình xuống và nài xin Môi-se can thiệp. Ông nói: “Những gì chúng tôi đã làm thật ngu dại”. Môi-se, một người rất khiêm hòa, tha thiết kêu cầu Đức Giê-hô-va: “Đức Chúa Trời ôi, xin hãy chữa lành chị ấy! Con xin ngài!” (Dân số 12:9-13). Cách phản ứng của A-rôn và Môi-se cho thấy họ rất đau lòng và yêu mến chị gái biết dường nào, bất kể những lỗi lầm của bà.
Mi-ri-am được lại ân huệ
Đức Giê-hô-va đã đáp lại với lòng thương xót. Ngài chữa lành cho Mi-ri-am vì bà đã ăn năn. Tuy nhiên, ngài đòi hỏi bà cách ly bên ngoài trại của Y-sơ-ra-ên trong bảy ngày. Việc vâng theo đòi hỏi này và ra khỏi trại hẳn khiến bà cảm thấy nhục nhã. Nhưng đức tin đã cứu bà. Trong lòng, hẳn bà tin chắc Cha Giê-hô-va là đấng công bằng và ngài đang sửa trị bà vì tình yêu thương. Thế nên, bà làm theo điều Đức Giê-hô-va nói. Mi-ri-am bị cách ly một mình trong bảy ngày, còn dân chúng thì chờ đợi. Một lần nữa Mi-ri-am đã thể hiện đức tin. Lần này bà làm thế bằng cách khiêm nhường trở lại trại.—Dân số 12:14, 15.
Đức Giê-hô-va sửa trị những người mà ngài yêu thương (Hê-bơ-rơ 12:5, 6). Vì rất yêu thương Mi-ri-am nên ngài muốn giúp bà thay đổi và loại bỏ tính kiêu ngạo. Đúng là sự sửa trị khiến Mi-ri-am đau lòng nhưng chính sự sửa trị ấy đã cứu bà. Nhờ khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị, bà có lại ân huệ của Đức Giê-hô-va. Mi-ri-am đã sống đến thời điểm dân Y-sơ-ra-ên sắp kết thúc 40 năm trong hoang mạc. Lúc qua đời tại Ca-đe trong hoang mạc Xin, rất có thể bà gần 130 tuổi * (Dân số 20:1). Nhiều thế kỷ sau, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài quý trọng Mi-ri-am vì đã trung thành phụng sự ngài. Qua nhà tiên tri Mi-chê, Đức Giê-hô-va nhắc dân ngài: “Ta... chuộc ngươi ra khỏi nhà nô lệ, sai Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am đi trước ngươi”.—Mi-chê 6:4.
Chúng ta có thể học được nhiều điều từ cuộc đời của Mi-ri-am. Chúng ta cần bảo vệ những người không có khả năng tự vệ và dạn dĩ bênh vực điều đúng, giống như Mi-ri-am đã làm khi còn nhỏ (Gia-cơ 1:27). Như Mi-ri-am, chúng ta cần chia sẻ cho người khác thông điệp của Đức Chúa Trời với lòng vui mừng (Rô-ma 10:15). Như Mi-ri-am, chúng ta cần tránh ghen tị và cay đắng, là những tính gây nguy hại (Châm ngôn 14:30). Và như Mi-ri-am, chúng ta cần khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị từ Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 12:5). Khi làm những điều này, chúng ta sẽ thật sự noi theo đức tin của Mi-ri-am.
^ đ. 21 Trong trường hợp của Xê-phô-ra, từ “Cút-sơ” hẳn có nghĩa là bà đến từ Ả Rập giống như những người Ma-đi-an khác, chứ không phải đến từ Ê-thi-ô-bi.
^ đ. 26 Ba chị em này đã qua đời theo thứ tự họ được sinh ra: đầu tiên là Mi-ri-am, sau đó là A-rôn, rồi đến Môi-se. Dường như cả ba người đều qua đời trong khoảng một năm.