XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ
Tại sao việc đọc quan trọng với con—Phần 1: Đọc hay xem?
Khi con bạn có thời gian rảnh, chúng thích làm gì: xem phim hay đọc sách? Chúng thường muốn cầm cái gì: điện thoại hay cuốn sách?
Trong hàng thập kỷ, việc đọc bị cạnh tranh trước tiên bởi TV, sau đó là bởi các chương trình trực tuyến thịnh hành. Bà Jane Healy viết trong sách Endangered Minds được xuất bản năm 1990: “Việc đọc đang trên đà tàn suy”.
Vào thời đó, câu nói của bà có vẻ phóng đại. Tuy nhiên, vài thập kỷ sau, một số nhà giáo dục ở những nước dùng công nghệ nhiều đã nhận xét rằng nhìn chung kỹ năng đọc của giới trẻ xuống dốc không phanh.
Trong bài này
Tại sao việc đọc quan trọng với con?
Đọc kích thích trí tưởng tượng. Chẳng hạn, khi đọc một câu chuyện, chúng ta hình dung: Giọng nói của nhân vật như thế nào? Ngoại diện của họ ra sao? Bối cảnh là gì? Có thể nói tác giả là người phác họa, còn độc giả thì phải tô màu để bức tranh trở nên sống động.
Một người mẹ tên Laura nói: “Khi xem chương trình trực tuyến, chúng ta thấy người khác tưởng tượng. Dù xem cũng vui nhưng điều đặc biệt của việc đọc là chúng ta làm cho ngôn từ của người khác trở nên sống động trong trí mình”.
Đọc giúp hình thành nhân cách. Việc đọc giúp con trẻ hình thành khả năng lý luận và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, khi đọc thì con trẻ phải tập trung. Nhờ thế, chúng có thể vun trồng các đức tính như kiên nhẫn, tự chủ và cảm thông.
Cảm thông sao? Đúng vậy! Một số nhà nghiên cứu tin rằng việc đọc chậm rãi và tập trung giúp con trẻ suy nghĩ đến cảm xúc của các nhân vật. Nhờ thế, chúng biết cảm thông với những người mình gặp trong đời sống thường ngày.
Đọc khuyến khích suy nghĩ sâu sắc. Người cẩn thận sẽ đọc với nhịp độ phù hợp, thậm chí đọc lại nếu cần, để hiểu được dòng ý tưởng mà tác giả muốn truyền đạt. Khi làm thế, người ấy sẽ nhớ và nhận được lợi ích nhiều hơn.—1 Ti-mô-thê 4:15.
Một người cha tên Joseph nhận xét: “Khi đọc, bạn có thể dễ dàng suy ngẫm về nghĩa của một câu, liên kết câu đó với điều mình biết và xem xét những bài học rút ra. Còn việc xem không phải lúc nào cũng khuyến khích mình suy nghĩ sâu sắc như thế”.
Tóm lại: Dù phim ảnh và những chương trình trực tuyến có ích phần nào, nhưng có lẽ con bạn sẽ thiếu một điều quan trọng trong đời sống nếu không dành thời gian cho việc đọc.
Cách khuyến khích con đọc
Bắt đầu sớm. Một người mẹ có hai con trai là chị Chloe nói: “Chúng tôi đọc cho các con nghe từ khi chúng còn trong bụng mẹ, và tiếp tục làm thế sau khi con chào đời. Chúng tôi rất vui vì mình đã kiên trì làm điều đó. Với thời gian, việc đọc trở thành thói quen của các con, ngay cả khi đọc để giải trí”.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Từ thuở thơ ấu, con đã biết Kinh Thánh”.—2 Ti-mô-thê 3:15.
Tạo môi trường khuyến khích đọc. Làm cho nhà bạn trở thành nơi khuyến khích việc đọc bằng cách chuẩn bị sẵn một số sách trong nhà. Một người mẹ có bốn con là chị Tamara gợi ý: “Mua một số sách mà con sẽ thích đọc và để cạnh giường của chúng”.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy rèn luyện con trẻ trong đường nó phải đi, dù khi nó về già vẫn không lìa đường ấy”.—Châm ngôn 22:6.
Hạn chế dùng Internet. Một người cha tên Daniel gợi ý là dành ra một buổi tối không dùng thiết bị điện tử. Anh nói: “Cho dù chỉ là một buổi tối trong tuần, nhưng chúng tôi có thời gian yên tĩnh mà không bị TV làm phiền. Chúng tôi dành thời gian đọc sách, dù đọc chung hay riêng”.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Nhận biết những điều quan trọng hơn”.—Phi-líp 1:10.
Nêu gương cho con. Chị Karina, một người mẹ có hai con gái, đề nghị: “Hãy làm cho những câu chuyện trở nên sống động qua cách bạn đọc cho con và sự hào hứng của bạn về những câu chuyện ấy. Nếu bạn yêu thích việc đọc thì có thể con sẽ noi gương bạn”.
Nguyên tắc Kinh Thánh: “Hãy chuyên tâm trong việc đọc trước công chúng”.—1 Ti-mô-thê 4:13.
Không phải người con nào cũng sẽ yêu thích việc đọc. Tuy nhiên, sự khuyến khích của bạn có thể giúp con có động lực để làm thế. Anh David, có hai con gái, còn làm nhiều hơn. Anh nói: “Tôi đã đọc những gì mà các con gái mình đọc, nhờ thế tôi có thể biết các con quan tâm đến điều gì và cha con tôi có đề tài để trò chuyện với nhau. Cha con tôi có câu lạc bộ đọc sách riêng. Đó là khoảng thời gian rất vui!”.