MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Khả năng lặn của cá voi mõm khoằm Cuvier
Cá voi mõm khoằm Cuvier có thể lặn sâu tới 2.992m, nơi có áp suất rơi vào khoảng 30.300 kilopascal. Loài cá voi này cũng có thể ở dưới mặt nước trong một khoảng thời gian dài. Một con cá voi mõm khoằm đã được ghi nhận là ở dưới mặt nước trong ba tiếng 42 phút trước khi ngoi lên mặt nước để thở. Bằng cách nào những động vật có vú thở bằng không khí này có thể sống sót ở những môi trường có áp suất cao và ít ô-xy trong thời gian dài đến thế?
Giống như những động vật có vú khác sống ở biển, lồng ngực của cá voi gập lại và phổi của nó xẹp xuống. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng các loài động vật có vú sống ở biển dùng ít ô-xy hơn khi nhịp tim của chúng giảm mạnh và sự lưu thông máu được chuyển hướng từ các phần xa của cơ thể trở về não, tim và các cơ.
Ngoài ra, các động vật có vú sống ở biển dự trữ ô-xy trong các cơ bằng một loại protein được gọi là myoglobin. Myoglobin sẽ giải phóng lượng ô-xy cần thiết trong khi cá voi lặn sâu. Các cơ của cá voi có nồng độ myoglobin cao hơn rất nhiều so với của con người và các loài động vật trên cạn.
Dù vậy, một nhà nghiên cứu đã kết luận về cá voi mõm khoằm Cuvier như sau: “Chúng lặn đến những độ sâu đáng kinh ngạc. Với sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về sinh lý học, cá voi lặn sâu và lâu hơn rất nhiều so với khả năng mà chúng ta nghĩ chúng có thể làm được”. Các nhà khoa học hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về khả năng lặn của loài cá voi này vì có thể giúp các bác sĩ cải tiến việc điều trị những tình trạng như tràn khí màng phổi.
Bạn nghĩ sao? Khả năng lặn sâu và lâu của cá voi mõm khoằm Cuvier là do tiến hóa? Hay là một sự thiết kế?