MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Khả năng tự làm sạch của da cá voi hoa tiêu
Hiện tượng hàu và các sinh vật biển khác bám trên vỏ tàu là vấn đề đáng lo ngại đối với các thủy thủ. Sinh vật bám vỏ tàu khiến cho tàu giảm tốc độ, tốn nhiên liệu và cứ vài năm thì phải đưa đi làm sạch. Các nhà khoa học đang tìm đến thiên nhiên để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Hãy suy nghĩ điều này: Các nghiên cứu cho thấy da cá voi hoa tiêu vây dài (Globicephala melas) có khả năng tự làm sạch. Da của nó được bao phủ bởi những đường vân nhỏ li ti, những đường vân này nhỏ đến mức ấu trùng hàu khó bám vào được. Khoảng trống giữa các đường vân này chứa đầy một chất nhờn giúp loại bỏ vi khuẩn và các loại tảo. Cá voi sẽ tiết ra chất nhờn mới khi thay da.
Các nhà khoa học lên kế hoạch áp dụng hệ thống tự làm sạch của cá voi cho vỏ tàu. Trong quá khứ, người ta dùng một loại sơn chống hàu. Tuy nhiên, gần đây loại sơn được sử dụng phổ biến nhất bị cấm vì độc hại đối với sinh vật biển. Các nhà nghiên cứu đề nghị giải pháp là phủ lên vỏ tàu một lưới kim loại, bên trong có những lỗ tiết ra một hóa chất an toàn sinh học. Hóa chất này sẽ cô đặc lại thành chất nhờn khi tiếp xúc với nước biển, tạo nên lớp màng bao phủ vỏ tàu. Lớp màng này dày khoảng 0,7mm; theo thời gian lớp màng bị mòn đi kéo theo bất kỳ sinh vật nào bám trên vỏ tàu. Hệ thống này được thiết kế để tiếp tục tự tiết ra chất nhờn mới bao phủ vỏ tàu.
Các thí nghiệm cho thấy hệ thống này có thể làm giảm lượng sinh vật bám vỏ tàu khoảng 100 lần. Điều này mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty hàng hải, vì giảm được chi phí đáng kể so với việc phải đưa tàu đến xưởng cạn để làm sạch vỏ tàu.
Bạn nghĩ sao? Khả năng tự làm sạch của da cá voi hoa tiêu là do tiến hóa? Hay là một sự thiết kế?