MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Vỏ bọ cánh cứng “mình đồng da sắt”
Bọ cánh cứng “mình đồng da sắt” (Phloeodes diabolicus) sống ở miền tây Bắc Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu, loài bọ này có thể chịu được tải trọng gấp khoảng 39.000 lần trọng lượng cơ thể của nó, thậm chí nó vẫn sống sót khi bị một xe hơi cán qua. Làm thế nào loài bọ này có thể chịu được tải trọng lớn như thế?
Phần trên và phần dưới của vỏ bọ cánh cứng được nối với nhau bằng những khớp nối ở hai bên sườn. Khớp nối đầu tiên rất cứng, có khả năng chống biến dạng khi bị nén, nhờ thế bảo vệ được các cơ quan quan trọng. Khớp nối thứ hai thì mềm hơn nên dễ biến dạng. Khớp nối thứ ba cho phép vỏ bọ cánh cứng có thể dịch chuyển. Nhờ sự linh hoạt của khớp nối thứ ba này, bọ cánh cứng có thể chui vào vỏ cây hoặc nấp giữa các kẽ đá chật hẹp.
Ngoài ra, đường nối dọc chính giữa trên lưng của vỏ bọ cánh cứng có nhiều phần nhô ra, được gọi là lưỡi dao, lồng vào nhau giống như những mảnh ghép hình để làm phân tán lực. Những lưỡi dao này được tạo thành từ nhiều lớp dính lại với nhau bằng các protein. Khi bị nén thì các protein sẽ bị nứt nhẹ. Nhờ điều này, các lưỡi dao chịu được độ nén mà các lớp không bị tách ra và với thời gian thì các vết nứt liền lại.
Các nhà nghiên cứu nói rằng các kỹ sư có thể bắt chước vỏ bọ cánh cứng này khi thiết kế những cấu trúc đòi hỏi chịu được tải trọng hoặc sự va đập, chẳng hạn như xe cộ, cầu và các tòa nhà.
Bạn nghĩ sao? Vỏ bọ cánh cứng “mình đồng da sắt” là do tiến hóa? Hay là một sự thiết kế?