Con thú sắc đỏ nơi Khải huyền chương 17 là gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Con thú sắc đỏ nơi Khải huyền chương 17 tượng trưng cho một tổ chức có mục tiêu hợp nhất dân các nước và đại diện cho những nước này. Ban đầu, tổ chức này là Hội Quốc Liên và nay là Liên Hiệp Quốc.
Cách để nhận ra con thú sắc đỏ
Một thực thể chính trị. Con thú sắc đỏ có “bảy cái đầu”, và “bảy cái đầu” này tượng trưng cho “bảy ngọn núi” và “bảy vị vua”, hay những nhà cầm quyền đang cai trị (Khải huyền 17:9, 10). Trong Kinh Thánh, những ngọn núi và con thú tượng trưng cho các chính phủ.—Giê-rê-mi 51:24, 25; Đa-ni-ên 2:44, 45; 7:17, 23.
Hình ảnh của hệ thống chính trị thế giới. Con thú sắc đỏ tương tự với con thú bảy đầu nơi Khải huyền chương 13, tượng trưng cho hệ thống chính trị thế giới. Cả hai con thú này đều có bảy đầu, mười sừng và những danh hiệu phạm thượng (Khải huyền 13:1; 17:3). Những điểm tương đồng ấy không phải là ngẫu nhiên. Con thú sắc đỏ là hình ảnh của hệ thống chính trị thế giới.—Khải huyền 13:15.
Quyền lực của nó đến từ các nước. Con thú sắc đỏ “ra từ” những thế lực đang cai trị khác.—Khải huyền 17:11, 17.
Liên hệ đến tôn giáo. Ba-by-lôn Lớn, tức tập thể những tôn giáo sai lầm trên thế giới, ngồi trên con thú sắc đỏ. Hình ảnh này cho thấy con thú ấy bị ảnh hưởng bởi những nhóm tôn giáo.—Khải huyền 17:3-5.
Sỉ nhục Đức Chúa Trời. Con thú này “đầy những danh hiệu phạm thượng”.—Khải huyền 17:3.
Ngưng hoạt động tạm thời. Con thú sắc đỏ sẽ ở nơi “vực sâu”, a hay ngưng hoạt động, trong một thời gian nhưng sẽ xuất hiện trở lại.—Khải huyền 17:8.
Lời tiên tri Kinh Thánh được ứng nghiệm
Hãy xem làm thế nào Liên Hiệp Quốc và tiền thân của nó là Hội Quốc Liên làm ứng nghiệm lời tiên tri về con thú sắc đỏ.
Một thực thể chính trị. Liên Hiệp Quốc ủng hộ hệ thống chính trị qua việc tán thành sự “bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên”. b
Hình ảnh của hệ thống chính trị thế giới. Vào năm 2011, Liên Hiệp Quốc kết nạp thêm thành viên thứ 193. Vì vậy, tổ chức này tuyên bố là nó đại diện cho phần lớn các nước và con người trên thế giới.
Quyền lực của nó đến từ các nước. Liên Hiệp Quốc tồn tại được là nhờ vào các thành viên và nó có quyền lực ít hay nhiều là tùy vào các nước.
Liên hệ đến tôn giáo. Cả Hội Quốc Liên lẫn Liên Hiệp Quốc đều được các tôn giáo trên thế giới hậu thuẫn. c
Sỉ nhục Đức Chúa Trời. Liên Hiệp Quốc được thành lập để “duy trì nền hòa bình và an ninh quốc tế”. d Mục tiêu này dường như rất được tán dương, nhưng thật ra LHQ sỉ nhục Đức Chúa Trời bằng cách tuyên bố rằng mình có thể làm được điều mà chỉ Nước Đức Chúa Trời mới thực hiện được.—Thi-thiên 46:9; Đa-ni-ên 2:44.
Ngưng hoạt động tạm thời. Hội Quốc Liên, tổ chức được thành lập không lâu sau Thế Chiến I để duy trì nền hòa bình, đã không thể ngăn cản những cuộc gây hấn mang tính quốc tế. Nó tan rã khi Thế Chiến II bùng nổ vào năm 1939. Vào năm 1945, sau khi Thế Chiến II chấm dứt, Liên Hiệp Quốc được thành lập. Mục đích, phương cách và cấu trúc của tổ chức này rất giống với Hội Quốc Liên.
a Theo từ điển giải nghĩa các từ Kinh Thánh (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Word), từ Hy Lạp được dịch là “vực sâu” nói đến “vực sâu không đáy”. Trong Kinh Thánh, từ này ám chỉ một nơi hoặc tình trạng bị giam cầm và hoàn toàn ngưng hoạt động.
b Xem Điều 2 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
c Chẳng hạn, vào năm 1918, một hội đồng đại diện cho hàng chục giáo phái Tin Lành ở Mỹ tuyên bố rằng Hội Quốc Liên sẽ là “sự biểu thị chính trị của nước Đức Chúa Trời ở trên đất”. Vào năm 1965, đại diện của Phật giáo, Công giáo, Chính Thống Giáo Phương Đông, Ấn Độ giáo, Hồi Giáo, Do Thái giáo và Tin Lành đã nhóm họp lại tại San Francisco nhằm ủng hộ và cầu nguyện cho Liên Hiệp Quốc. Vào năm 1979, Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II bày tỏ hy vọng rằng LHQ “sẽ là diễn đàn tối cao cho sự hòa bình và công bằng”.
d Xem Điều 1 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.