Làm sao để quyết định khôn ngoan?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Kinh Thánh cung cấp sự hướng dẫn tuyệt vời giúp chúng ta đưa ra quyết định. Cuốn sách này có thể giúp chúng ta có được “sự khôn ngoan [và] sự hiểu biết” (Châm ngôn 4:5). Trong một số trường hợp, Kinh Thánh cho biết đâu là quyết định tốt nhất. Nhưng trong những trường hợp khác, sách này cho chúng ta lời khuyên để đưa ra quyết định khôn ngoan.
Trong bài này
Bí quyết giúp quyết định khôn ngoan
Đừng hấp tấp quyết định. Kinh Thánh nói: “Người khôn khéo cân nhắc từng bước” (Châm ngôn 14:15). Nếu hấp tấp quyết định, bạn có thể bỏ qua những thông tin quan trọng. Hãy dành thời gian xem xét kỹ các lựa chọn của mình.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21.
Đừng chỉ quyết định dựa trên cảm xúc. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta không nên luôn tin cậy lòng mình (Châm ngôn 28:26; Giê-rê-mi 17:9). Chẳng hạn, chúng ta thường quyết định thiếu khôn ngoan trong những lúc giận dữ, buồn bã, chán nản, nôn nóng hoặc quá mệt mỏi.—Châm ngôn 24:10; 29:22.
Cầu xin sự khôn ngoan (Gia-cơ 1:5). Đức Chúa Trời vui lòng đáp lại những lời cầu xin như thế. Ngài là người Cha đầy yêu thương và không muốn con cái ngài gặp phải vấn đề không đáng có. Kinh Thánh nói: “Chính Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan; từ miệng ngài ra tri thức và sự thông sáng” a (Châm ngôn 2:6). Ngài cung cấp sự khôn ngoan đó chủ yếu qua Lời ngài là Kinh Thánh.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.
Tra cứu. Để quyết định khôn ngoan, bạn cần có thông tin đáng tin cậy. Như Kinh Thánh nói, “người khôn ngoan lắng nghe và thu thêm kiến thức” (Châm ngôn 1:5). Bạn có thể tìm thông tin hữu ích và đáng tin cậy ở đâu?
Trước hết, hãy xem chính Kinh Thánh nói gì về vấn đề mình cần quyết định. Vì Đấng Tạo Hóa biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta nên Lời ngài đưa ra lời khuyên đáng tin cậy nhất (Thi thiên 25:12). Trong một số vấn đề, Kinh Thánh cho sự hướng dẫn rõ ràng, có lẽ qua luật pháp hoặc các mệnh lệnh (Ê-sai 48:17, 18). Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề mà Kinh Thánh không nói một cách cụ thể nhưng đưa ra hướng dẫn qua các nguyên tắc. Các nguyên tắc này có thể giúp chúng ta quyết định đúng đắn mà vẫn cho phép mình lựa chọn theo sở thích cá nhân. Để tìm những câu Kinh Thánh có liên quan, hãy tra cứu các bài hoặc ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chẳng hạn như những bài được đăng trên trang web này. b
Trong một số quyết định, có lẽ bạn cần tìm hiểu những nguồn thông tin đáng tin cậy khác. Chẳng hạn, trước khi mua một sản phẩm (nhất là sản phẩm đắt tiền), điều khôn ngoan là nên nghiên cứu về sản phẩm và nhà sản xuất, kể cả chính sách bảo hành và đổi trả. Dĩ nhiên, bạn cũng nên chắc chắn rằng sản phẩm đáp ứng nhu cầu mình cần.
Kinh Thánh nói: “Đâu không có bàn bạc, đó kế hoạch thất bại” (Châm ngôn 15:22). Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định, hãy tham khảo ý kiến của những người đáng tin cậy. Chẳng hạn, nếu phải quyết định các vấn đề về y khoa, điều khôn ngoan là nên hỏi ý kiến bác sĩ (Ma-thi-ơ 9:12). Trong một số trường hợp, bạn có thể nói chuyện với những người từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Nhưng hãy nhớ rằng chính bạn phải là người quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, chứ không phải những người bạn hỏi ý kiến.—Ga-la-ti 6:4, 5.
Cân nhắc mọi yếu tố. Dựa trên tất cả thông tin đã thu thập được, bạn có thể liệt kê các lựa chọn mình có cùng với những thuận lợi và bất lợi của mỗi lựa chọn. Hãy thành thật xem xét quyết định của mình có thể dẫn đến hệ quả nào (Phục truyền luật lệ 32:29). Chẳng hạn, quyết định đó có thể ảnh hưởng thế nào đến bạn, gia đình hoặc người khác? (Châm ngôn 22:3; Rô-ma 14:19). Khi suy ngẫm những câu hỏi đó dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh, bạn có thể đưa ra quyết định khôn ngoan và yêu thương.
Đưa ra quyết định. Đôi khi, có thể chúng ta ngần ngại đưa ra quyết định vì cảm thấy không chắc. Nhưng nếu cứ lưỡng lự, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội hoặc rơi vào hoàn cảnh không mong muốn. Nói cách khác, việc lưỡng lự có thể tai hại giống như việc quyết định thiếu khôn ngoan. Kinh Thánh dùng một hình ảnh trong nghề nông để giúp chúng ta hiểu điều này: “Ai xem gió sẽ không gieo giống, ai nhìn mây sẽ không gặt hái”.—Truyền đạo 11:4.
Hơn nữa, hãy nhớ rằng ngay cả quyết định tốt nhất có thể cũng không vẹn toàn. Thường quyết định nào cũng đòi hỏi mình phải hy sinh điều gì đó. Ngoài ra, chuyện bất trắc cũng có thể xảy đến (Truyền đạo 9:11). Vì thế, hãy dùng những thông tin tốt nhất mà bạn có và đưa ra lựa chọn có khả năng thành công cao nhất.
Mình có nên thay đổi quyết định không?
Không phải mọi quyết định đều không thay đổi được. Hoàn cảnh của bạn có thể thay đổi, hoặc bạn nhận ra quyết định trước đây của mình gây ra những hậu quả không ngờ. Vì thế, có lẽ điều khôn ngoan là nên xem xét lại vấn đề và đưa ra lựa chọn khác có thể giúp bạn đạt được kết quả mong muốn.
Tuy nhiên, có những quyết định chúng ta không nên thay đổi (Thi thiên 15:4). Chẳng hạn, Đức Chúa Trời đòi hỏi các cặp vợ chồng phải giữ lời thề ước hôn nhân c (Ma-la-chi 2:16; Ma-thi-ơ 19:6). Khi có vấn đề nảy sinh trong hôn nhân, họ nên cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề thay vì đường ai nấy đi.
Nói sao nếu mình quyết định sai nhưng không thể thay đổi?
Tất cả chúng ta đều có lúc quyết định thiếu khôn ngoan (Gia-cơ 3:2, chú thích). Chúng ta có thể cảm thấy hối tiếc hoặc mặc cảm, và đó là điều bình thường (Thi thiên 69:5). Thật ra, ở chừng mực nào đó, những cảm xúc này có thể hữu ích khi nó giúp mình tránh tái phạm sai lầm (Châm ngôn 14:9). Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyên chúng ta tránh mặc cảm quá mức, là điều có thể gây hại về mặt tình cảm và tinh thần (2 Cô-rinh-tô 2:7). d Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót và trắc ẩn” (Thi thiên 103:8-13). Vì thế, hãy cố gắng rút kinh nghiệm từ quyết định sai mà mình không thể thay đổi và làm những gì có thể để cải thiện vấn đề.
a Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.—Thi thiên 83:18.
b Bạn cũng có thể tìm tài liệu trên trang web jw.org bằng cách gõ một từ hoặc cụm từ có liên quan đến vấn đề của bạn. Trang web này cung cấp lời khuyên dựa trên Kinh Thánh cho nhiều đề tài. Ngoài ra, để tìm những từ cụ thể, bạn có thể dùng “Bảng tra cứu từ ngữ” trong Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới.
c Đức Chúa Trời muốn các cặp vợ chồng chung sống trọn đời. Ngài chỉ cho phép ly dị và tái hôn khi người hôn phối phạm tội gian dâm (Ma-thi-ơ 19:9). Nếu hôn nhân của bạn đang có vấn đề, Kinh Thánh có thể giúp bạn biết cách giải quyết vấn đề một cách yêu thương và khôn ngoan.
d Để biết thêm thông tin, xin xem bài “Tôi thấy mặc cảm tội lỗi—Kinh Thánh có thể giúp tôi vượt qua không?”.