Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm gì về giáo dục?
Quan điểm của chúng tôi về giáo dục dựa trên các nguyên tắc trong Kinh Thánh. Mỗi Nhân Chứng áp dụng những nguyên tắc dưới đây tùy theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. a
Giáo dục là cần thiết
Mục tiêu của giáo dục là rèn luyện “sự khôn ngoan thiết thực và khả năng suy xét”, là những điều mà Kinh Thánh xem trọng (Châm ngôn 2:10, 11; 3:21, 22). Ngoài ra, Chúa Giê-su cũng bảo các môn đồ dạy về các điều răn mà ngài đã truyền cho họ (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Vì thế, chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện để những người trong hội thánh được giáo dục đầy đủ, bao gồm học kỹ năng đọc, viết và giao tiếp, b cũng như trau dồi kiến thức về tôn giáo và văn hóa.—1 Cô-rinh-tô 9:20-22; 1 Ti-mô-thê 4:13.
Các chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục và thường quy định trẻ em dưới 15 tuổi phải đi học. Chúng tôi tuân thủ quy định ấy, phù hợp với mệnh lệnh sau trong Kinh Thánh: “Mọi người hãy phục tùng các bậc cầm quyền” (Rô-ma 13:1). Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích các em trẻ siêng năng học tập và nỗ lực hết sức, chứ không chỉ học để được lên lớp. c Lý do là vì Kinh Thánh nói: “Hễ làm việc gì thì hãy làm hết mình, như làm cho Đức Giê-hô-va chứ không phải cho con người”.—Cô-lô-se 3:23.
Học để chu cấp cho gia đình. Theo Kinh Thánh, “nếu ai không chu cấp cho những người mình có trách nhiệm chăm sóc, đặc biệt là người nhà mình, thì người ấy đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Ti-mô-thê 5:8). Sự giáo dục ở trường có thể giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả là chu cấp cho gia đình. Cuốn Bách khoa từ điển thế giới cho biết mục tiêu chính của giáo dục là “để người ta trở thành công dân hữu ích cho xã hội với tư cách là... người lao động trong nền kinh tế”. Một người có trình độ tay nghề và được học hành sẽ dễ tìm công việc ổn định để chu cấp cho gia đình hơn so với những người không có tay nghề và không được học hành.—Châm ngôn 22:29.
Cha mẹ cũng chuẩn bị hành trang vào đời cho con, và sự đào tạo ở trường hẳn đóng vai trò quan trọng trong việc này (2 Cô-rinh-tô 12:14). Chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ cho con đi học mặc dù việc học ở nơi mà họ sống rất tốn kém, gặp nhiều bất lợi hoặc đi ngược lại với phong tục địa phương. d Chúng tôi cũng đưa ra các đề nghị thực tế để cha mẹ có thể giúp con trong việc học hành. e
Quan điểm về giáo dục phải thăng bằng
Chúng tôi cân nhắc những lựa chọn về việc học hành. Kinh Thánh nói: “Kẻ ngây ngô tin hết mọi lời, người khôn khéo cân nhắc từng bước” (Châm ngôn 14:15). Chúng tôi áp dụng nguyên tắc này bằng cách thận trọng xem xét những hướng học tiếp sau trung học, chi phí và giá trị thực tiễn của mỗi hướng. Chẳng hạn, học nghề có thể là lựa chọn thực tế vì thời gian đào tạo không quá dài.
Chúng tôi xem việc học những giá trị đạo đức và tâm linh quan trọng hơn. Khác với sự giáo dục ở trường, Kinh Thánh giúp chúng ta có kiến thức về Đức Chúa Trời để được cứu rỗi (Giăng 17:3). Kinh Thánh cũng dạy những giá trị đạo đức, tức là ‘điều công chính, đúng đắn và công bằng, trọn đường lối của điều tốt lành’ (Châm ngôn 2:9). Sứ đồ Phao-lô nhận được sự giáo dục tương đương trình độ đại học thời nay, nhưng ông vẫn thừa nhận “giá trị cao quý của sự hiểu biết về Đấng Ki-tô Giê-su” (Phi-líp 3:8; Công vụ 22:3). Ngày nay, ngay cả những Nhân Chứng Giê-hô-va có trình độ học vấn cao cũng thấy rằng sự giáo dục mà họ nhận được từ Kinh Thánh có giá trị hơn. f
Việc học lên cao tiềm ẩn những mối nguy hiểm về mặt đạo đức và tâm linh
Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Người khôn khéo thấy nguy hiểm và ẩn mình” (Châm ngôn 22:3). Nhân Chứng Giê-hô-va nhận thấy môi trường ở một số trường đại học hoặc cơ sở giáo dục tương tự có nhiều mối nguy hại về mặt đạo đức và tâm linh. Do đó, nhiều Nhân Chứng không để bản thân mình hoặc con cái phải đối mặt với môi trường như thế. Sau đây là một số quan niệm sai mà chúng tôi thấy thường phổ biến trong trường đại học.
Quan niệm sai: Tiền bạc đem lại cuộc sống hạnh phúc và ổn định
Việc học lên cao được cho là hướng đi tốt nhất để có công việc với mức lương hậu hĩnh, vì thế ngày càng có nhiều sinh viên đi học chủ yếu là để sau này kiếm được nhiều tiền. Một số người hy vọng rằng tiền bạc sẽ đem lại cuộc sống hạnh phúc và ổn định, nhưng Kinh Thánh cho thấy đó là suy nghĩ viển vông (Truyền đạo 5:10). Quan trọng hơn, Kinh Thánh cũng dạy rằng “lòng ham tiền là gốc rễ của mọi loại tai hại” và thường khiến người ta mất đức tin (1 Ti-mô-thê 6:10). Nhân Chứng Giê-hô-va nỗ lực để không bị cám dỗ bởi “quyền lực giả dối của sự giàu sang”.—Ma-thi-ơ 13:22.
Quan niệm sai: Học lên cao là để có được danh tiếng hoặc địa vị
Chẳng hạn, ông Nika Gilauri, cựu thủ tướng của nước Georgia, cho biết về một quan điểm phổ biến ở đất nước ông: “Tại Georgia, bằng đại học là biểu tượng không thể thiếu của địa vị xã hội... [Trước đây,] việc không có bằng đại học sẽ làm mất thể diện của gia đình”. g Trái lại, Kinh Thánh khuyên không nên tìm kiếm sự cao trọng trong xã hội. Chúa Giê-su nói với các lãnh đạo tôn giáo tham danh vọng vào thời ngài như sau: “Làm sao các ông tin tôi được khi các ông chấp nhận sự vinh hiển từ nhau?” (Giăng 5:44). Trong môi trường đại học, một người có thể dễ sinh tính cao ngạo, là điều Đức Giê-hô-va ghét.—Châm ngôn 6:16, 17; 1 Phi-e-rơ 5:5.
Quan niệm sai: Mỗi người tự đặt ra tiêu chuẩn về điều đúng và điều sai
Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều đúng và điều sai (Ê-sai 5:20). Theo một bài báo, áp lực từ bạn bè ở trường đại học có thể khiến nhiều sinh viên “quyết định trái với điều mà trước đây họ nhận thức là đúng hoặc sai”. h Nhận xét này phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh sau: “Kết hợp với người xấu sẽ làm hư hỏng những thói quen tốt” (1 Cô-rinh-tô 15:33). Trong môi trường đại học, những hành vi mà Đức Chúa Trời lên án như say sưa, dùng ma túy và quan hệ tình dục ngoài vòng hôn nhân, thường rất phổ biến và đôi khi còn được cổ vũ.—1 Cô-rinh-tô 6:9, 10; 2 Cô-rinh-tô 7:1.
Quan niệm sai: Học lên cao để thay đổi thế giới
Chúng tôi biết nhiều người học lên cao không phải là để tìm kiếm sự giàu sang, danh tiếng hoặc để tự do sống buông thả, mà là để hoàn thiện bản thân và thay đổi thế giới. Đó là những mục tiêu cao cả, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va lựa chọn hướng đi khác. Như Chúa Giê-su, chúng tôi xem Nước Trời là chính phủ duy nhất có thể mang lại một thế giới tốt đẹp (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Tuy nhiên, chúng tôi không thụ động chờ đợi thời điểm mà Nước ấy giải quyết các vấn đề của nhân loại. Noi gương Chúa Giê-su, chúng tôi chia sẻ “tin mừng này về Nước Trời” trên khắp trái đất, nhờ đó mỗi năm giúp hàng trăm ngàn người thay đổi đời sống theo hướng tích cực. i—Ma-thi-ơ 24:14.
a Các Nhân Chứng trẻ vẫn đang sống cùng với cha mẹ nên làm theo nguyện vọng của cha mẹ về học tập, miễn là không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời.—Cô-lô-se 3:20.
b Nhằm mục tiêu ấy, chúng tôi đã phát hành hơn 11 triệu sách dạy chữ, chẳng hạn như sách Gắng công tập đọc và tập viết. Chúng tôi cũng tổ chức các lớp xóa mù chữ ở nhiều nơi trên thế giới trong 120 ngôn ngữ. Từ năm 2003 đến 2017, chúng tôi đã giúp khoảng 70.000 người biết đọc và viết.
c Xin xem bài “Tôi có nên nghỉ học?”.
d Chẳng hạn, chúng tôi khuyến khích cha mẹ cho cả con trai lẫn con gái đi học. Xin xem bài “Tôi có nên cho con đi học không?” trong Tháp Canh ngày 15-3-2003.
e Xin xem bài “Làm sao giúp con cải thiện điểm số?”.
f Xin xem mục “Quan điểm về nguồn gốc sự sống”.
g Sách Practical Economics: Economic Transformation and Government Reform in Georgia 2004—2012, trang 170.
h Báo Journal of Alcohol and Drug Education, Tập 61, Số 1, tháng 4 năm 2017, trang 72.
i Xin xem mục “Kinh Thánh thay đổi đời sống” để biết những câu chuyện có thật cho thấy quyền lực của Kinh Thánh và thông điệp Nước Trời.