Đi đến nội dung

Bản dịch Thế Giới Mới có chính xác không?

Bản dịch Thế Giới Mới có chính xác không?

 Phần đầu của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới được phát hành vào năm 1950. Kể từ đó, một số người nghi ngờ hoặc phê bình về tính chính xác của Bản dịch Thế Giới Mới a vì bản dịch này có một số chỗ khác với những bản dịch khác. Sự khác biệt này thường xuất phát từ một trong những lý do dưới đây.

  •   Đáng tin cậy. Bản dịch Thế Giới Mới được biên soạn dựa trên những nghiên cứu mới nhất và các bản chép tay cổ xưa đáng tin cậy nhất. Ngược lại, bản dịch King James Version năm 1611 dựa vào những bản chép tay thường thiếu chính xác và không cổ bằng những bản được dùng để biên soạn Bản dịch Thế Giới Mới.

  •   Trung thực. Bản dịch Thế Giới Mới cố gắng truyền tải trung thực thông điệp mà Đức Chúa Trời hướng dẫn ghi lại (2 Ti-mô-thê 3:16). Nhiều bản dịch Kinh Thánh đã gạt sự trung thực của thông điệp Đức Chúa Trời sang một bên để theo những truyền thống của con người, chẳng hạn thay thế danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va bằng những tước vị như Chúa hoặc Đức Chúa Trời.

  •   Dịch sát. Khác với các bản diễn ý, Bản dịch Thế Giới Mới dịch sát nhưng vẫn đảm bảo sự tự nhiên hoặc không che khuất ý tưởng nguyên bản. Còn các bản dịch diễn ý có thể đã lồng thêm quan điểm của loài người hoặc loại bỏ những chi tiết quan trọng.

Sự khác biệt giữa Bản dịch Thế Giới Mới và những bản dịch khác

 Không có một số sách. Trong Kinh Thánh của Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính Thống giáo phương Đông có một số sách được biết đến là Ngụy thư. Tuy nhiên, những sách này không được truyền thống Do Thái chấp nhận, và điều đáng lưu ý là Kinh Thánh nói rằng người Do Thái là những người “được giao phó thông điệp của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:1, 2). Vì vậy, Bản dịch Thế Giới Mới và nhiều bản dịch hiện đại khác có lý do chính đáng để loại bỏ những sách Ngụy thư.

 Không có một số câu. Một số bản dịch thêm vào những câu hoặc đoạn không có trong các bản chép tay cổ nhất đã được phát hiện, nhưng Bản dịch Thế Giới Mới loại bỏ những câu ấy. Nhiều bản dịch hiện đại cũng loại ra những câu thêm vào sau này hoặc công nhận rằng những câu ấy không đến từ các nguồn có thẩm quyền. b

 Diễn đạt khác. Đôi khi, những bản dịch từng chữ có thể không rõ ràng hoặc gây hiểu lầm. Chẳng hạn, những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 5:3 thường được dịch như sau: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ); “Phước cho người nghèo khổ trong tâm linh” (Bản Dịch Mới); “Phước cho những ai nghèo thiếu trong tâm linh” (Đặng Ngọc Báu). Nhiều người thấy những cách dịch trên hơi mơ hồ, một số nghĩ rằng Chúa Giê-su đang nhấn mạnh giá trị của sự khiêm nhường hoặc sự nghèo khổ. Tuy nhiên, ý của Chúa Giê-su là hạnh phúc thật đến từ việc nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Bản dịch Thế Giới Mới truyền tải chính xác ý của Chúa Giê-su khi dịch là “những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời”.​—Ma-thi-ơ 5:3. c

Những nhận xét tích cực về Bản dịch Thế Giới Mới của các học giả không phải Nhân Chứng

  •   Trong lá thư đề ngày 8-12-1950, một học giả và dịch giả nổi tiếng tên là Edgar J. Goodspeed viết về Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) như sau: “Tôi rất chú ý đến công việc rao truyền tin mừng của quý vị và phạm vi hoạt động trên khắp thế giới của công việc này, và tôi rất hài lòng với bản dịch thoáng, rõ ràng và sinh động [của quý vị]. Đó là một công trình đòi hỏi sự nghiên cứu công phu và chính xác, như tôi có thể chứng thực”.

    Edgar J. Goodspeed

  •   Giáo sư Allen Wikgren thuộc Trường đại học Chicago nói rằng thay vì dịch từ các bản dịch khác, Bản dịch Thế Giới Mới là một bản dịch dùng ngôn ngữ hiện đại và có “những nét riêng biệt xuất sắc”.​—The Interpreter’s Bible, Tập I, trang 99.

  •   Về Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền), học giả Kinh Thánh người Anh là Alexander Thomson viết: “Bản dịch này rõ ràng là công trình của những học giả tài giỏi và khéo léo, những người đã tìm cách làm sáng tỏ ý nghĩa chính xác nhất của văn bản Hy Lạp mà tiếng Anh có thể diễn đạt”.—The Differentiator, tháng 4 năm 1952, trang 52-57.

  •   Dù cảm thấy một số cách diễn đạt trong Bản dịch Thế Giới Mới hơi khác thường, học giả Charles Francis Potter nói: “Chắc chắn những dịch giả ẩn danh đã dùng các bản chép tay tốt nhất, cả tiếng Hy Lạp lẫn Hê-bơ-rơ, và có hiểu biết sâu rộng và nhạy bén”.​—The Faiths Men Live By, trang 300.

  •   Nhận thấy Bản dịch Thế Giới Mới có những nét riêng biệt và ưu việt, ông Robert M. McCoy kết luận quan điểm của mình bằng cách tuyên bố: “Bản dịch phần Tân Ước chứng tỏ các học giả [Nhân Chứng Giê-hô-va] có đủ khả năng để giải quyết một cách tài tình nhiều vấn đề trong việc dịch Kinh Thánh”.​—Andover Newton Quarterly, tháng 1 năm 1963, trang 31.

  •   Giáo sư S. MacLean Gilmour dù không đồng ý với một số cách diễn đạt trong Bản dịch Thế Giới Mới, nhưng vẫn công nhận rằng những dịch giả của bản dịch này “am hiểu sâu sắc về tiếng Hy Lạp”.​—Andover Newton Quarterly, tháng 9 năm 1966, trang 26.

  •   Dù cho rằng Bản dịch Thế Giới Mới dịch từ một phần của bản Kingdom Interlinear Translation of the Greek Scriptures, Phó giáo sư Thomas N. Winter viết: “Bản dịch của ủy ban ẩn danh được cập nhật rất kỹ lưỡng, chính xác và thống nhất”.​—The Classical Journal, tháng 4 và 5 năm 1974, trang 376.

  •   Giáo sư Benjamin Kedar-Kopfstein, một học giả người Hê-bơ-rơ ở Y-sơ-ra-ên, nói vào năm 1989: “Khi nghiên cứu ngôn ngữ liên quan đến Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ và các bản dịch, tôi thường tham khảo cuốn gọi là Bản dịch Thế Giới Mới bằng tiếng Anh. Khi làm thế, tôi thấy mình nhiều lần được khẳng định là bản dịch này phản ánh nỗ lực chân thành để hiểu nguyên bản một cách chính xác nhất có thể”.

  •   Dựa trên những nghiên cứu về chín bản dịch chính trong tiếng Anh, ông Jason David BeDuhn, một phó giáo sư chuyên về tôn giáo, viết: Bản NW [Bản dịch Thế Giới Mới] chứng tỏ là bản dịch chính xác nhất trong các bản được so sánh”. Công chúng và nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng các điểm khác biệt trong Bản dịch Thế Giới Mới là do thiên kiến tôn giáo của những người dịch. Nhưng ông BeDuhn nói: “Phần lớn những khác biệt là do bản NW chính xác hơn nhiều, dịch sát theo nghĩa đen và giữ đúng cách diễn đạt nguyên thủy của những người viết phần Tân Ước”.​—Truth in Translation, trang 163, 165.

a Các ấn bản của Bản dịch Thế Giới Mới trong tiếng Anh trước khi có bản hiệu đính năm 2013.

b Chẳng hạn, hãy xem Bản Phổ thôngBản Truyền thống. Những câu được thêm vào là Ma-thi-ơ 17:21; 18:11; 23:14; Mác 7:16; 9:44, 46; 11:26; 15:28; Lu-ca 17:36; 23:17; Công vụ 8:​37; 15:34; 24:7; 28:29Rô-ma 16:24. Hàng trăm năm sau khi Kinh Thánh được viết ra, bản dịch Trịnh Văn CănTrần Đức Huân đã thêm đoạn về Chúa Ba Ngôi vào 1 Giăng 5:​7, 8.

c Tương tự, bản dịch của J. B. Phillips dịch lời của Chúa Giê-su là “những người biết mình cần Đức Chúa Trời” và bản The Translator’s New Testament dịch là “những người ý thức về nhu cầu tâm linh”.