Đi đến nội dung

Lễ mãn khóa thứ 133 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh

Thứ Bảy, ngày 8-9-2012

Lễ mãn khóa thứ 133 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh

Sau năm tháng nghiên cứu Kinh Thánh kỹ lưỡng, 48 học viên đã tốt nghiệp Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh tại Trung tâm Giáo dục của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Patterson, New York. Chương trình tốt nghiệp có sự tham gia của 9.694 người, bao gồm gia đình, bạn bè và những người đến chúc mừng các học viên tốt nghiệp.

Kể từ năm 1943, có hơn 8000 người rao truyền có kinh nghiệm đã được huấn luyện cho công việc giáo sĩ. Khóa học này sử dụng Kinh Thánh là sách giáo khoa chính nhằm củng cố đức tin của các học viên và giúp họ vun trồng những phẩm chất tin kính cần thiết để họ có thể thành công trong công việc giáo sĩ.

“Cẩn thận xem xét những điều đáng yêu quý”. Anh Anthony Morris, một thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va và là chủ tọa của chương trình, nói lời bình luận mở đầu dựa trên Phi-líp 4:8: “Điều gì đáng yêu quý,… hãy tiếp tục nghĩ đến”.

Anh Morris chỉ ra rằng việc nghĩ đến những điều đáng yêu quý có thể giúp chúng ta giữ tâm trí tích cực trước thế gian không tin kính. Anh nói: “Hãy luôn chú ý đến những điều đáng yêu quý và hãy trở thành những người đáng được người khác yêu quý”.

Chẳng hạn, Cha trên trời của chúng ta nêu gương xuất sắc về việc không tập trung vào lỗi lầm của chúng ta (Thi thiên 130:3). Anh Morris khuyến giục chúng ta: “Đừng tập trung vào lỗi lầm của anh chị em chúng ta và hãy luôn là những người đáng yêu quý”.

“Tiếp nhận tri thức nhưng đừng tỏ ra khôn ngoan quá”. Anh Harold Corkern, một thành viên của Ủy ban Chi nhánh Hoa Kỳ khai triển chủ đề dựa trên Truyền đạo 7:16. Đức Chúa Trời muốn chúng ta sử dụng kiến thức đúng cách và không để kiến thức “khiến chúng ta nghĩ mình giỏi hơn người khác”.

Anh Corkern cũng cho thấy chúng ta cần phải nhân từ khi đưa ra lời khuyên hay sự sửa dạy. Chúng ta không nên đòi hỏi nhiều hơn những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi người khác. Anh Corkern khuyến khích các học viên: “Hãy sử dụng sự khôn ngoan, sự hiểu biết và kiến thức đúng cách. Khi làm vậy, các anh em sẽ thích ở bên anh chị”.

“Không quên công việc của Đức Chúa Trời” (Thi thiên 78:7). Anh Guy Pierce thuộc Hội đồng Lãnh đạo bắt đầu bài giảng bằng cách giải thích rằng hành vi của đứa trẻ, dù tốt hay xấu, phản ánh bố mẹ của em ấy (Châm ngôn 20:11). Tương tự, hành vi của chúng ta cũng phản ánh Cha trên trời của chúng ta. “Con cái Đức Chúa Trời và con cái Ác Quỷ được thấy rõ qua điều này: Người nào không bước đi trong sự công chính thì không thuộc về Đức Chúa Trời”.—1 Giăng 3:10.

Anh Pierce nói rằng các học viên được mời tham dự trường Ga-la-át vì họ có những phẩm chất tốt của tín đồ Đấng Ki-tô, trong đó có tính khiêm nhường. Anh nhắc nhở họ cần tiếp tục khiêm nhường. Sự giáo dục mà họ nhận được không khiến họ cao hơn người khác. Thay vì thế, giờ đây họ có một vị thế tốt hơn để góp phần vào sự hợp nhất của đoàn thể anh em quốc tế và nêu gương mẫu về tính khiêm nhường (Thi thiên 133:1). Anh Pierce nói: “Giờ đây các anh chị đã có nền tảng để tiếp tục gia tăng kiến thức và sự hiểu biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.

“Chúng tôi chỉ làm bổn phận của mình”. Anh William Samuelson, giám thị của Ban phụ trách các trường thần quyền đã nêu lên câu hỏi: “Chúng ta có sẵn lòng chấp nhận nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao ngay cả khi chúng ta không muốn không?”. Chúng ta có thể học từ lời nói được ghi lại nơi Lu-ca 17:7-10: “Khi anh em làm xong mọi việc được giao, hãy nói: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm bổn phận của mình’”. Khi so sánh với người Chủ của chúng ta là Đức Giê-hô-va, chúng ta thực sự “vô dụng”.

Những học viên đã dành hàng tuần để nghiên cứu trong lớp học. Một vài anh chị có thể thấy điều này không dễ. Anh Samuelson nói: “Nhưng các anh chị đã làm bổn phận của mình và giờ đây anh chị đã nhận được lợi ích, đó là đức tin của anh chị được gia tăng”. Rồi anh Samuelson kết luận: “Là quản gia được tin cậy, mong sao các anh chị trân trọng đặc ân được phụng sự người Chủ của vũ trụ”.

“Nhớ đến lời đảm bảo của Đức Giê-hô-va khi đối mặt với thử thách”. Anh Sam Roberson, trợ lý giám thị Ban phụ trách các trường thần quyền, cho biết rằng đôi lúc các học viên sẽ phải đối mặt với sự nản lòng. Vì vậy, anh khuyên các học viên ghi nhớ lại những nhân vật trong Kinh Thánh đã nhận được sự khích lệ từ Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, Môi-se đã trấn an Giô-suê rằng: “Đức Giê-hô-va… sẽ không để mặc hay bỏ rơi anh” (Phục truyền luật lệ 31:8). Vào cuối đời, Giô-suê có thể nói rằng: “Trong các lời hứa tốt lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán với anh em, chẳng một lời nào không thành hiện thực”.—Giô-suê 23:14.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời hứa với các tôi tớ của ngài rằng: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con” (Hê-bơ-rơ 13:5). Ngài đảm bảo rằng ngài sẽ hành động đúng với ý nghĩa của danh ngài là Giê-hô-va (“Đấng làm cho trở thành”) và trở thành bất cứ vai trò nào để chăm sóc tôi tớ của ngài. Anh Roberson khuyến giục: “Đừng bao giờ để bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va”.

“Lời chứng chúng lan ra khắp địa cầu” (Rô-ma 10:18). Với sự dẫn dắt của giảng viên trường Ga-la-át là anh Mark Noumair, các học viên từ nhiều quốc gia đã kể lại hoặc diễn lại những kinh nghiệm thú vị mà họ có trong thánh chức ở quanh vùng Patterson. Chẳng hạn, một cặp vợ chồng Nam Phi rất vui mừng khi gặp ba người phụ nữ từ đất nước của họ và họ đã nói chuyện với nhau bằng tiếng Zulu và Xhosa. Một cặp vợ chồng khác từ Sri Lanka gặp một người Ấn Độ có vợ và con sống ở Sri Lanka. Người đàn ông ấy chưa thấy Kinh Thánh bao giờ, vì thế cặp vợ chồng đã tặng cho ông một cuốn.

“Được trang bị để làm mọi việc lành”. Anh Gene Smalley, trợ giúp Ủy ban Biên tập, đã phỏng vấn hai cặp vợ chồng tốt nghiệp. Cặp vợ chồng từ Sierra Leone đã kể lại mỗi ngày họ phải đi gánh nước về nhà để dùng. Tuy nhiên, những khó khăn đó không là gì so với niềm vui khi được điều khiển 50 cuộc học hỏi Kinh Thánh với những người chú ý. Cả bốn học viên tốt nghiệp bày tỏ lòng biết ơn trước cách mà khóa học đã giúp họ được trang bị để làm mọi việc lành trong nhiệm sở tương lai.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

“Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng và hơn nữa”. Anh Gerrit Lösch, một thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo, bắt đầu bài giảng chính bằng việc giải thích làm thế nào những vận động viên chạy đường dài duy trì tốc độ để chắc chắn rằng họ sẽ hoàn thành cuộc đua thành công. Trong khi cuộc chạy đua thể thao chỉ có một người thắng cuộc thì với cuộc chạy đua của tín đồ Đấng Ki-tô, tất cả những ai chạy về đích đều thắng cuộc.

Sự chịu đựng có nghĩa là không ngừng phụng sự Đức Chúa Trời, không mất hy vọng khi đối mặt với những trở ngại, sự bắt bớ, thử thách, hay nỗi thất vọng. Chúa Giê-su nói: “Ai bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13). Thật ấm lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su để ý đến sự chịu đựng của chúng ta! Sau đó, anh Lösch cho biết một vài điểm có thể giúp chúng ta chịu đựng bất kể khó khăn. Trong số đó là những điểm dưới đây:

  • Cầu nguyện với Đức Chúa Trời, là “đấng ban sức chịu đựng” và là “đấng hằng ngày mang gánh nặng chúng ta”.—Rô-ma 15:5; Thi thiên 68:19.

  • Quyết tâm không thỏa hiệp, tin chắc rằng “Đức Chúa Trời là đấng trung tín, ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng sẽ mở lối thoát, hầu anh em có thể chịu đựng trong lúc bị cám dỗ”.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

  • Đừng đánh mất hy vọng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. “Vì niềm vui đặt trước mặt mà [Chúa Giê-su] chịu đựng cây khổ hình”.—Hê-bơ-rơ 12:2.

Anh Lösch nhấn mạnh rằng giờ đây, chúng ta đã đến rất gần đích nên đây không phải là lúc để bỏ cuộc. “Hãy bền bỉ chạy cuộc đua đặt trước mặt mình”.—Hê-bơ-rơ 12:1.

Vào cuối chương trình, một học viên đã thay mặt những học viên tốt nghiệp đọc một lá thư bày tỏ sự biết ơn về sự huấn luyện thực tế mà họ nhận được. Lá thư đề cập rằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng Kinh Thánh và học Kinh Thánh theo trình tự thời gian không những giúp họ hiểu biết sâu sắc hơn về ý định của Đức Chúa Trời mà còn củng cố đức tin của họ rất nhiều. Lá thư cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ quyết tâm áp dụng những điều hay mà mình học được”.