Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG HAI

Kinh Thánh—Quyển sách từ Đức Chúa Trời

Kinh Thánh—Quyển sách từ Đức Chúa Trời
  • Kinh Thánh khác biệt với các sách khác về phương diện nào?

  • Kinh Thánh giúp bạn đối phó với vấn đề cá nhân như thế nào?

  • Tại sao bạn có thể tin cậy các lời tiên tri trong Kinh Thánh?

1, 2. Điều gì cho thấy Kinh Thánh là một món quà thích thú đến từ Đức Chúa Trời?

BẠN có nhớ lúc nhận được món quà đặc biệt của một người bạn thân không? Chắc hẳn bạn không những thích thú mà còn ấm lòng nữa. Món quà thường cho biết điều gì đó về người tặng—người ấy quý tình bằng hữu giữa hai người. Chắc chắn bạn đã tỏ lòng biết ơn về món quà đầy ý nghĩa đó.

2 Kinh Thánh là món quà của Đức Chúa Trời, một món quà mà chúng ta nên thật lòng biết ơn. Cuốn sách có một không hai này cho biết về những điều mà chúng ta không thể biết được bằng cách nào khác. Thí dụ, sách ấy cho biết về sự sáng tạo bầu trời, trái đất, người đàn ông và người đàn bà đầu tiên. Kinh Thánh chứa đựng những nguyên tắc đáng tin cậy giúp chúng ta đối phó với những vấn đề và lo lắng trong cuộc sống. Sách ấy cho biết cách Đức Chúa Trời sẽ thực hiện ý định và đem lại tình trạng tốt hơn trên đất. Kinh Thánh thật là một món quà thích thú!

3. Sự kiện Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta cuốn Kinh Thánh chứng tỏ điều gì, và tại sao điều này làm ấm lòng?

3 Kinh Thánh cũng là một món quà làm ấm lòng vì cho chúng ta biết điều gì đó về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng ban sách ấy. Sự kiện Ngài cung cấp một quyển sách như thế chứng tỏ là Ngài muốn chúng ta tìm hiểu để biết rõ về Ngài. Quả thật, Kinh Thánh có thể giúp bạn đến gần Đức Giê-hô-va.

4. Bạn thấy điểm nào nổi bật về việc phổ biến Kinh Thánh?

4 Nhiều người trên thế giới có Kinh Thánh. Toàn bộ hay một phần của Kinh Thánh đã được phát hành hơn 2.300 thứ tiếng và vì vậy hơn 90 phần trăm dân số trên thế giới có thể có được. Trung bình, hơn một triệu cuốn được phân phát mỗi tuần! Hàng tỷ cuốn Kinh Thánh, trọn bộ hay một phần, đã được xuất bản. Chắc chắn không có sách nào khác giống Kinh Thánh.

“New World Translation of the Holy Scriptures” (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới) được xuất bản trong nhiều thứ tiếng

5. Tại sao có thể nói rằng Kinh Thánh là “lời của Đức Chúa Trời”?

5 Hơn nữa, Kinh Thánh là “bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Bằng cách nào? Kinh Thánh tự trả lời: ‘Bởi Thánh-Linh cảm-động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời’. (2 Phi-e-rơ 1:21) Để minh họa: Một người chủ bảo thư ký viết một lá thư. Thư đó là ý tưởng và lời chỉ dẫn của ông. Vì vậy, đó chính là thư của ông, chứ không phải của người thư ký. Tương tự thế, Kinh Thánh chứa đựng thông điệp của Đức Chúa Trời chứ không phải của những người ghi lại. Vì vậy, cả Kinh Thánh thật sự là “lời của Đức Chúa Trời”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

HÒA HỢP VÀ CHÍNH XÁC

6, 7. Tại sao sự hòa hợp giữa các phần trong Kinh Thánh là điều đặc biệt đáng chú ý?

6 Kinh Thánh được viết trong khoảng thời gian 1.600 năm. Những người viết sống trong những thời kỳ khác nhau và thuộc mọi tầng lớp xã hội. Một số là nông dân, người chài lưới và chăn chiên. Những người khác là tiên tri, quan xét và vua. Người viết Phúc Âm Lu-ca là một y sĩ. Bất kể những người viết có lai lịch khác nhau, Kinh Thánh vẫn hòa hợp từ đầu đến cuối. *

7 Sách đầu tiên của Kinh Thánh cho biết những vấn đề của nhân loại bắt đầu như thế nào. Sách cuối cùng cho biết cả trái đất sẽ trở thành địa đàng, hay lạc viên. Nội dung của Kinh Thánh bao gồm hàng ngàn năm lịch sử, giúp chúng ta hiểu ý định Đức Chúa Trời và ý định ấy được thực hiện như thế nào. Sự hòa hợp của Kinh Thánh rất đáng chú ý, và đó chính là điều chúng ta mong muốn nơi một quyển sách đến từ Đức Chúa Trời.

8. Hãy cho thí dụ chứng tỏ Kinh Thánh chính xác về khoa học.

8 Kinh Thánh chính xác về khoa học. Sách này còn nói về những điều mà thời đó chưa ai hiểu. Thí dụ, sách Lê-vi Ký có những điều luật về sự cách ly và vệ sinh cho dân Y-sơ-ra-ên xưa, trong khi các nước láng giềng không biết gì về những vấn đề đó. Vào lúc người ta hiểu sai về hình dạng trái đất, Kinh Thánh cho biết nó có hình cầu. (Ê-sai 40:22) Kinh Thánh nói rất chính xác là trái đất ‘treo trong khoảng không-không’. (Gióp 26:7) Dĩ nhiên Kinh Thánh không phải là sách về khoa học, nhưng khi đề cập đến vấn đề khoa học thì đều chính xác. Chẳng phải chúng ta mong muốn điều đó nơi một quyển sách đến từ Đức Chúa Trời hay sao?

9. (a) Bằng những cách nào Kinh Thánh chứng tỏ chính xác và đáng tin về lịch sử? (b) Tính chân thật của những người viết cho bạn biết gì về Kinh Thánh?

9 Về lịch sử, Kinh Thánh cũng chính xác và đáng tin cậy. Lời tường thuật trong đó nói rất rõ chi tiết, không những nêu tên mà còn nêu cả dòng họ của người được nói đến. * Các sử gia thế tục thường không đề cập đến những chiến bại của dân họ, nhưng ngược lại, những người viết Kinh Thánh thì chân thật, ghi lại những nhược điểm của chính mình và của những người trong nước họ. Chẳng hạn trong sách Dân-số Ký của Kinh Thánh, Môi-se thú nhận lỗi lầm nghiêm trọng của chính mình mà đã khiến ông bị khiển trách nặng. (Dân-số Ký 20:2-12) Tính chân thật như thế ít thấy trong những lời tường thuật lịch sử khác nhưng lại thấy trong Kinh Thánh vì là một quyển sách từ Đức Chúa Trời.

MỘT SÁCH CHỨA SỰ KHÔN NGOAN THIẾT THỰC

10. Tại sao sự kiện Kinh Thánh là một quyển sách có giá trị thực tế không đáng ngạc nhiên?

10 Vì Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn nên rất “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Thật vậy, Kinh Thánh là một quyển sách có giá trị thực tế, và phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về bản tính con người. Chúng ta không ngạc nhiên về điều này, vì Tác Giả Kinh Thánh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa! Ngài hiểu sự suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta hơn chính chúng ta. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va biết chúng ta cần gì để có hạnh phúc. Ngài cũng biết chúng ta nên tránh những đường lối nào.

11, 12. (a) Chúa Giê-su bàn luận về những đề tài nào trong Bài Giảng trên Núi? (b) Những vấn đề thực tế nào khác được Kinh Thánh nói đến, và tại sao lời khuyên trong đó bất hủ?

11 Hãy xem xét lời giảng dạy của Chúa Giê-su trong Bài Giảng trên Núi được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 5 đến 7. Trong bài giảng tuyệt hay này, Chúa Giê-su nói về một số đề tài, kể cả cách tìm hạnh phúc thật, cách giải quyết những tranh cãi, cách cầu nguyện và có quan điểm đúng đắn về của cải vật chất. Lời Chúa Giê-su không những thực tế và có tác động mạnh vào thời đó mà cả thời nay nữa.

12 Một số nguyên tắc Kinh Thánh áp dụng cho đời sống gia đình, thói quen làm việc và mối quan hệ với người khác. Nguyên tắc Kinh Thánh áp dụng cho mọi người và lời khuyên trong đó luôn luôn hữu ích. Sự khôn ngoan tìm thấy trong Kinh Thánh được tóm tắt bằng lời này qua nhà tiên tri Ê-sai: “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích”.—Ê-sai 48:17.

MỘT SÁCH TIÊN TRI

Người viết Kinh Thánh, Ê-sai, báo trước về sự sụp đổ của Ba-by-lôn

13. Đức Giê-hô-va soi dẫn nhà tiên tri Ê-sai ghi lại những chi tiết nào về Ba-by-lôn?

13 Kinh Thánh có vô số lời tiên tri, nhiều lời đã được ứng nghiệm. Hãy xem xét một trường hợp. Qua nhà tiên tri Ê-sai sống vào thế kỷ thứ tám TCN, Đức Giê-hô-va báo trước rằng thành Ba-by-lôn sẽ bị hủy diệt. (Ê-sai 13:19; 14:22, 23) Nhiều chi tiết được nêu ra để biết chính xác thành này sẽ bị chinh phục như thế nào. Quân xâm chiếm sẽ làm khô cạn dòng sông ở Ba-by-lôn và vào thành mà không cần đánh trận. Không chỉ có thế, lời tiên tri Ê-sai còn nêu đích danh vị vua sẽ chinh phục Ba-by-lôn: đó là Si-ru.—Ê-sai 44:27–45:2.

14, 15. Một số chi tiết của lời tiên tri Ê-sai về Ba-by-lôn được ứng nghiệm như thế nào?

14 Khoảng 200 năm sau—vào đêm mồng 5 rạng mồng 6 tháng 10 năm 539 TCN—có một đạo quân đóng trại gần Ba-by-lôn. Người chỉ huy là ai? Một vị vua Phe-rơ-sơ (Ba Tư) tên là Si-ru. Tình thế lúc ấy đã sẵn sàng cho sự ứng nghiệm lạ lùng của lời tiên tri này. Nhưng quân của Vua Si-ru sẽ chiếm được thành Ba-by-lôn mà không cần đánh như đã được tiên tri không?

15 Đêm ấy, người Ba-by-lôn đang mở tiệc và cảm thấy an toàn bên trong tường thành to lớn. Trong lúc đó, Si-ru tài tình rẽ nước sông về hướng khác, không cho chảy vào thành. Chẳng bao lâu nước hạ thấp đến độ quân lính có thể băng qua lòng sông và tiến đến tường thành. Nhưng làm sao quân của Si-ru vượt qua tường thành Ba-by-lôn? Vì lý do nào không rõ, cửa thành đêm ấy bất cẩn để mở!

16. (a) Ê-sai báo trước điều gì về kết cuộc của Ba-by-lôn? (b) Lời tiên tri của Ê-sai về sự hoang vu của Ba-by-lôn được ứng nghiệm như thế nào?

16 Nói về Ba-by-lôn, Kinh Thánh báo trước: “Nó sẽ chẳng hề có người ở nữa, trải đời nọ sang đời kia không ai ở đó; người A-rạp không đóng trại tại đó, những kẻ chăn cũng chẳng cầm bầy mình ở đó”. (Ê-sai 13:20) Lời tiên tri này không chỉ báo trước về sự sụp đổ của Ba-by-lôn mà còn cho thấy thành này sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn. Bạn có thể thấy bằng chứng sự ứng nghiệm của những lời này. Địa điểm của thành Ba-by-lôn xưa—khoảng 80 kilômét phía nam Baghdad, Iraq—hiện nay không có ai ở là bằng chứng cho thấy những gì Đức Giê-hô-va nói qua tiên tri Ê-sai đã được ứng nghiệm: “Ta sẽ dùng chổi hủy-diệt mà quét nó”.—Ê-sai 14:22, 23. *

Tàn tích của thành Ba-by-lôn

17. Sự ứng nghiệm của lời tiên tri Kinh Thánh làm vững đức tin chúng ta như thế nào?

17 Biết được Kinh Thánh là một sách có lời tiên tri đáng tin cậy hẳn làm vững đức tin của chúng ta, phải không? Nói cho cùng, nếu Giê-hô-va Đức Chúa Trời thực hiện những lời hứa của Ngài trong quá khứ thì chúng ta có mọi lý do để tin rằng Ngài sẽ thực hiện lời hứa về địa đàng. (Dân-số Ký 23:19) Thật vậy, chúng ta “trông-cậy sự sống đời đời,—là sự sống mà Đức Chúa Trời không thể nói dối đã hứa từ muôn đời về trước”.—Tít 1:2. *

“LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ LỜI SỐNG”

18. Sứ đồ Phao-lô nói gì về “lời của Đức Chúa Trời”?

18 Qua những gì chúng ta xem xét trong chương này, rõ ràng Kinh Thánh là sách có một không hai. Nhưng giá trị của sách này không phải chỉ là sự hòa hợp về nội dung, sự chính xác về khoa học và lịch sử, sự khôn ngoan thiết thực và lời tiên tri đáng tin cậy. Sứ đồ của Đấng Christ là Phao-lô viết: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng”.—Hê-bơ-rơ 4:12.

19, 20. (a) Kinh Thánh có thể giúp bạn kiểm điểm chính mình như thế nào? (b) Bằng cách nào bạn có thể tỏ lòng biết ơn đối với món quà có một không hai của Đức Chúa Trời tức là Kinh Thánh?

19 Đọc “lời” tức là thông điệp của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh có thể thay đổi đời sống chúng ta. Lời này có thể giúp chúng ta kiểm điểm chính mình theo cái nhìn mới. Chúng ta có thể cho rằng mình yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng cách chúng ta phản ứng trước những điều Kinh Thánh dạy sẽ cho chúng ta biết ý tưởng thầm kín, ngay cả những động lực trong lòng mình.

20 Kinh Thánh quả thật là một sách đến từ Đức Chúa Trời. Đó là một quyển sách nên đọc, học hỏi và yêu thích. Hãy chứng tỏ bạn biết ơn món quà này của Đức Chúa Trời bằng cách tiếp tục xem xét kỹ nội dung của Kinh Thánh. Bạn sẽ có sự hiểu biết sâu xa về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Ý định này là gì và được thực hiện như thế nào sẽ được bàn đến trong chương kế tiếp.

^ đ. 6 Mặc dù một số người nói rằng vài phần trong Kinh Thánh mâu thuẫn với nhau, nhưng nói thế là vô căn cứ. Hãy xem chương 7 trong sách Kinh Thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người? do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 9 Chẳng hạn, hãy lưu ý chi tiết về dòng họ của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 3:23-38.

^ đ. 16 Muốn biết thêm về lời tiên tri của Kinh Thánh, xem trang 27-29 trong sách mỏng Cuốn sách cho muôn dân, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 17 Sự hủy diệt Ba-by-lôn chỉ là một thí dụ về sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh. Những thí dụ khác là sự hủy diệt của Ty-rơ và Ni-ni-ve. (Ê-xê-chi-ên 26:1-5; Sô-phô-ni 2:13-15) Và lời tiên tri của Đa-ni-ên báo trước về những đế quốc lần lượt theo sau Ba-by-lôn. Những đế quốc này bao gồm Mê-đi Phe-rơ-sơ và Gờ-réc. (Đa-ni-ên 8:5-7, 20-22) Xin xem Phụ Lục, trang 199-201, để biết thêm nhiều lời tiên tri về Đấng Mê-si được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su Christ.