Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nạn tàn sát tập thể có thể tái diễn không?

Nạn tàn sát tập thể có thể tái diễn không?

Nạn tàn sát tập thể có thể tái diễn không?

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở THỤY ĐIỂN

VÀO ngày 26-​28 tháng Giêng năm 2000, các nguyên thủ quốc gia và các đại diện của 48 chính phủ từ khắp nơi trên thế giới đã họp lại tại thủ đô Thụy Điển trong Cuộc Hội Thảo Quốc Tế Stockholm về cuộc tàn sát tập thể thời Quốc Xã. Một số lời phát biểu trên diễn đàn cho thấy là các nhà lãnh đạo thế giới lo sợ chủ nghĩa Quốc Xã sẽ trở lại. Nguyên thủ tướng Do Thái là Ehud Barak nói: “Hội nghị này truyền một thông điệp ra khắp thế giới: Không bao giờ nhân nhượng, ở bất cứ nơi nào trên mặt đất, một chế độ độc ác, sát nhân và kỳ thị giữa loài người dựa trên tôn giáo, chủng tộc hoặc màu da”.

Không chỉ là mối quan tâm của người Do Thái

Nhiều người trên thế giới nghĩ rằng chỉ có người Do Thái bị tàn sát trong thời Quốc Xã. Tuy nhiên, cũng có những nạn nhân khác nữa. Trong những ngày cuộc hội thảo diễn ra, một buổi lễ tưởng niệm những người Do Thái bị tàn sát tập thể đã được tổ chức tại nhà hội Great Synagogue ở Stockholm và đã được thông tin rộng rãi. Tại buổi lễ này, thủ tướng Thụy Điển đề nghị các nước hãy cam kết mở ra tất cả văn khố khắp thế giới để quần chúng hiểu rõ về cuộc tàn sát tập thể đó. Ông nói: “Hãy cho người ta biết về họa diệt chủng dân du cư Roma [gipxi], cuộc thảm sát hàng loạt những người tàn tật, cũng như sự ngược đãi và sát hại những người đồng tính luyến ái, người bất đồng quan điểm và Nhân Chứng Giê-hô-va”.

Chính phủ Thụy Điển đã phát hành một cuốn sách về cuộc tàn sát tập thể này, mang tựa đề Tell Ye Your Children, đã được phân phát miễn phí khắp nước cho mọi gia đình có trẻ em. Cuốn sách này ghi nhận rằng Nhân Chứng Giê-hô-va “từ chối tuyên thệ trung thành với Hitler và Đức Quốc Xã. Hành động chống cự này thật hiếm có, vì chỉ cần ký giấy tuyên bố trung thành là họ sẽ không còn bị ngược đãi​—⁠thế mà chẳng mấy ai chọn làm thế”.

Cuộc tàn sát tập thể và Nhân Chứng Giê-hô-va

Vào năm 1933, có khoảng 25.000 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức. Hàng ngàn những người này nằm trong số những người đầu tiên bị bỏ vào các trại và nhà tù của Quốc Xã. Với tư cách tín đồ Đấng Christ, họ tuyên bố lập trường trung lập đối với mọi hoạt động chính trị và quân sự. Họ không hoan hô Hitler. Họ từ chối chấp nhận hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc của Quốc Xã và không tham gia vào guồng máy chiến tranh của Hitler. Khoảng 2.000 người chết, trong số đó có hơn 250 người chết vì bị hành quyết.

Ngoài ra, những tù nhân Nhân Chứng giúp các tù nhân khác chịu đựng, kể cả người Do Thái và những người khác, bằng cách giúp họ thấm nhuần hy vọng dựa trên Kinh Thánh và chia sẻ bất cứ thứ gì mình có với những người bệnh và yếu đuối, thường là vài mẩu bánh cuối cùng. Trong những năm đầu bị Quốc Xã ngược đãi, các Nhân Chứng cũng lén truyền ra ngoài thông tin về sự hiện hữu của trại tập trung và điều gì xảy ra trong các trại này. Kể từ đó, qua hai tạp chí lưu hành khắp thế giới là Tháp Canh Tỉnh Thức!, họ đã đăng rất nhiều bài nói về sự tàn bạo của Quốc Xã cũng như các tự truyện của những người sống sót.

Mối lo sợ chủ nghĩa Quốc Xã sẽ trở lại thể hiện rõ rệt trong vòng các đại biểu tại Cuộc Hội Thảo Quốc Tế Stockholm về cuộc tàn sát tập thể. Giáo sư Yehuda Bauer, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế về cuộc tàn sát tập thể thời Quốc Xã, tại Học Viện của Người Do Thái Đương Thời, ở Do Thái, phát biểu như sau: “Vì cuộc tàn sát đã xảy ra một lần, nó có thể tái diễn, không dưới cùng một hình thức, không nhất thiết xảy ra cho cùng nhóm người, do cùng nhóm người gây ra mà cho bất cứ ai, do bất cứ ai. Trước kia nó chưa từng xảy ra, nhưng bây giờ đã có tiền lệ”.

[Hình nơi trang 28]

Tam giác tím giúp nhận diện Nhân Chứng Giê-hô-va trong các trại

[Các hình nơi trang 28, 29]

1. Julius Engelhardt, một Nhân Chứng Giê-hô-va, bị Quốc Xã hành quyết tại Brandenburg vào ngày 14-8-1944

2. Ba Nhân Chứng Giê-hô-va trên đường về nhà sau khi được thả ra khỏi trại Sachsenhausen, năm 1945

3. Elsa Abt, một Nhân Chứng phải lìa xa đứa con nhỏ và bị tù gần ba năm

[Nguồn tư liệu]

Nordrhein-Westfälisches Hauptstaatsarchiv, Düsseldorf

[Các hình nơi trang 29]

Các Nhân Chứng sống sót kể lại kinh nghiệm của họ trong những băng video này