Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự đa dạng—Thiết yếu cho sự sống

Sự đa dạng—Thiết yếu cho sự sống

Sự đa dạng​—⁠Thiết yếu cho sự sống

VÀO thập niên 1840, dân số nước Ireland vượt lên trên mức tám triệu người, làm cho xứ này có mật độ cao nhất Âu Châu. Thức ăn chính của người dân xứ này là khoai tây, và chỉ có giống lumpers, một giống khoai tây, được trồng nhiều nhất.

Vào năm 1845, giống khoai lumpers vẫn được nông dân trồng như thường lệ, nhưng lại bị bệnh rụi tàn phá và người ta gần như bị mất toàn bộ vụ mùa. Paul Raebum viết trong sách The Last Harvest—The Genetic Gamble That Threatens to Destroy American Agriculture: “Phần lớn dân Ireland vượt qua được năm khó khăn ấy. Sự tàn phá xảy ra vào năm sau. Nông dân không có cách nào khác ngoài việc trồng lại giống khoai tây đó. Họ không có giống nào khác. Bệnh rụi đã tàn phá vụ mùa lần nữa, và lần này khốc liệt hơn. Không thể tả được sự khổ sở”. Các sử gia ước lượng có đến một triệu dân chết đói, trong khi một triệu rưởi khác di cư, hầu hết sang Hoa Kỳ. Những người ở lại chịu cảnh nghèo khó cùng cực.

Ở rặng núi Andes bên Nam Mỹ, nông dân trồng nhiều loại khoai tây khác nhau, và chỉ ít loại bị bệnh rụi tàn phá. Vì vậy, không có bệnh dịch. Rõ ràng là sự đa dạng trong các loài và trong từng loại cung cấp sự che chở. Việc trồng chỉ một loại cây đồng nhất đi ngược lại chiến lược sinh tồn cơ bản này và khiến cho cây cối dễ bị sâu bệnh, và như vậy có thể làm cho phần lớn mùa màng của toàn một vùng bị phá hại. Đó là lý do tại sao nhiều nông dân bị lệ thuộc rất nhiều vào việc thường xuyên dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt nấm, ngay dù những hóa chất ấy thường nguy hiểm cho môi trường.

Vậy tại sao các nông dân lại chỉ trồng một loại cây thay vì nhiều loại bản địa khác? Thường vì áp lực kinh tế. Khi trồng chỉ một loại cây, có thể hy vọng dễ thu hoạch, sản phẩm hấp dẫn, không dễ bị thối và mức sản xuất cao. Phương thức canh tác này bắt đầu lan rộng vào thập niên 1960 với tên gọi là cách mạng xanh.

Cách mạng xanh

Qua những chiến dịch rầm rộ của chính phủ và tập đoàn, nông dân ở các vùng thường bị đói kém được thuyết phục thay thế các loại cây khác nhau bằng những giống hạt đồng nhất, có hoa lợi cao, đặc biệt là thóc và lúa mì. Hạt thóc “mầu nhiệm” này được hoan nghênh là giải pháp cho nạn đói của thế giới. Nhưng thóc đó không rẻ—hạt giống có thể mắc gấp ba lần giá bình thường. Hoa lợi cũng tùy thuộc rất nhiều vào hóa chất, kể cả phân bón, ấy là chưa nói đến những thiết bị tốn kém như máy cày. Tuy nhiên, với sự trợ cấp của chính phủ, cách mạng xanh cũng bùng nổ. Ông Raeburn nói: “Dù điều này đã xóa đói cho hàng triệu người, nay [nó] lại đang đe dọa sự an toàn của thực phẩm thế giới”.

Trên thực tế, cách mạng xanh có thể đã mang lại lợi ích ngắn hạn với giá phải trả là những rủi ro nguy hiểm dài hạn. Chẳng bao lâu phương thức trồng chỉ một loại cây đã trở nên thông thường trên khắp các lục địa—trong khi việc dùng phân bón ở mức độ cao khiến cỏ dại sinh sôi nẩy nở, và thuốc trừ sâu diệt cả những côn trùng hữu ích lẫn sâu bọ có hại. Trong ruộng lúa, các hóa chất độc hại giết cá, tôm, cua, ếch và thảo mộc có thể ăn được cũng như cây dại—hầu hết đều là thức ăn phụ có lợi. Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất cũng khiến nông dân bị nhiễm độc.

Tiến Sĩ Mae-Wan Ho, một giảng sư trong Ban Sinh Học của Trường Đại Học Mở ở Anh Quốc, viết: “Nay thì không thể chối cãi được rằng chế độ độc canh được sử dụng vào thời ‘Cách Mạng Xanh’ đã làm hại cho sự đa dạng sinh học và sự an toàn thực phẩm trên khắp thế giới”. Theo Tổ chức Lương Nông của LHQ thì 75 phần trăm sự đa dạng di truyền ở các loại cây được trồng cách đây một thế kỷ nay bị mất hết, chủ yếu vì phương thức canh tác công nghiệp.

Một tờ báo do Viện Worldwatch xuất bản cảnh báo rằng “khi chấp nhận tính đồng dạng di truyền, chúng ta gánh chịu những rủi ro sinh thái rất lớn”. Những mối nguy hiểm này được hạn chế như thế nào? Cần có những nhà khoa học về nông nghiệp và các hóa chất hiệu nghiệm cũng như việc tài trợ cho nông dân. Thế nhưng, không có sự bảo đảm nào. Sự đồng dạng di truyền là một nhân tố dẫn đến bệnh rụi tàn phá ngô ở Hoa Kỳ và sự thiệt hại nửa triệu mẫu Anh ruộng lúa ở Indonesia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một cách mạng nông nghiệp mới đã bắt đầu, liên quan đến việc biến đổi sự sống ở mức cơ bản hơn: gien.

Cách mạng gien

Việc nghiên cứu gien đã mở ra một ngành công nghiệp mới sinh lợi gọi là công nghệ sinh học. Nghe tên này là biết ngay nó phối hợp ngành sinh học với công nghệ hiện đại qua những kỹ thuật chẳng hạn như kỹ thuật gien. Một số công ty gọi là công ty công nghệ sinh học chuyên môn về nông nghiệp và đang làm việc ráo riết để lấy bằng sáng chế những hạt giống sinh hoa lợi cao, có khả năng chống lại bệnh tật, chịu hạn và sương giá, và làm giảm nhu cầu sử dụng hóa chất nguy hiểm. Nếu có thể đạt đến những mục tiêu ấy thì thật hữu ích. Nhưng một số người đã nêu ra mối lo ngại về các cây lương thực biến đổi gien.

Sách Genetic Engineering, Food, and Our Environment nói: “Trong thiên nhiên, sự đa dạng về gien được tạo ra trong một số giới hạn. Một hoa hồng có thể lai giống với một loại hoa hồng khác, nhưng hoa hồng sẽ không bao giờ lai giống với khoai tây được... Trái lại, kỹ thuật gien thường dùng phương pháp lấy gien của một loài ghép vào một loài khác nhằm thí nghiệm việc tạo ra một tính chất hoặc đặc tính đáng chuộng nào đó. Thí dụ, có thể chọn một gien từ loài cá sống ở bắc cực (chẳng hạn như cá bơn) sản xuất được một hóa chất có đặc tính chống đông lạnh, và ghép gien đó vào một củ khoai tây hoặc quả dâu tây để giúp chúng chịu sương giá. Bây giờ đã có thể chế ra các loại cây bằng cách tiêm gien từ vi khuẩn, vi-rút, côn trùng, thú vật hoặc thậm chí con người nữa”. * Vậy, về cơ bản, công nghệ sinh học cho phép con người chọc thủng bức tường gien ngăn cách các loài với nhau.

Giống như cách mạng xanh, điều mà một số người gọi là cách mạng gien cũng góp phần gây ra vấn đề đồng dạng di truyền—một số người nói còn tệ hơn nữa vì những nhà di truyền học có thể sử dụng các kỹ thuật như cấy dòng và cấy mô, để sản xuất ra những bản sao hoặc dòng vô tính hoàn toàn giống hệt nhau. Vậy nên vấn đề xói mòn tính đa dạng sinh học vẫn còn phải được quan tâm. Tuy nhiên, các cây biến đổi gien dấy lên những vấn đề mới, chẳng hạn như chúng có thể gây ảnh hưởng đến chúng ta và môi trường. Nhà văn khoa học Jeremy Rifkin nói: “Chúng ta đang mù quáng bước nhanh vào một thời đại mới về công nghệ sinh học nông nghiệp với nhiều cao vọng, ít hạn chế và hầu như không có khái niệm về những hậu quả khả dĩ”. *

Mặt khác, khả năng biến đổi sự sống ở cấp bậc gien là một mỏ vàng tương lai, và người ta thi đua nhau lấy bằng sáng chế những hạt giống mới và những sinh vật được biến đổi. Trong khi đó, cây cối tiếp tục bị diệt chủng. Như đã đề cập trong bài trước, để ngăn ngừa thảm họa, một số chính phủ và tổ chức tư nhân đã thiết lập những ngân hàng hạt giống. Liệu các ngân hàng này có bảo tồn được nhiều loại hạt giống để những thế hệ tương lai trồng và gặt hái không?

Ngân hàng hạt giốngBảo hiểm chống tuyệt chủng chăng?

Vườn Bách Thảo Hoàng Gia ở Kew, Anh Quốc, đã bắt tay vào một việc được hoan nghênh là “một trong những dự án bảo tồn lớn nhất thế giới đã từng được đưa ra thực hiện”—Dự Án Ngân Hàng Hạt Giống Thiên Niên Kỷ. Những mục tiêu chính của dự án này là: (1) thu thập và bảo tồn 10 phần trăm—trên 24.000 loài—hệ thực vật sinh hạt của thế giới vào năm 2010 và (2) trước đó khá lâu, góp nhặt và bảo tồn hạt giống của hệ thực vật sinh hạt giống mọc lên ở cả Vương Quốc Thống Nhất. Những nước khác cũng thiết lập những ngân hàng hạt giống, đôi khi cũng được gọi là ngân hàng gien.

Nhà sinh vật học John Tuxill nói rằng ít nhất 90 phần trăm trên hàng triệu hạt giống chứa trong các ngân hàng hạt giống là loại cây lương thực và loại hữu ích khác, như lúa mì, thóc, ngô, lúa miến, khoai tây, củ hành, tỏi, mía, bông vải, đậu nành và các đậu khác, chỉ để kể ra một ít. Nhưng các hạt giống là những sinh thể chỉ có thể phát triển được khi còn năng lượng dự trữ ở bên trong. Vậy các ngân hàng hạt giống đáng tin cậy tới đâu?

Rắc rối ở ngân hàng

Theo ông Tuxill, cần phải tốn hao tiền bạc để quản lý ngân hàng hạt giống—tổng cộng khoảng 300 triệu Mỹ Kim hàng năm. Tuy nhiên, ông nói rằng có thể số tiền đó thôi cũng chưa đủ, bởi vì “chỉ 13 phần trăm hạt giống trong các ngân hàng gien được trữ trong những kho dự trữ tốt dài hạn”. Vì các hạt giống không được dự trữ kỹ sẽ không tồn tại lâu, chúng phải được gieo sớm hầu cho thế hệ hạt giống kế tiếp có thể được thu hoạch, nếu không, ngân hàng hạt giống trở thành nhà xác hạt giống. Dĩ nhiên, công việc như thế đòi hỏi nhiều nhân công, chỉ làm vấn đề thêm phức tạp cho các cơ sở đã sẵn chật vật về tài chính.

Sách Seeds of Change—The Living Treasure giải thích rằng Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Tàng Trữ Hạt Giống, ở Colorado, Hoa Kỳ, đã “gặp phải nhiều khó khăn, kể cả bị mất điện, thiết bị làm lạnh bị hư và thiếu nhân viên khiến hàng đống lớn hạt giống nằm hỗn độn, chưa được liệt kê”. Ngân hàng hạt giống cũng bị ảnh hưởng bởi những biến động chính trị, suy yếu kinh tế và thiên tai.

Việc tàng trữ dài hạn cũng tạo ra những vấn đề khác nữa. Trong môi trường thiên nhiên, cây cối có khả năng dù giới hạn nhưng rất cần yếu là thích nghi, và nhờ đó có thể sống sót qua khỏi bệnh tật và những thách thức khác. Nhưng trong môi trường được che chở của một ngân hàng hạt giống, chúng có thể mất đi phần nào khả năng thích nghi đó sau vài thế hệ. Tuy nhiên, dưới điều kiện bảo quản tốt, những hạt giống của nhiều loại cây có thể được tồn trữ lâu đến hàng thế kỷ trước khi cần được đem ra gieo. Mặc dù có những giới hạn và tình trạng không chắc chắn như thế, nhưng chính sự hiện hữu của những ngân hàng hạt giống phản ánh mối quan ngại ngày càng gia tăng về tương lai các cây lương thực của nhân loại.

Dĩ nhiên, cách tốt nhất để giảm bớt nguy cơ tuyệt giống là che chở môi trường sống tự nhiên và phục hồi tính đa dạng cho cây trồng. Nhưng ông Tuxill nói là muốn làm như thế chúng ta cần phải “tìm ra một sự thăng bằng mới giữa nhu cầu của loài người và nhu cầu của thiên nhiên”. Nhưng có thực tế không khi nghĩ rằng con người sẽ “tìm ra một sự thăng bằng mới” với thiên nhiên trong khi họ đeo đuổi sự tiến bộ công nghiệp và kinh tế một cách hăng say? Ngay cả nông nghiệp, như chúng ta đã thấy, đang bị đồng hóa với thế giới kinh doanh lớn, công nghệ cao và nhằm vào thị trường. Hẳn phải có một giải pháp khác.

[Chú thích]

^ đ. 13 Lý thuyết cho rằng thực phẩm biến đổi gien có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thú vật và con người, kể cả môi trường vẫn còn gây nhiều tranh luận. Việc pha trộn gien của những sinh vật hoàn toàn không liên hệ với nhau đã khiến một số người nêu lên vấn về đạo đức.—Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-4-2000, trang 25-27.

^ đ. 14 Tạp chí New Scientist tường thuật rằng củ cải đường Âu Châu “được biến đổi gien để chống lại một loại thuốc diệt cỏ đã tình cờ tiếp thu gien chống lại một loại thuốc diệt cỏ khác”. Gien sai lầm nhập vào củ cải đường khi củ cải tình cờ được thụ phấn bởi một loại củ cải khác đã được biến đổi để chống lại một thuốc diệt cỏ khác. Một số nhà khoa học sợ rằng việc trồng phổ biến những cây chống lại được thuốc diệt cỏ có thể dẫn đến sự xuất hiện loại siêu cỏ dại không bị thuốc diệt cỏ tiêu hủy.

[Khung/​Hình nơi trang 7]

Nông dân​—⁠Nghề này có thể tồn tại không?

Tạp chí World Watch viết: “Từ năm 1950, số người sống bằng nghề nông trong tất cả các nước công nghiệp đều tụt xuống nhanh, có vùng số người này giảm đi hơn 80 phần trăm”. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ ngày nay, số nông dân ít hơn tù nhân. Điều gì khiến nông dân bỏ ruộng đất mà đi?

Những nhân tố chính là thu nhập giảm, nợ nần, sự nghèo khổ và việc cơ khí hóa gia tăng. Vào năm 1910, cứ mỗi đô la người ta tiêu xài để mua thực phẩm thì nông dân ở Hoa Kỳ nhận được khoảng 40 xu, nhưng tới năm 1997, nông dân chỉ còn được khoảng 7 xu. Theo tạp chí World Watch, một nông dân trồng lúa mì “chỉ hưởng được 6 xu trên một đô la mà người tiêu thụ trả để mua một ổ bánh mì”. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng mua lúa mì của nông dân với giá chỉ bằng giá giấy gói hàng. Ở các nước đang phát triển, hoàn cảnh của nông dân còn tồi tệ hơn. Nông dân ở Úc hoặc Âu Châu có thể mượn tiền của ngân hàng để khắc phục một năm thất mùa nhưng một người nông dân ở Tây Phi có thể không đủ khả năng làm vụ mùa khác. Thậm chí người đó còn không sống sót nổi.

[Các hình nơi trang 7]

“Chế độ độc canh bắt đầu được sử dụng vào thời ‘Cách Mạng Xanh’ đã làm hại cho sự đa dạng sinh học và sự an toàn thực phẩm trên khắp thế giới”.—Tiến Sĩ Mae-Wan Ho

[Nguồn tư liệu]

Nền: U.S. Department of Agriculture

Centro Internacional de Mejoramiento de Maíz y Trigo (CIMMYT)

[Các hình nơi trang 8]

Ngân Hàng Hạt Giống Thiên Niên Kỷ ở Anh Quốc, đang bảo tồn những hạt giống có giá trị

[Nguồn tư liệu]

© Trustees of Royal Botanic Gardens, Kew