Cách Đức Chúa Trời dùng quyền lực có chính đáng không?
Quan điểm của Kinh Thánh
Cách Đức Chúa Trời dùng quyền lực có chính đáng không?
VIỆC dùng quyền lực giết người là một nét thường xuyên tái hiện trong lịch sử loài người. Theo một nguồn tài liệu, có khoảng 170.000.000 người bị chính phủ của mình giết hoặc thủ tiêu trong thế kỷ 20. Đúng như Kinh Thánh nói, người này cai trị người kia chỉ luôn đem lại tai hại cho người ấy.—Truyền-đạo 8:9.
Vì quyền lực thường hay bị lạm dụng, một số người có thể thắc mắc về cách Đức Chúa Trời dùng quyền lực để hủy diệt kẻ thù. Chẳng phải Đức Chúa Trời đã trực tiếp ra lệnh cho dân Do Thái tấn công và tận diệt dân Ca-na-an trong Đất Hứa sao? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 20:16, 17) Và chẳng phải chính Đức Chúa Trời nói rằng Ngài sẽ đánh tan và hủy diệt tất cả những chính phủ đối lập sao? (Đa-ni-ên 2:44) Một số người thành tâm tự hỏi là việc Đức Chúa Trời dùng quyền lực có luôn luôn chính đáng không.
Lạm dụng quyền lực
Cần hiểu là việc sử dụng quyền lực là một yếu tố rất quan trọng đối với một chính phủ. Trên thực tế, chính phủ nào không thực thi được những luật lệ đã ban hành, sẽ bị xem là bất lực. Thí dụ, mặc dù có những báo cáo về việc cảnh sát lạm dụng quyền hành, nhưng có bao nhiêu người sẵn sàng từ chối sự che chở của cảnh sát? Cũng đâu có ai điên rồ lên tiếng bác bỏ sự cần thiết của một hệ thống công lý hiệu lực.
Mohandas Gandhi, người nổi tiếng ghét bạo động, có lần nói: “Ví dụ có người nổi điên, cầm gươm giận dữ chạy khắp nơi, giết bất cứ ai mà hắn gặp và không ai dám bắt sống hắn. Bất cứ ai giết được tên điên đó hẳn sẽ được cộng đồng cám ơn và xem là ân nhân”. Đúng vậy, ngay cả Gandhi cũng thấy quyền lực là cần thiết trong một vài hoàn cảnh nào đó.
Hiển nhiên, quyền dùng vũ lực là một yếu tố cần thiết trong bất cứ một xã hội ổn định nào. Nói một cách tổng quát, khi chỉ trích việc dùng quyền lực, thật ra người ta đang chỉ trích việc lạm dụng uy lực.—“Các đường-lối Ngài là công-bình”
Không có bằng chứng nào trong lịch sử cho thấy Đức Chúa Trời đã từng lạm dụng quyền lực. Ngài không dùng quyền lực để cai trị một cách độc đoán. Ngài muốn chúng ta thờ phượng Ngài vì yêu thương. (1 Giăng 4:18, 19) Thật ra, Đức Chúa Trời chỉ sử dụng quyền lực khi cần thiết. (Giê-rê-mi 18:7, 8; 26:3, 13; Ê-xê-chi-ên 18:32; 33:11) Và khi quyết định sử dụng quyền lực, Ngài luôn luôn báo trước nhiều lần để những ai muốn ăn năn sẽ có cơ hội sửa đổi đường lối mình. (A-mốt 3:7; Ma-thi-ơ 24:14) Phải chăng đây là những hành động của một Đức Chúa Trời độc đoán và tàn ác?
Cách Đức Chúa Trời dùng quyền lực hoàn toàn khác với cách lạm dụng quyền lực vô lý của loài người. Môi-se nói về Đức Giê-hô-va: “Các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Không như chính phủ của các bạo chúa, chính phủ của Đức Chúa Trời không dựa trên căn bản mạnh hiếp yếu. Trong mọi trường hợp, quyền lực của Ngài được sử dụng phù hợp với tình yêu thương, sự khôn ngoan và công bình tuyệt hảo của Ngài.—Thi-thiên 111:2, 3, 7; Ma-thi-ơ 23:37.
Thí dụ, khi Đức Chúa Trời hủy diệt kẻ ác bằng trận Nước Lụt, Ngài chỉ làm điều đó sau nhiều năm cảnh cáo. Bất cứ ai cũng có thể tìm nơi trú ẩn trên tàu để được cứu. Tuy nhiên, chỉ có tám người làm vậy. (1 Phi-e-rơ 3:19, 20; 2 Phi-e-rơ 2:5) Vào thời Giô-suê, dân Y-sơ-ra-ên thi hành lệnh phán xét của Đức Chúa Trời trên dân Ca-na-an đồi trụy và phán quyết này đã được tuyên bố hơn 400 năm trước đó! (Sáng-thế ký 15:13-21) Trong suốt thời gian đó, dân Ca-na-an không thể nào không biết bằng chứng hùng hồn cho thấy dân Y-sơ-ra-ên là dân mà Đức Chúa Trời đã chọn. (Giô-suê 2:9-21; 9:24-27) Tuy nhiên, không một dân nào trong xứ Ca-na-an ngoại trừ người Ga-ba-ôn xin được khoan hồng hoặc lợi dụng cơ hội để cầu hòa. Thay vì làm vậy, dân Ca-na-an quyết định cứng lòng, chống lại Đức Chúa Trời.—Giô-suê 11:19, 20.
Đức Chúa Trời có thẩm quyền
Muốn hiểu cách sử dụng quyền lực của Đức Chúa Trời, thoạt tiên chúng ta phải nhận biết sự thật về vị thế của chúng ta đối với Ngài. Nhà tiên tri Ê-sai khiêm nhường công nhận: “Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi”. (Ê-sai 64:8) Là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, dĩ nhiên Đức Chúa Trời có quyền sử dụng quyền lực theo ý Ngài. Để công nhận thẩm quyền của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nói giống như Sa-lô-môn: “Lời vua có quyền; ai dám nói với người rằng: Ngươi làm chi?”—Truyền-đạo 8:4; Rô-ma 9:20, 21.
Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa toàn năng nên Ngài có quyền ban cho và lấy đi sự sống trên đất. Thật thế, loài người không có quyền và cũng không đủ hiểu biết để chất vấn cách Đức Chúa Trời dùng quyền lực. Con người phải học để có cách suy nghĩ giống như Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va hỏi: “Há chẳng phải đường-lối của các ngươi là không bằng-phẳng sao?”—Ê-xê-chi-ên 18:29; Ê-sai 45:9.
Chính sự công bình và tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với loài người sẽ khiến Ngài tẩy sạch khỏi trái đất những kẻ lạm dụng quyền hành và tàn bạo chà đạp lên quyền lợi của người khác. Cách dùng quyền lực này sẽ tạo lập hoàn cảnh lý tưởng trên trái đất cho những ai yêu chuộng hòa bình và muốn có hòa bình. (Thi-thiên 37:10, 11; Na-hum 1:9) Như thế chính phủ của Đức Chúa Trời sẽ vĩnh viễn được biện minh.—Khải-huyền 22:12-15.