Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bữa ăn gia đình—Cơ hội để xây dựng lẫn nhau

Bữa ăn gia đình—Cơ hội để xây dựng lẫn nhau

Bữa ăn gia đìnhCơ hội để xây dựng lẫn nhau

“Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, không chỉ có niềm vui, tình thương và sự an ủi, nhưng cũng có nỗi đau và nước mắt. Nhưng dù hạnh phúc hay buồn phiền, chúng ta đều phải ăn. Cả người hạnh phúc lẫn buồn phiền đều có thể lên tinh thần qua một bữa ăn thân mật”.—Laurie Colwin, nhà văn người Mỹ.

Trước đây ở tây phương, nhiều gia đình có một thói quen quý giá. Ít nhất mỗi ngày một lần, cả gia đình sum vầy dùng bữa với nhau. Họ không để điều gì cản trở. Không ai xem tivi, đeo tai nghe hoặc gửi tin nhắn cho bạn bè. Bầu không khí bình an tạo điều kiện cho mọi người học hỏi nhau, củng cố mối quan hệ gia đình, vui vẻ kể cho nhau nghe những gì xảy ra hằng ngày trong lúc thưởng thức những món ăn lành mạnh.

Đối với nhiều người ngày nay, bữa ăn gia đình có vẻ là một tập quán lỗi thời. Nhiều gia đình hiếm khi ăn chung với nhau. Tại sao họ thấy khó để ngồi ăn chung? Truyền thống này có đáng để gìn giữ không? Nó đem lại những lợi ích nào cho mỗi thành viên trong gia đình?

Bữa ăn gia đình—Tập quán đang bị mai một

Trong cuốn sách nói về việc thay đổi các mối quan hệ xã hội (Bowling Alone), ông Robert Putnam cho biết: “Sự thật là nó [bữa tối] đang mất dần trong đời sống của một thế hệ... là bằng chứng rõ ràng cho thấy các mối quan hệ xã hội của chúng ta thay đổi nhanh tới mức nào”. Những yếu tố nào góp phần gây ra hiện tượng này? Thứ nhất, vật giá đắt đỏ khiến người chồng lẫn vợ phải làm việc nhiều giờ hơn. Các bậc cha mẹ đơn chiếc, những người thường có điều kiện kinh tế bấp bênh hơn, lại càng có ít thời gian. Thứ hai, nhịp sống hối hả ngày nay khiến người ta phải dùng thức ăn nhanh và những bữa ăn vội vàng. Không chỉ người lớn mà cả con trẻ cũng có nhiều hoạt động như chơi thể thao và những hoạt động ngoại khóa khác.

Thêm vào đó, có những người cha thích về nhà khi con mình đã đi ngủ vì họ muốn tránh bị quấy nhiễu lúc dùng bữa. Còn các cha mẹ khác (những người về nhà đúng giờ) muốn con ăn trước rồi cho chúng đi ngủ, sau đó vợ chồng mới có thể yên tĩnh dùng bữa.

Những tình huống như thế khiến cho gia đình không còn ăn chung với nhau. Các tờ ghi chú dán trên tủ lạnh thay thế cho cuộc trò chuyện trong bữa ăn. Mỗi thành viên trong gia đình về nhà hâm lại thức ăn rồi ngồi trước tivi, máy vi tính hoặc chơi điện tử. Những xu hướng xã hội này dường như không thể thay đổi. Vậy, việc suy nghĩ nghiêm túc về cách chống lại xu hướng đó có đáng công không?

Truyền thống tốt đẹp

Bữa ăn gia đình cho cha mẹ cơ hội đặc biệt để chăm lo cho con cái về mặt tình cảm. Bà Miriam Weinstein, tác giả của một sách nói về lợi ích của các bữa ăn gia đình (The Surprising Power of Family Meals), cho biết bữa ăn là “nơi con trẻ thường gặp mặt cha mẹ và được quan tâm trong một bầu không khí thoải mái. Bữa ăn gia đình không phải là phương thuốc chữa bá bệnh, nhưng dường như nó góp phần làm dịu cơn đau và không khó để thực hiện”.

Ông Eduardo, một người cha tuổi trung niên ở Tây Ban Nha, đồng tình với điều đó. Ông nhớ lại: “Khi tôi sống với cha mẹ, mỗi ngày vào giờ ăn đều có 11 người. Cha tôi cố gắng rất nhiều để trở về nhà dùng bữa trưa với gia đình. Đó là một dịp rất đặc biệt. Chúng tôi kể cho nhau nghe các hoạt động trong ngày. Chúng tôi thường cười và đùa giỡn với nhau. Những kỷ niệm đáng nhớ này khiến tôi thấy mình nên noi gương cha”.

Bữa ăn gia đình cũng giúp con trẻ có đời sống cân bằng và lành mạnh hơn. Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu về Nghiện ngập tại trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ (The U.S. National Center on Addiction and Substance Abuse at Columbia University) nhận thấy em trẻ nào ăn chung với gia đình khoảng năm lần mỗi tuần thì ít gặp vấn đề về sự lo lắng, chán nản hoặc lãnh đạm, và đạt điểm cao hơn ở trường.

Ông Eduardo nói thêm: “Tôi nghĩ rằng bữa ăn gia đình giúp con trẻ ổn định về cảm xúc. Các con gái tôi không lo lắng về việc khi nào sẽ gặp chúng tôi để nói điều gì. Bữa ăn gia đình là cơ hội tốt nhất mỗi ngày. Hơn nữa, là một người cha, những dịp này giúp tôi biết về các vấn đề của con”.

Dường như việc gia đình ăn chung giúp tránh những thói xấu khi ăn uống. Trường Đại học Navarre ở Tây Ban Nha cho biết việc ăn một mình khiến gia tăng nguy cơ rối loạn ăn uống. Thật vậy, chứng rối loạn này có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng với những người không ăn chung với người khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Bà Esmeralda, một người mẹ có hai con gái, cho biết: “Khi việc ăn chung trở thành thói quen, con trẻ cảm thấy chúng được chăm sóc. Bữa ăn gia đình giúp chúng có được bầu không khí gia đình yêu thương, ấm áp”.

Bữa ăn gia đình cũng cho cha mẹ cơ hội chăm sóc con cái về tâm linh. Khoảng 3.500 năm trước, Đức Chúa Trời khuyến khích dân Do Thái dành thời gian để khắc ghi những giá trị tâm linh vào lòng con trẻ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Một người cha tên là Ángel, có hai con, nói: “Qua việc cầu nguyện chung và xem xét đoạn Kinh Thánh mỗi ngày, bữa ăn gia đình trở thành một dịp nói về những điều tâm linh”. Với nhiều lợi ích mà bữa ăn gia đình mang lại, một số gia đình đã làm gì để bữa ăn như thế trở thành nề nếp trong đời sống họ.

Sắp xếp như thế nào?

Bà Esmeralda giải thích: “Sự tổ chức và sẵn sàng là thiết yếu. Bạn phải cố gắng hết sức điều chỉnh thời gian biểu để thích ứng với người về nhà trễ nhất”. Một người mẹ có hai con là bà Maribel nói: “Mỗi ngày, chúng tôi đều ăn chung với nhau cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra”. Một số gia đình dùng thời gian rảnh vào cuối tuần để chuẩn bị nguyên liệu hoặc thậm chí các món ăn cho cả tuần.

Xem trọng bữa ăn gia đình cũng giúp ích. Ông Eduardo nói: “Dù phải điều chỉnh công việc để có mặt ở nhà cùng ăn với gia đình, nhưng điều đó thật đáng công. Giờ đây, tôi biết rõ hơn những gì xảy ra trong gia đình. Vì một ngày tôi dành nhiều giờ để chú tâm làm việc, nên thật thiếu sót nếu tôi không dành sự chú tâm như thế cho gia đình vào bữa ăn”.

Còn sự phân tâm thì sao? Em trai 16 tuổi tên là David nói: “Gia đình tôi ăn tại nơi không có tivi. Chúng tôi dành thời gian đó để kể cho cha mẹ nghe về các hoạt động trong ngày và họ thường cho chúng tôi lời khuyên hữu ích”. David nói thêm: “Ngày nay thanh thiếu niên không trò chuyện nhiều với cha mẹ. Thậm chí khi cả gia đình đều có mặt ở nhà, mỗi người ăn riêng và xem tivi. Họ không nhận ra họ đang đánh mất điều gì”. Em Sandra, 17 tuổi, đồng tình: “Tôi thấy buồn khi bạn cùng lớp nói: “Không biết mẹ tớ để gì trong tủ lạnh”. Đối với tôi, bữa ăn gia đình không chỉ là thời gian để ăn mà nó còn là thời gian để cười, nói và quan tâm lẫn nhau”.

Sách The Surprising Power of Family Meals xác nhận bữa ăn gia đình có thể là “một sự bảo vệ trước các áp lực tất cả chúng ta đối phó hằng ngày”. Chúng có thể cho gia đình bạn cơ hội gần gũi nhau hơn không? Nếu bạn có đời sống bận rộn, bữa ăn gia đình cho bạn cơ hội để thư thả và trò chuyện với những người thân yêu của mình. Chắc chắn nỗ lực ấy rất đáng công.

[Khung/​Hình nơi trang 23]

KHI CÙNG DÙNG BỮA VỚI GIA ĐÌNH, BẠN CÓ THỂ HỌC...

Trò chuyện. Con trẻ có thể học trò chuyện và lắng nghe một cách kính trọng. Những cuộc trò chuyện làm vốn từ vựng của chúng phong phú hơn và dạy chúng cách bày tỏ cảm nghĩ.

Ăn các bữa lành mạnh vào một thời gian nhất định mỗi ngày.

Thể hiện cách cư xử lịch sự. Học tính rộng lượng bằng cách chia sẻ thức ăn và không luôn giành phần tốt nhất. Cũng học cách chăm sóc cho các nhu cầu của những thành viên khác trong khi ăn.

Hợp tác. Con trẻ có thể hợp tác bằng cách đặt bàn, lau bàn, dọn dẹp sau bữa ăn hoặc phục vụ người khác. Khi lớn lên, chúng cũng có thể giúp chuẩn bị bữa ăn.