Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin nơi Đức Chúa Trời—Có hợp lý không?

Tin nơi Đức Chúa Trời—Có hợp lý không?

Tin nơi Đức Chúa TrờiCó hợp lý không?

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao mọi thứ, từ các hạt nguyên tử cho đến các dải thiên hà mênh mông, được chi phối bởi những luật toán học chính xác? Bạn có bao giờ nghĩ về chính sự sống—đa dạng, phức tạp và được thiết kế một cách tuyệt diệu không? Nhiều người cho rằng vũ trụ và sự sống bắt nguồn từ một vụ nổ lớn và do tiến hóa, còn những người khác thì quy cho một Đấng Tạo Hóa thông minh. Theo bạn, quan điểm nào hợp lý hơn?

Dĩ nhiên, cả hai quan điểm đều liên quan đến đức tin. Niềm tin nơi Đức Chúa Trời dựa trên đức tin. Như Kinh Thánh nói “chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời” (Giăng 1:18). Tương tự thế, không ai nhìn thấy sự hình thành của vũ trụ hoặc khởi đầu của sự sống. Cũng không ai thấy một loài nào tiến hóa thành loài cao hơn hoặc biến đổi thành loài khác. Những di tích hóa thạch cho biết những nhóm động vật chính xuất hiện bất thình lình và hầu như không thay đổi *. Vì thế, câu hỏi quan trọng được nêu lên là: “Niềm tin nào có nền tảng vững chắc—nơi thuyết tiến hóa hoặc nơi Đấng Tạo Hóa?”.

Niềm tin của bạn có dựa trên bằng chứng vững chắc không?

Kinh Thánh nói “đức tin” là “bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1). Rõ ràng, bạn có thể nghĩ về nhiều điều có thật mà bạn không thấy nhưng tin chắc là chúng hiện hữu.

Để minh họa: Nhiều nhà sử học có uy tín tin rằng A-léc-xan-đơ Đại Đế, Giu-lơ Sê-sa và Chúa Giê-su đã từng hiện hữu. Niềm tin của các nhà sử học này có hợp lý không? Có, vì họ có thể đưa ra bằng chứng lịch sử xác thực.

Các nhà khoa học cũng tin nơi những điều họ không thấy vì “bằng-cớ” của những điều ấy là thật. Chẳng hạn, nhà hóa học người Nga là ông Dmitry Mendeleyev sống vào thế kỷ thứ 19 đã bị thu hút bởi mối liên hệ giữa các nguyên tố, đó là vật chất cơ bản hình thành vũ trụ. Ông nhận ra rằng chúng có một số điểm chung, có thể hợp lại thành nhóm nhờ khối lượng nguyên tử và tính chất hóa học. Vì tin nơi sự sắp xếp thứ tự của các nhóm này, ông đã phác thảo bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học và dự đoán chính xác một số nguyên tố chưa được biết đến vào thời đó.

Các nhà khảo cổ đưa ra kết luận về những nền văn minh trước đây, thường nhờ vào những đồ vật bị chôn vùi hàng ngàn năm. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng một nhà khảo cổ đã khai quật nhiều khối đá được cắt chính xác theo một kích thước nhất định và xếp thẳng hàng cái nọ chồng lên cái kia. Các khối đá này cũng được xếp theo một mẫu hình học đặc biệt nên chúng không thể tự nhiên mà có. Vậy, nhà khảo cổ này đưa ra kết luận nào? Ông có cho rằng những gì ông tìm thấy là ngẫu nhiên không? Hẳn là không. Thay vì thế, ông sẽ kết luận chúng là chứng cớ cho các hoạt động của con người thời xưa và đây là một kết luận hợp lý.

Chẳng phải chúng ta cũng nên áp dụng lối suy luận này cho các tạo vật trong thế giới tự nhiên sao? Nhiều người chấp nhận quan điểm ấy, kể cả những nhà khoa học có uy tín.

Ngẫu nhiên hay được thiết kế có chủ đích?

Nhiều năm trước, nhà toán học kiêm vật lý và thiên văn học người Anh là Sir James Jeans viết rằng theo ánh sáng tri thức của khoa học hiện đại, “vũ trụ không phải là một cỗ máy khổng lồ, nhưng là sản phẩm của một tư tưởng cao siêu”. Ông cũng nói rằng “dường như vũ trụ được thiết kế bởi một nhà toán học đại tài” và cung cấp “bằng chứng về một nguồn sức mạnh đã thiết kế hoặc điều khiển nó, và nguồn ấy có phần nào giống như trí óc của chúng ta”.

Từ khi ông Jeans viết những lời này, các nhà khoa học khác cũng có kết luận tương tự. Nhà vật lý học là ông Paul Davies viết: “Sự sắp xếp tổng thể của vũ trụ đã gợi ra cho nhiều nhà thiên văn học hiện đại về sự thiết kế”. Một trong số những nhà vật lý kiêm toán học nổi tiếng nhất của mọi thời đại là ông Albert Einstein viết: “Việc nhận thức [thế giới tự nhiên] là một phép lạ”. Đối với nhiều người, phép lạ này bao gồm sự sống, từ vật chất di truyền đến não bộ kỳ diệu của con người.

DNA và não bộ con người

DNA * là nguyên liệu di truyền của mọi sinh vật và các phân tử cơ bản cho sự di truyền. A-xít phức tạp này được ví như một bản thiết kế hay một công thức nấu ăn, vì DNA có chứa đầy thông tin đã được mã hóa dưới dạng hóa học và lưu trữ trong phân tử, nó có thể giải mã và làm theo. Có bao nhiêu thông tin được lưu trữ trong DNA? Theo một tài liệu tham khảo, nếu những đơn vị cơ bản, gọi là nucleotide, được chuyển thành ký tự chữ cái thì nó sẽ “chiếm hơn một triệu trang sách”.

Trong phần lớn các sinh vật, DNA ở trong cấu trúc nhỏ như sợi chỉ gọi là nhiễm sắc thể, được lưu trữ an toàn trong mỗi nhân tế bào. Còn nhân tế bào có đường kính trung bình khoảng 5 micromet. Hãy nghĩ về điều này: Mọi thông tin về việc hình thành thân thể độc đáo của bạn được tìm thấy trong những bộ phận nhỏ bé mà chỉ quan sát được qua kính hiển vi! Thật đúng khi một nhà khoa học nói rằng các sinh vật có “hệ thống nhỏ nhất để lưu trữ và tìm lại thông tin”. Điều đó thật đáng kinh ngạc khi bạn nghĩ đến bộ nhớ của con chip máy vi tính, DVD và máy móc tương tự! Hơn thế nữa, còn nhiều điều mà người ta chưa khám phá về DNA. Tạp chí New Scientist cho biết: “Mỗi một khám phá là một điều phức tạp mới”. *

Có hợp lý không khi cho rằng sự thiết kế và sắp xếp hoàn hảo như thế là do ngẫu nhiên? Nếu bạn tình cờ thấy một sách kỹ thuật dày hàng triệu trang được trình bày thứ tự và đẹp mắt, liệu bạn có cho rằng sách ấy tự nhiên mà có không? Nói sao nếu cuốn sách đó nhỏ đến mức bạn phải dùng một kính hiển vi cực mạnh để đọc? Nếu sách đó có những thông tin chính xác để sản xuất một cỗ máy thông minh có khả năng tự sửa chữa, tự tái tạo, với hàng tỷ bộ phận; tất cả phải thật khớp với nhau vào đúng thời điểm và theo đúng cách, thì sao? Chắc chắn chúng ta không bao giờ nghĩ rằng cuốn sách ấy tự nhiên mà có.

Sau khi nghiên cứu các thông tin mới nhất về hoạt động bên trong tế bào, nhà triết học người Anh là ông Antony Flew, từng nổi tiếng trong việc ủng hộ thuyết vô thần, cho biết: “Những sắp xếp phức tạp không thể tin được để tạo thành (sự sống) cho thấy phải có một sự can thiệp của trí thông minh”. Ông Flew cho rằng “nên xem xét mọi lý lẽ bất kể nó dẫn đến kết luận nào”. Trong trường hợp của ông, nó dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về tư duy, thế nên giờ đây ông tin nơi Đức Chúa Trời.

Não bộ của con người cũng khiến nhiều nhà khoa học khâm phục. Là một sản phẩm của DNA, não bộ được miêu tả như “vật phức tạp nhất trong vũ trụ”. Ngay cả một máy vi tính tối tân nhất dường như cũng rất thô sơ khi so sánh với khối nặng khoảng 1,4kg màu xám hồng này, có đầy tế bào thần kinh và các cấu trúc khác. Theo quan điểm của một nhà khoa học nghiên cứu về hệ thần kinh, các khoa học gia càng biết nhiều về bộ não và trí óc thì “càng thấy nó tuyệt vời và không thể hiểu được”.

Hãy xem xét điều này: Nhờ bộ não, chúng ta có thể thở, cười, khóc cũng như giải đáp những câu hỏi khó, tạo ra máy vi tính, đi xe đạp, làm thơ và nhìn lên bầu trời về đêm với cảm giác tôn kính sâu xa. Có hợp lý không khi cho rằng những khả năng này là do tiến hóa mà ra?

Niềm tin dựa trên chứng cớ

Để hiểu rõ chính mình, chúng ta nên tìm hiểu nơi loài vật thấp kém như vượn người hay các loài thú khác, như những người theo thuyết tiến hóa; hoặc chúng ta nên tìm hiểu nơi nguồn cao hơn, tức Đức Chúa Trời? Đành rằng chúng ta có một số điểm giống như loài vật. Chẳng hạn, chúng ta phải ăn, uống, ngủ và có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, chúng ta còn có nhiều điểm đặc biệt. Điều hợp lý là đặc điểm của con người đến từ Đấng cao hơn, đó là Đức Chúa Trời. Nói một cách súc tích, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời tạo ra con người “như hình Ngài” về mặt đạo đức và tâm linh (Sáng-thế Ký 1:27). Một số đức tính của Đức Chúa Trời được ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Gia-cơ 3:17, 18; 1 Giăng 4:7, 8. Sao bạn không suy ngẫm về những đức tính ấy?

Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta “trí-khôn” để khám phá thế giới xung quanh và tìm được những lời giải đáp thỏa đáng (1 Giăng 5:20). Về phương diện này, nhà vật lý học đã đoạt giải Nobel là ông William D. Phillips viết: “Khi xem xét sự trật tự, vẻ đẹp và những điều có thể nhận thức được trong vũ trụ, tôi đi đến kết luận là có một trí thông minh cao siêu hơn đã thiết kế những gì tôi thấy. Kiến thức khoa học nhất quán và sự đơn giản thú vị của vật lý học củng cố niềm tin của tôi nơi Đức Chúa Trời”.

Khoảng hai ngàn năm trước, một người quan sát kỹ về thế giới tự nhiên đã viết: “Những sự trọn lành của [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài” (Rô-ma 1:20). Người viết câu này (Phao-lô, tông đồ của Chúa Giê-su) là người thông minh và am hiểu Luật pháp Môi-se. Lý luận dựa trên đức tin giúp ông nhận thấy Đức Chúa Trời là Đấng có thật, và ý thức về công lý thôi thúc ông cảm tạ Đức Chúa Trời về mọi vật Ngài tạo ra.

Chúng tôi chân thành mong rằng bạn cũng sẽ thấy tin nơi Đức Chúa Trời là điều hợp lý. Thật thế, giống như Phao-lô, mong sao bạn không những tin Ngài hiện hữu mà còn làm hơn thế nữa. Như hàng triệu người đã làm, mong sao bạn cũng vun trồng lòng biết ơn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng có những đức tính tuyệt vời mà loài người có. Những đức tính ấy thu hút chúng ta đến với Ngài.—Thi-thiên 83:18; Giăng 6:44; Gia-cơ 4:8.

[Chú thích]

^ đ. 3 Xin xem chương 8, đoạn 15-21 sách Kinh Thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 14 DNA là chữ viết tắt của deoxyribonucleic acid.

^ đ. 15 Khi ông Charles Darwin đề ra ý niệm về thuyết tiến hóa, ông không có ý niệm nào về tính phức tạp của tế bào.

[Khung nơi trang 16]

KHÔNG TIN ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ SỰ XẤU XA TRONG TÔN GIÁO—CÓ HỢP LÝ KHÔNG?

Nhiều người không tin nơi Đấng Tạo Hóa vì những tội ác ghê tởm đã được thực hiện nhân danh Ngài. Đó có phải là lý do chính đáng để không tin nơi Đức Chúa Trời? Không. Trong lời mở đầu của sách Có một Đức Chúa Trời (There Is a God) của tác giả Antony Flew, ông Roy Abraham Varghese đã viết: “Sự thái quá và tàn ác của các tôn giáo không liên quan gì đến sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, cũng như mối đe dọa của sự tăng vọt năng lượng hạt nhân không liên quan đến công thức E=mc2 *.

[Chú thích]

^ đ. 31 Năng lượng bằng khối lượng nhân với vận tốc ánh sáng bình phương.

[Hình nơi trang 15]

Nếu con người thán phục kiến trúc thời xưa, vậy chúng ta thán phục ai đã tạo ra thiên nhiên?

[Hình nơi trang 15]

Albert Einstein

[Hình nơi trang 16, 17]

DNA giống như cuốn sách cực nhỏ chứa những thông tin chính xác cho tạo vật thông minh

[Hình nơi trang 17]

Não bộ con người được miêu tả là “vật phức tạp nhất trong vũ trụ”

[Nguồn tư liệu nơi trang 14]

© The Print Collector/age fotostock