Đối mặt với việc mất người thân yêu
Đối mặt với việc mất người thân yêu
“Tin cha mất khiến tôi bị sốc và rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Tôi mang nặng cảm giác có lỗi vì không ở bên cạnh cha khi ông nhắm mắt. Không gì có thể so sánh với nỗi đau mất người thân yêu. Tôi rất nhớ cha!”.—Sara.
Nói về cái chết là điều rất khó đối với đa số người, dù họ thuộc nền văn hóa hay tôn giáo nào đi nữa. Một số ngôn ngữ có nhiều cách nói khác để bớt đau lòng hơn. Trong tiếng Việt, thay vì nói một người “chết”, người ta sẽ nói là người ấy đã “khuất bóng”, “đi xa”, “qua đời”, “lìa đời” hoặc “nhắm mắt xuôi tay” v.v.
Tuy nhiên, ngay cả những lời tế nhị nhất cũng chỉ xoa dịu phần nào nỗi đau tột cùng của một người mất người thân yêu. Đối với một số người, nỗi đau quá lớn đến nỗi họ khó chấp nhận điều đã xảy ra.
Nếu mất người thân, có lẽ bạn cũng thấy khó đối mặt với sự mất mát này. Có khi bạn tỏ vẻ là mình không sao nhưng trong lòng lại khác. Dĩ nhiên, mỗi người đau buồn theo cách khác nhau, nên nếu không biểu lộ nỗi đau của mình ra bên ngoài, điều đó không có nghĩa là bạn không buồn *. Mặt khác, nếu bạn biểu lộ cảm xúc chỉ vì cảm thấy phải làm thế trước mặt những người thân đang đau buồn thì điều đó cũng có thể gây vấn đề cho bạn.
“Chính tôi lại không có thời gian để buồn”
Hãy xem trường hợp của anh Nathaniel. Mẹ anh qua đời khi anh 24 tuổi. Anh nói: “Lúc đầu, tôi rất bối rối. Tôi nghĩ mình phải
nâng đỡ cha và bạn bè của mẹ. Nhưng chính tôi lại không có thời gian để buồn”.Sau hơn một năm, anh Nathaniel thấy mình vẫn chưa thể đương đầu với nỗi đau này. Anh nói: “Thỉnh thoảng, cha vẫn gọi điện cho tôi để trút nỗi phiền muộn, đó là điều tốt. Cha cần tâm sự và tôi sẵn lòng lắng nghe. Chỉ là khi tôi cần được nâng đỡ, tôi thấy như không có ai để dốc đổ nỗi lòng”.
Những người chăm sóc người bệnh, kể cả những nhân viên y tế phải thường xuyên chứng kiến cái chết, có lẽ cũng thấy mình cần đè nén cảm xúc. Như trong trường hợp của chị Heloisa, làm bác sĩ trong hơn 20 năm. Chị đã làm việc tại nơi mà mọi người gắn bó với nhau và chị cũng gần gũi với các bệnh nhân của mình. Chị cho biết: “Tôi đã ở bên cạnh nhiều bệnh nhân trước khi họ nhắm mắt, một số là bạn rất thân của tôi”.
Chị Heloisa biết khóc là cách tự nhiên để vơi bớt nỗi buồn. Nhưng chị nói: “Tôi thấy mình khó để rơi nước mắt. Tôi quá lo đến việc là mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho người khác nên cố kìm nén cảm xúc. Tôi nghĩ người khác mong đợi điều đó ở tôi”.
“Ngôi nhà thật trống trải khi không có mẹ”
Đối với những ai mất người thân yêu, nỗi cô đơn có lẽ là một trong những thử thách lớn nhất. Như trường hợp của chị Ashley, có mẹ mất vì ung thư khi chị 19 tuổi. Chị cho biết: “Khi mẹ qua đời, tôi thật sự cảm thấy mất mát và cô đơn. Mẹ là người bạn thân nhất của tôi. Mẹ con tôi đã có nhiều thời gian ở bên nhau”.
Dĩ nhiên, mỗi ngày chị Ashley thấy khó trở về nhà vì biết không còn bóng dáng của mẹ ở đó nữa. Chị nói: “Ngôi nhà thật trống trải khi không có mẹ. Nhiều lần, tôi chỉ về phòng khóc khi xem ảnh của mẹ và nhớ lại những việc mẹ con tôi đã làm với nhau”.
Hãy tin chắc rằng dù mất một người thân hay một bạn thân, bạn không phải tự mình đương đầu với nỗi đau. Nhiều người đã được trợ giúp nhờ biết những cách hữu hiệu. Chúng ta hãy cùng xem.
[Chú thích]
^ đ. 5 Vì mỗi người đau buồn theo cách khác nhau nên sẽ không công bằng nếu người khác kết luận sai về những người không thể hiện cảm xúc của mình khi mất người thân yêu.
[Câu nổi bật nơi trang 5]
“Khi mẹ qua đời, tôi thật sự cảm thấy mất mát và cô đơn. Mẹ là người bạn thân nhất của tôi”—Chị Ashley