Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA

Dạy con sống tử tế trong một thế giới ích kỷ

Dạy con sống tử tế trong một thế giới ích kỷ

Mỗi ngày người ta có biết bao cơ hội để đối xử tử tế với người khác. Thế nhưng, dường như nhiều người chỉ nghĩ đến mình. Hầu như ở đâu bạn cũng thấy điều đó—từ sự vô liêm sỉ của những kẻ lừa gạt đến cách lái xe hung hăng của người ta, từ cách nói năng thô lỗ cho đến tính khí dễ nổi nóng.

Tinh thần ích kỷ cũng có trong nhiều gia đình. Ví dụ, một số cặp ly hôn chỉ vì một người cảm thấy mình “đáng được hơn thế”. Thậm chí, một số bậc cha mẹ có thể vô tình gieo mầm ích kỷ. Bằng cách nào? Bằng cách chiều theo mọi đòi hỏi của con nhưng lại ngần ngại thi hành kỷ luật.

Trái lại, nhiều bậc cha mẹ khác đang tập cho con xem người khác quan trọng hơn mình, và đã nhận được những kết quả khả quan. Những em biết sống tử tế thường dễ kết bạn hơn và có những tình bạn bền vững. Chúng cũng thường biết thỏa lòng hơn. Tại sao? Vì Kinh Thánh nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”.—Công vụ 20:35.

Nếu là bậc cha mẹ, làm sao bạn có thể giúp con nhận được lợi ích từ việc sống tử tế và tránh tiêm nhiễm thói ích kỷ của những người xung quanh? Hãy xem ba cái bẫy có thể thúc đẩy tinh thần ích kỷ trong con cái và cách để tránh những bẫy đó.

 1 Tán dương quá đáng

Vấn đề. Các nhà nghiên cứu lưu ý đến một xu hướng đáng lo ngại: Nhiều thanh niên bắt đầu đi làm với ảo tưởng về bản thân—thể hiện sự tự tin và trông đợi sự thành đạt, dù làm rất ít hoặc chẳng làm gì. Một số thậm chí còn chưa nắm vững chuyên môn nhưng lại cho rằng họ sẽ được thăng tiến nhanh chóng. Những người khác tin rằng họ đặc biệt và xứng đáng được đối xử như thế—và khi thấy người khác không nghĩ vậy thì họ đâm ra buồn nản.

Nguyên nhân. Ðôi khi sự ảo tưởng về bản thân có thể bắt nguồn từ cách một người được nuôi dạy. Ví dụ, xu hướng đề cao lòng tự trọng phổ biến trong những thập kỷ gần đây đã tác động quá mức đến một số bậc cha mẹ. Nguyên tắc này có vẻ hợp lý: Khen trẻ một chút thì tốt, khen trẻ thật nhiều thì càng tốt hơn. Mặt khác, lối suy nghĩ đó cũng cho thấy rằng mọi lời phê bình đều chỉ khiến trẻ nản chí. Và trong một thế giới chủ trương nuôi dưỡng lòng tự trọng, bạn sẽ bị xem là cha mẹ vô trách nhiệm nếu phê bình con. Nhiều người cho rằng cha mẹ không nên khiến con cái cảm thấy chúng tồi tệ.

Nhiều ông bố, bà mẹ không ngớt lời tán dương con dù chúng chẳng làm điều gì đáng khen. Mỗi điều làm được dù nhỏ đến mấy cũng được tán thưởng; mỗi lỗi lầm dù lớn đến đâu cũng được bỏ qua. Những bậc cha mẹ đó tin rằng bí quyết để nuôi dưỡng lòng tự trọng là lờ đi những cái xấu và khen bất cứ việc gì. Việc khiến con cảm thấy hài lòng về bản thân trở nên quan trọng hơn việc dạy con hoàn thành những điều mà chúng có thể thật sự cảm thấy hài lòng.

Ðiều Kinh Thánh dạy. Kinh Thánh công nhận lời khen là thích hợp nếu được đặt đúng chỗ (Ma-thi-ơ 25:19-21). Nhưng khen ngợi con chỉ vì muốn con cảm thấy hài lòng có thể khiến chúng phát triển cái nhìn méo mó về bản thân. Thật hợp lý khi Kinh Thánh nói: “Nếu ai nghĩ mình quan trọng trong khi mình chẳng là gì, người ấy đang lừa dối bản thân” (Ga-la-ti 6:3). Kinh Thánh có lý do chính đáng khi khuyên bậc cha mẹ: “Chớ tha sửa-phạt trẻ-thơ; dầu đánh nó bằng roi-vọt, nó chẳng chết đâu” *.—Châm-ngôn 23:13.

Ðiều bạn có thể làm. Ðặt mục tiêu chỉ sửa trị khi cần và chỉ khen ngợi khi thật xứng đáng. Ðừng tán dương con chỉ vì muốn con hài lòng về bản thân. Thường thì làm vậy là vô ích. Sách Generation Me nói: “Sự tự tin thật đến từ việc mài giũa kỹ năng và học hỏi, chứ không phải do được người khác nói rằng vì bạn có mặt trên đời này nên bạn thật tuyệt vời”.

“Ðừng có những ý nghĩ quá cao về mình, nhưng mỗi người phải khiêm tốn”.—Rô-ma 12:3, Bản Diễn Ý

 2 Bao bọc thái quá

Vấn đề. Nhiều thanh niên bắt đầu đi làm nhưng chưa sẵn sàng đương đầu với sự trắc trở. Một số gục ngã chỉ vì những lời phê bình nhẹ nhàng. Số khác lại quá kén chọn và chỉ chấp nhận công việc nào đáp ứng được những đòi hỏi cao nhất của họ. Ví dụ, trong sách Escaping the Endless Adolescence, tiến sĩ Joseph Allen kể về một thanh niên đã được ông phỏng vấn xin việc, anh ta nói như sau: “Tôi có cảm giác là một số khía cạnh của công việc sẽ hơi nhàm chán, mà tôi thì không muốn nhàm chán”. Tiến sĩ Allen viết: “Hình như anh ta không hiểu rằng mọi công việc đều ít nhiều có phần nhàm chán. Làm thế nào một người đã hai mươi ba tuổi mà vẫn không hiểu được điều đó?”.

Nguyên nhân. Trong những thập kỷ gần đây, nhiều cha mẹ cảm thấy họ buộc phải bảo vệ con mình khỏi mọi hoàn cảnh trắc trở. Con gái bạn thi rớt ư? Có lẽ bạn can thiệp và đòi giáo viên nâng điểm. Con trai bạn phạm luật giao thông? Có lẽ bạn đóng tiền phạt cho con. Thất tình? Có lẽ bạn đổ lỗi lên đầu người yêu của con.

Dù muốn bao bọc con mình là điều tự nhiên, sự bao bọc con thái quá lại khiến con có suy nghĩ sai lầm rằng chúng không cần phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Sách Positive Discipline for Teenagers nói: “Thay vì nhận ra là chúng có thể vượt qua sự đau đớn và nản lòng, và thậm chí rút ra được bài học, con cái lớn lên lại tưởng rằng chúng là ‘trung tâm vũ trụ’, tin rằng cả thế giới và cha mẹ mắc nợ chúng”.

Ðiều Kinh Thánh dạy. Sự trắc trở là một phần của cuộc sống. Ðúng vậy, câu Kinh Thánh nơi Truyền-đạo 9:11 nói: “Thời-thế và cơ-hội xảy đến cho mọi người”. Một bản Kinh Thánh khác (Easy-to-Read Version) dịch câu này là: “Những chuyện xấu xảy đến cho mọi người!”, cả người tốt lẫn người xấu. Ví dụ, sứ đồ Phao-lô đã chịu đựng mọi gian khổ trong suốt quá trình thi hành thánh chức. Thế nhưng, nhờ đương đầu với trắc trở mà ông được lợi ích! Ông viết: “Tôi đã học thỏa lòng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào... tôi học bí quyết để thỏa lòng khi no lẫn khi đói, khi có nhiều lẫn khi không có”.—Phi-líp 4:11, 12.

Ðiều bạn có thể làm. Hãy nghĩ đến mức độ trưởng thành của con cái và phấn đấu theo nguyên tắc Kinh Thánh: “Mỗi người sẽ tự gánh lấy trách nhiệm riêng” (Ga-la-ti 6:5). Nếu con trai bạn phạm luật giao thông, có lẽ tốt hơn là để con tự đóng phạt bằng tiền riêng. Nếu con gái bạn thi rớt, có lẽ đó là tiếng chuông cảnh tỉnh để lần sau con học hành tốt hơn. Nếu con trai bạn chia tay với người yêu, hãy an ủi con—nhưng vào thời điểm thích hợp hãy giúp con ngẫm nghĩ một số câu hỏi, chẳng hạn như: “Chuyện này cho thấy tôi nên cải thiện thêm về mặt nào?”. Khi con cái cố gắng tự giải quyết vấn đề, chúng sẽ thêm kiên cường và tự tin—những tính quý giá mà có thể chúng sẽ thiếu nếu lúc nào cũng được ai đó giải nguy.

“Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình, rồi sẽ có cớ để tự hào về mình”.—Ga-la-ti 6:4

 3 Chu cấp quá mức

Vấn đề. Trong một cuộc khảo sát giới trẻ, 81 phần trăm nói rằng mục tiêu quan trọng nhất của họ là “làm giàu”—quan trọng hơn hẳn việc giúp người khác. Nhưng cố làm giàu không mang lại sự thỏa nguyện. Thật thế, nghiên cứu cho thấy rằng những ai chú tâm đến vật chất thì bớt hạnh phúc và thêm buồn nản. Họ cũng gặp nhiều vấn đề về thể chất và tâm lý hơn.

Nguyên nhân. Trong một số trường hợp, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình theo chủ nghĩa vật chất. Sách The Narcissism Epidemic nói: “Cha mẹ thì muốn con cái hạnh phúc, con cái thì muốn thứ này thứ nọ, thế nên cha mẹ mua cho con các thứ đó. Vậy là con cái hạnh phúc, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, vì rồi chúng lại muốn thêm thứ khác”.

Dĩ nhiên, ngành quảng cáo đã khai thác thị trường béo bở này. Họ đẩy mạnh những ý tưởng như: “Bạn đáng được điều tốt nhất” hoặc “Vì bạn là người xứng đáng”. Thế là nhiều người trẻ lao vào mua sắm và bây giờ nợ nần, không thể thanh toán cho những thứ mà họ “đáng được”.

Ðiều Kinh Thánh dạy. Kinh Thánh công nhận tiền bạc là cần thiết (Truyền-đạo 7:12). Ðồng thời, Kinh Thánh cũng cảnh báo “lòng ham tiền là gốc rễ của mọi loại tai hại, vì nuôi dưỡng ham muốn đó mà một số người đã... tự gây cho mình nhiều nỗi đau” (1 Ti-mô-thê 6:10). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta đừng theo đuổi sự giàu có về vật chất mà hãy thỏa lòng khi có những thứ cơ bản trong cuộc sống.—1 Ti-mô-thê 6:7, 8.

“Những ai quyết chí làm giàu thì rơi vào cám dỗ, cạm bẫy, cùng nhiều ước muốn vô nghĩa tai hại”.—1 Ti-mô-thê 6:9

Ðiều bạn có thể làm. Là cha mẹ, hãy tự xét xem bạn cảm thấy thế nào về tiền bạc và những thứ mà nó mua được. Xác định các thứ tự ưu tiên và giúp con cái làm theo. Sách The Narcissism Epidemic, được trích ở trên, đề nghị: “Cha mẹ và con cái có thể bắt đầu thảo luận những đề tài như: ‘Khi nào nên mua đồ giảm giá? Khi nào không nên?’, ‘Phải trả lãi suất bao nhiêu?’, ‘Lần mua sắm chỉ vì nghe theo người khác là khi nào?’”.

Hãy cẩn thận, đừng dùng vật chất như một phương thuốc để quên đi những vấn đề cần được giải quyết trong gia đình. Sách The Price of Privilege nói: “Dùng vật chất để xoa dịu vấn đề là một giải pháp hoàn toàn thất bại. Vấn đề cần được giải quyết bằng sự suy xét, sáng suốt và thấu cảm chứ không phải bằng giày dép và túi xách”.

^ đ. 11 Kinh Thánh không ủng hộ việc bạo hành trẻ em về thể chất lẫn tinh thần (Ê-phê-sô 4:29, 31; 6:4). Sự sửa trị là nhằm dạy dỗ chứ không phải là cái cớ để cha mẹ trút cơn thịnh nộ.