Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | BẠN CÓ THỂ KIỂM SOÁT ĐỜI MÌNH KHÔNG?

Thách thức: Những hoàn cảnh không thể thay đổi

Thách thức: Những hoàn cảnh không thể thay đổi

Bạn có mắc một căn bệnh mạn tính? Ly hôn? Mất người thân? Khi đương đầu với những hoàn cảnh không thể thay đổi, có lẽ bạn cảm thấy mình bất lực, chỉ mong ước là tình trạng sẽ thay đổi. Làm sao bạn có thể gượng dậy để kiểm soát được đời mình?

GƯƠNG MẪU TRONG KINH THÁNH: PHAO-LÔ

Vào thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô là một giáo sĩ sốt sắng đi khắp nơi. Nhưng cuộc hành trình bị gián đoạn vì ông bị bắt oan, bị lính canh quản thúc hai năm. Thay vì tuyệt vọng, sứ đồ Phao-lô đã tập trung vào điều mình có thể làm. Ông dùng Kinh Thánh để an ủi và giúp đỡ những người đến thăm. Ông còn viết vài lá thư. Những lá thư này trở thành một phần trong Kinh Thánh.—Công vụ 28:30, 31.

CHỊ ANJA LÀM GÌ?

Như được đề cập ở bài trước, chị Anja không thể ra khỏi nhà. Chị nói: “Bệnh ung thư đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động của tôi. Vì không muốn bị bệnh nặng hơn nên tôi không đi làm và hiếm khi tiếp xúc với ai”. Làm thế nào chị Anja đương đầu với những hoàn cảnh không thể thay đổi ấy? Chị cho biết: “Việc điều chỉnh lại thời gian biểu đã giúp ích cho tôi. Tôi ưu tiên làm những gì quan trọng nhất và đặt ra thời biểu tùy khả năng của mình. Điều này giúp tôi biết cách kiểm soát đời mình”.

“Tôi đã học thỏa lòng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”.—Lời của Phao-lô nơi Phi-líp 4:11

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Nếu những hoàn cảnh không thể thay đổi dường như đang kiểm soát đời bạn, hãy thử những cách sau:

  • Tập trung vào những điều bạn có thể kiểm soát. Chẳng hạn, dù không thể hoàn toàn kiểm soát được sức khỏe của mình, nhưng bạn có thể tập thể dục, ăn thực phẩm bổ dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ không?

  • Xác định mục tiêu trong đời bạn. Lập ra các bước thực hiện mục tiêu ấy. Mỗi ngày, cố gắng dành ra chút thời gian để vươn đến mục tiêu.

  • Hãy làm việc, dù là nhỏ. Điều này giúp bạn có thể kiểm soát được cuộc đời mình. Lau dọn bàn ăn, rửa chén. Ăn mặc gọn gàng. Vào buổi sáng, hãy ưu tiên làm việc quan trọng nhất.

  • Nhìn vào những lợi ích bạn nhận được từ hoàn cảnh của mình. Chẳng hạn, hoàn cảnh của bạn có giúp bạn khôn ngoan hơn khi đối phó với những khó khăn không? Bạn có dùng sự khôn ngoan ấy để giúp người khác không?

Kết luận: Có lẽ bạn không thể kiểm soát được hoàn cảnh, nhưng bạn có thể kiểm soát được cách phản ứng của mình.