Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Vẻ đẹp ngoại hình

Vẻ đẹp ngoại hình

Một thái độ đúng đắn đối với vẻ đẹp ngoại hình có thể mang đến hạnh phúc thay vì đau buồn.

Tại sao chúng ta thích cái đẹp?

Thật kỳ diệu là bộ não của con người có thể cảm nhận vẻ đẹp. Kinh Thánh không giải thích rõ về điều này, nhưng cho biết tại sao chúng ta thích cái đẹp, đó là vì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những đặc tính giống ngài (Sáng-thế Ký 1:27; Truyền-đạo 3:11). Ngài cũng tạo ra cơ thể con người rất phức tạp, với vóc dáng và chức năng đáng kinh ngạc. Về khía cạnh này, một nhạc sĩ thời xưa đã hát: “Tôi phải tán tụng ngài vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng”.—Thi-thiên 139:14.

Ngày nay, thái độ đối với vẻ đẹp ngoại hình đã bị lệch lạc, một phần là do ngành công nghiệp thời trang và phương tiện truyền thông đã đề cao quá mức. Theo một sách nói về ngoại hình (Body Image), một số nghiên cứu về các nền văn hóa phương Tây “cho biết rằng ngoại hình là yếu tố quan trọng nhất trong cái nhìn của mỗi người về bản thân”. Tuy nhiên, quan điểm hạn hẹp như thế đã khiến người ta bỏ qua một điều quan trọng hơn rất nhiều, đó là tâm hồn.—1 Sa-mu-ên 16:7.

Nhiều nền văn hóa đề cao quá mức đến ngoại hình và sự khêu gợi

Cùng với việc chú tâm đến ngoại hình, người ta ngày càng chú trọng quá mức đến sự khêu gợi. Theo một báo cáo năm 2007 của Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (APA), “hầu hết các phương tiện truyền thông đều mô tả hình ảnh người phụ nữ khêu gợi ham muốn tình dục”. Kinh Thánh có lý do chính đáng khi khuyên chúng ta hãy tránh bị ảnh hưởng trước những khuynh hướng như thế!—Cô-lô-se 3:5, 6.

“Đừng quá chú trọng vào việc chưng diện bề ngoài,... nhưng hãy tô điểm lòng mình, tức con người bề trong, bằng trang sức không mục nát như tính tình mềm mại và điềm đạm, là điều có giá trị lớn trước mắt Đức Chúa Trời”.1 Phi-e-rơ 3:3, 4.

Tại sao có quan điểm thăng bằng là điều khôn ngoan?

Nói về vẻ đẹp ngoại hình, một số người cho rằng: “Tốt khoe”. Theo báo cáo của APA, trong những nền văn hóa mà người ta nghĩ đó là bình thường, các cô gái tuổi mới lớn xem mình là “tâm điểm khiến người khác phải ham muốn... phải chiêm ngưỡng và đánh giá về ngoại hình của họ”. Quan điểm ấy rất tai hại. Thực tế, nó đã trở thành một mối lo ngại chính về mặt xã hội và sức khỏe. APA cho biết nó có thể dẫn đến “hàng loạt những hệ lụy đau lòng”, trong đó có lo lắng, “thậm chí căm ghét bản thân..., rối loạn ăn uống, thiếu lòng tự trọng, trầm cảm hoặc tâm trạng chán chường”.

“Khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai-hại khỏi xác-thịt ngươi; vì lúc thiếu-niên và thì xuân-xanh là sự hư-không mà thôi”.Truyền-đạo 11:10.

Thái độ nào phản ánh một tâm trí biết suy xét?

Kinh Thánh liên kết sự “suy xét” với tính khiêm tốn (1 Ti-mô-thê 2:9). Hãy nghĩ điều này: Người khiêm tốn thì không bị ám ảnh bởi ngoại hình của mình nhưng có cái nhìn đúng đắn về bản thân. Họ cũng nghĩ đến cảm xúc của người khác và tạo được cảm tình, được tôn trọng, và trên hết là làm Đức Chúa Trời vui lòng (Mi-chê 6:8). Hơn nữa, họ tìm được những người bạn đích thực. Họ cũng thu hút những người khác phái nghiêm túc muốn tiến tới hôn nhân, những người không chỉ quan tâm đến việc ân ái mà còn muốn trọn đời sống hạnh phúc bên nhau.

Vậy, Kinh Thánh có nhiều lý do để khuyên chúng ta hãy chú tâm đến “con người bề trong” (1 Phi-e-rơ 3:3, 4). Quả thật, vẻ đẹp tâm hồn thì không phai đi mà ngày càng đẹp hơn qua thời gian! Châm-ngôn 16:31 nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”. Vì thế, dù trẻ hay già, những ai làm theo lời khuyên khôn ngoan của Kinh Thánh sẽ tìm được bí quyết để không những đẹp mãi mà còn giữ được phẩm giá và sự thỏa lòng.

“Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không; nhưng người nữ nào kính-sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen-ngợi”.Châm-ngôn 31:30.