KINH NGHIỆM
Từ những nữ tu trở thành các chị em thiêng liêng thật
“Đừng nói gì với tôi nữa! Tôi không muốn nghe thêm bất cứ điều gì về tôn giáo của chị. Nó làm tôi phát ốm. Tôi ghét chị!”. Em gái tôi là Araceli đã hét lên như thế. Ngay cả khi ở tuổi 91, tôi vẫn có thể nhớ mình đã đau lòng thế nào khi nghe những lời ấy. Nhưng trường hợp của chúng tôi đã giống với điều mà Truyền-đạo 7:8 nói: “Cuối-cùng của một việc hơn sự khởi-đầu nó”.—Chị Felisa.
Chị Felisa: Tôi lớn lên trong một gia đình rất sùng đạo, và có 13 người thân là linh mục hoặc làm việc cho nhà thờ Công giáo. Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II thậm chí đã đề nghị phong thánh cho bác họ bên đằng ngoại của tôi, ông từng là linh mục dạy dỗ ở một trường Công giáo. Gia đình tôi rất bình thường. Cha tôi là thợ rèn, còn mẹ thì làm ruộng. Cha mẹ có tám người con và tôi là con cả.
Năm tôi 12 tuổi, Nội chiến Tây Ban Nha nổ ra. Sau chiến tranh, cha tôi bị bỏ tù vì những tư tưởng chính trị tự do của ông không vừa lòng chính phủ độc tài. Mẹ phải vật lộn để nuôi gia đình. Thế nên, một người bạn khuyên mẹ gửi ba em gái của tôi là Araceli, Lauri và Ramoni đến một tu viện ở Bilbao, Tây Ban Nha. Ít ra các em sẽ không bị đói khi ở đó.
Chị Araceli: Lúc ấy tôi chỉ mới 14 tuổi, còn hai em gái được 12 tuổi và 10 tuổi. Tách biệt với gia đình là điều thật sự khó khăn. Ở Bilbao, chúng tôi làm công việc lau dọn. Hai năm sau, các nữ tu chuyển chúng tôi đến một tu viện lớn ở Zaragoza, tu viện này chăm sóc cho những người lớn tuổi. Công việc của chúng tôi là dọn dẹp phòng bếp, một công việc nặng nhọc đối với những người trẻ ở tuổi thanh thiếu niên.
Chị Felisa: Khi các em gái của tôi đến Zaragoza, mẹ và chú tôi, một linh mục địa phương, đã quyết định gửi tôi đến làm việc tại tu viện ở đó. Họ nghĩ việc chuyển đi sẽ tách tôi khỏi một cậu con trai gần nhà đang để ý đến tôi. Vì là một người rất sùng đạo nên tôi thích được ở trong tu viện một thời gian. Tôi từng dự Lễ Mi-sa hằng ngày và thậm chí
còn nghĩ đến việc trở thành một giáo sĩ giống như người anh họ của tôi, một tu sĩ ở châu Phi.Các nữ tu không khuyến khích tôi đi đến nước khác để phụng sự Đức Chúa Trời. Tôi cảm thấy cuộc sống ở tu viện thật tù túng. Vì thế, một năm sau đó, tôi quyết định trở về nhà để chăm sóc chú tôi, vị linh mục được đề cập ở trên. Ngoài chuyện làm việc nhà, tôi cùng với chú lần hạt Mân Côi mỗi tối. Tôi cũng thích cắm hoa cho nhà thờ và trang trí các ảnh tượng của đức mẹ đồng trinh và “các thánh”.
Chị Araceli: Trong thời gian đó, cuộc sống ở tu viện có sự thay đổi. Sau khi tôi khấn tạm, các nữ tu quyết định tách chị em chúng tôi ra. Ramoni ở lại Zaragoza, Lauri đến Valencia, còn tôi được gửi tới Madrid, tại đó tôi khấn tạm lần thứ hai. Tu viện Madrid cung cấp chỗ ở cho sinh viên, người lớn tuổi và những khách đến thăm nên có rất nhiều việc để làm. Tôi làm việc ở bệnh viện của tu viện.
Nói thật là tôi đã mong đợi rằng cuộc sống của một nữ tu sẽ thỏa nguyện hơn thế. Tôi mong được đọc và hiểu Kinh Thánh. Nhưng không có ai nói về Đức Chúa Trời hoặc Chúa Giê-su và chúng tôi không dùng Kinh Thánh. Tôi chỉ học một chút tiếng La-tinh, tìm hiểu về đời sống của “các thánh” và thờ phượng bà Ma-ri. Nhưng phần lớn thời gian, chúng tôi chỉ làm những công việc nặng nhọc.
Tôi bắt đầu thấy hoang mang và đã nói chuyện với mẹ bề trên. Tôi nói với bà ấy rằng thật không hợp lý khi tôi làm việc khó nhọc để những người khác kiếm được nhiều tiền trong khi gia đình cần tôi hỗ trợ. Bà đã giam tôi trong một căn phòng với hy vọng sẽ thay đổi suy nghĩ của tôi và ngăn cản tôi rời tu viện.
Các nữ tu đã thả tôi ra ba lần chỉ để xem liệu tôi vẫn muốn rời bỏ tu viện không. Vì sự quyết tâm của tôi, họ bảo tôi viết thư nói rằng: “Tôi sẽ bỏ đi vì thích phụng sự Sa-tan thay vì phụng sự Đức Chúa Trời”. Đòi hỏi này khiến tôi bị sốc và dù rất muốn rời tu viện, tôi không bao giờ có thể viết ra những lời ấy. Cuối cùng, tôi yêu cầu được gặp một linh mục và nói với ông về điều đã xảy ra. Ông đã xin giám mục cho phép chuyển tôi về tu viện cũ ở Zaragoza. Sau vài tháng, tôi được phép rời tu viện. Không lâu sau, Lauri và Ramoni cũng rời tu viện.
MỘT CUỐN SÁCH “CẤM” ĐÃ CHIA RẼ CHÚNG TÔI
Chị Felisa: Với thời gian, tôi kết hôn và chuyển tới Cantabria. Tôi vẫn đi dự Lễ Mi-sa đều đặn và một ngày chủ nhật nọ, tôi nghe một tuyên bố gây sửng sốt từ bục giảng kinh. Vị linh mục tức giận thét lên: “Hãy nhìn cuốn sách này!”, rồi ông chỉ vào sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời.
Ông nói tiếp: “Nếu ai đó đưa cho các con sách này, hãy mang đến cho ta hoặc vứt nó đi!”.Tôi không có sách ấy nhưng muốn có ngay một cuốn. Mấy ngày sau, có hai chị Nhân Chứng gõ cửa nhà tôi và mời tôi nhận sách “cấm” đó. Tôi đọc sách này vào đêm hôm ấy và khi hai chị trở lại, tôi đã đồng ý học Kinh Thánh với họ.
Sự thật đã sớm tác động đến lòng tôi. Lòng sùng đạo của tôi trước kia chuyển thành lòng yêu mến sâu xa dành cho Đức Giê-hô-va và sự sốt sắng đối với thánh chức. Tôi làm báp-têm năm 1973. Dù có ít cơ hội chia sẻ sự thật với gia đình nhưng tôi đã làm thế mỗi khi có cơ hội. Như đã giải thích nơi đầu bài, gia đình kịch liệt phản đối niềm tin của tôi, đặc biệt là người em gái Araceli.
Chị Araceli: Những trải nghiệm tồi tệ ở tu viện đã khiến tôi cay đắng. Tuy nhiên, tôi tiếp tục dự Lễ Mi-sa vào chủ nhật và lần hạt Mân Côi mỗi ngày. Tôi vẫn rất khao khát được hiểu Kinh Thánh và đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Nhưng khi chị gái tôi là Felisa nói chuyện với tôi về niềm tin mới của chị, chị nói hăng say đến mức tôi nghĩ rằng chị cuồng tín. Tôi hoàn toàn không đồng ý với chị.
Sau vài năm, tôi trở về Madrid để làm việc và sau đó thì kết hôn. Với thời gian, tôi trở thành một người rất hoài nghi. Tôi để ý rằng những người đều đặn dự Lễ Mi-sa không làm theo sự dạy dỗ trong các sách Phúc âm. Thế nên, tôi ngưng đi nhà thờ. Tôi không còn tin vào “các thánh”, việc xưng tội hay hỏa ngục. Tôi thậm chí còn bỏ mọi ảnh tượng mà mình có. Tôi không biết điều mình đang làm có đúng không. Tôi cảm thấy thất vọng nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Con muốn biết về ngài. Xin hãy giúp con!”. Tôi nhớ là các Nhân Chứng Giê-hô-va đã đến nhà tôi vài lần nhưng tôi chưa bao giờ mở cửa. Tôi không tin tưởng bất cứ tôn giáo nào.
Đầu thập niên 1980, em gái của tôi là Lauri, đang sống ở Pháp, và Ramoni, đang sống ở Tây Ban Nha, đã bắt đầu học Kinh Thánh với các Nhân Chứng. Tôi cho rằng họ bị lầm lạc giống như chị Felisa trước đó. Về sau, tôi gặp một chị hàng xóm
tên là Angelines và chúng tôi đã trở thành bạn thân. Chị cũng là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Hết lần này đến lần khác, chị Angelines và chồng mời tôi học Kinh Thánh. Họ nhận thấy rằng đằng sau vẻ ngoài hoài nghi của tôi là một người khao khát được biết về Kinh Thánh. Cuối cùng, tôi nói với họ: “Cũng được. Nhưng tôi chỉ đồng ý học với anh chị nếu tôi có thể dùng Kinh Thánh của mình”. Tôi đang nói đến bản Kinh Thánh Nácar-Colunga mà mình có.RỐT CUỘC KINH THÁNH ĐÃ HỢP NHẤT CHÚNG TÔI
Chị Felisa: Khi tôi làm báp-têm năm 1973, có khoảng 70 Nhân Chứng trong thành phố Santander, thủ phủ của tỉnh Cantabria, Tây Ban Nha. Vì có một khu vực rao giảng rộng lớn nên chúng tôi đi bằng xe buýt, và sau này là bằng xe hơi, để rao giảng khắp tỉnh. Chúng tôi đi từ làng này qua làng khác cho đến khi đã tới thăm hàng trăm ngôi làng trong khu vực.
Trong những năm qua, tôi có đặc ân điều khiển nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh và 11 người trong số đó đã làm báp-têm. Phần lớn họ từng theo Công giáo. Vì cũng từng là một người sùng đạo nên tôi biết mình phải kiên nhẫn. Tôi nhận ra họ cần thời gian để bỏ đi những niềm tin đã ăn sâu trong lòng. Tôi cũng hiểu rằng Kinh Thánh và thần khí của Đức Giê-hô-va phải tác động đến lòng họ để giúp họ nhận ra sự thật (Hê 4:12). Chồng tôi tên là Bienvenido, từng làm cảnh sát, đã làm báp-têm năm 1979. Không lâu trước khi mẹ tôi qua đời, mẹ cũng bắt đầu học Kinh Thánh.
Chị Araceli: Tôi rất đa nghi khi bắt đầu học Kinh Thánh với các Nhân Chứng. Nhưng sau nhiều tuần, tôi nhận thấy những cảm xúc cay đắng của mình đã tan biến. Điều khiến tôi ấn tượng nhất nơi các Nhân Chứng là việc họ làm theo những điều họ rao giảng. Đức tin đã thay thế sự hoài nghi và tôi thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Thậm chí một số người hàng xóm đã nói với tôi: “Araceli này, hãy tiếp tục con đường cô đã chọn!”.
Tôi nhớ mình đã cầu nguyện: “Cảm tạ Đức Giê-hô-va vì ngài đã không từ bỏ con và ban cho con rất nhiều cơ hội để tìm được điều mà con đang tìm kiếm. Đó là sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh”. Tôi đã xin chị Felisa tha thứ cho mình vì đã nói những lời làm chị tổn thương. Những cuộc tranh cãi của chúng tôi được thay bằng những cuộc thảo luận Kinh Thánh sống động. Tôi làm báp-têm năm 1989, ở tuổi 61.
Chị Felisa: Giờ đây ở tuổi 91, tôi là một góa phụ và không còn khỏe mạnh như xưa. Nhưng tôi vẫn đọc Kinh Thánh mỗi ngày, tham dự các buổi nhóm họp khi sức khỏe cho phép và tham gia thánh chức nhiều nhất có thể.
Chị Araceli: Có lẽ vì từng là một nữ tu nên tôi thích làm chứng cho tất cả các linh mục và nữ tu mà mình gặp trong thánh chức. Tôi đã tặng họ nhiều ấn phẩm và có một số cuộc nói chuyện thú vị. Tôi nhớ có một vị linh mục, sau khi được tôi thăm lại vài lần, đã nói với tôi: “Araceli này, tôi hoàn toàn đồng ý với cô nhưng tôi có thể đi đâu ở tuổi này chứ? Giáo dân và gia đình tôi sẽ nói sao?”. Tôi đáp lại: “Còn Chúa sẽ nói sao?”. Ông gật đầu buồn bã. Thế nhưng vào lúc đó, ông đã không đủ can đảm để tiếp tục tìm kiếm sự thật.
Tôi nhớ một giây phút đặc biệt trong đời mình, đó là khi chồng tôi lần đầu nói rằng anh muốn cùng tôi đi dự một buổi nhóm họp. Dù lúc ấy đã hơn 80 tuổi nhưng kể từ đó, anh không bao giờ bỏ buổi nhóm họp nào. Anh học Kinh Thánh và trở thành người công bố chưa báp-têm. Tôi có những kỷ niệm vui khi chúng tôi cùng nhau tham gia thánh chức. Anh đã qua đời hai tháng trước ngày dự định làm báp-têm.
Chị Felisa: Một trong những điều thỏa nguyện nhất trong đời tôi là được thấy ba em gái, những người mới đầu chống đối, đã trở thành chị em thiêng liêng của mình. Chúng tôi thật vui mừng khi kết hợp với nhau, cùng nói chuyện về Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời yêu quý của mình và về Lời ngài! Cuối cùng, tôi và các em gái đã hợp nhất về thiêng liêng. *
^ đ. 29 Chị Araceli, 87 tuổi, chị Felisa, 91 tuổi, và chị Ramoni, 83 tuổi, vẫn sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến ngày nay. Chị Lauri đã qua đời năm 1990 trong khi trung thành với Đức Giê-hô-va.