Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy có quan điểm đúng về sai sót

Hãy có quan điểm đúng về sai sót

Anh Don và chị Margaret * rất vui khi gia đình riêng của con gái đến thăm họ. Trong bữa ăn chia tay, chị Margaret, là đầu bếp về hưu, đã nấu món mà hai cháu của chị thích nhất: nui nướng phô mai.

Khi mọi người đã ngồi vào chỗ, chị Margaret mang món chính ra và đặt ở giữa bàn. Nhưng khi nhấc nắp lên thì chị vô cùng sửng sốt vì trong thố chỉ có sốt phô mai nóng! Chị đã quên mất nguyên liệu chính là nui!

Dù ở độ tuổi nào hoặc có kinh nghiệm ra sao, chúng ta đều phạm sai sót. Có thể là lời nói thiếu suy nghĩ hoặc hành động không đúng lúc, hoặc có lẽ chỉ đơn giản là chúng ta quên mất một việc gì đó. Tại sao lại có sai sót? Làm thế nào để đối phó? Có thể tránh phạm sai sót không? Có quan điểm đúng về sai sót sẽ giúp chúng ta trả lời.

QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CỦA CHÚNG TA

Khi làm tốt việc gì, chúng ta vui và cảm thấy xứng đáng được người khác khen và công nhận. Nhưng khi phạm sai sót, dù sơ ý hoặc người khác không biết, chúng ta có nhận trách nhiệm không? Để làm được như thế, đòi hỏi phải khiêm nhường.

Nếu nghĩ quá nhiều về mình, có lẽ chúng ta sẽ tìm cách giảm nhẹ sai sót, đổ lỗi hoặc chối bỏ trách nhiệm. Hành động như thế thường dẫn đến hậu quả. Có thể vấn đề không được giải quyết và người khác bị đổ lỗi một cách bất công. Dù có thể tránh được hậu quả vào lúc đó nhưng chúng ta cần nhớ rằng về lâu dài, ‘mỗi người sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời’.—Rô-ma 14:12.

Đức Chúa Trời có quan điểm thực tế về sai sót. Sách Thi thiên miêu tả ngài là Đức Chúa Trời “có lòng thương xót và trắc ẩn”, ngài “không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng căm giận mãi mãi”. Ngài biết bản chất và các nhược điểm của chúng ta, “luôn nhớ rằng chúng ta chỉ là bụi đất”.—Thi thiên 103:8, 9, 14.

Ngoài ra, như một người cha đầy thương xót, Đức Chúa Trời muốn chúng ta, con cái của ngài, có cùng quan điểm với ngài về sai sót (Thi thiên 130:3). Qua Lời ngài, Đức Chúa Trời yêu thương cung cấp rất nhiều lời khuyên và chỉ dẫn để giúp chúng ta đối phó với sai sót của mình cũng như của người khác.

CÁCH ĐỐI PHÓ

Thông thường khi phạm sai sót, một người dành nhiều thời gian và năng lực để đổ lỗi cho người khác hoặc biện hộ cho điều mình đã nói hay làm. Thay vì thế, khi lỡ lời xúc phạm người khác, sao không xin lỗi, sửa sai và giữ cho tình bạn không bị sứt mẻ? Bạn đã bao giờ làm điều sai, khiến mình hoặc người khác gặp rắc rối, thậm chí rơi vào tình trạng tệ hơn chưa? Thay vì tự dằn vặt mình hoặc buộc tội người khác, sao không cố gắng để sửa chữa vấn đề? Nếu khăng khăng đổ lỗi cho người khác, vấn đề sẽ kéo dài và căng thẳng hơn. Hãy rút ra bài học, sửa sai và tiếp tục tiến tới.

Khi người khác phạm sai sót, chúng ta rất dễ tỏ ra không hài lòng. Thật tốt hơn biết bao nếu làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Khi phạm sai sót, dù là nhỏ, chắc hẳn bạn muốn người khác thông cảm và thậm chí bỏ qua hoàn toàn. Vậy sao không cố gắng thể hiện sự nhân từ như thế với người khác?—Ê-phê-sô 4:32.

NGUYÊN TẮC GIÚP GIẢM BỚT SAI SÓT

Một từ điển giải thích rằng sai sót xảy ra là vì “phán đoán sai, thiếu hiểu biết hoặc không chú ý”. Phải công nhận rằng ai cũng có lúc ở trong tình trạng như thế. Tuy nhiên, chúng ta sẽ ít phạm sai sót hơn nếu lưu ý đến một vài nguyên tắc cơ bản trong Kinh Thánh.

Một nguyên tắc là Châm ngôn 18:13: “Trả lời trước khi nghe sự việc, ấy là dại dột và nhục nhã”. Đúng vậy, dừng lại một chút để nghe toàn bộ câu chuyện và suy xét cách trả lời chắc chắn sẽ giúp tránh nói điều thiếu suy xét hoặc hành động hấp tấp. Tập trung chú ý sẽ giúp chúng ta hiểu vấn đề, nhờ thế có phán đoán đúng, và tránh được sai sót.

Một nguyên tắc khác là: “Nếu có thể được, hãy gắng hết sức hòa thuận với mọi người” (Rô-ma 12:18). Hãy cố gắng duy trì tinh thần hòa thuận và hợp tác. Khi làm việc chung, hãy có ý tứ, tôn trọng, nỗ lực khen và khích lệ người khác. Trong một môi trường như thế, những lời nói hoặc hành động vô ý có thể dễ dàng được tha thứ và bỏ qua, thậm chí sai sót nghiêm trọng hơn cũng được khắc phục hoặc giải quyết êm thấm.

Hãy nghĩ xem mình có thể học được gì từ sai sót. Thay vì tìm lý do bào chữa cho lời nói hoặc hành động, hãy xem đó là cơ hội để phát triển những phẩm chất tốt. Có phải bạn cần kiên nhẫn, nhân từ hoặc tự chủ hơn? Có phải bạn cần mềm mại, bình an và yêu thương hơn? (Ga-la-ti 5:22, 23). Ít ra, bạn có thể biết nên tránh làm gì lần tới. Dù không nên trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng đừng quá áy náy. Một chút hài hước sẽ giúp giải tỏa căng thẳng.

LỢI ÍCH KHI CÓ QUAN ĐIỂM ĐÚNG

Quan điểm đúng giúp chúng ta đối phó thành công trong tình huống có sai sót. Chúng ta sẽ giữ được bình an tâm trí và mối quan hệ hòa thuận. Nếu cố gắng rút ra bài học từ sai sót, chúng ta sẽ là người khôn ngoan và dễ gần hơn. Chúng ta cũng sẽ không quá thất vọng hoặc chán nản về bản thân. Khi biết người khác cũng đang đối phó với sai sót, chúng ta sẽ dễ thông cảm với họ hơn. Quan trọng nhất, chúng ta được lợi ích khi tập noi theo tình yêu thương và lòng rộng lượng tha thứ của Đức Chúa Trời.—Cô-lô-se 3:13.

Sai sót của chị Margaret được đề cập ở đầu bài có phá hỏng buổi họp mặt gia đình không? Hoàn toàn không. Mọi người, đặc biệt là chị Margaret, đều nhìn vấn đề theo khía cạnh hài hước và cùng nhau vui vẻ dùng món nui, mà không có nui! Nhiều năm sau, hai cháu của chị kể lại cho con họ về bữa ăn đáng nhớ ấy và ôn lại những kỷ niệm đẹp mà họ có với ông bà. Dù sao đi nữa, đó chỉ là sai sót nhỏ mà thôi!

^ đ. 2 Các tên đã được thay đổi.