Họ tình nguyện đến
Trong vòng các Nhân Chứng đang sốt sắng phụng sự ở những nơi có nhu cầu lớn hơn về người công bố Nước Trời, có rất nhiều chị độc thân. Một số chị đã phụng sự ở nước ngoài trong nhiều thập kỷ. Điều gì giúp họ quyết định chuyển đến một nước khác từ nhiều năm trước? Họ học được gì từ việc phụng sự ở nước ngoài? Họ có đời sống ra sao? Chúng tôi đã phỏng vấn một số chị thành thục trong số đó. Nếu là một chị độc thân đang có ước muốn tham gia vào một công việc truyền giáo đầy thỏa nguyện, chắc hẳn chị sẽ nhận được lợi ích từ những lời phát biểu của họ. Thật ra, mọi người thuộc dân Đức Chúa Trời đều có thể nhận được lợi ích khi xem xét gương của họ.
VƯỢT QUA NHỮNG SỰ NGHI NGỜ
Anh chị có thắc mắc liệu mình thật sự có khả năng để thành công khi là tiên phong độc thân tại một nước khác không? Chị Anita, hiện 75 tuổi, từng nghi ngờ rất nhiều về khả năng của mình. Chị lớn lên tại Anh Quốc và bắt đầu làm tiên phong khi 18 tuổi. Chị nói: “Tôi thích dạy người khác về Đức Giê-hô-va, nhưng không thể tin rằng mình có thể phụng sự ở nước ngoài. Tôi chưa từng học ngoại ngữ và không bao giờ nghĩ mình có thể thành thạo một thứ tiếng khác. Thế nên, khi được mời học Trường Ga-la-át, tôi thấy sửng sốt. Tôi ngạc nhiên vì một người tầm thường như mình lại nhận được lời mời như thế. Nhưng tôi nghĩ: ‘Nếu Đức Giê-hô-va nghĩ mình có thể làm thì mình sẽ cố gắng’. Đó là chuyện xảy ra hơn 50 năm trước, và tôi đã làm giáo sĩ tại Nhật Bản từ lúc ấy”. Chị Anita nói thêm: “Đôi lúc, tôi hài hước nói với các chị trẻ: ‘Hãy xách va-li và cùng tôi tham gia chuyến phiêu lưu tuyệt vời nhất!’. Tôi rất vui khi nhiều chị đã làm thế”.
THU HẾT CAN ĐẢM
Nhiều chị phụng sự ở nước ngoài mới đầu cảm thấy ngần ngại chuyển đến một nước khác. Bằng cách nào họ đã thu hết can đảm để làm thế?
Chị Maureen, hiện 64 tuổi, nói: “Từ bé, tôi luôn mong ước dùng đời sống một cách có ý nghĩa để giúp đỡ người khác”. Khi bước qua tuổi 20, chị chuyển đến Quebec, Canada, nơi rất cần người tiên phong. Chị chia sẻ: “Sau này, tôi được mời học Trường Ga-la-át nhưng tôi rất sợ phải đến một nơi lạ lẫm và xa cách bạn bè”. Chị nói thêm: “Tôi rất sợ phải rời xa mẹ vì lúc đó mẹ phải chăm sóc cho
người cha đang đau yếu của tôi. Nhiều đêm, tôi cầu nguyện trong nước mắt với Đức Giê-hô-va về những điều này. Khi tôi cho cha mẹ biết về những nỗi lo của mình, họ đã giục tôi nhận lời mời. Tôi cũng thấy hội thánh địa phương dành sự hỗ trợ đầy yêu thương cho cha mẹ. Việc nhận ra bàn tay chăm sóc của Đức Giê-hô-va đối với gia đình mình đã giúp tôi tin rằng ngài cũng sẽ chăm sóc tôi. Vì thế, tôi đã sẵn sàng đi!”. Kể từ năm 1979, chị Maureen đã làm giáo sĩ hơn 30 năm tại Tây Phi. Giờ đây, khi đang chăm sóc mẹ tại Canada, chị Maureen vẫn làm tiên phong đặc biệt. Nhìn lại những năm phụng sự ở nước ngoài, chị nói: “Đức Giê-hô-va luôn cung cấp những thứ tôi cần và vào đúng thời điểm”.Chị Wendy, 65 tuổi, bắt đầu làm tiên phong tại Úc khi còn là thiếu niên. Chị nhớ lại: “Tôi rất nhút nhát và thấy khó nói chuyện với người lạ. Nhưng công việc tiên phong đã dạy tôi biết cách nói chuyện với mọi loại người, nên tôi dần tự tin hơn. Sau này, tôi nhận ra sự tự tin không còn là vấn đề với mình nữa. Thánh chức tiên phong giúp tôi nương cậy Đức Giê-hô-va, và tôi không còn sợ phụng sự ở nước ngoài. Hơn nữa, một chị độc thân từng làm giáo sĩ ở Nhật Bản hơn 30 năm đã mời tôi tham gia chuyến rao giảng tại Nhật Bản trong ba tháng. Nhờ kết hợp với chị, tôi càng có ước muốn phụng sự ở nước ngoài”. Vào năm 1986, chị Wendy chuyển đến Vanuatu, một quốc đảo cách nước Úc khoảng 1.770km về phía đông.
Chị Wendy vẫn đang ở Vanuatu và phục vụ tại một văn phòng dịch thuật từ xa. Chị nói: “Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các nhóm và hội thánh được thành lập ở những vùng xa xôi. Được góp phần nhỏ vào công việc của Đức Giê-hô-va trên các hòn đảo này là một đặc ân không thể diễn tả bằng lời”.
Khi chị Kumiko, nay 65 tuổi, đang làm tiên phong đều đều tại Nhật Bản thì một người bạn tiên phong đã đề nghị rằng họ cùng nhau chuyển đến Nepal. Chị Kumiko kể: “Chị ấy cứ hỏi tôi hết lần này đến lần khác, nhưng tôi đều từ chối. Tôi sợ phải học ngôn ngữ mới và phải thích nghi với một môi trường mới. Ngoài ra, việc có đủ tiền để chuyển đến nước ngoài cũng là một vấn đề. Trong khi đang phân vân chưa biết quyết định thế nào, tôi bị tai nạn xe máy và phải nhập viện. Tại đó, tôi nghĩ: ‘Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Có thể mình sẽ mắc bệnh nặng và mất cơ hội làm tiên phong ở nước ngoài. Sao mình không thử phụng sự ở nước ngoài ít nhất một năm?’. Tôi tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình hành động”. Sau khi xuất viện, chị Kumiko đến thăm Nepal rồi chị cùng người bạn tiên phong đã chuyển tới đó.
Nhìn lại khoảng thời gian gần mười năm phụng sự ở Nepal, chị Kumiko nói: “Những vấn đề mà tôi lo lắng đã rẽ ra trước mặt tôi như Biển Đỏ. Tôi rất vui vì mình đã chọn phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Thông thường, khi chia sẻ thông điệp Kinh Thánh cho một gia đình, năm hoặc sáu người hàng xóm sẽ đến lắng nghe. Ngay cả những em nhỏ cũng lễ phép xin tôi một tờ chuyên đề về Kinh Thánh. Thật vui mừng khi rao giảng trong khu vực có nhiều người hưởng ứng”.
ĐỐI PHÓ VỚI NHỮNG THỬ THÁCH
Dĩ nhiên, những chị độc thân can đảm mà chúng tôi phỏng vấn đã gặp các thử thách. Họ đương đầu với chúng ra sao?
Chị Diane từ Canada nói: “Lúc đầu, tôi thấy rất khó khăn khi phải xa gia đình”. Giờ đây ở tuổi 62, chị đã làm giáo sĩ tại Bờ Biển Ngà được 20 năm. Chị Diane chia sẻ: “Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi yêu thương những người dân trong nhiệm sở của mình. Anh Jack Redford, một giảng viên của tôi tại Trường Ga-la-át, đã cho biết rằng có thể lúc đầu chúng tôi sẽ hoang mang, thậm chí bị sốc vì điều kiện sống của người dân tại nhiệm sở, đặc biệt là khi chứng kiến cảnh nghèo đói cùng cực. Nhưng anh ấy nói: ‘Đừng nhìn vào cảnh nghèo khổ. Hãy nhìn người dân, nhìn vào khuôn mặt và ánh mắt của họ. Hãy để ý cách họ phản ứng khi nghe sự thật Kinh Thánh’. Tôi đã làm thế, và đó quả là một ân phước! Khi chia sẻ thông điệp an ủi về Nước Trời, tôi thấy ánh mắt của người ta sáng lên!”. Điều gì khác đã giúp chị Diane thích nghi với việc phụng sự ở nước ngoài? Chị nói: “Tôi gần gũi với các học viên Kinh Thánh và rất hạnh phúc khi thấy họ trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhiệm sở ấy trở thành quê nhà của tôi. Tôi có cha mẹ và anh chị em thiêng liêng đúng như Chúa Giê-su đã hứa”.—Mác 10:29, 30.
Chị Anne, 46 tuổi, đang phụng sự tại một nơi ở châu Á mà công việc của chúng ta bị hạn chế. Chị nói: “Qua nhiều năm phụng sự tại những vùng khác nhau ở nước ngoài, tôi sống cùng các chị có hoàn cảnh xuất thân và tính cách rất khác với mình. Đôi lúc, điều này gây ra sự hiểu lầm và tổn thương. Khi việc ấy xảy ra, tôi cố gắng gần gũi hơn với các chị cùng nhà để hiểu rõ hơn về văn hóa của họ. Tôi cũng cố gắng thể hiện tình yêu thương và tính phải lẽ nhiều hơn đối với họ. Thật vui khi những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả tốt và cho tôi những tình bạn thân thiết giúp mình chịu đựng trong nhiệm sở”.
Chị Ute, đến từ Đức và nay 53 tuổi, đã được mời làm giáo sĩ tại Madagascar vào năm 1993. Chị nói: “Lúc đầu, tôi gặp khó khăn trong việc học tiếng bản xứ, thích nghi với khí hậu ẩm thấp cũng như đương đầu với bệnh sốt rét, trùng a-míp và ký sinh trùng. Nhưng tôi được giúp đỡ rất nhiều. Các chị địa phương và con cái của họ, cùng với những học viên Kinh Thánh đã kiên nhẫn giúp tôi thành thạo ngôn ngữ này. Một chị cùng làm giáo sĩ với tôi đã yêu thương chăm sóc khi tôi mắc bệnh. Nhưng trên hết, Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ tôi. Tôi thường dốc đổ những mối lo âu của mình qua lời cầu nguyện. Sau đó tôi kiên nhẫn chờ đợi, có khi vài ngày hoặc thậm chí vài tháng, để được ngài đáp lời. Đức Giê-hô-va đã giải quyết từng vấn đề”. Chị Ute đã phụng sự ở Madagascar được 23 năm.
ĐƯỢC BAN PHƯỚC DỒI DÀO TRONG ĐỜI SỐNG
Như những anh chị khác đã chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn, các chị độc thân phụng sự ở nước ngoài thường cho biết rằng họ được ban phước dồi dào trong đời sống. Một số ân phước họ nhận được là gì?
Chị Heidi, đến từ Đức và nay 73 tuổi, đã làm giáo sĩ tại Bờ Biển Ngà từ năm 1968. Chị nói: “Niềm vui lớn nhất mà tôi có là được thấy những người con thiêng liêng của mình ‘tiếp tục bước đi theo sự thật’. Một số người từng học Kinh Thánh với tôi giờ đây đã là những tiên phong và trưởng lão. Nhiều người trong số họ gọi tôi là mẹ hoặc bà. Một trưởng lão trong số ấy cùng vợ và các con xem tôi như người nhà. Có thể nói rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi con trai, con dâu và ba đứa cháu”.—3 Giăng 4.
Chị Karen đến từ Canada, 72 tuổi, đã phụng sự hơn 20 năm tại Tây Phi. Chị nói: “Đời sống giáo sĩ dạy tôi có tinh thần hy sinh nhiều hơn, yêu thương và kiên nhẫn hơn. Ngoài ra, việc kết hợp với các anh chị đến từ nhiều quốc gia đã mở rộng tầm nhìn của tôi. Tôi nhận biết rằng có nhiều cách để làm một việc. Thật là một ân phước khi giờ đây tôi có nhiều người bạn thân yêu trên khắp thế giới! Dù đời sống và nhiệm vụ thay đổi, nhưng tình bạn của chúng tôi luôn còn mãi”.
Chị Margaret đến từ Anh Quốc, 79 tuổi, đã làm giáo sĩ ở Lào. Chị nói: “Việc phụng sự ở nước ngoài giúp tôi thấy rõ Đức Giê-hô-va kéo những người từ mọi chủng tộc và gốc gác đến với tổ chức của ngài. Kinh nghiệm này đã củng cố đức tin của tôi rất nhiều, đồng thời giúp tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đang điều khiển tổ chức của ngài và ý định của ngài sẽ được thực hiện”.
Đúng vậy, các chị độc thân phục vụ ở nước ngoài đã có quá trình phụng sự xuất sắc. Họ xứng đáng nhận được sự ngợi khen nồng ấm. Hơn nữa, số lượng các chị ngày càng đông (Thi 68:11). Anh chị có thể điều chỉnh hoàn cảnh của mình và đi theo dấu chân của những chị sốt sắng được phỏng vấn trong bài này không? Khi làm thế, chắc chắn anh chị sẽ nếm thử và thấy Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao!—Thi 34:8.