Hãy vun trồng lòng trắc ẩn với “mọi loại người”
Khi dạy các môn đồ về cách rao giảng tin mừng, Chúa Giê-su cảnh báo rằng không phải ai cũng hưởng ứng thông điệp Nước Trời (Lu 10:3, 5, 6). Trong thánh chức, có thể chúng ta gặp một số người đáp lại cách thô lỗ hoặc thậm chí lăng mạ chúng ta. Khi gặp những trường hợp như thế, chúng ta có thể thấy khó để duy trì lòng trắc ẩn với những người mình rao giảng.
Một người có lòng trắc ẩn nhận thấy nhu cầu và khó khăn của người khác, cảm thông với họ và muốn giúp đỡ. Nhưng nếu đánh mất lòng trắc ẩn với người trong khu vực, có thể chúng ta sẽ đánh mất lòng sốt sắng và sự hữu hiệu trong thánh chức. Lòng sốt sắng có thể ví với ngọn lửa. Để ngọn lửa bùng cháy thì cần nhiều ô-xy. Cũng vậy, để lòng sốt sắng được mạnh mẽ, chúng ta cần có lòng trắc ẩn!—1 Tê 5:19.
Làm sao để vun trồng lòng trắc ẩn dù không phải lúc nào cũng dễ? Hãy xem xét ba gương mà chúng ta nên noi theo: Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô.
NOI THEO LÒNG TRẮC ẨN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
Hàng ngàn năm qua, Đức Giê-hô-va đã chịu đựng việc danh ngài bị bôi nhọ. Nhưng ngài vẫn “nhân từ với kẻ gian ác và vô ơn” (Lu 6:35). Lòng nhân từ của ngài được thể hiện qua việc kiên nhẫn. Đức Giê-hô-va muốn “mọi loại người được cứu” (1 Ti 2:3, 4). Dù ghét sự gian ác nhưng ngài xem loài người rất quý giá và không muốn ai bị mất sự sống.—2 Phi 3:9.
Đức Giê-hô-va biết Sa-tan rất hữu hiệu trong việc làm mù tâm trí những người không tin (2 Cô 4:3, 4). Nhiều người bị ảnh hưởng bởi niềm tin sai lầm và thái độ không đúng từ khi còn nhỏ. Vì thế, họ khó chấp nhận chân lý. Đức Giê-hô-va rất muốn giúp những người như thế. Tại sao chúng ta biết điều này?
Hãy xem Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về dân thành Ni-ni-ve xưa. Dù họ từng hung bạo nhưng ngài phán với Giô-na: ‘Chẳng lẽ ta không xót thương thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn 120.000 người không biết phân biệt đúng sai hay sao?’ (Giô-na 4:11). Đức Giê-hô-va xem dân thành Ni-ni-ve là những người bị thiệt thòi về thiêng liêng, và vì lòng thương xót, ngài đã giao cho Giô-na sứ mạng cảnh báo họ.
Giống như Đức Giê-hô-va, chúng ta xem người khác là quý giá. Chúng ta có thể noi gương ngài bằng cách cố gắng giúp họ tìm hiểu về ngài, ngay cả khi họ có vẻ không chú ý.
NOI THEO LÒNG TRẮC ẨN CỦA CHÚA GIÊ-SU
Giống như Cha ngài, Chúa Giê-su thương xót người ta “vì họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn” (Mat 9:36). Chúa Giê-su nhận ra vấn đề nằm đằng sau, đó là họ bị giới lãnh đạo tôn giáo ngược đãi và dạy những điều sai lầm. Dù biết nhiều người sẽ lờ đi thông điệp vì những lý do khác nhau, nhưng Chúa Giê-su vẫn “dạy họ nhiều điều”.—Mác 4:1-9.
Khi người ta không hưởng ứng thông điệp, chúng ta cần nhận ra vấn đề nằm đằng sau và cố gắng hiểu tại sao họ phản ứng như thế. Có lẽ một số người có quan điểm tiêu cực về Kinh Thánh hoặc những tín đồ
chân chính vì hạnh kiểm xấu của những người nhận mình theo đạo Đấng Ki-tô. Có lẽ những người khác từng nghe nhiều lời nói dối về niềm tin của chúng ta. Còn số khác có thể bị cộng đồng hoặc gia đình chế giễu nếu họ tiếp đón chúng ta.Một số người chúng ta gặp trong thánh chức có lẽ không hưởng ứng thông điệp vì họ từng có những trải nghiệm đau buồn ảnh hưởng lớn đến cảm xúc. Một chị giáo sĩ tên là Kim chia sẻ: “Nhiều người trong khu vực chúng tôi là nạn nhân của chiến tranh và bị mất hết tài sản. Họ không có hy vọng thật cho tương lai. Họ nản lòng và mất niềm tin. Trong khu vực này, chúng tôi thường gặp những người chống đối thông điệp. Lần nọ, tôi còn bị hành hung khi đang rao giảng”.
Điều gì giúp chị Kim không đánh mất lòng trắc ẩn dù bị đối xử tệ? Chị cho biết: “Khi bị lăng mạ, tôi cố gắng nhớ đến Châm ngôn 19:11. Câu này nói: ‘Nhờ sáng suốt, một người chậm nóng giận’. Nhớ đến hoàn cảnh của những người trong khu vực giúp tôi vun trồng lòng trắc ẩn với họ. Nhưng không phải ai cũng chống đối. Trong cùng khu vực đó, chúng tôi có vài thăm lại rất tốt”.
Hãy tự hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh của chủ nhà, mình sẽ phản ứng thế nào khi nghe thông điệp Nước Trời?”. Chẳng hạn, nói sao nếu chúng ta nghe nhiều lời nói dối về Nhân Chứng Giê-hô-va? Có lẽ chúng ta cũng sẽ phản ứng tiêu cực và cần nhận được lòng trắc ẩn. Khi nhớ lại mệnh lệnh của Chúa Giê-su là hãy đối xử với người khác theo cách mình muốn được đối xử, chúng ta được thúc đẩy để tỏ lòng trắc ẩn ngay cả khi không dễ.—Mat 7:12.
NOI THEO LÒNG TRẮC ẨN CỦA PHAO-LÔ
Sứ đồ Phao-lô thể hiện lòng trắc ẩn ngay cả đối với những người chống đối dữ dội. Tại sao? Vì ông nhớ mình cũng từng là người như thế. Ông nói: “Trước kia ta là kẻ phạm thượng, bắt bớ và xấc xược. Tuy nhiên, ta được thương xót vì đã hành động do thiếu hiểu biết và thiếu đức tin” (1 Ti 1:13). Ông nhận ra rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã tỏ lòng nhân từ bao la với ông. Có lẽ khi nhìn một số người ông rao giảng, ông thấy mình trước đây.
Đôi khi Phao-lô gặp những người có niềm tin sai lầm ăn sâu trong lòng. Ông phản ứng ra sao? Công vụ 17:16 cho biết khi ở A-thên, ông “khó chịu khi thấy trong thành đầy dẫy tượng thần”. Tuy nhiên, Phao-lô đã dùng chính điều khiến ông khó chịu để làm đề tài rao giảng (Công 17:22, 23). Ông điều chỉnh cách rao giảng để phù hợp với hoàn cảnh của từng loại người “hầu cứu một số người, bằng bất cứ cách nào có thể được”.—1 Cô 9:20-23.
Khi gặp những người trong khu vực có thái độ tiêu cực hoặc niềm tin sai lầm, chúng ta có thể làm giống như Phao-lô. Chúng ta có thể dựa vào những gì mình biết về họ để giúp họ tìm hiểu “tin mừng về điều tốt lành hơn” (Ê-sai 52:7). Một chị tên là Dorothy cho biết: “Trong khu vực của chúng tôi, nhiều người được dạy rằng Đức Chúa Trời là đấng nhẫn tâm và hay xét đoán. Tôi khen họ vì có niềm tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời, và sau đó hướng sự chú ý đến điều Kinh Thánh nói về đức tính yêu thương và những lời hứa của ngài về tương lai”.
“HÃY LUÔN LẤY ĐIỀU THIỆN THẮNG ĐIỀU ÁC”
Càng gần đến ngày kết thúc của thế gian, thái độ của người ta “ngày càng tồi tệ” (2 Ti 3:1, 13). Nhưng chúng ta không nên để xu hướng suy đồi này làm mình giảm đi lòng trắc ẩn hoặc mất niềm vui. Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta sức mạnh để “luôn lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô 12:21). Một chị tiên phong tên là Jessica kể lại: “Tôi thường gặp những người thiếu khiêm nhường, xem thường chúng ta và thông điệp Kinh Thánh. Điều này có thể gây bực bội. Thế nên, trước khi bắt chuyện với người ta, tôi cầu nguyện thầm và xin Đức Giê-hô-va giúp mình nhìn người ấy theo quan điểm của ngài. Điều này giúp tôi không tập trung vào cảm xúc của bản thân, mà nghĩ về cách giúp người đó”.
Chúng ta cũng nên xem xét làm thế nào để khích lệ người cùng đi rao giảng. Chị Jessica chia sẻ: “Nếu một người trong chúng tôi có kinh nghiệm không vui thì tôi cố gắng không nói lâu về chuyện đó. Thay vì thế, tôi chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tích cực, chẳng hạn như những kết quả tốt đẹp mà thánh chức mang lại ngay cả khi một số người không hưởng ứng”.
Đức Giê-hô-va biết rõ những thử thách mà chúng ta gặp trong thánh chức. Hẳn ngài vui mừng biết bao khi chúng ta noi theo lòng thương xót của ngài! (Lu 6:36). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ không thể hiện lòng trắc ẩn mãi đối với những người chống đối. Chúng ta có thể tin chắc rằng ngài biết chính xác khi nào sẽ chấm dứt thế gian này. Từ nay cho đến lúc đó, công việc rao giảng rất cấp bách (2 Ti 4:2). Vậy, hãy tiếp tục thực hiện sứ mạng được giao bằng cách thể hiện lòng sốt sắng và trắc ẩn với “mọi loại người”.