BÀI HỌC 43
“Ngài sẽ làm anh em mạnh mẽ”—Như thế nào?
“[Đức Giê-hô-va] sẽ làm anh em vững vàng, ngài sẽ làm anh em mạnh mẽ, ngài sẽ lập anh em trên nền vững chắc”.—1 PHI 5:10.
BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ
GIỚI THIỆU a
1. Nhờ đâu những người thờ phượng Đức Chúa Trời vào thời xưa có được sức mạnh?
Lời Đức Chúa Trời thường miêu tả những người trung thành là người mạnh mẽ. Nhưng ngay cả những người mạnh mẽ nhất trong số họ không phải lúc nào cũng cảm thấy mạnh mẽ. Chẳng hạn, có lúc vua Đa-vít cảm thấy “vững như núi”, nhưng cũng có lúc ông “thấy kinh hoàng” (Thi 30:7). Dù Sam-sôn có sức mạnh phi thường nhờ thần khí của Đức Chúa Trời, nhưng ông nhận ra rằng nếu không có sức mạnh từ ngài, ông “sẽ yếu như mọi người khác” (Quan 14:5, 6; 16:17). Những người trung thành này chỉ có thể mạnh mẽ nhờ Đức Giê-hô-va ban sức cho họ.
2. Tại sao sứ đồ Phao-lô nói rằng ông vừa yếu đuối lại vừa mạnh mẽ? (2 Cô-rinh-tô 12:9, 10)
2 Sứ đồ Phao-lô thừa nhận rằng ông cũng cần sức mạnh từ Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10). Giống như nhiều người trong chúng ta, Phao-lô đương đầu với những vấn đề về sức khỏe (Ga 4:13, 14). Có những lúc ông thấy khó làm điều đúng (Rô 7:18, 19). Thỉnh thoảng ông cảm thấy lo lắng và bất an (2 Cô 1:8, 9). Nhưng khi Phao-lô yếu đuối thì ông trở nên mạnh mẽ. Tại sao? Đức Giê-hô-va ban cho Phao-lô sức mạnh cần thiết. Ngài làm ông mạnh mẽ.
3. Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi nào?
3 Đức Giê-hô-va cũng hứa làm chúng ta mạnh mẽ (1 Phi 5:10). Nhưng chúng ta không thể mong nhận được sức mạnh ấy mà không làm gì cả. Hãy xem một minh họa. Động cơ có thể giúp chiếc xe máy chuyển động. Nhưng chỉ khi người lái xe vặn tay ga thì xe mới di chuyển. Tương tự, Đức Giê-hô-va sẵn sàng ban sức mạnh cần thiết nhưng chúng ta phải làm một số điều để nhận được sự trợ giúp đó. Vậy, ngài đã cung cấp điều gì để làm chúng ta mạnh mẽ? Và chúng ta cần làm gì để nhận được sức mạnh ấy? Để biết câu trả lời, hãy xem cách Đức Giê-hô-va thêm sức cho ba nhân vật trong Kinh Thánh là nhà tiên tri Giô-na, Ma-ri mẹ của Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô. Chúng ta cũng sẽ xem Đức Giê-hô-va tiếp tục thêm sức cho tôi tớ ngày nay theo những cách tương tự ra sao.
CÓ SỨC MẠNH NHỜ CẦU NGUYỆN VÀ HỌC HỎI
4. Làm thế nào để nhận được sức mạnh từ Đức Giê-hô-va?
4 Một cách chúng ta có thể nhận được sức mạnh từ Đức Giê-hô-va là cầu nguyện với ngài. Đức Giê-hô-va có thể đáp lời cầu nguyện bằng cách ban cho chúng ta “sức lực hơn mức bình thường” (2 Cô 4:7). Chúng ta cũng có thể được thêm sức khi đọc và suy ngẫm Lời ngài (Thi 86:11). Thông điệp của Đức Giê-hô-va trong Kinh Thánh “có quyền lực” (Hê 4:12). Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và đọc Lời ngài, anh chị sẽ nhận được sức mạnh cần thiết để chịu đựng, duy trì niềm vui hoặc hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn. Hãy xem cách Đức Giê-hô-va thêm sức cho nhà tiên tri Giô-na.
5. Tại sao nhà tiên tri Giô-na cần sức mạnh?
5 Nhà tiên tri Giô-na cần sức mạnh. Ông đã chạy trốn khi được Đức Giê-hô-va giao cho một nhiệm vụ khó khăn. Hậu quả là ông suýt mất mạng trong một cơn bão dữ dội và cũng khiến những người đi cùng tàu lâm nguy. Sau khi bị quăng khỏi tàu, Giô-na nhận ra mình đang ở một nơi chưa bao giờ tới. Đó là trong bụng tối tăm của một con cá khổng lồ. Anh chị nghĩ Giô-na cảm thấy thế nào? Ông có cho rằng mình sẽ bỏ mạng ở đó không? Phải chăng ông nghĩ Đức Giê-hô-va đã từ bỏ mình? Hẳn Giô-na rất lo lắng.
6. Theo Giô-na 2:1, 2, 7, điều gì đã thêm sức cho Giô-na khi ở trong bụng cá?
6 Giô-na đã làm gì để nhận được sức mạnh khi đơn độc trong bụng cá? Một điều ông làm là cầu nguyện. (Đọc Giô-na 2:1, 2, 7). Dù trước đó, Giô-na không vâng lời Đức Giê-hô-va, nhưng ông đã ăn năn và tin chắc ngài sẽ lắng nghe lời cầu nguyện khiêm nhường của mình. Giô-na cũng suy ngẫm một số câu Kinh Thánh. Tại sao chúng ta có thể nói thế? Trong lời cầu nguyện của ông nơi Giô-na chương 2, có nhiều từ và cụm từ được tìm thấy trong các bài Thi thiên. (Chẳng hạn, so sánh Giô-na 2:2, 5 với Thi thiên 69:1; 86:7). Rõ ràng, Giô-na quen thuộc với những câu Kinh Thánh này. Khi suy ngẫm những câu ấy, Giô-na tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ trợ giúp mình. Sau đó, ngài giải cứu Giô-na và ông sẵn sàng chấp nhận cũng như thi hành nhiệm vụ tiếp theo.—Giô-na 2:10–3:4.
7, 8. Nhờ đâu một anh ở Đài Loan nhận được sức mạnh khi đương đầu với thử thách?
7 Gương của Giô-na có thể giúp chúng ta khi đương đầu với thử thách. Chẳng hạn, một anh ở Đài Loan tên là Zhiming b gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Anh cũng bị gia đình chống đối dữ dội vì phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh nhận được sức mạnh từ ngài qua việc cầu nguyện và học hỏi. Anh thừa nhận: “Đôi khi có những vấn đề nảy sinh khiến tôi lo lắng đến mức không còn tâm trí để học hỏi cá nhân”. Nhưng anh không bỏ cuộc. Anh cho biết: “Trước hết, tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Sau đó, tôi đeo tai nghe vào và nghe các bài hát Nước Trời. Có những lúc tôi còn hát thì thầm cho đến khi bình tĩnh trở lại, rồi bắt đầu học hỏi”.
8 Việc học hỏi cá nhân đã thêm sức cho anh Zhiming theo những cách mà anh không ngờ. Chẳng hạn, sau khi anh trải qua cuộc đại phẫu, một y tá cho biết anh cần tiếp máu vì lượng hồng cầu quá thấp. Tuy nhiên, vào đêm trước khi phẫu thuật, anh đã đọc kinh nghiệm của một chị cũng trải qua ca phẫu thuật tương tự. Lượng hồng cầu của chị thậm chí còn thấp hơn của anh. Nhưng chị đã không chấp nhận truyền máu và vẫn hồi phục được. Kinh nghiệm đó đã thêm sức cho anh để giữ lòng trung thành.
9. Nếu cảm thấy lo lắng trước thử thách, anh chị có thể làm gì? (Cũng xem các hình).
9 Khi gặp thử thách, có bao giờ anh chị lo lắng đến mức thấy khó cầu nguyện, hoặc quá mệt mỏi nên không thể học hỏi không? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va hiểu rõ hoàn cảnh của anh chị. Vì thế, ngay cả khi cầu nguyện đơn giản, anh chị có thể tin chắc ngài sẽ ban cho anh chị đúng điều mình cần (Ê-phê 3:20). Nếu nỗi đau về thể chất hoặc tinh thần khiến anh chị khó đọc và học hỏi, anh chị có thể thử nghe phần thu âm Kinh Thánh hoặc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Anh chị cũng có thể thấy hữu ích khi nghe các bài hát hoặc xem video trên jw.org. Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và cố gắng nhận ra cách ngài đáp lời cầu nguyện của mình qua những sự cung cấp về thiêng liêng, anh chị đang để ngài làm cho mình mạnh mẽ.
ĐƯỢC THÊM SỨC NHỜ ANH EM ĐỒNG ĐẠO
10. Anh em đồng đạo thêm sức cho chúng ta như thế nào?
10 Đức Giê-hô-va có thể dùng anh em đồng đạo để thêm sức cho chúng ta. Họ có thể là “nguồn an ủi lớn” khi chúng ta gặp thử thách hoặc thấy khó thực hiện một nhiệm vụ nào đó (Cô 4:10, 11). Chúng ta đặc biệt cần có bạn “lúc khốn khổ” (Châm 17:17). Khi chúng ta cảm thấy yếu đuối, anh em đồng đạo có thể giúp chúng ta về mặt vật chất, tinh thần và thiêng liêng. Hãy xem làm thế nào Ma-ri, mẹ của Giê-su, nhận được sức mạnh từ người khác.
11. Tại sao Ma-ri cần sức mạnh?
11 Ma-ri cần sức mạnh. Khi nhận nhiệm vụ khó khăn từ thiên sứ Gáp-ri-ên, hẳn cô cảm thấy choáng ngợp. Ma-ri chưa kết hôn, nhưng sắp mang thai. Cô không có kinh nghiệm nuôi con, nhưng sắp có trách nhiệm chăm sóc một cậu bé mà sau này sẽ trở thành Đấng Mê-si. Hơn nữa, Ma-ri còn đồng trinh. Vậy cô sẽ giải thích mọi điều ấy như thế nào cho hôn phu của mình là Giô-sép?—Lu 1:26-33.
12. Theo Lu-ca 1:39-45, làm thế nào Ma-ri nhận được sức mạnh cần thiết?
12 Làm thế nào Ma-ri nhận được sức mạnh cần thiết để thi hành nhiệm vụ đặc biệt và khó khăn này? Cô tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác. Chẳng hạn, cô xin Gáp-ri-ên cung cấp thêm thông tin về nhiệm vụ (Lu 1:34). Không lâu sau, Ma-ri đi đến tận “vùng núi” Giu-đa để thăm người bà con là Ê-li-sa-bét. Chuyến đi ấy thật đáng công. Ê-li-sa-bét đã khen Ma-ri và được soi dẫn để nói một lời tiên tri khích lệ về bé trai trong bụng Ma-ri. (Đọc Lu-ca 1:39-45). Ma-ri nói rằng: “Cánh tay [Đức Giê-hô-va] thực hiện những việc oai hùng” (Lu 1:46-51). Ngài đã ban sức mạnh cho Ma-ri thông qua Gáp-ri-ên và Ê-li-sa-bét.
13. Một chị ở Bolivia nhận được lợi ích nào khi tìm kiếm sự trợ giúp của anh em đồng đạo?
13 Giống như Ma-ri, anh chị cũng có thể có được sức mạnh từ anh em đồng đạo. Một chị ở Bolivia là Dasuri cần sức mạnh như thế. Khi cha của chị được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo và phải nhập viện, chị Dasuri đã sẵn sàng nhận trách nhiệm chăm sóc cha (1 Ti 5:4). Việc này không phải lúc nào cũng dễ. Chị thừa nhận: “Nhiều lúc tôi cảm thấy không thể làm được nữa”. Chị có xin sự trợ giúp không? Lúc đầu thì không. Chị giải thích: “Tôi không muốn làm phiền anh em đồng đạo. Tôi đã lý luận rằng: ‘Chính Đức Giê-hô-va sẽ ban sự trợ giúp cần thiết cho mình’. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng khi tự cô lập bản thân thì tôi đang cố giải quyết vấn đề một mình” (Châm 18:1). Vì thế, chị quyết định viết thư cho vài người bạn, kể về hoàn cảnh của mình. Chị nói: “Không thể diễn tả hết anh em đồng đạo đã thêm sức cho tôi nhiều đến mức nào. Họ mang thức ăn đến bệnh viện, và chia sẻ với tôi những câu Kinh Thánh an ủi. Thật tuyệt vời khi biết rằng chúng ta không đơn độc! Chúng ta thuộc về đại gia đình của Đức Giê-hô-va, một gia đình sẵn sàng trợ giúp mình, khóc cùng mình và khích lệ mình tiếp tục trung thành”.
14. Tại sao chúng ta nên nhận sự trợ giúp từ trưởng lão?
14 Đức Giê-hô-va cũng ban cho chúng ta sức mạnh qua các trưởng lão. Họ là những món quà mà ngài dùng để giúp chúng ta được thêm sức và tươi tỉnh (Ê-sai 32:1, 2). Vì thế, khi anh chị cảm thấy lo lắng, hãy cho các trưởng lão biết vấn đề của mình. Khi họ đề nghị giúp đỡ, hãy chấp nhận với lòng biết ơn. Qua các trưởng lão, Đức Giê-hô-va có thể làm anh chị mạnh mẽ.
ĐƯỢC THÊM SỨC NHỜ HY VỌNG VỀ TƯƠNG LAI
15. Tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô quý trọng hy vọng nào?
15 Hy vọng dựa trên Kinh Thánh có thể giúp chúng ta mạnh mẽ (Rô 4:3, 18-20). Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta có triển vọng vô giá là được sống mãi mãi, dù ở trên trời hoặc trong địa đàng trên đất. Hy vọng ấy thêm sức cho chúng ta để có thể chịu đựng thử thách, rao giảng tin mừng và thi hành nhiệm vụ trong hội thánh (1 Tê 1:3). Chính hy vọng ấy đã thêm sức cho sứ đồ Phao-lô.
16. Tại sao sứ đồ Phao-lô cần sức mạnh?
16 Phao-lô cần sức mạnh. Trong lá thư gửi tín đồ ở Cô-rinh-tô, ông ví mình với bình bằng đất dễ vỡ. Ông “bị ép”, “bị bối rối”, “bị bắt bớ” và “bị đánh gục”. Thậm chí tính mạng của ông còn bị lâm nguy (2 Cô 4:8-10). Phao-lô viết những lời này trong chuyến hành trình truyền giáo thứ ba. Có lẽ lúc đó ông không biết là mình sẽ gặp những thử thách khác nữa. Ông sẽ bị đám đông hành hung, bị bắt, đắm tàu và bỏ tù.
17. Theo 2 Cô-rinh-tô 4:16-18, điều gì thêm sức cho Phao-lô để chịu đựng thử thách?
17 Phao-lô có sức mạnh để chịu đựng nhờ tập trung vào hy vọng của mình. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:16-18). Ông nói với tín đồ ở Cô-rinh-tô rằng cho dù cơ thể ông “ngày một hao mòn” thì ông sẽ không để điều ấy khiến mình nản lòng. Phao-lô tập trung vào tương lai. Hy vọng về sự sống vĩnh cửu ở trên trời “ngày càng lớn lao”. Ông sẵn sàng chịu đựng bất cứ thử thách nào để nhận phần thưởng đó. Phao-lô suy ngẫm về hy vọng ấy, và nhờ thế, ông cảm thấy “được đổi mới mỗi ngày”.
18. Hy vọng đã thêm sức cho anh Timothei và gia đình như thế nào?
18 Một anh ở Bun-ga-ri là Timothei có được sức mạnh nhờ hy vọng của mình. Vài năm trước, người em trai của anh là Zahary qua đời trong một vụ tai nạn. Trong thời gian dài sau đó, anh Timothei vẫn rất đau buồn. Để đối phó với nỗi đau ấy, anh và gia đình hình dung sự sống lại sẽ như thế nào. Anh cho biết: “Chẳng hạn, chúng tôi thảo luận sẽ gặp em trai ở đâu, nấu món gì cho em ấy, mời ai đến bữa tiệc đầu tiên sau khi em ấy được sống lại và kể cho em ấy nghe điều gì về những ngày sau cùng”. Anh nói rằng việc tập trung vào hy vọng đã thêm sức cho gia đình anh tiếp tục chịu đựng và chờ đợi thời điểm Đức Giê-hô-va làm cho em trai sống lại.
19. Làm thế nào để củng cố hy vọng của mình? (Cũng xem hình).
19 Làm thế nào để củng cố hy vọng của mình? Chẳng hạn, nếu anh chị có hy vọng sống đời đời trên đất, hãy đọc và suy ngẫm những lời miêu tả trong Kinh Thánh về địa đàng (Ê-sai 25:8; 32:16-18). Hãy tưởng tượng cuộc sống trong thế giới mới sẽ như thế nào. Hãy hình dung anh chị có mặt ở đó. Anh chị thấy ai? Nghe những âm thanh nào? Cảm thấy ra sao? Để khơi dậy óc tưởng tượng, hãy xem hình ảnh trong các ấn phẩm của chúng ta về địa đàng, hoặc xem các video âm nhạc, chẳng hạn như Địa đàng ta trông mong, Tựa như trước mắt hoặc Hãy hình dung trước mắt. Nếu giữ cho hy vọng về thế giới mới rõ ràng trong trí, những vấn đề của chúng ta chỉ là “tạm thời và nhẹ” (2 Cô 4:17). Qua hy vọng mà ngài ban, Đức Giê-hô-va sẽ làm anh chị mạnh mẽ.
20. Ngay cả khi cảm thấy yếu đuối, làm thế nào chúng ta có được sức mạnh?
20 Ngay cả khi chúng ta cảm thấy yếu đuối, thì “nhờ Đức Chúa Trời, chúng ta được sức” (Thi 108:13). Đức Giê-hô-va đã ban những điều anh chị cần để nhận được sức mạnh từ ngài. Vậy, khi anh chị cần sự trợ giúp để thi hành nhiệm vụ, chịu đựng thử thách hoặc duy trì niềm vui, hãy cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va và tìm kiếm sự hướng dẫn của ngài qua việc học hỏi cá nhân. Hãy nhận sự khích lệ từ anh em đồng đạo. Hãy giữ cho hy vọng của mình rõ ràng và tươi sáng. Khi đó, anh chị sẽ ‘trở nên vô cùng mạnh mẽ bởi quyền năng vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhờ thế có thể chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng’.—Cô 1:11.
BÀI HÁT 33 Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va
a Bài này sẽ giúp ích cho những người cảm thấy choáng ngợp trước một thử thách hoặc nhiệm vụ mà họ nghĩ là vượt quá khả năng của mình. Hãy xem cách Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sức mạnh và những điều mình có thể làm để nhận được sự trợ giúp của ngài.
b Một số tên đã được thay đổi.
c HÌNH ẢNH: Một chị khiếm thính suy ngẫm về những lời hứa trong Kinh Thánh và mở video âm nhạc để giúp chị hình dung đời sống của mình trong thế giới mới sẽ như thế nào.