Bạn có biết?
Tại sao dân Y-sơ-ra-ên xưa nộp sính lễ?
Vào thời Kinh Thánh, chú rể hoặc gia đình sẽ nộp sính lễ cho nhà cô dâu khi cả hai gia đình đều đồng ý cuộc hôn nhân đó. Sính lễ có thể bao gồm những thứ quý giá, động vật hoặc tiền. Đôi khi, sính lễ được trả bằng công lao động, chẳng hạn như trong trường hợp của Gia-cốp, ông đã đồng ý làm việc cho cha của Ra-chên trong bảy năm để được cưới cô (Sáng 29:17, 18, 20). Mục đích của phong tục này là gì?
Học giả Kinh Thánh Carol Meyers cho biết: “Sính lễ có thể bồi thường cho gia đình cô dâu vì bên nhà gái mất một lao động, là điều quan trọng trong những gia đình [làm nông]”. Sính lễ cũng có thể nhằm mục đích củng cố mối quan hệ giữa hai bên thông gia. Nhờ đó, những gia đình này có thể giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Ngoài ra, sính lễ cũng là bằng chứng cho thấy một người nữ đã đính hôn, và giờ đây cô không còn ở dưới sự chăm sóc và bảo vệ của cha nữa mà dưới sự chăm sóc và bảo vệ của chồng.
Việc nộp sính lễ không có nghĩa người vợ là một món đồ có thể mua bán. Sách Y-sơ-ra-ên thời xưa—Đời sống và các cơ cấu (Ancient Israel—Its Life and Institutions) cho biết: “Điều kiện phải nộp một số tiền, hoặc thứ tương đương, cho gia đình nhà gái khiến người ta nghĩ hôn nhân của người Y-sơ-ra-ên có vẻ như là một sự mua bán. Nhưng [sính lễ] dường như không phải là giá để trả cho người nữ ấy mà là sự bồi thường cho gia đình của cô”.
Ngày nay ở một số nước, người ta tiếp tục làm theo phong tục nộp sính lễ. Khi cha mẹ đạo Đấng Ki-tô yêu cầu nộp sính lễ, họ muốn “cho mọi người thấy tính phải lẽ” bằng cách đặt ra sính lễ hợp lý (Phi-líp 4:5; 1 Cô 10:32, 33). Khi làm thế, họ cho thấy mình không “ham tiền”, hoặc tham lam (2 Ti 3:2). Ngoài ra, khi cha mẹ đạo Đấng Ki-tô đặt ra sính lễ hợp lý thì con rể tương lai sẽ không phải trì hoãn đám cưới cho đến khi kiếm đủ tiền để nộp sính lễ. Hoặc con rể tương lai sẽ không cảm thấy phải ngưng thánh chức tiên phong để làm công việc ngoài đời trọn thời gian hầu có đủ tiền nộp sính lễ.
Một số nơi trên thế giới có luật quy định về việc nộp sính lễ. Nếu sống ở một nơi như thế, cha mẹ đạo Đấng Ki-tô vâng theo những điều luật này. Tại sao? Lời Đức Chúa Trời đòi hỏi tín đồ đạo Đấng Ki-tô “phục tùng các bậc cầm quyền” và làm theo những điều luật không đi ngược lại với luật pháp của Đức Chúa Trời.—Rô 13:1; Công 5:29.