Một cuộn sách cổ được “mở ra”
Người ta không thể đọc được nội dung cuộn Ein Gedi kể từ khi phát hiện ra năm 1970. Công nghệ 3D đã tiết lộ cuộn sách này chứa một phần sách Lê-vi, trong đó có danh Đức Chúa Trời
Vào năm 1970, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một cuộn sách bị cháy tại Ein Gedi, Israel, gần bờ biển phía tây của Biển Chết. Họ phát hiện cuộn sách này trong khi đang khai quật một nhà hội bị cháy thuộc một ngôi làng rất có thể bị tàn phá vào thế kỷ thứ sáu CN. Cuộn sách bị hư hại nặng nên không thể đọc nội dung trong đó; thậm chí là không thể mở cuộn sách ra. Tuy nhiên, nhờ công nghệ quét 3D, cuộn sách này được “mở ra”. Với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, người ta có thể đọc nội dung trong cuộn sách ấy.
Kết quả là gì? Người ta phát hiện cuộn sách này thuộc một phần của Kinh Thánh. Những gì còn sót lại trong cuộn sách là một số câu mở đầu của sách Lê-vi. Những câu này chứa đựng danh Đức Chúa Trời được viết bằng bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ. Những gì tìm được cho thấy cuộn sách này có lẽ có niên đại từ nửa sau thế kỷ thứ nhất CN và thế kỷ thứ tư CN. Vì thế, đây là cuộn Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ cổ nhất được phát hiện kể từ sau các Cuộn Biển Chết (Cum-ran). Trong tờ The Jerusalem Post, ông Gil Zohar có viết rằng cho đến khi đọc được cuộn Ein Gedi thuộc sách Lê-vi, dường như không có cuộn nào khác được tìm thấy trong khoảng giữa 1.000 năm tính từ thời điểm các Cuộn Biển Chết 2.000 năm tuổi (có niên đại từ cuối thời kỳ của Đền Thờ Thứ Hai) và bản Aleppo Codex thời trung cổ (vào thế kỷ thứ mười CN) được viết ra. Theo các chuyên gia, cuộn sách được “mở ra” này cho thấy bản Masorete của kinh Torah (Ngũ Thư) “đã được bảo tồn trong hàng thiên niên kỷ và được sao chép một cách trung thực”.