Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Trầm cảm tuổi thiếu niên—Nguyên nhân và cách đối phó

Trầm cảm tuổi thiếu niên—Nguyên nhân và cách đối phó

An * chia sẻ: “Những lúc bị trầm cảm, em chẳng muốn làm gì, ngay cả những việc yêu thích. Em chỉ muốn ngủ thôi. Em thấy mình đáng ghét, vô giá trị và là gánh nặng cho người khác”.

Duyên kể: “Em từng nghĩ đến việc tự tử. Em không thật sự muốn chết nhưng chỉ muốn chấm dứt cảm xúc tiêu cực của mình. Bình thường em là người chu đáo nhưng khi bị trầm cảm, em chẳng quan tâm đến ai hoặc điều gì”.

An và Duyên bắt đầu bị trầm cảm khi bước vào tuổi thiếu niên. Những người trẻ khác đôi khi có thể thấy chán nản, nhưng An và Duyên phải trải qua những giai đoạn trầm cảm kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. An nói: “Em như bị mắc kẹt trong một hố sâu tăm tối mà không có lối thoát. Cảm giác như thể em bị mất trí và không còn là chính mình”.

Trường hợp của An và Duyên không phải là hiếm gặp. Số người trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm đang gia tăng đến mức báo động. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trầm cảm là “nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và khiếm khuyết cho cả nam lẫn nữ từ 10 đến 19 tuổi”.

Triệu chứng của bệnh trầm cảm có thể xuất hiện trong độ tuổi thiếu niên và bao gồm những thay đổi về thói quen ngủ, khẩu vị và cân nặng. Cảm xúc tuyệt vọng, buồn bã và vô giá trị cũng có thể xuất hiện. Những dấu hiệu khác có thể là tự cô lập, khó tập trung hoặc hay quên, có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát và những triệu chứng không thể giải thích về mặt y khoa. Khi các chuyên gia về sức khỏe tâm thần nghi một người mắc bệnh trầm cảm, họ thường chú ý đến những nhóm triệu chứng kéo dài nhiều tuần và cản trở đời sống hàng ngày của người ấy.

NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ GÂY RA BỆNH TRẦM CẢM TUỔI THIẾU NIÊN

Theo WHO, “bệnh trầm cảm là hậu quả của sự tương tác phức tạp giữa những yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học”. Những yếu tố này có thể bao gồm:

Yếu tố thể chất. Như trường hợp của Duyên, bệnh trầm cảm thường xảy ra trong gia đình. Do đó, người ta cho rằng gen có thể đóng một vai trò nào đó liên quan đến bệnh trầm cảm, có lẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hóa học trong não. Những yếu tố thể chất khác là bệnh tim mạch và thay đổi nội tiết tố, cũng như thói nghiện ngập, là điều có thể gây ra hoặc khiến bệnh trầm cảm nặng hơn. *

Căng thẳng. Một chút căng thẳng có thể có lợi, nhưng căng thẳng kinh niên hoặc quá độ có thể gây hại về mặt thể chất và tâm lý. Đôi khi, một thiếu niên đang trong giai đoạn nhạy cảm về sinh lý có thể bị căng thẳng tới mức trầm cảm. Dù vậy, nguyên nhân chính xác của bệnh trầm cảm vẫn chưa được xác định và có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố như đã đề cập ở trên.

Những yếu tố gây căng thẳng dẫn tới bệnh trầm cảm có thể là cha mẹ ly dị hoặc ly thân, người thân yêu qua đời, bị đánh đập hoặc bị lạm dụng tình dục, tai nạn nghiêm trọng, bệnh tật hoặc khiếm khuyết khả năng học, đặc biệt nếu điều này khiến em trẻ cảm thấy bị hắt hủi. Một yếu tố khác có thể là sự kỳ vọng thiếu thực tế của cha mẹ, chẳng hạn về thành tích học tập. Các nguyên nhân khác có thể là bị bắt nạt, lo lắng về tương lai, cảm thấy bị cha hoặc mẹ mắc bệnh trầm cảm bỏ rơi và tính khí thất thường của cha mẹ. Nếu một thiếu niên mắc bệnh trầm cảm, điều gì có thể giúp em đối phó?

CHĂM SÓC SỨC KHỎE THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN

Bệnh trầm cảm, mức độ từ trung bình đến nặng, thường được kiểm soát bằng thuốc và sự tư vấn của chuyên gia về sức khỏe tâm thần. * Chúa Giê-su nói: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần” (Mác 2:17). Bệnh tật có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào của cơ thể, ngay cả não bộ. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng hữu ích vì trí óc và cơ thể của chúng ta liên kết chặt chẽ với nhau.

Nếu mắc bệnh trầm cảm, bạn nên có hành động thích hợp để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Chẳng hạn, hãy ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và thường xuyên tập thể dục. Khi tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra những chất giúp bạn lên tinh thần, tiếp thêm năng lượng và ngủ ngon hơn. Nếu được, hãy cố gắng nhận ra những điều khơi dậy cảm xúc buồn nản, cũng như dấu hiệu cảnh báo của sự trầm cảm để lên kế hoạch hành động thích hợp. Hãy tâm sự với người mà bạn tin cậy. Sự hỗ trợ từ bạn thân hoặc thành viên trong gia đình có thể giúp bạn đối phó hiệu quả với bệnh trầm cảm, rất có thể làm giảm các triệu chứng. Hãy ghi lại cảm xúc và suy nghĩ của bạn vào một cuốn nhật ký. Đây là cách đã giúp Duyên, người được đề cập ở đầu bài. Trên hết, hãy đáp ứng nhu cầu tâm linh của mình. Điều này có thể cải thiện đáng kể quan điểm của bạn về cuộc sống. Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc thay những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 5:3.

Hãy ăn uống đủ chất, tập thể dục và ngủ đủ giấc

Bạn có thể tìm được sự an ủi qua việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình

An và Duyên đã cảm nghiệm lời Chúa Giê-su nói là đúng. An cho biết: “Những hoạt động tâm linh giúp em chú tâm đến người khác, chứ không chỉ vấn đề của mình. Không phải lúc nào cũng dễ để làm thế, nhưng kết quả là em vui hơn rất nhiều”. Duyên tìm được sự an ủi qua việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Duyên nói: “Khi dốc đổ lòng mình qua lời cầu nguyện, em cảm thấy bình an hơn. Ngoài ra, Kinh Thánh giúp em thấy mình có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời, và ngài thật sự quan tâm đến em. Việc đọc Kinh Thánh cũng giúp em có cái nhìn tích cực về tương lai”.

Là Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời hiểu rõ hoàn cảnh dưỡng dục, những trải nghiệm trong đời sống và cấu tạo gen ảnh hưởng thế nào đến quan điểm và cảm xúc của chúng ta. Do đó, ngài có thể hỗ trợ và an ủi khi chúng ta cần, rất có thể qua những người bạn có lòng trắc ẩn và thấu hiểu. Hơn thế, không lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ chữa lành mọi bệnh tật về thể chất lẫn tinh thần. Ê-sai 33:24 nói: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”.

Đúng vậy, Kinh Thánh hứa rằng Đức Chúa Trời “sẽ lau hết nước mắt trên mắt [chúng ta], sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa” (Khải huyền 21:4). Thật an ủi và ấm lòng làm sao! Nếu bạn muốn biết thêm về ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và trái đất, xin truy cập jw.org/vi. Trang web này có Kinh Thánh trực tuyến cũng như những bài viết về nhiều chủ đề, bao gồm bệnh trầm cảm.

^ đ. 3 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 10 Hàng trăm căn bệnh, dược phẩm và chất gây nghiện có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của một người, nên việc đi khám là điều cần thiết.

^ đ. 14 Tỉnh Thức! không khuyến khích một phương pháp trị liệu cụ thể.