MỘT SỰ THIẾT KẾ?
“Chiến thuật hạ cánh” của ong mật
Ong mật có thể “hạ cánh” an toàn hầu như ở mọi góc độ. Chúng làm thế bằng cách nào?
Hãy suy nghĩ điều này: Để đậu an toàn, ong mật phải giảm tốc độ bay xuống mức gần như dừng lại trước khi tiếp xúc với vật thể. Kỹ thuật hợp lý để thực hiện điều này bao gồm hai yếu tố là tính toán tốc độ bay và khoảng cách đến vật thể; sau đó giảm tốc độ cho phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết các loài côn trùng khó thực hiện kỹ thuật này vì mắt chúng nằm gần nhau và có tiêu cự cố định. Mắt chúng không thể trực tiếp tính khoảng cách.
Thị giác của ong mật rất khác với thị giác hai mắt của người vì mắt người có thể tính được khoảng cách đến vật thể. Thế nên, dường như ong mật áp dụng nguyên lý cơ bản là khi đến gần một vật thể thì vật đó sẽ trông to hơn. Khi càng đến gần một vật thể, ong mật thấy kích thước vật đó dường như càng tăng nhanh. Các thử nghiệm của Đại học Quốc gia Úc cho thấy ong mật giảm dần tốc độ bay sao cho tốc độ phóng to của kích thước vật thể không đổi. Trước khi tiếp xúc với vật thể, ong mật giảm tốc độ xuống mức gần như dừng lại để có thể đậu an toàn.
Một tạp chí về khoa học (Proceedings of the National Academy of Sciences) cho biết: “‘Chiến thuật hạ cánh’ đơn giản này... thật lý tưởng để bổ sung vào hệ thống định vị của các rô-bốt bay”.
Bạn nghĩ sao? “Chiến thuật hạ cánh” của ong mật là do tiến hóa? Hay do được thiết kế?