Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

PHỎNG VẤN | ANH FAN YU

Một nhà thiết kế phần mềm giải thích niềm tin của mình

Một nhà thiết kế phần mềm giải thích niềm tin của mình

Tiến sĩ Fan Yu bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu toán học tại Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, gần Bắc Kinh. Lúc đó, anh là người vô thần và tin nơi thuyết tiến hóa. Nhưng giờ đây, anh tin rằng Đức Chúa Trời đã thiết kế và tạo nên sự sống. Tạp chí Tỉnh Thức! phỏng vấn anh về niềm tin của mình.

Xin anh cho biết đôi chút về bản thân.

Tôi sinh năm 1959 tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Lúc tôi lên tám, đất nước đang trải qua thời kỳ bị ảnh hưởng bởi cuộc Cách mạng Văn hóa. Cha tôi là kỹ sư dân dụng và được điều đi xây dựng đường xe lửa ở một vùng xa xôi hẻo lánh. Suốt nhiều năm, ông chỉ có thể về thăm nhà mỗi năm một lần. Trong thời gian đó, tôi sống với mẹ. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học. Thật ra, chúng tôi sống ngay tại trường mẹ dạy. Năm 1970, chúng tôi chuyển đến Lưu Phường, thời đó là một làng nghèo và khan hiếm thực phẩm thuộc quận Lâm Xuyên.

Gia đình anh có theo tôn giáo nào không?

Cha tôi không quan tâm đến tôn giáo và chính trị. Mẹ tôi theo đạo Phật. Ở trường, tôi được dạy là sự sống tiến hóa qua các quá trình tự nhiên, và tôi tin điều giáo viên dạy.

Tại sao anh thích toán học?

Tôi thích toán học vì ngành này giúp tìm ra sự thật qua những suy luận hợp lý. Năm 1976, tôi đã vào đại học và chọn chuyên ngành toán học. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, tôi làm công việc nghiên cứu toán học để thiết kế lò phản ứng hạt nhân.

Ấn tượng đầu tiên của anh về Kinh Thánh là gì?

Năm 1987, tôi đến Hoa Kỳ để học bằng tiến sĩ tại Đại học Texas A&M. Tôi biết ở Hoa Kỳ có nhiều người tin Đức Chúa Trời và đọc Kinh Thánh. Tôi cũng nghe nói Kinh Thánh chứa đựng sự khôn ngoan thực tiễn, vì thế tôi nghĩ mình nên đọc sách này.

Đúng là sự dạy dỗ của Kinh Thánh có vẻ thực tiễn, nhưng tôi thấy Kinh Thánh có nhiều phần khó hiểu nên đã ngừng đọc.

Điều gì khiến anh chú ý đến Kinh Thánh trở lại?

Ý niệm có Đấng Tạo Hóa là điều mới lạ với tôi, vì thế tôi quyết định tự nghiên cứu đề tài này

Năm 1990, một Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà tôi và trình bày thông điệp Kinh Thánh về một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại. Chị ấy giới thiệu một cặp vợ chồng đến giúp tôi tìm hiểu Kinh Thánh. Sau đó, vợ tôi là Liping, giáo viên vật lý của một trường trung học ở Trung Quốc và là người vô thần, cũng bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Chúng tôi học được những điều Kinh Thánh dạy về nguồn gốc sự sống. Ý niệm có Đấng Tạo Hóa là điều mới lạ với tôi, vì thế tôi quyết định tự nghiên cứu đề tài này.

Anh nghiên cứu như thế nào?

Là nhà toán học, tôi được huấn luyện để tính xác suất của sự việc. Tôi cũng học được rằng để sự sống xuất hiện ngẫu nhiên thì trước đó phải có protein. Thế nên, tôi thử tính xác suất của việc một protein được hình thành từ tiến trình ngẫu nhiên. Protein là một trong những phân tử phức tạp nhất được biết đến, và các tế bào sống có thể có hàng ngàn dạng protein. Các protein này tương tác với nhau theo những cách chính xác. Cũng như nhiều người khác, tôi nhận ra rằng việc một protein hình thành ngẫu nhiên có xác suất thấp đến độ không thể xảy ra! Không một tài liệu nào tôi đọc về thuyết tiến hóa giải đáp thỏa đáng về việc làm sao những phân tử rất phức tạp này có thể tự hình thành, huống chi là việc chúng trở thành một phần cốt lõi của vật thể sống. Những sự thật này hướng tôi đến Đấng Tạo Hóa.

Điều gì thuyết phục anh tin rằng Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời?

Khi tiếp tục tìm hiểu với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi nhận ra Kinh Thánh ghi lại nhiều lời tiên tri chi tiết đã được ứng nghiệm. Tôi cũng bắt đầu cảm nghiệm lợi ích của việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Tôi tự hỏi: “Làm sao những người viết Kinh Thánh cách đây hàng ngàn năm có thể ghi lại những lời khôn ngoan và vẫn rất thực tiễn cho thời nay?”. Dần dần tôi nhận ra Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.

Điều gì tiếp tục thuyết phục anh tin rằng có Đấng Tạo Hóa?

Khi suy ngẫm về nhiều điều trong thiên nhiên, tôi tin có Đấng Tạo Hóa. Hiện nay tôi thiết kế phần mềm cho máy vi tính, và thường kinh ngạc khi thấy bộ não chúng ta tuyệt vời hơn chương trình máy vi tính đến mức nào. Chẳng hạn, não có khả năng nhận diện lời nói một cách đáng thán phục. Hầu hết chúng ta đều có thể dễ dàng hiểu lời nói, dù nó chưa hoàn tất hoặc bị cản trở bởi tiếng cười, ho, nói lắp, giọng địa phương, tiếng vang, tạp âm hoặc nhiễu sóng điện thoại. Có thể bạn nghĩ đó là chuyện bình thường. Nhưng các nhà thiết kế phần mềm thì lại nghĩ khác. Ngay cả phần mềm tốt nhất để nhận lệnh từ giọng nói vẫn thua xa bộ não con người.

Không như những máy vi tính phức tạp nhất, bộ não chúng ta có thể nhận ra cảm xúc, giọng địa phương và người nói qua đặc điểm của giọng nói. Các nhà thiết kế phần mềm đang nghiên cứu cách máy vi tính có thể mô phỏng khả năng nhận diện lời nói của não người. Tôi tin chắc khi họ làm thế là thật ra đang nghiên cứu về công việc của tay Đức Chúa Trời.