Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cảm nghiệm lòng yêu thương nhân từ và sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va

Cảm nghiệm lòng yêu thương nhân từ và sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va

Tự Truyện

Cảm nghiệm lòng yêu thương nhân từ và sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va

DO FAY KING KỂ LẠI

Cha mẹ tôi là những người hiền lành, nhưng giống như nhiều người khác, cha mẹ tôi hoàn toàn không ưa tôn giáo. Mẹ tôi từng nói: “Hẳn phải có Đức Chúa Trời, chứ không thì ai tạo ra bông hoa, và cây cối?” Nhưng chỉ đến mức đó mà thôi.

CHA tôi mất năm 1939 khi tôi chỉ 11 tuổi, và tôi sống với mẹ ở Stockport, phía nam Manchester, nước Anh. Tôi luôn muốn biết rõ hơn về Đấng Tạo Hóa và xem trọng Kinh Thánh, dù tôi chẳng biết gì về Kinh Thánh. Vì thế tôi quyết định đi đến nhà thờ Anh Giáo để xem có thể học được gì.

Các buổi lễ nhà thờ không có ý nghĩa gì nhiều đối với tôi, nhưng không hiểu sao khi Phúc Âm được đọc lên, lời Chúa Giê-su làm cho tôi tin rằng Kinh Thánh hẳn là đúng. Nhìn lại, tôi thấy lạ là mình đã không tự đọc Kinh Thánh. Thậm chí sau này, khi một người bạn của gia đình cho tôi cuốn “Tân Ước” trong ngôn ngữ hiện đại, tôi cũng chẳng bao giờ đọc.

Khi Chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, tôi đã suy nghĩ nghiêm túc. Liệu cuộc xung đột có lan rộng như Thế Chiến II không? Nếu có thì làm thế nào tôi có thể vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là phải yêu thương kẻ thù? Nhưng mặt khác, tôi có thể nào đứng nhìn người ta xâm lược đất nước mà không làm gì cả để ngăn cản họ không? Nếu làm thế, chắc chắn tôi sẽ là người lẩn tránh trách nhiệm. Tuy tâm tư bối rối, tôi vẫn tin rằng các câu trả lời cho tất cả câu hỏi của tôi đều nằm trong Kinh Thánh, mặc dù tôi không biết tìm được câu trả lời bằng cách nào hay ở chỗ nào.

Tìm kiếm lẽ thật ở Úc

Năm 1954 tôi và mẹ quyết định nhập cư vào nước Úc, nơi chị tôi là Jean đang sống. Vài năm sau, chị Jean bảo tôi chị đã yêu cầu Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm tôi vì chị biết tôi chú ý đến Kinh Thánh và có đi nhà thờ. Chị muốn biết tôi nghĩ gì về họ. Chị nói riêng với tôi: “Chị không biết họ có giải thích đúng hay không, nhưng ít nhất họ có lời giải thích, còn hơn nhà thờ”.

Hai anh chị đến thăm tôi là cặp vợ chồng rất dễ mến tên là Bill và Linda Schneider. Tuổi gần 70, là Nhân Chứng lâu năm, họ làm việc ở đài phát thanh do Nhân Chứng Giê-hô-va điều khiển ở Adelaide. Khi công việc rao giảng bị cấm ở Úc trong Thế Chiến II, họ tham gia công việc truyền giáo trọn thời gian. Tuy anh Bill và chị Linda giúp tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn còn đang khảo sát các tôn giáo.

Một bạn đồng nghiệp dẫn tôi đến một buổi họp của nhà truyền giáo Billy Graham, sau đó vài người chúng tôi đến gặp một mục sư, ông đề nghị chúng tôi đặt câu hỏi. Tôi đưa ra câu hỏi mà lúc đó vẫn đang làm tôi băn khoăn: “Làm sao mình có thể là tín đồ Đấng Christ và yêu kẻ thù khi mình đi lính và giết họ?” Cả nhóm tức thì xôn xao—hiển nhiên đó cũng là câu hỏi đã làm họ lo nghĩ! Sau một lúc, mục sư này nói: “Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Tôi vẫn còn đang suy nghĩ về điều này”.

Trong lúc đó, tôi tiếp tục học Kinh Thánh với anh Bill và chị Linda, và vào tháng 9 năm 1958 tôi làm báp têm. Tôi quyết định noi theo gương của anh chị dạy tôi, vì thế đến tháng 8 năm sau, tôi trở thành người tiên phong đều đều, tức người truyền giáo trọn thời gian. Tám tháng sau, tôi được mời gia nhập hàng ngũ những người tiên phong đặc biệt. Tôi vui mừng xiết bao khi biết được chị tôi là Jean cũng tiến bộ trong việc học hỏi và đã làm báp têm!

Cơ hội mở ra

Tôi phục vụ cùng với một hội thánh ở Sydney và điều khiển một số cuộc học hỏi Kinh Thánh. Một ngày nọ tôi gặp một mục sư Anh Giáo đã về hưu và hỏi ông nhà thờ nói gì về tận thế. Mặc dù ông nói rằng đã dạy giáo lý 50 năm, câu trả lời của ông làm tôi kinh ngạc: “Tôi cần dành ra thì giờ để nghiên cứu về điều đó vì tôi không biết Kinh Thánh rành như Nhân Chứng Giê-hô-va”.

Chẳng bao lâu sau, có lời kêu gọi những người tình nguyện đi đến Pakistan để phụng sự. Tôi nộp đơn, không biết rằng các chị độc thân không được phái đi, chỉ các anh độc thân hay những cặp vợ chồng mà thôi. Hiển nhiên đơn của tôi được chuyển đến trụ sở trung ương ở Brooklyn vì chẳng bao lâu tôi nhận được thư cho biết có chỗ khuyết ở Bombay (nay gọi là Mumbai), Ấn Độ, hỏi xem tôi có muốn nhận không. Đó là năm 1962. Tôi nhận lời và ở Bombay 18 tháng trước khi dọn tới Allahabad.

Sau đó không lâu, tôi quyết tâm học tiếng Hindi. Tiếng Ấn Độ này thường nhất quán trong cả chính tả và cách phát âm, nên không quá khó. Tuy nhiên, tôi thường nản lòng khi chủ nhà bảo tôi nói tiếng Anh thay vì phải cố nói tiếng của họ! Nhưng ở quốc gia mới này có nhiều thách thức thú vị và hào hứng, và tôi rất thích kết hợp với các anh em Nhân Chứng từ Úc.

Thời thanh xuân, tôi nghĩ đến hôn nhân, nhưng đến lúc làm báp têm, tôi quá bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va nên không nghĩ gì thêm. Tuy nhiên, giờ đây tôi lại bắt đầu cảm thấy cần có bạn đời. Dĩ nhiên tôi không muốn bỏ công việc phụng sự ở nước ngoài, vì thế tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về điều này và không nghĩ đến nữa.

Một ân phước bất ngờ

Lúc bấy giờ anh Edwin Skinner đang giám sát công việc ở chi nhánh Ấn Độ. Anh đã dự khóa thứ 8 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh vào năm 1946 cùng với nhiều anh trung thành khác, kể cả Harold King và Stanley Jones, hai anh được phái đến Trung Quốc. * Năm 1958, anh Harold và anh Stanley bị tù biệt giam vì hoạt động rao giảng của họ ở Shanghai. Khi anh Harold được thả ra vào năm 1963, anh Edwin viết thư cho anh. Anh Harold hồi âm sau khi trở về Hồng Kông từ chuyến đi Mỹ và Anh quốc và nói rằng anh muốn lấy vợ. Anh bảo Edwin rằng anh đã cầu nguyện về điều này khi còn trong tù, và anh hỏi xem Edwin có biết chị Nhân Chứng nào thích hợp cho anh không.

Ở Ấn Độ, phần lớn các cuộc hôn nhân đều được sắp đặt, và anh Edwin thường được nhờ làm người mai mối, nhưng anh luôn từ chối. Vì thế anh đưa lá thư của anh Harold cho chị Ruth McKay, vợ của anh Homer, một giám thị lưu động. Cuối cùng, chị Ruth viết thư cho tôi nói rằng một giáo sĩ ở trong lẽ thật lâu năm đang tìm một người vợ, và chị hỏi xem tôi có muốn viết thư cho anh ấy không. Chị không nói anh ấy là ai, cũng không cho biết gì về anh đó.

Dĩ nhiên ngoài Đức Giê-hô-va, không ai biết tôi đã cầu nguyện về một người bạn đời, và lúc đầu tôi muốn bác bỏ ý kiến đó. Song, càng nghĩ, tôi càng đi đến kết luận là Đức Giê-hô-va ít khi nào đáp lời cầu nguyện theo cách chúng ta nghĩ. Vì thế tôi viết thư cho chị Ruth, nói rằng miễn là không bắt buộc phải lấy, chị có thể bảo anh ấy viết thư. Lá thư thứ hai anh Harold King viết là cho tôi.

Sau khi anh Harold được thả ra khỏi tù ở Trung Quốc, ảnh và câu chuyện về anh đã được đăng trên nhiều tờ báo và tạp chí. Vào lúc đó, anh được khắp thế giới biết đến, nhưng điều làm tôi cảm phục chính là thành tích phụng sự trung thành của anh. Vì thế chúng tôi trao đổi thư từ trong năm tháng, rồi tôi đến Hồng Kông. Chúng tôi kết hôn vào ngày 5-10-1965.

Cả hai chúng tôi đều muốn lập gia đình và tiếp tục thánh chức trọn thời gian, và càng lớn tuổi chúng tôi càng cảm thấy cần bạn đời hơn bất cứ điều gì khác. Tôi ngày càng yêu quý anh Harold, và khi tôi thấy thái độ ân cần, luôn quan tâm đến người khác trong cách anh cư xử và xử lý vấn đề liên quan đến thánh chức, tôi hết sức kính trọng anh. Qua 27 năm chúng tôi rất hạnh phúc trong hôn nhân và nhận được nhiều ân phước từ Đức Giê-hô-va.

Người Trung Quốc cần cù siêng năng, và tôi rất mến họ. Dân Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông, một thứ tiếng Trung Hoa có nhiều thanh điệu, hay ngữ điệu, hơn tiếng Quan Thoại, vì thế khó học hơn. Tôi và anh Harold bắt đầu cuộc sống hôn nhân trong nhà giáo sĩ ở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, sau đó chúng tôi được giao cho nhiệm vụ tại nhiều nơi ở Hồng Kông. Vâng chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng vào năm 1976 tôi bị bệnh nặng.

Đối phó với vấn đề sức khỏe

Tôi bị xuất huyết trong vài tháng, lượng huyết cầu giảm một cách nghiêm trọng. Tôi cần giải phẫu, nhưng các bác sĩ ở nhà thương bảo rằng họ sẽ không giải phẫu mà không tiếp máu vì nếu làm thế, có lẽ tôi sẽ chết vì sốc. Một ngày nọ trong khi các bác sĩ bàn về trường hợp của tôi, các y tá cố làm tôi đổi ý, nói rằng tôi không có quyền hy sinh cuộc đời mình một cách vô ích. Có 12 cuộc giải phẫu được đưa vào lịch trình ngày hôm đó, 10 cuộc là phá thai, nhưng tôi để ý thấy không ai nói lời nào với những phụ nữ mang thai về việc hủy sự sống của đứa bé.

Cuối cùng, anh Harold viết một lá thư miễn trừ mọi trách nhiệm cho nhà thương trong trường hợp tôi chết, và các bác sĩ đồng ý thực hiện cuộc giải phẫu cần thiết. Tôi được đưa đến phòng mổ và chuẩn bị để được gây mê. Tuy nhiên vào phút cuối, bác sĩ gây mê không muốn tiến hành, và nhà thương phải cho tôi về.

Sau đó chúng tôi tham khảo ý kiến một bác sĩ phụ khoa tư. Thấy rõ bệnh trạng của tôi nghiêm trọng, ông nhận thực hiện cuộc giải phẫu với phí tổn thấp—miễn là chúng tôi không nói cho người nào khác biết ông tính chúng tôi bao nhiêu tiền. Ông giải phẫu thành công—không hề dùng máu. Lần này chúng tôi thấy rất rõ lòng yêu thương nhân từ và sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va.

Vào năm 1992, anh Harold lâm trọng bệnh, không chữa được. Chúng tôi dọn đến văn phòng chi nhánh và cả hai được chăm sóc một cách đầy yêu thương. Người chồng thân yêu của tôi kết thúc cuộc sống trên đất vào năm 1993 lúc 81 tuổi.

Trở lại nước Anh

Tôi vui được làm thành viên của gia đình Bê-tên Hồng Kông, nhưng thấy ngày càng khó đối phó với thời tiết nóng nực và ẩm ướt. Thế rồi tôi nhận được một lá thư của trụ sở trung ương ở Brooklyn, làm tôi ngạc nhiên; lá thư hỏi xem tôi, xét đến tình trạng sức khỏe, có muốn dọn đến một chi nhánh có đủ điều kiện y tế hơn không. Vì thế, vào năm 2000, tôi dọn về Anh và sống với gia đình Bê-tên ở Luân Đôn. Đây quả đã chứng tỏ là một sự sắp đặt đầy yêu thương! Tôi được tiếp đón nồng hậu, và rất thích những công việc được giao, bao gồm việc chăm nom thư viện của gia đình Bê-tên cùng với 2.000 cuốn sách.

Tôi cũng kết hợp với hội thánh tiếng Trung Hoa ở Luân Đôn, nhưng ở đây nhiều điều đã thay đổi. Ngày nay, rất ít người từ Hồng Kông đến, mà thường từ Trung Hoa lục địa. Họ nói tiếng Quan Thoại, vì thế đưa ra một thách thức mới trong việc rao giảng. Khắp nước có báo cáo về nhiều cuộc học hỏi Kinh Thánh lý thú đang được điều khiển với các nghiên cứu sinh đến từ Trung Quốc. Họ chịu khó làm việc và thích thú lẽ thật Kinh Thánh mà họ học được. Tôi rất vui được giúp họ.

Trong sự yên tĩnh của chỗ ở mới, tôi thường suy ngẫm về cuộc đời hạnh phúc của mình và lòng luôn cảm kích trước sự yêu thương nhân từ phi thường của Đức Giê-hô-va. Lòng yêu thương nhân từ của Ngài biểu hiện qua mọi điều liên quan đến ý định Ngài, và sự chăm sóc của Ngài đối với mỗi tôi tớ thể hiện thật rõ ràng. Tôi có mọi lý do để biết ơn về tất cả sự chăm sóc yêu thương của Ngài đối với tôi.—1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

[Chú thích]

^ đ. 19 Tự truyện của hai giáo sĩ này được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-7-1963, trang 437-442, và ngày 15-12-1965 trang 756-767.

[Hình nơi trang 24]

Phụng sự ở Ấn Độ

[Các hình nơi trang 25]

Harold King vào năm 1963 và phụng sự ở Trung Quốc vào thập kỷ 1950

[Các hình nơi trang 26]

Ngày cưới của chúng tôi ở Hồng Kông, ngày 5-10-1965

[Hình nơi trang 26]

Với các anh chị thuộc nhà Bê-tên Hồng Kông, anh chị Liang ở giữa, anh chị Gannaway bên phải