Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào thỏa mãn nhu cầu tâm linh?

Làm thế nào thỏa mãn nhu cầu tâm linh?

Làm thế nào thỏa mãn nhu cầu tâm linh?

“TRONG thập niên qua, hơn 300 sách viết về vai trò đời sống tâm linh ở nơi làm việc—từ Jesus CEO (Tổng Giám Đốc Giê-su) đến The Tao of Leadership (Nghệ thuật lãnh đạo theo Lão Giáo)—đã tràn ngập các hiệu sách”, tạp chí U.S.News & World Report đã nói thế. Xu hướng này chỉ là một phản ánh sự kiện tại nhiều xứ phồn vinh, người ta ngày càng khao khát được hướng dẫn về mặt tâm linh. Bình luận về điều này, tờ báo thương mại Training & Development nhận xét: “Vào thời đại mà kĩ thuật chi phối mọi khía cạnh khác của đời sống, chúng ta đi tìm ý nghĩa sâu sắc hơn, tìm mục đích, và tìm sự thỏa nguyện phong phú hơn cho bản thân”.

Nhưng bạn có thể tìm nơi đâu sự hướng dẫn làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh? Trong quá khứ, người ta trông cậy vào tôn giáo chính để giúp họ tìm thấy “ý nghĩa sâu sắc hơn” và “mục đích” trong đời sống. Ngày nay, nhiều người bác bỏ tổ chức tôn giáo. Một cuộc thăm dò 90 giám đốc và ủy viên ban chấp hành cao cấp cho thấy “người ta phân biệt rõ tôn giáo và lĩnh vực tâm linh”, theo báo Training & Development. Những người được thăm dò nghĩ tôn giáo là “cố chấp và gây chia rẽ”, trong khi lĩnh vực tâm linh được xem là “bao quát và phổ biến”.

Nhiều người trẻ trong những xã hội thế tục như Úc, New Zealand, Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Âu Châu cũng nhận thấy sự khác biệt giữa tôn giáo và lĩnh vực tâm linh. Trong cuốn Youth Studies Australia, Giáo Sư Ruth Webber khẳng định: “Phần lớn giới trẻ tin có Đức Chúa Trời, hay một lực siêu nhiên nào đó, nhưng không xem nhà thờ là quan trọng hay có ích trong việc giúp họ thể hiện tâm linh tính”.

Tôn giáo thật khuyến khích ý thức nhu cầu tâm linh

Chúng ta có thể hiểu được quan điểm hoài nghi này về tôn giáo. Nhiều tổ chức tôn giáo lún sâu vào các mưu đồ chính trị và đạo đức giả, đẫm huyết vô tội trong biết bao cuộc chiến tranh tôn giáo. Tuy nhiên, trong khi bác bỏ những tổ chức tôn giáo bị mất uy tín bởi đạo đức giả và thủ đoạn lừa đảo, một số người cũng sai lầm bác bỏ Kinh Thánh vì nghĩ rằng Kinh Thánh đã dung túng những thực hành như thế.

Trên thực tế, Kinh Thánh lên án sự giả hình và sự gian ác. Chúa Giê-su nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ngài: “Khốn cho các ngươi, thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi giống như mồ-mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ-dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công-bình, nhưng ở trong thì chan-chứa sự giả-hình và tội-lỗi”.—Ma-thi-ơ 23:27, 28.

Ngoài ra, Kinh Thánh khuyên tín đồ Đấng Christ giữ sự trung lập trong các vấn đề chính trị. Thay vì hô hào các tín hữu giết lẫn nhau, Kinh Thánh bảo họ phải sẵn sàng chết cho nhau. (Giăng 15:12, 13; 18:36; 1 Giăng 3:10-12) Thay vì “cố chấp và gây chia rẽ”, tôn giáo thật, dựa trên Kinh Thánh, thì “bao quát”. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35.

Kinh Thánh—Một sách hướng dẫn đáng tin cậy cho sức khỏe tâm linh

Kinh Thánh cho chúng ta biết loài người được tạo ra theo hình Đức Chúa Trời. (Sáng-thế Ký 1:26, 27) Mặc dù điều này không có nghĩa loài người giống như Đức Chúa Trời về phương diện thể chất, nó có nghĩa loài người có khả năng phản ánh những đặc tính của Ngài, bao gồm khả năng cảm biết những điều thiêng liêng, tức nhu cầu tâm linh.

Vì vậy, thật hợp lý khi tin rằng Đức Chúa Trời cũng sẽ cung cấp phương cách nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chúng ta, cũng như sự hướng dẫn thích đáng để giúp chúng ta phân biệt lợi hại về mặt tâm linh. Như Đức Chúa Trời đã tạo ra cơ thể chúng ta với hệ miễn dịch được thiết kế tuyệt hảo để chống lại bệnh tật và giúp chúng ta khỏe mạnh, Ngài cũng trang bị cho chúng ta một lương tâm, tức tiếng nói nội tâm, để giúp chúng ta quyết định đúng và tránh những thực hành có hại về thể chất và tâm linh. (Rô-ma 2:14, 15) Như chúng ta biết, để hệ miễn dịch hoạt động, nó phải được nuôi dưỡng thích đáng. Tương tự thế, muốn lương tâm mình hoạt động, chúng ta cần nuôi dưỡng nó bằng đồ ăn thiêng liêng lành mạnh.

Nêu rõ loại đồ ăn giúp chúng ta giữ gìn sức khỏe tâm linh, Chúa Giê-su nói: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 4:4) Lời nói của Đức Giê-hô-va được ghi lại trong Kinh Thánh và “có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị”. (2 Ti-mô-thê 3:16) Vì vậy, chúng ta có bổn phận phải cố gắng tiếp thu đồ ăn thiêng liêng đó. Càng hiểu biết Kinh Thánh và gắng sức áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống nhiều chừng nào, chúng ta sẽ càng được lợi ích về tâm linh và thể chất chừng ấy.—Ê-sai 48:17, 18.

Nỗ lực ấy có đáng công không?

Đành rằng chúng ta phải dành thì giờ học Kinh Thánh để cải thiện sức khỏe tâm linh; và thời gian dường như ngày càng hiếm. Nhưng phần thưởng thật đáng công! Hãy nghe một số người rất bận rộn trong nghề nghiệp giải thích lý do tại sao dành thì giờ chăm sóc đến sức khỏe tâm linh là quan trọng đối với họ.

Marina, một bác sĩ, nói: “Tôi chưa bao giờ thật sự nghĩ về nhu cầu tâm linh của mình cho đến khi vào làm việc tại một bệnh viện và bắt đầu cảm thông sâu xa với nỗi đau khổ của người khác. Khi đó tôi ý thức rằng mình phải nhận biết và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình nếu muốn được toại nguyện và thanh thản, vì nhịp sống và những đòi hỏi của việc chăm sóc những lo lắng của người ta có thể trở nên quá nặng nề cho những người trong nghề nghiệp của tôi.

“Hiện nay tôi đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Việc học hỏi này giúp tôi xem xét để cải thiện hành động và động cơ của mình và rèn tư tưởng cho lạc quan hơn, hầu có thể duy trì một đời sống thăng bằng. Tôi rất thỏa nguyện trong việc làm ngoài đời. Nhưng chính việc học Kinh Thánh đã cải thiện đời sống tôi về mặt cảm xúc, giúp tôi kiềm chế những cảm nghĩ tiêu cực, giảm căng thẳng, đồng thời kiên nhẫn và có lòng thương xót hơn đối với người khác. Áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh cũng mang lại lợi ích cho hôn nhân của tôi. Quan trọng hơn hết, tôi được biết Đức Giê-hô-va, và ít nhiều cảm nghiệm thánh linh Ngài hoạt động dễ dàng, khiến đời sống tôi thêm phần ý nghĩa”.

Nicholas, một kiến trúc sư, nói: “Trước khi học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi không quan tâm đến nhu cầu tâm linh. Mục tiêu duy nhất trong đời của tôi là thành công trong nghề mình đã chọn. Nhờ học Kinh Thánh tôi biết được rằng đời sống còn có nhiều điều khác, rằng làm theo ý định của Đức Giê-hô-va mang lại hạnh phúc thật và lâu dài.

“Nghề nghiệp ngoài đời quả mang lại cho tôi cảm giác thỏa nguyện, nhưng chính Kinh Thánh đã dạy cho tôi biết tầm quan trọng của việc giữ đời sống đơn giản bằng cách tập trung vào những điều thiêng liêng. Nhờ thế, vợ chồng tôi tránh được nhiều căng thẳng phát sinh do lối sống duy vật. Chúng tôi cũng có được nhiều người bạn chân chính qua việc kết hợp với những người có cùng quan điểm thiêng liêng về đời sống”.

Vincent, một luật sư, nói: “Một nghề nghiệp tốt có thể mang lại thỏa nguyện phần nào. Tuy nhiên, tôi xét thấy muốn đạt hạnh phúc và sự mãn nguyện thì cần có nhiều điều hơn nữa. Trước khi biết sự dạy dỗ của Kinh Thánh về vấn đề này, tôi nhớ lại lần chợt hiểu ra rằng đời sống quả hoàn toàn vô nghĩa—sinh ra, lớn lên, lập gia đình, làm việc để cung cấp nhu cầu vật chất nhằm nuôi nấng con cái, dạy dỗ chúng rập theo đúng chu trình sống đó, rồi cuối cùng già và chết.

“Chỉ sau khi học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va tôi mới có được lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi của tôi về mục đích của đời sống. Việc học Kinh Thánh giúp tôi biết Đức Giê-hô-va là Đấng như thế nào và vun trồng một tình yêu thương sâu đậm đối với Ngài. Điều này cung cấp nền tảng để tôi duy trì quan điểm thiêng liêng lành mạnh khi tôi nỗ lực sống phù hợp với những gì tôi biết là ý định của Ngài. Hiện nay, vợ chồng tôi thỏa nguyện biết rằng chúng tôi dùng đời sống mình theo cách có ý nghĩa nhất”.

Bạn cũng có thể có được mục đích và ý nghĩa trong đời sống bằng cách học Kinh Thánh. Nhân Chứng Giê-hô-va vui lòng giúp bạn. Giống như Marina, Nicholas, và Vincent, bạn có thể được thỏa nguyện nhờ học biết về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài đối với nhân loại nói chung và cho chính bạn nói riêng. Không những bạn sẽ có niềm vui vì thỏa mãn được nhu cầu tâm linh ngay ngày nay nhưng cũng sẽ có triển vọng vui hưởng một đời sống bất tận với sức khỏe thể chất hoàn toàn—một triển vọng chỉ mở ra cho những người “biết tâm linh mình nghèo khổ”.—Ma-thi-ơ 5:3, Bản Diễn Ý.

Một cách để chúng ta phát huy tâm linh tính là cầu nguyện. Chúa Giê-su đã dành thì giờ để dạy cho các môn đồ cách cầu nguyện, cho họ lời cầu nguyện mẫu. Lời cầu nguyện đó có ý nghĩa gì đối với bạn ngày nay? Nó giúp ích cho bạn thế nào? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong hai bài kế tiếp.

[Các hình nơi trang 6]

Marina

[Các hình nơi trang 7]

Nicholas

[Các hình nơi trang 7]

Vincent