Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai là nhà lãnh đạo lý tưởng thời nay?

Ai là nhà lãnh đạo lý tưởng thời nay?

Ai là nhà lãnh đạo lý tưởng thời nay?

Năm 1940, Quốc Hội Anh bị khủng hoảng về vấn đề lãnh đạo. Trong phiên họp này có mặt nhà chính trị lão thành 77 tuổi, David Lloyd George. Ông đã từng lãnh đạo nước Anh đi đến thắng lợi trong cuộc Thế Chiến I. Nhờ nhiều năm làm chính trị, ông có khả năng nhận định sắc bén về công việc của các quan chức cấp cao. Trong bài diễn văn nói trước Hạ Viện vào ngày 8 tháng 5, ông tuyên bố: “Đất nước sẵn sàng hy sinh mọi thứ miễn là có sự lãnh đạo, miễn là chính phủ cho thấy rõ mục tiêu, và miễn là đất nước tin chắc rằng các nhà lãnh đạo đang làm hết sức mình”.

NHỮNG lời của ông Lloyd George cho thấy rõ là người dân trông chờ các nhà lãnh đạo của họ phải là những người có tài và thành thật cố gắng cải thiện đất nước. Một người vận động tranh cử nói: “Khi bỏ phiếu bầu tổng thống, người dân bỏ phiếu cho ai mà họ tin cậy có thể chăm lo cho đời sống, tương lai và con cái của họ”. Duy trì được niềm tin cậy như thế là một công việc to lớn. Tại sao thế?

Thế giới đầy dẫy các vấn đề nan giải. Chẳng hạn, có nhà lãnh đạo nào khôn ngoan và mạnh đến nỗi loại trừ được tội ác và chiến tranh? Ai trong số các nhà lãnh đạo ngày nay có đủ khả năng và lòng trắc ẩn để cung cấp thực phẩm, nguồn nước sạch và dịch vụ y tế cho mọi người? Người nào vừa am hiểu vừa có lòng quyết tâm bảo vệ và cải tạo môi trường? Ai có đủ tài năng và quyền lực để bảo đảm cho toàn nhân loại vui hưởng đời sống lâu dài và hạnh phúc?

Con người không làm được

Đành rằng có những nhà lãnh đạo đã đạt được một số thành công ở mức độ nào đó, nhưng tối đa là chỉ vài thập kỷ—rồi kế đến là ai? Một trong những nhà lãnh đạo có tài nhất của nhân loại, Vua Sa-lô-môn của dân Y-sơ-ra-ên xưa, từng suy nghĩ về câu hỏi này. Ông kết luận: “Ta cũng ghét mọi công-lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình. Vả, ai biết rằng người ấy sẽ khôn-ngoan hay là ngu-dại? Dầu thế nào, hắn sẽ cai-quản mọi việc ta đã lấy sự lao-khổ và khôn-ngoan mà làm ở dưới mặt trời. Điều đó cũng là hư-không”.—Truyền-đạo 2:18, 19.

Vua Sa-lô-môn không biết người kế nhiệm có tiếp tục công việc tốt mà ông làm hay là phá đổ nó. Đối với ông, việc người mới lên thay thế người cũ chỉ là “hư-không”. Những bản Kinh Thánh khác gọi điều này là “phù vân”, hay “hư vô”. Một bản dịch khác nói: “Thật là vô nghĩa”.

Đôi khi bạo lực được dùng để lật đổ chính quyền. Nhiều nhà lãnh đạo có tài bị truất phế khi đang tại vị. Ông Abraham Lincoln, vị tổng thống Hoa Kỳ được dân chúng kính trọng, từng nói trước nhiều người: “Tôi được bổ nhiệm để lấp vào một vị trí quan trọng trong thời gian ngắn, và giờ đây trong mắt quý vị, tôi được trao một quyền lực rồi cũng sẽ chóng qua”. Quả vậy, thời gian làm tổng thống của ông rất ngắn. Tuy đã làm nhiều điều và mong ước làm hơn nữa cho người dân, Tổng Thống Lincoln chỉ lãnh đạo đất nước vỏn vẹn bốn năm. Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông bị ám sát bởi một kẻ muốn thay đổi người lãnh đạo.

Ngay cả nhà lãnh đạo tài giỏi nhất cũng không thể bảo đảm tương lai của chính mình. Vậy bạn có nên trông cậy họ sẽ bảo đảm cho tương lai của bạn không? Kinh Thánh nói: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ. Hơi-thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi-đất mình; trong chánh ngày đó các mưu-mô nó liền mất đi”. Kinh Thánh Bản Diễn Ý dịch phần cuối của câu 4 là: “Chính ngày ấy, tư tưởng họ tiêu tan”.—Thi-thiên 146:3, 4.

Có lẽ bạn khó chấp nhận lời khuyên chớ nhờ cậy nơi các nhà lãnh đạo loài người. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói là nhân loại sẽ không bao giờ có được một nhà lãnh đạo tốt và cai trị lâu. Ê-sai 32:1 nói: “Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa trị-vì”. Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng tạo ra loài người, đã chuẩn bị “một vua”—một Nhà Lãnh Đạo—sẽ sớm nắm mọi quyền hành trên đất. Vua đó là ai? Lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp nhận ra ngài.

Nhà lãnh đạo thực sự có tài

Hai ngàn năm trước đây, một thiên sứ nói với Ma-ri—người phụ nữ trẻ Do Thái: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus. Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ-phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô-cùng”. (Lu-ca 1:31-33) Quả vậy, Chúa Giê-su người Na-xa-rét là vị Vua mà Kinh Thánh tiên tri.

Các tranh ảnh tôn giáo thường họa Chúa Giê-su là một bé sơ sinh, một người yếu ớt và xanh xao, hoặc một người khổ hạnh luôn nín chịu bất cứ điều gì xảy đến cho mình. Những hình ảnh như thế khiến người ta khó tín nhiệm ngài là Đấng Lãnh Đạo. Nhưng Chúa Giê-su thật mà Kinh Thánh nói đến là một người đàn ông trưởng thành về mọi mặt, mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết và năng lực. Ngài có những phẩm chất xứng đáng để làm nhà lãnh đạo. (Lu-ca 2:52) Sau đây là một vài khía cạnh về cá tính nổi bật của ngài.

Chúa Giê-su tuyệt đối giữ lòng trung kiên. Tính ngài ngay thẳng và thành thật đến nỗi ngài công khai thách thức kẻ thù đưa ra những lời buộc tội chính đáng. Nhưng họ không thể. (Giăng 8:46) Lời dạy dỗ chân thật của ngài đã thuyết phục nhiều người có lòng thành quyết định làm môn đồ ngài.—Giăng 7:46; 8:28-30; 12:19.

Chúa Giê-su hết lòng tận tụy với Đức Chúa Trời. Ngài quyết tâm hoàn thành sứ mệnh Đức Chúa Trời giao đến nỗi không kẻ thù nào—dù người hay ác thần—có thể ngăn cản được. Bạo lực không làm ngài khiếp sợ. (Lu-ca 4:28-30) Sự mệt mỏi và đói khát cũng không làm ngài chùn bước. (Giăng 4:5-16, 31-34) Dù bị bạn bè bỏ rơi, ngài vẫn tiếp tục đạt đến mục tiêu.—Ma-thi-ơ 26:55, 56; Giăng 18:3-9.

Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến mọi người. Ngài cung cấp đồ ăn cho người đói. (Giăng 6:10, 11) An ủi những người đau buồn. (Lu-ca 7:11-15) Ngài cho người mù nhìn thấy ánh sáng, phục hồi khả năng nghe và sức khỏe cho những người cần được chữa lành. (Ma-thi-ơ 12:22; Lu-ca 8:43-48; Giăng 9:1-6) Ngài động viên khuyến khích các sứ đồ đã làm việc tận tụy. (Giăng, chương 13-17) Ngài chứng tỏ là “người chăn hiền-lành” luôn chăm sóc bầy mình.—Giăng 10:11-14.

Chúa Giê-su sẵn sàng làm việc. Để dạy các môn đồ một bài học quan trọng, Chúa Giê-su sẵn sàng rửa chân cho họ. (Giăng 13:4-15) Đích thân ngài cũng đi rao giảng tin mừng trên các con đường đầy bụi bặm của nước Y-sơ-ra-ên. (Lu-ca 8:1) Ngay cả lúc định nghỉ ngơi tại một “nơi vắng-vẻ”, ngài vẫn đáp ứng nhu cầu của đám đông khi họ tìm gặp ngài để được dạy dỗ thêm. (Mác 6:30-34) Ngài nêu gương siêng năng cho tất cả tín đồ Đấng Christ.—1 Giăng 2:6.

Chúa Giê-su đã hoàn thành sứ mệnh và trở về trời. Để thưởng cho lòng trung thành của ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho ngài vương quyền và sự sống bất tử trên trời. Nói về Chúa Giê-su sau khi được sống lại, Kinh Thánh cho biết: “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai-trị trên Ngài”. (Rô-ma 6:9) Vì thế, bạn có thể tin chắc rằng ngài là Nhà Lãnh Đạo tốt nhất cho nhân loại. Một khi Chúa Giê-su nắm mọi quyền hành trên đất thì không cần phải nhường quyền cho bất cứ ai, cũng không cần phải thay đổi nhà lãnh đạo nữa. Ngài sẽ không bao giờ bị truất phế khi đang tại vị, và công việc của ngài không bị bỏ dở hoặc phá hỏng bởi một người kế nhiệm thiếu khả năng. Vậy thì ngài sẽ mang lại những lợi ích cụ thể nào cho nhân loại?

Điều nhà lãnh đạo mới sẽ làm

Lời tiên tri nơi bài Thi-thiên 72 nêu chi tiết cách cai trị của vị Vua hoàn toàn và bất tử này. Chúng ta đọc nơi câu 7 và 8: “Trong ngày vua ấy, người công-bình sẽ hưng-thịnh, cũng sẽ có bình-an dư-dật cho đến chừng mặt trăng không còn. Người sẽ quản-hạt từ biển nầy tới biển kia, từ sông cho đến cùng trái đất”. Dưới sự cai trị như thế, dân cư trên đất sẽ vui hưởng nền an ninh lâu dài. Ngài sẽ tiêu hủy mọi vũ khí và loại trừ khỏi lòng loài người khuynh hướng gây hấn. Những kẻ ngày nay hiếp đáp người khác như sư tử hung dữ và hung hãn như gấu sẽ hoàn toàn thay đổi tính khí của họ. (Ê-sai 11:1-9) Bình an sẽ ngự trị khắp nơi.

Bài Thi-thiên 72 nói thêm nơi câu 12 đến 14: “Vì người sẽ giải kẻ thiếu-thốn khi nó kêu-cầu, và cứu người khốn-cùng không có ai giúp-đỡ. Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo; cũng sẽ xem huyết họ là quí-báu”. Người khốn cùng, người thiếu thốn và người không ai giúp đỡ sẽ là thành viên của một gia đình nhân loại hạnh phúc, hợp nhất dưới sự lãnh đạo của Vua Giê-su Christ. Đời sống của họ sẽ là vui vẻ, chứ không phải đau đớn tuyệt vọng.—Ê-sai 35:10.

Câu 16 hứa: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”. Ngày nay, sự đói nghèo luôn đồng hành với hàng triệu người. Hệ thống chính trị và lòng tham thường cản trở việc phân phối thực phẩm một cách đầy đủ và công bằng. Vì thế, vô số người—đặc biệt là trẻ em—đã bị chết vì đói. Nhưng dưới sự cai trị của Chúa Giê-su, vấn nạn này sẽ biến mất. Trái đất được ban phước với những mùa bội thu đầy thức ăn ngon. Nhân loại sẽ được no đủ.

Bạn có muốn được hưởng ân phước như thế dưới sự lãnh đạo tốt này không? Nếu có, chúng tôi khuyến khích bạn tìm hiểu về Đấng Lãnh Đạo sẽ sớm nắm mọi quyền hành trên đất. Nhân Chứng Giê-hô-va vui lòng giúp bạn làm điều này. Bạn sẽ không bị thất vọng, vì chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói với Con Ngài: “Dầu vậy, ta đã lập Vua ta trên Si-ôn là núi thánh ta”.—Thi-thiên 2:6.

[Khung nơi trang 5]

BẤT NGỜ BỊ TRUẤT PHẾ

Một nhà lãnh đạo thường được người dân tôn trọng và ủng hộ nếu người đó mang lại cho họ sự bình an tương đối và điều kiện sống ổn định. Tuy nhiên, nếu bị mất tín nhiệm vì một lý do nào đó thì người khác sẽ nhanh chóng lên nắm quyền. Dưới đây là một số trường hợp điển hình về các nhà lãnh đạo có uy thế bất ngờ bị truất phế.

Điều kiện sống tồi tệ. Gần cuối thế kỷ 18, nhiều người dân Pháp phải chịu cảnh đóng thuế nặng nề và thiếu lương thực trong một thời gian dài. Tình trạng này góp phần làm bùng nổ cuộc Cách Mạng Pháp và dẫn đến việc Vua Louis XVI bị xử chém vào năm 1793.

Chiến tranh. Thế Chiến I đã kết thúc sự cai trị của một số hoàng đế hùng mạnh nhất trong lịch sử. Chẳng hạn, vào năm 1917, nạn thiếu lương thực vì chiến tranh ở St. Petersburg, Nga, đã dẫn đến cuộc Cách Mạng Tháng Hai. Trong cuộc cách mạng này, Nga Hoàng Nicholas II bị truất phế và chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa lên nắm quyền. Tháng 11 năm 1918, nước Đức muốn hòa bình nhưng các nước Đồng Minh lại không chịu đình chiến cho tới khi thay đổi nhà lãnh đạo. Kết cuộc, hoàng đế nước Đức là Wilhelm II buộc phải sống lưu vong ở Hà Lan.

Mong muốn một chế độ khác. Vào năm 1989, Bức Màn Sắt bị loại bỏ. Chế độ vô thần tưởng chừng vững như bàn thạch đã sụp đổ khi bị người dân từ chối và thay thế bằng chế độ khác.

[Các hình nơi trang 7]

Chúa Giê-su ban đồ ăn cho người đói, chữa lành người bệnh, và làm gương tốt cho tất cả tín đồ của ngài

[Nguồn tư liệu nơi trang 4]

Lloyd George: Photo by Kurt Hutton/Picture Post/Getty Images