Nét độc đáo của con người
Nét độc đáo của con người
Anh Jodie là chủ một cơ sở kinh doanh bất động sản. Anh đang giúp một khách hàng soạn đồ đạc của người chị vừa quá cố để bán. Trong lúc đi loanh quanh lò sưởi lâu năm không dùng đến, anh thấy hai cái hộp cũ. Khi nhìn vào một trong hai hộp đó, anh không thể tin vào mắt mình. Những cuộn tiền toàn tờ 100 Mỹ kim được gói trong giấy bạc—tổng cộng đến 82.000 Mỹ kim! Lúc đó chỉ có mình anh trong phòng. Nên làm gì đây? Lẳng lặng lấy hộp tiền đi hay nói cho khách hàng biết?
TÌNH THẾ tiến thoái lưỡng nan này cho thấy rõ một đặc tính khiến loài người chúng ta khác hẳn với loài thú. Sách The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) nói: “Nét độc đáo của loài người là khả năng tự vấn nên hay không nên làm một điều nào đó”. Một con chó đang đói thấy miếng thịt ở trên bàn, hẳn sẽ không suy nghĩ có nên ăn hay không. Nhưng anh Jodie thì có khả năng cân nhắc xem quyết định của mình có hợp đạo lý hay không. Nếu giữ số tiền, rất có thể anh sẽ không bị phát hiện, nhưng anh sẽ trở thành người ăn cắp. Món tiền đó tuy không phải của anh, nhưng khách hàng không hề hay biết về nó. Ngoài ra, hầu hết mọi người trong cộng đồng chắc sẽ cho rằng anh ngu xuẩn nếu như trả tiền lại cho khách hàng.
Nếu ở trong hoàn cảnh này, bạn sẽ làm gì? Câu trả lời tùy thuộc vào tiêu chuẩn luân lý mà bạn chọn sống theo.
Luân lý là gì?
Luân lý học là môn nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tính phải trái của sự việc theo đạo lý. Theo sách Tiếng Nói
Nôm Na, “luân lý” và “đạo lý” có cùng một gốc từ là “lý”, nghĩa là “lẽ phải”. Cả hai từ đều nói về lẽ phải đương nhiên ở đời mà ai cũng theo.Từ lâu, tiêu chuẩn luân lý thường là do tôn giáo quy định. Đối với nhiều nền văn hóa, Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh, từng có ảnh hưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên khắp thế giới ngày càng có nhiều người bác bỏ các tiêu chuẩn của tôn giáo, xem là không thực tế, và đạo lý của Kinh Thánh cũng bị họ xem là lỗi thời. Thay vào đó là gì? Sách Ethics in Business Life (Luân lý trong kinh doanh) cho biết: “Lý lẽ của người đời đã... chiếm lãnh thẩm quyền trước đây của tôn giáo”. Thay vì hướng về tôn giáo, nhiều người tìm đến sự hướng dẫn của các chuyên gia về luân lý học. Giáo sư môn đạo đức trong y học, Paul McNeill nói: “Theo tôi, những nhà luân lý học là các tu sĩ ngoài đời... Thời nay, người ta quan niệm sự việc theo góc độ luân lý chứ không phải theo góc độ của tôn giáo nữa”.
Khi đứng trước những vấn đề khó quyết định, làm sao bạn phân biệt phải trái? Tiêu chuẩn luân lý của bạn do ai đặt ra, Đức Chúa Trời hay bạn?