Chân lý—Tìm nơi đâu?
Chân lý—Tìm nơi đâu?
MỘT người đàn ông ở Tây Tạng lắc cái cối kinh, tức cái trống nhỏ trong có chứa những câu kinh. Ông tin rằng những lời khấn nguyện của mình được lặp lại theo mỗi động tác lắc cối kinh. Trong một ngôi nhà rộng lớn ở Ấn Độ, một phòng nhỏ được dành riêng cho nghi lễ puja—hình thức thờ cúng có thể gồm việc dâng hương, hoa và những thứ khác cho ảnh tượng của các thần và nữ thần. Tại Ý cách đấy hàng ngàn kilômét, trong nhà thờ lộng lẫy, một người đàn bà quỳ gối trước ảnh tượng trinh nữ Ma-ri-a, mẹ của Chúa Giê-su, vừa cầu nguyện vừa lần chuỗi hạt.
Có lẽ bạn đã tận mắt chứng kiến ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống con người. Sách The World’s Religions—Understanding the Living Faiths (Các tôn giáo trên thế giới—Hiểu biết về các tín ngưỡng đương đại) cho biết: “Tôn giáo... đã và vẫn là mạch sống của xã hội loài người trên khắp thế giới”. Tác giả John Bowker của sách God—A Brief History (Thượng Đế—Sơ lược về các niềm tin) nhận xét: “Chưa có một xã hội loài người nào hoàn toàn không tin Thượng Đế là Đấng sáng tạo và kiểm soát vũ trụ. Ngay cả trong những xã hội vô thần cũng vậy”.
Thật thế, tôn giáo ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người. Đó không là bằng chứng hùng hồn cho thấy con người có nhu cầu và nỗi khao khát về tâm linh sao? Trong sách nhan đề The Undiscovered Self (Cái Tôi chưa được khám phá), tiến sĩ tâm lý học lỗi lạc Carl G. Jung nói về nhu cầu của con người là thờ phượng một quyền lực cao hơn, và cho biết “thái độ này đã thể hiện trong suốt lịch sử loài người”.
Dù vậy, nhiều người không tin nơi Thượng Đế, cũng không quan tâm đến đạo giáo. Một số người nghi ngờ hoặc phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế, chủ yếu là vì các đạo mà họ biết đã không thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của họ. Nhưng hầu hết mọi người, kể cả những người vô thần, đều bày tỏ lòng tin tuyệt đối nơi những nguyên tắc nào đó giống như bày tỏ lòng sùng kính đối với tôn giáo vậy.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử nhân loại, việc con người cố gắng thỏa mãn nhu cầu tâm linh đã dẫn đến nhiều con đường đạo giáo. Do đó trên thế giới có vô số quan điểm về tôn giáo. Chẳng hạn, dù hầu hết các tôn giáo đều ủng hộ niềm tin vào một quyền lực cao cả, nhưng khái niệm ai hoặc cái gì là quyền lực ấy thì khác nhau. Hầu hết các niềm tin cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự cứu rỗi hay sự giải thoát, nhưng khác nhau về định nghĩa và phương cách đạt được sự cứu rỗi. Trong vô vàn niềm tin, làm sao chúng ta tìm ra chân lý, niềm tin đúng, làm hài lòng Thượng Đế?