Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va ban thưởng rộng rãi cho người giữ theo đường Ngài

Đức Giê-hô-va ban thưởng rộng rãi cho người giữ theo đường Ngài

Tự Truyện

Đức Giê-hô-va ban thưởng rộng rãi cho người giữ theo đường Ngài

DO ROMUALD STAWSKI KỂ LẠI

Khi thế chiến thứ hai bùng nổ vào tháng 9 năm 1939, miền bắc nước Ba Lan là nơi giao tranh khốc liệt. Là cậu bé chín tuổi tò mò, tôi đến bãi chiến trường gần đó để xem. Những điều tôi thấy thật rùng rợn—xác chết nằm ngổn ngang trên đất, và khói mịt mùng đầy bầu trời. Mặc dù chỉ nghĩ đến cách làm sao để về nhà an toàn, nhưng một vài thắc mắc nảy ra trong trí tôi: “Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho những điều khủng khiếp như thế này xảy ra? Ngài đứng về phe nào?”

GẦN cuối cuộc chiến, thanh niên bị cưỡng bách làm việc cho chính phủ Đức. Người nào cả gan từ chối thì bị treo trên cây hoặc trên cầu với tấm giấy ghi hàng chữ “kẻ phản quốc” hoặc “kẻ phá hoại” đính trên ngực. Thị trấn Gdynia của chúng tôi nằm giữa hai đạo quân thù nghịch. Chúng tôi đi ra ngoài thị trấn để tìm nước uống, bom đạn bay vù vù trên đầu và Henryk, em trai tôi, bị tử thương. Vì tình huống hãi hùng, mẹ tôi đem bốn anh em chúng tôi xuống tầng hầm để được an toàn. Tại đây, Eugeniusz, em trai tôi hai tuổi bị chết vì bệnh bạch hầu.

Một lần nữa tôi tự hỏi: “Đức Chúa Trời ở đâu? Tại sao Ngài để cho tất cả những đau khổ này xảy ra?” Mặc dù là người Công Giáo sốt sắng và siêng năng đi nhà thờ, tôi không tìm được câu trả lời.

Chấp nhận lẽ thật của Kinh Thánh

Các thắc mắc của tôi được giải đáp qua một nguồn mà tôi không ngờ. Chiến tranh kết thúc vào năm 1945, và vào đầu năm 1947, một chị Nhân Chứng Giê-hô-va gõ cửa nhà chúng tôi ở Gdynia. Mẹ tôi nói chuyện với chị Nhân Chứng, còn tôi chỉ nghe được vài điều. Chúng tôi thấy có lý nên nhận lời mời đến dự một buổi họp đạo Đấng Christ. Chỉ một tháng sau, mặc dù chưa hiểu hết lẽ thật của Kinh Thánh, tôi tham gia với một nhóm Nhân Chứng địa phương rao giảng về một thế giới tốt đẹp hơn, không còn chiến tranh và hung bạo. Điều này đem lại cho tôi niềm vui lớn.

Vào tháng 9 năm 1947, tôi làm báp têm tại hội nghị vòng quanh ở Sopot. Tháng 5 năm sau, tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều, dành phần lớn thời gian cho công việc rao giảng thông điệp của Kinh Thánh cho người khác. Hàng giáo phẩm địa phương chống đối dữ dội công việc rao giảng và còn xúi giục người ta hành hung chúng tôi nữa. Có lần một đám đông giận dữ tấn công, ném đá và đánh đập chúng tôi một cách tàn nhẫn. Vào một dịp khác, các nữ tu và hàng giáo phẩm địa phương xúi giục một nhóm người tấn công chúng tôi. Chúng tôi phải chạy vào bót cảnh sát để lánh nạn, nhưng bọn người này vây tòa nhà, hăm dọa đánh chúng tôi. Cuối cùng, có thêm cảnh sát được phái đến, và chúng tôi được đưa đi với sự hộ tống hùng hậu.

Vào lúc đó, ở vùng chúng tôi không có hội thánh nào. Thỉnh thoảng chúng tôi phải ngủ ngoài trời ở trong rừng. Chúng tôi sung sướng là đã có thể thực hiện được công việc rao giảng bất chấp mọi hoàn cảnh. Ngày nay có những hội thánh mạnh ở vùng này.

Phục vụ ở Bê-tên và bị bắt

Vào năm 1949, tôi được mời đến nhà Bê-tên ở Łódź. Quả là một đặc ân được phụng sự ở một nơi như thế! Đáng buồn là tôi ở đó không được lâu. Vào tháng 6 năm 1950, một tháng trước khi công việc rao giảng bị chính thức cấm đoán, tôi và những anh khác ở Bê-tên bị bắt. Tôi bị giải đến nhà tù, và hậu quả là tôi phải đương đầu với một cuộc thẩm vấn gắt gao.

Vì cha tôi làm việc trên một chiếc tàu thường xuyên đi New York, viên sĩ quan phụ trách cuộc điều tra cố ép tôi thú nhận là cha tôi làm gián điệp cho Mỹ. Tôi bị thẩm vấn một cách cay nghiệt. Ngoài ra, bốn viên sĩ quan cùng một lúc cố làm cho tôi khai để kết tội anh Wilhelm Scheider, người đang trông coi công việc ở Ba Lan vào lúc đó. Họ đánh vào gót chân tôi bằng những cây gậy lớn. Khi nằm trên sàn nhà, máu me chảy ra, tôi cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa, tôi kêu: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin giúp con!” Những kẻ hành hung kinh ngạc và ngưng đánh tôi. Trong chỉ vài phút, họ lăn ra ngủ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và lấy lại sức. Điều này khiến tôi tin rằng Đức Giê-hô-va yêu thương lắng nghe tôi tớ dâng mình của Ngài khi họ kêu cầu Ngài, đồng thời điều đó làm vững mạnh đức tin của tôi và dạy tôi đặt trọn niềm tin nơi Đức Chúa Trời.

Biên bản cuối cùng về cuộc điều tra bao gồm lời khai gian mà họ ghi là của tôi. Khi tôi phản kháng thì một viên sĩ quan bảo tôi: “Anh sẽ giải thích khi ra tòa!” Một bạn tù tử tế khuyên tôi đừng lo vì báo cáo cuối cùng phải được ủy viên công tố quân sự kiểm lại, lúc đó tôi sẽ có cơ hội không nhận lời khai gian đó. Sự việc đã xảy ra như vậy.

Công việc vòng quanh và bị tù lần nữa

Tôi được thả ra vào tháng Giêng năm 1951. Một tháng sau, tôi bắt đầu phụng sự với tư cách giám thị lưu động. Bất kể sự cấm đoán, tôi vẫn làm việc với các anh khác để củng cố các hội thánh và giúp anh em Nhân Chứng tản mát vì bị cơ quan an ninh theo dõi. Chúng tôi khuyến khích các anh chị tiếp tục làm thánh chức. Trong những năm sau đó, những anh chị này đã can đảm hỗ trợ các giám thị lưu động, bí mật thực hiện công việc in và phân phối sách báo về Kinh Thánh.

Một ngày kia vào tháng 4 năm 1951, sau khi tham dự buổi họp của đạo Đấng Christ, tôi bị các viên chức an ninh bắt ở ngoài phố vì họ đã bám sát theo dõi tôi. Vì từ chối trả lời các câu hỏi của họ, tôi bị giải đến nhà tù ở Bydgoszcz và cùng đêm đó, họ bắt đầu thẩm vấn tôi. Họ bắt tôi đứng dựa vào tường trong sáu ngày sáu đêm, không cho ăn, không cho uống và trong màn khói thuốc lá dày đặc do những người tra tấn tôi nhả ra. Họ đánh tôi bằng dùi cui và dí tàn thuốc lá vào tôi. Khi tôi ngất xỉu, họ đổ nước vào tôi rồi tra khảo nữa. Tôi van xin Đức Giê-hô-va ban thêm sức để chịu đựng và Ngài đã giúp đỡ tôi.

Ở trong nhà tù Bydgoszcz, cũng có một điều hay. Tại đây, tôi có thể chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với những người mà không có cách nào khác để gặp được họ. Thật vậy, tôi có nhiều cơ hội để làm chứng. Vì ở trong tình trạng buồn bã, thường vô vọng, các tù nhân sẵn sàng lắng nghe và mở lòng để đón nhận tin mừng.

Hai thay đổi quan trọng

Chẳng bao lâu sau khi được thả ra vào năm 1952, tôi gặp Nela, một chị tiên phong sốt sắng. Chị từng làm tiên phong ở miền nam Ba Lan. Sau này, chị làm việc trong một “lò bánh mì”, một địa điểm bí mật được dùng để in sách báo. Đó là công việc khó khăn đòi hỏi cảnh giác và hy sinh. Chúng tôi kết hôn vào năm 1954 và tiếp tục phụng sự trọn thời gian cho tới khi con gái chúng tôi, Lidia, sinh ra. Rồi chúng tôi quyết định là để tôi có thể tiếp tục làm công việc lưu động, Nela sẽ ngưng thánh chức trọn thời gian và trở về nhà để chăm sóc con.

Cùng năm đó, chúng tôi phải đối diện với một quyết định quan trọng khác. Tôi được mời làm giám thị địa hạt trong một vùng bao trùm một phần ba nước Ba Lan. Chúng tôi cầu nguyện khi xem xét sự việc. Tôi biết việc củng cố anh em trong tình trạng bị cấm đoán là quan trọng như thế nào. Trong thời gian này, nhiều vụ bắt giữ xảy ra nên anh em rất cần được khích lệ về thiêng liêng. Với sự ủng hộ của Nela, tôi nhận công việc được giao phó. Đức Giê-hô-va đã giúp tôi làm công việc này được 38 năm.

Phụ trách “lò bánh mì”

Thời đó, giám thị địa hạt phụ trách các “lò bánh mì” tọa lạc ở những nơi kín đáo. Cảnh sát luôn luôn theo dõi, cố lùng và dẹp tan các hoạt động in ấn. Đôi khi họ thành công, nhưng chúng tôi không bao giờ thiếu thức ăn thiêng liêng cần thiết. Rõ ràng Đức Giê-hô-va chăm sóc chúng tôi.

Được mời làm công việc in ấn đầy khó nhọc và nguy hiểm này, một người phải trung tín, cảnh giác, hy sinh và vâng lời. Đây là những đức tính giúp một “lò bánh mì” tồn tại và hoạt động an toàn. Tìm được địa điểm để bí mật in ấn cũng là vấn đề. Một số địa điểm xem ra thích hợp, nhưng các anh ở đó lại không dè dặt mấy. Những địa điểm khác thì ngược lại. Nhiều anh có tinh thần hy sinh cao độ. Tôi thật sự quý mến tất cả các anh cũng như các chị mà tôi có dịp làm việc chung.

Bênh vực tin mừng

Trong những năm đầy khó khăn đó, chúng tôi không ngừng bị buộc tội là hoạt động bất hợp pháp, phá hoại và bị truy tố ra tòa. Đây là một vấn đề vì chúng tôi không có luật sư bào chữa. Một số luật sư có thiện cảm, nhưng phần lớn sợ công chúng và không muốn đụng đến các nhà cầm quyền. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va biết nhu cầu của chúng tôi, và vào đúng lúc, Ngài giải quyết sự việc một cách thích hợp.

Anh Alojzy Prostak, giám thị lưu động ở Kraków, bị tra khảo tàn nhẫn đến độ phải vào bệnh viện trong nhà tù. Việc anh đứng vững trước sự hành hạ về tinh thần và thể chất đã làm cho các tù nhân khác trong bệnh viện kính nể và thán phục. Một trong những người đó là luật sư Witold Lis-Olszewski, người có ấn tượng tốt về sự can đảm của anh Prostak. Ông nói chuyện với anh Prostak nhiều lần và hứa: “Ngay sau khi được thả ra và được phép hành nghề trở lại, tôi sẽ sẵn lòng bênh vực cho Nhân Chứng Giê-hô-va”. Ông đã giữ lời hứa.

Ông Olszewski có một nhóm luật sư riêng. Họ đã giữ lời hứa một cách đáng khen. Vào lúc sự bắt bớ diễn ra kịch liệt nhất, họ đã bênh vực cho các anh em khoảng 30 phiên xử mỗi tháng—mỗi ngày một vụ! Vì ông Olszewski cần đầy đủ thông tin về các vụ kiện nên tôi được chỉ định tiếp xúc với ông. Tôi làm việc với ông bảy năm trong thập niên 1960 và 1970.

Tôi học được rất nhiều về pháp lý trong thời gian đó. Tôi thường quan sát các cuộc xét xử, lời biện hộ của luật sư—cả điểm lợi lẫn bất lợi—phương pháp bào chữa về pháp lý và chứng cớ do anh chị Nhân Chứng bị truy tố trưng ra. Tất cả những điều này đều hữu ích trong việc giúp các anh chị, đặc biệt những anh chị được gọi ra tòa để làm chứng, biết nói gì và khi nào nên im lặng trước tòa.

Mỗi khi phiên tòa diễn ra, ông Olszewski thường nghỉ qua đêm tại nhà của một Nhân Chứng Giê-hô-va. Không phải vì ông không có tiền để ở khách sạn nhưng vì như ông từng nói: “Trước khi dự phiên tòa, tôi muốn hấp thu phần nào tinh thần của các anh”. Nhờ sự giúp đỡ của ông, tòa đã ra nhiều phán quyết có lợi cho Nhân Chứng. Ông đã cãi cho tôi một số lần và không bao giờ nhận thù lao. Vào một dịp khác, ông không nhận thù lao cho 30 vụ. Tại sao? Ông cho biết: “Tôi muốn đóng góp một chút cho công việc quý vị làm”. Số tiền phải trả cho ông không phải nhỏ. Hoạt động của nhóm ông Olszewski không che giấu được mắt của nhà cầm quyền, nhưng điều này không làm ông thối lui trong việc giúp đỡ chúng tôi.

Thật khó mà diễn tả việc làm chứng tốt mà các anh chị của chúng ta đã thực hiện được trong các phiên tòa này. Nhiều anh chị đến tòa án để quan sát vụ kiện và để ủng hộ các anh chị bị đưa ra tòa. Trong thời gian mà con số vụ kiện lên cao nhất, tôi đếm có đến 30.000 anh chị đến ủng hộ trong một năm. Đó quả là một đám đông Nhân Chứng!

Nhiệm vụ mới

Đến năm 1989 thì việc cấm đoán được bãi bỏ. Ba năm sau, một văn phòng chi nhánh mới được xây cất và khánh thành. Tôi được mời đến đó để làm việc với Ban Thông Tin Y Khoa và tôi sung sướng nhận nhiệm vụ này. Làm việc như một đội gồm ba người, chúng tôi hỗ trợ những anh chị gặp phải vấn đề về máu và giúp họ bênh vực lập trường dựa theo lương tâm của tín đồ Đấng Christ.—Công-vụ 15:29.

Vợ chồng tôi rất biết ơn về đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va trong thánh chức. Nela luôn luôn ủng hộ và khích lệ tôi. Tôi luôn luôn biết ơn là bất cứ khi nào tôi bận rộn với nhiệm vụ thần quyền, hoặc bị tù, vợ tôi không bao giờ phàn nàn về việc tôi vắng mặt ở nhà. Trong những lúc khó khăn, vợ tôi vẫn tự kiềm chế được cảm xúc và an ủi người khác.

Chẳng hạn, vào năm 1974 tôi bị bắt cùng với các giám thị lưu động khác. Một vài anh biết sự việc muốn tế nhị báo cho vợ tôi hay. Khi thấy vợ tôi, họ hỏi: “Chị Nela, chị có sẵn sàng đón nhận tin xấu nhất không?” Thoạt tiên, vợ tôi lặng người sợ hãi, nghĩ rằng tôi đã chết. Khi biết sự thật, vợ tôi nhẹ nhõm nói: “Anh ấy vẫn sống! Đây đâu phải lần đầu tiên anh ấy bị tù”. Sau này, các anh nói với tôi rằng họ cảm kích sâu xa về thái độ tích cực của vợ tôi.

Mặc dù có trải qua một số kinh nghiệm đau buồn trong quá khứ, chúng tôi vẫn được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào vì giữ theo đường lối Ngài. Chúng tôi thật vui mừng là Lidia, con gái chúng tôi và chồng là Alfred DeRusha đã chứng tỏ là cặp vợ chồng tín đồ Đấng Christ gương mẫu. Họ đã nuôi dạy các con Christopher và Jonathan trở thành tôi tớ dâng mình của Đức Chúa Trời, điều này làm tăng thêm niềm hạnh phúc của chúng tôi. Ryszard, em trai tôi, và Urszula, em gái tôi, cũng là những tín đồ Đấng Christ trung thành trong nhiều năm.

Đức Giê-hô-va chưa bao giờ bỏ chúng tôi, và chúng tôi muốn tiếp tục hết lòng phụng sự Ngài. Cá nhân chúng tôi đã nghiệm thấy những lời ghi nơi Thi-thiên 37:34 là thật: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài, thì Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất!” Chúng tôi khao khát trông chờ thời kỳ đó.

[Hình nơi trang 17]

Tại một hội nghị tổ chức trong vườn của một anh ở Kraków, năm 1964

[Hình nơi trang 18]

Với Nela, vợ tôi, và Lidia, con gái chúng tôi, năm 1968

[Hình nơi trang 20]

Với một em Nhân Chứng trước khi em được mổ tim không dùng máu

[Hình nơi trang 20]

Với Bác Sĩ Wites, y sĩ trưởng giải phẫu tim trẻ em không dùng máu ở bệnh viện Katowice

[Hình nơi trang 20]

Với Nela, năm 2002