Đức Giê-hô-va là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”
Đức Giê-hô-va là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”
“Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—HÊ-BƠ-RƠ 11:6.
1, 2. Tại sao một số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có lẽ phải đấu tranh với những cảm nghĩ tiêu cực?
“DÙ LÀ Nhân Chứng Giê-hô-va gần 30 năm nay, chưa bao giờ tôi nghĩ mình xứng đáng mang danh ấy. Ngay cả khi là một tiên phong và được nhiều đặc ân phụng sự khác, nhưng những điều đó vẫn không thể giúp tôi tin mình xứng đáng là một Nhân Chứng”, chị Bảo Ngọc thổ lộ như thế. * Anh Khải cũng có cảm nghĩ tương tự, anh nói: “Tôi tớ Đức Giê-hô-va có nhiều lý do để hạnh phúc nhưng tôi lại không cảm nhận được điều ấy, vì thế có những lúc tôi thấy mình không xứng đáng là Nhân Chứng. Từ đó dẫn đến mặc cảm tội lỗi, chỉ làm cho vấn đề trở nên tệ hơn mà thôi”.
2 Trong quá khứ lẫn hiện tại, nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va phải đấu tranh với cảm nghĩ như thế. Phải chăng đôi lúc bạn cũng có cảm nghĩ ấy? Có lẽ bạn bị dồn dập hết vấn đề này đến vấn đề khác, trong khi những anh em đồng đức tin dường như sống vui vẻ, được thảnh thơi và hạnh phúc. Điều đó khiến bạn cảm thấy không được Đức Giê-hô-va chấp nhận cũng chẳng xứng đáng được Ngài quan tâm. Đừng vội kết luận như thế. Kinh Thánh đoan chắc với chúng ta: “[Đức Giê-hô-va] không khinh-bỉ, chẳng gớm-ghiếc sự hoạn-nạn của kẻ khốn-khổ, cũng không giấu mặt Ngài cùng người; nhưng khi người Thi-thiên 22:24) Những lời tiên tri ấy về Đấng Mê-si cho thấy Đức Giê-hô-va không những lắng nghe những người trung thành mà còn ban thưởng cho họ.
kêu-cầu cùng Ngài, thì bèn nhậm lời”. (3. Tại sao chúng ta không được miễn trừ khỏi những áp lực của hệ thống mọi sự này?
3 Không ai được miễn trừ khỏi những áp lực của hệ thống mọi sự này—ngay cả dân của Đức Giê-hô-va. Chúng ta đang sống trong thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan Ma-quỉ, kẻ thù chính của Đức Giê-hô-va. (2 Cô-rinh-tô 4:4; 1 Giăng 5:19) Thay vì được Đức Giê-hô-va bảo vệ bằng phép lạ, tôi tớ của Ngài thật ra là mục tiêu tấn công chính của Sa-tan. (Gióp 1:7-12; Khải-huyền 2:10) Vì vậy, cho đến kỳ Đức Chúa Trời ấn định, chúng ta phải “nhịn-nhục trong sự hoạn-nạn” và “bền lòng mà cầu-nguyện”, tin rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến chúng ta. (Rô-ma 12:12) Đừng để bị rơi vào tâm trạng cho rằng mình không được Đức Chúa Trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va, yêu thương!
Những gương thời xưa về sự chịu đựng
4. Hãy kể một số gương về những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã nếm trải sự đau khổ.
4 Nhiều tôi tớ thời xưa của Đức Giê-hô-va phải nếm trải sự đau khổ. Chẳng hạn, bà An-ne “lấy làm sầu-khổ trong lòng” vì bà son sẻ. Đối với bà, tình trạng ấy chẳng khác nào bị Đức Chúa Trời bỏ quên. (1 Sa-mu-ên 1:9-11) Khi bị Hoàng Hậu Giê-sa-bên săn lùng để sát hại, Ê-li sợ hãi và cầu nguyện Đức Giê-hô-va: “Ôi Đức Giê-hô-va! đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng-sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ-phụ tôi”. (1 Các Vua 19:4) Còn sứ đồ Phao-lô, hẳn ông cảm thấy sự bất toàn của bản thân đè nặng trên mình khi thừa nhận: “Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính-dấp theo tôi”. Ông nói thêm: “Khốn-nạn cho tôi!”—Rô-ma 7:21-24.
5. (a) An-ne, Ê-li và Phao-lô đã được ban thưởng như thế nào? (b) Nếu đương đầu với những cảm xúc tiêu cực, chúng ta có thể tìm được sự an ủi nào nơi Lời Đức Chúa Trời?
5 Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng cả An-ne, Ê-li và Phao-lô đều bền lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, và Ngài ban thưởng cho họ dồi dào. (1 Sa-mu-ên 1:20; 2:21; 1 Các Vua 19:5-18; 2 Ti-mô-thê 4:8) Tuy vậy, họ cũng đương đầu với đủ mọi cảm xúc kể cả đau buồn, tuyệt vọng và sợ hãi. Vì vậy, không nên lấy làm ngạc nhiên nếu đôi khi chúng ta có những cảm nghĩ tiêu cực. Thế thì, bạn có thể làm gì khi những lo lắng của cuộc sống khiến bạn thắc mắc không biết Đức Giê-hô-va có thật sự yêu thương bạn hay không? Bạn có thể tìm sự an ủi nơi Lời Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, như bài trước đề cập, chúng ta đã thảo luận về câu nói của Chúa Giê-su rằng Đức Giê-hô-va đếm “tóc trên đầu [chúng ta]”. (Ma-thi-ơ 10:30) Câu nói đầy khích lệ ấy cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến mỗi tôi tớ Ngài. Cũng hãy nhớ đến minh họa của Chúa Giê-su về con chim sẻ. Nếu không con chim nào rơi xuống đất mà Đức Giê-hô-va chẳng để ý, lẽ nào Ngài làm ngơ trước cảnh ngộ khốn cùng của bạn?
6. Làm sao Kinh Thánh có thể trở thành nguồn an ủi cho những người đấu tranh với cảm nghĩ tiêu cực?
6 Có thật là người bất toàn như chúng ta lại quý giá trước mắt Đấng Tạo Hóa toàn năng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời không? Có! Thật thế, nhiều đoạn trong Kinh Thánh đoan chắc với chúng ta về điều này. Suy ngẫm những lời ấy, chúng ta có thể đồng tình với người viết Thi-thiên: “Khi tư-tưởng bộn-bề trong lòng tôi, thì sự an-ủi Ngài làm vui-vẻ linh-hồn tôi”. (Thi-thiên 94:19) Hãy xem một số lời an ủi trong Kinh Thánh giúp hiểu rõ chúng ta được Ngài yêu quý và ban thưởng nếu tiếp tục làm theo ý muốn Ngài.
“Cơ-nghiệp riêng” của Đức Giê-hô-va
7. Qua Ma-la-chi, Đức Giê-hô-va đã báo trước điều khích lệ nào cho dân Y-sơ-ra-ên bại hoại?
7 Vào thế kỷ thứ năm TCN, một tình trạng tồi tệ đã xảy ra trong dân Do Thái. Các thầy tế lễ nhận những con thú không đúng tiêu chuẩn làm của-lễ để dâng lên bàn thờ của Đức Giê-hô-va. Các quan xét đối xử thiên vị. Ma thuật, sự gian lận, lường gạt và ngoại Ma-la-chi 1:8; 2:9; 3:5) Đối với dân bại hoại này, Ma-la-chi đã tiên tri một điều lạ lùng. Đến kỳ định, Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ có lại vị thế được Ngài chấp nhận. Chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va vạn-quân phán: Những kẻ ấy sẽ thuộc về ta, làm cơ-nghiệp riêng của ta trong ngày ta làm; và ta sẽ tiếc chúng nó như một người tiếc con trai mình hầu-việc mình”.—Ma-la-chi 3:17.
tình lan tràn trong xứ. (8. Theo nguyên tắc, tại sao câu Ma-la-chi 3:17 có thể được áp dụng cho lớp người thuộc đám đông?
8 Lời tiên tri của Ma-la-chi cũng có sự ứng nghiệm thời nay. Sự ứng nghiệm này liên quan đến những tín đồ Đấng Christ được xức dầu hợp thành dân tộc thiêng liêng gồm 144.000 người. Dân tộc ấy thật sự là “cơ-nghiệp riêng” của Đức Giê-hô-va hoặc “dân thuộc về Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:9) Lời tiên tri ấy cũng khích lệ đối với đám đông “vô-số người” đang “đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng”. (Khải-huyền 7:4, 9) Họ cùng những tín đồ được xức dầu hợp thành một bầy dưới sự hướng dẫn của một Người Chăn là Chúa Giê-su Christ.—Giăng 10:16.
9. Tại sao Đức Giê-hô-va xem dân Ngài là “cơ-nghiệp riêng”?
9 Đức Giê-hô-va nghĩ gì về những người chọn phụng sự Ngài? Như được nói nơi Ma-la-chi 3:17, Ngài nghĩ về họ theo cách của một người cha yêu thương nghĩ về con mình. Cũng hãy để ý cụm từ nồng ấm Ngài dùng để nói về dân Ngài—“cơ-nghiệp riêng”. Trong những bản dịch khác, cụm từ này được dịch là “phần sở hữu của Ta” và “châu báu của Ta”. Tại sao Đức Giê-hô-va lại xem những tôi tớ phụng sự Ngài là đặc biệt đến thế? Một lý do vì Ngài là Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa. (Hê-bơ-rơ 6:10) Ngài đến gần những người hết lòng phụng sự Ngài, và xem họ là đặc biệt.
10. Đức Giê-hô-va che chở dân Ngài như thế nào?
10 Có gì quý giá mà bạn xem là tài sản đặc biệt của riêng mình không? Lẽ nào bạn lại không bảo vệ tài sản đó? Đức Giê-hô-va làm thế đối với “cơ-nghiệp riêng” của Ngài. Đành rằng Ngài không che chở dân Ngài khỏi mọi thử thách và bi kịch trong cuộc sống. (Truyền-đạo 9:11) Nhưng Đức Giê-hô-va có khả năng và sẽ che chở những tôi tớ trung thành của Ngài về mặt thiêng liêng. Ngài ban cho họ sức mạnh cần thiết để chịu đựng mọi thử thách. (1 Cô-rinh-tô 10:13) Vì vậy, Môi-se đã nói với dân tộc Y-sơ-ra-ên xưa của Đức Chúa Trời: “Hãy vững lòng bền chí;... Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đi cùng ngươi; Ngài chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ-bỏ ngươi đâu”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6) Đức Giê-hô-va ban thưởng cho dân Ngài. Đối với Ngài, họ là “cơ-nghiệp riêng”.
Đức Giê-hô-va—“Đấng hay thưởng”
11, 12. Việc hiểu Đức Giê-hô-va là Đấng Hay Thưởng giúp chúng ta thế nào để xua đuổi mọi mối nghi ngờ?
11 Một bằng chứng khác cho thấy Đức Giê-hô-va yêu quý tôi tớ Ngài là Ngài ban thưởng cho họ. Ngài nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi khá lấy điều nầy mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán, xem ta có mở các cửa-sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (Ma-la-chi 3:10) Dĩ nhiên, cuối cùng Đức Giê-hô-va sẽ thưởng cho tôi tớ Ngài sự sống vĩnh cửu. (Giăng 5:24; Khải-huyền 21:4) Phần thưởng vô giá này nói lên sự bao la của tình yêu thương và lòng rộng lượng của Đức Giê-hô-va. Phần thưởng này cũng cho thấy Ngài thật sự yêu quý những người chọn phụng sự Ngài. Tập suy nghĩ về Đức Giê-hô-va là Đấng Hay Thưởng dồi dào có thể giúp chúng ta xua đuổi mọi mối nghi ngờ về vị thế của mình trong mắt Ngài. Thật thế, Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta xem Ngài là Đấng Hay Thưởng! Sứ đồ Phao-lô viết: “Kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—Hê-bơ-rơ 11:6.
12 Dĩ nhiên, chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va vì yêu Ngài—không phải chỉ vì Ngài hứa sẽ ban thưởng cho chúng ta. Tuy vậy, nuôi hy vọng được ban thưởng không có gì sai hoặc ích kỷ. (Cô-lô-se 3:23, 24) Vì tình yêu thương và lòng quý trọng những người hết lòng tìm kiếm Ngài, Đức Giê-hô-va chủ động ban thưởng cho họ.
13. Tại sao việc Đức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Ngài yêu thương chúng ta?
13 Sự cung cấp giá chuộc là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy nhân loại có giá trị tiềm ẩn trước mắt Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Giăng viết: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16) Ý tưởng chúng ta vô giá trị hoặc không đáng được yêu thương trong mắt Đức Giê-hô-va mâu thuẫn với việc Ngài sắp đặt Chúa Giê-su Christ hy sinh để làm giá chuộc. Thật vậy, nếu Đức Giê-hô-va đã trả một giá cao đến mức ấy—Con một của Ngài—hẳn Ngài phải yêu thương chúng ta sâu đậm lắm.
14. Những lời nào bộc lộ cảm nghĩ của Phao-lô về giá chuộc?
14 Vì thế, nếu những cảm nghĩ tiêu cực dâng trào trong tâm trí bạn, hãy suy ngẫm về giá chuộc. Đúng vậy, hãy xem đó là món quà Đức Giê-hô-va dành riêng cho bạn. Sứ đồ Phao-lô cũng làm thế. Hãy nhớ là ông đã nói: “Khốn-nạn cho tôi!” Nhưng sau đó ông lại nói: “Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”, đấng “đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”. (Rô-ma 7:24, 25; Ga-la-ti 2:20) Khi nói như vậy, chẳng phải Phao-lô tự cao tự đại. Ông chỉ vững tin rằng Đức Giê-hô-va yêu quý cá nhân ông. Như Phao-lô, bạn cũng nên tập xem giá chuộc là một món quà Đức Chúa Trời dành riêng cho bạn. Đức Giê-hô-va không những là Cứu Chúa toàn năng mà còn là Đấng Hay Thưởng đầy yêu thương.
Hãy xem chừng các “mưu-kế” của Sa-tan
15-17. (a) Ma-quỉ khai thác những cảm nghĩ tiêu cực như thế nào? (b) Qua trường hợp của Gióp, chúng ta được sự khích lệ nào?
15 Tuy nhiên, có lẽ bạn thấy khó tin rằng những lời an ủi được soi dẫn trong Lời Đức Chúa Trời thật sự áp dụng cho bạn. Có thể bạn nghĩ phần thưởng sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới là điều mà người khác có thể đạt được còn mình thì không xứng đáng. Nếu nghĩ như vậy, bạn có thể làm gì?
16 Chắc chắn bạn quen thuộc với lời khuyên của Phao-lô dành cho những người ở Ê-phê-sô: “Hãy mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”. (Ê-phê-sô 6:11) Khi nói đến mưu kế của Sa-tan, chúng ta có thể nghĩ ngay đến chủ nghĩa duy vật và sự vô luân, và đó là lẽ đương nhiên. Nhiều người trong dân Đức Chúa Trời, thời xưa lẫn thời nay, đã rơi vào những cạm bẫy này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cảnh giác trước một mưu kế khác của Sa-tan—đó là việc hắn cố khiến người ta tin rằng họ không được Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu thương.
17 Ma-quỉ xảo quyệt khai thác cảm nghĩ ấy nhằm cố làm cho người ta xoay bỏ Đức Chúa Trời. Hãy nhớ những lời Binh-đát nói với Gióp: “Làm sao loài người được công-bình trước mặt Đức Chúa Trời? Kẻ nào bị người nữ sanh ra, sao cho là trong-sạch được? Kìa, mặt trăng không chiếu sáng, các ngôi sao chẳng tinh-sạch tại trước mặt Ngài thay: Phương chi loài người vốn giống như con sâu, và con-cái loài người giống như một con giòi-bọ!” (Gióp 25:4-6; Giăng 8:44) Bạn có tưởng tượng được những lời ấy hẳn làm nản lòng đến mức nào không? Vì thế đừng để Sa-tan làm bạn nản lòng. Ngược lại, hãy cảnh giác trước mưu mô của Sa-tan, nhờ thế bạn có được sự can đảm và nghị lực để đấu tranh quyết liệt hơn nhằm làm điều đúng. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Về phần Gióp, dù ông bị khiển trách, nhưng Đức Giê-hô-va vẫn thưởng cho sự chịu đựng của ông bằng cách ban gấp đôi những gì ông đã mất.—Gióp 42:10.
Đức Giê-hô-va ‘lớn hơn lòng chúng ta’
18, 19. Đức Chúa Trời “lớn hơn lòng mình” và “biết cả mọi sự” theo nghĩa nào?
18 Phải thừa nhận rằng rất khó để kiềm chế cảm xúc buồn nản nếu nó thấm sâu vào lòng chúng ta. Tuy nhiên, thánh linh của Đức Giê-hô-va có thể giúp bạn dần dần đạp đổ “các đồn-lũy... nổi lên nghịch cùng sự hiểu-biết Đức Chúa Trời”. (2 Cô-rinh-tô 10:4, 5) Khi những cảm nghĩ tiêu cực sắp chế ngự được bạn, hãy nhớ lời của sứ đồ Giăng: “Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững-chắc ở trước mặt Ngài. Vì nếu lòng mình cáo-trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”.—1 Giăng 3:19, 20.
19 Cụm từ “Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình” có nghĩa gì? Đôi khi lòng chúng ta cáo trách mình, đặc biệt khi chúng ta ý thức rõ về sự bất toàn và thiếu sót của mình. Hoặc có thể do ảnh hưởng bởi gốc gác và hoàn cảnh, chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ quá tiêu cực về mình, như thể không có điều nào chúng ta làm được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Lời sứ đồ Giăng bảo đảm với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va cao thượng hơn! Ngài bỏ qua những sai sót và nhận biết tiềm năng của chúng ta. Ngài cũng biết động lực và ý nghĩ của chúng ta. Đa-vít viết: “Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi-đất”. (Thi-thiên 103:14) Đúng thế, Đức Giê-hô-va biết chúng ta rõ hơn chúng ta biết mình!
“Mão triều-thiên đẹp-đẽ” và “mão-miện vua”
20. Lời tiên tri của Ê-sai về sự khôi phục cho thấy Đức Giê-hô-va xem tôi tớ Ngài như thế nào?
20 Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va cho dân tộc xưa của Ngài hy vọng về sự khôi phục xứ. Lời an ủi và trấn an này đúng là điều những người nản lòng cần đến vì bấy giờ họ đang bị lưu đày ở Ba-by-lôn! Hướng đến thời kỳ họ sẽ được trở về quê hương, Đức Giê-hô-va phán: “Ngươi sẽ làm mão triều-thiên đẹp-đẽ trong tay Đức Giê-hô-va, làm mão-miện vua trong tay Đức Chúa Trời ngươi”. (Ê-sai 62:3) Bằng những lời này, Đức Giê-hô-va nâng cao phẩm giá và vẻ đẹp của dân Ngài. Ngày nay, Ngài cũng làm thế đối với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, như thể nâng họ lên để mọi người chiêm ngưỡng.
21. Làm sao bạn có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ thưởng cho sự trung thành chịu đựng của bạn?
21 Dù lời tiên tri này chủ yếu ứng nghiệm trên số người được xức dầu, nhưng nó cũng minh họa phẩm giá mà Đức Giê-hô-va ban cho tất cả những người phụng sự Ngài. Vì thế, khi lòng trí tràn ngập những mối nghi ngờ, hãy nhớ rằng dù là người bất toàn, bạn vẫn có thể quý như “mão triều-thiên đẹp-đẽ” và “mão-miện vua” trong mắt Đức Giê-hô-va. Vậy hãy tiếp tục làm Ngài vui lòng bằng cách sốt sắng tìm cách làm theo ý muốn Ngài. (Châm-ngôn 27:11) Qua đó, bạn có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ thưởng cho sự trung thành chịu đựng của bạn!
[Chú thích]
^ đ. 1 Các tên đã được đổi.
Bạn có nhớ không?
• Chúng ta là “cơ-nghiệp riêng” đối với Đức Giê-hô-va như thế nào?
• Tại sao việc xem Đức Giê-hô-va là Đấng Hay Thưởng là điều quan trọng?
• Chúng ta phải cảnh giác trước các “mưu-kế” nào của Sa-tan?
• Đức Chúa Trời “lớn hơn lòng mình” có nghĩa gì?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 26]
Phao-lô
[Hình nơi trang 26]
Ê-li
[Hình nơi trang 26]
An-ne
[Hình nơi trang 28]
Lời Đức Chúa Trời chứa đựng vô số ý tưởng mang lại an ủi