Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Dân Do Thái được lệnh là “chớ nên ăn bánh [“vật gì”, Bản Diễn Ý] có men” trong Lễ Vượt Qua, thế thì tại sao Chúa Giê-su dùng rượu—một sản phẩm có men—khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài?—Xuất Ê-díp-tô Ký 12:20; Lu-ca 22:7, 8, 14-20.
Lễ Vượt Qua, kỷ niệm cuộc xuất hành khỏi xứ Ê-díp-tô của dân Y-sơ-ra-ên, được thiết lập năm 1513 TCN. Khi ban chỉ thị về lễ này, Đức Giê-hô-va phán: “Chớ nên ăn bánh [“vật gì”, BDY] có men; khắp nơi các ngươi ở đều phải ăn bánh không men”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:11, 20) Lệnh cấm này chỉ áp dụng cho loại bánh ăn trong Lễ Vượt Qua, nhưng không nói gì về rượu.
Lý do chính tại sao dân Y-sơ-ra-ên không được dùng men là vì họ phải nhanh chóng rời Ê-díp-tô. Xuất Ê-díp-tô Ký 12:34 giải thích: “Dân-sự đều đem bột nhồi rồi chưa men đi, và bọc những thùng nhồi bột trong áo tơi vác lên vai mình”. Việc không dùng men trong các Lễ Vượt Qua về sau nhằm nhắc những thế hệ tương lai nhớ đến sự kiện quan trọng này.
Với thời gian, người ta thường xem men tượng trưng cho tội lỗi hoặc sự bại hoại. Chẳng hạn, khi nói đến một người vô luân trong hội thánh đạo Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô hỏi: “Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?” Rồi ông nói: “Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt-qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian-ác độc-dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật-thà và của lẽ thật”. (1 Cô-rinh-tô 5:6-8) Chỉ có bánh không men mới có thể tượng trưng cho thân thể không tội lỗi của Chúa Giê-su.—Hê-bơ-rơ 7:26.
Về sau người Do Thái thêm món rượu vào Lễ Vượt Qua. Có lẽ họ bắt đầu thực hành này sau khi từ Ba-by-lôn trở về. Không lời nào trong Kinh Thánh phản đối việc ấy, vì thế Chúa Giê-su đã có thể dùng rượu tại bữa ăn trong Lễ Vượt Qua. Dĩ nhiên, quá trình lên men tự nhiên của rượu ngày xưa khác với trường hợp của bánh. Để cho bột nhồi bánh nở ra, người ta phải thêm men vào. Còn rượu được làm từ nho nên không cần phải thêm chất men. Những thành phần lên men đã có sẵn trong nho. Dân Do Thái không có nước nho nguyên chất trong dịp Lễ Vượt Qua. Bởi vì người ta thu hoạch nho vào mùa thu và đến dịp lễ này vào mùa xuân thì nước nho đã lên men.
Vì vậy, việc Chúa Giê-su dùng rượu làm món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm không hề đi ngược lại với chỉ thị dành cho Lễ Vượt Qua liên quan đến việc dùng men. Bất cứ rượu vang đỏ nào không ngọt, không thêm chất khác hoặc gia vị đều thích hợp để dùng tượng trưng cho “huyết báu” của Đấng Christ.—1 Phi-e-rơ 1:19.