Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hợp nhất—Dấu hiệu của sự thờ phượng thật

Hợp nhất—Dấu hiệu của sự thờ phượng thật

Hợp nhất—Dấu hiệu của sự thờ phượng thật

‘Ta chắc sẽ đặt nó chung cả như một bầy ở giữa đồng cỏ chúng nó’.—MI 2:12.

1. Sự sáng tạo cung cấp bằng chứng về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời như thế nào?

Một người viết sách Thi-thiên thốt lên: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài” (Thi 104:24). Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời được thấy rõ qua sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hàng triệu loài thực vật, côn trùng, động vật và vi khuẩn trong hệ thống phức tạp đáng kinh ngạc của sự sống. Tương tự thế, trong cơ thể chúng ta, hàng ngàn cấu tạo khác nhau, từ những cơ quan lớn đến những cấu trúc phân tử nhỏ trong tế bào, tất cả cùng phối hợp làm việc để chúng ta có cơ thể khỏe mạnh.

2. Như hình nơi trang 13, tại sao sự hợp nhất của các thành viên trong hội thánh được xem là một phép lạ?

2 Con người có ngoại hình, nhân cách và kỹ năng rất đa dạng phong phú. Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta để phụ thuộc lẫn nhau. Hơn nữa, Đức Chúa Trời phú cho hai người đầu tiên những đức tính giống Ngài để họ có thể hợp tác và nương cậy nhau (Sáng 1:27; 2:18). Tuy nhiên, thế giới loài người nói chung hiện nay tách biệt khỏi Đức Chúa Trời, và từ trước đến nay toàn thể nhân loại chưa bao giờ có thể hợp nhất (1 Giăng 5:19). Vào thế kỷ thứ nhất, thành viên của hội thánh đạo Đấng Christ đến từ nhiều tầng lớp khác nhau gồm những người Ê-phê-sô làm nô lệ, phụ nữ Hy Lạp có tiếng tăm, người nam Do Thái có trình độ và những người từng thờ thần giả. Vì thế, sự hợp nhất của họ được xem là một phép lạ.—Công 13:1; 17:4; 1 Tê 1:9; 1 Ti 6:1.

3. Kinh Thánh miêu tả sự hợp nhất của tín đồ Đấng Christ như thế nào? Và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Sự thờ phượng thật giúp người ta làm việc một cách hòa hợp như các chi thể trong thân (Đọc 1 Cô-rinh-tô 12:12, 13). Trong bài này chúng ta sẽ xem xét một số khía cạnh sau: Làm thế nào sự thờ phượng thật hợp nhất người ta? Tại sao Đức Giê-hô-va là Đấng duy nhất có thể hợp nhất hàng triệu người từ mọi nước? Đức Giê-hô-va giúp chúng ta vượt qua những trở ngại nào để hợp nhất? Và về khía cạnh này, tín đồ Đấng Christ chân chính khác với tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ như thế nào?

Làm thế nào sự thờ phượng thật hợp nhất người ta?

4. Sự thờ phượng thật hợp nhất người ta như thế nào?

4 Những người thờ phượng thật nhận biết rằng vì Đức Giê-hô-va tạo ra mọi vật, Ngài chính đáng là Đấng Thống Trị hoàn vũ (Khải 4:11). Vì thế, dù sống trong xã hội và môi trường khác nhau, mọi tín đồ chân chính vâng giữ cùng luật pháp của Đức Chúa Trời và áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh giống nhau. Thật thích hợp khi tất cả những người thờ phượng thật gọi Đức Giê-hô-va là “Cha” (Ê-sai 64:8; Mat 6:9). Họ là anh em thiêng liêng và có thể vui hưởng sự hợp nhất trọn vẹn mà người viết Thi-thiên miêu tả: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!”—Thi 133:1.

5. Đức tính nào góp phần vào sự hợp nhất của những người thờ phượng thật?

5 Dù bất toàn, các tín đồ chân chính thờ phượng trong sự hợp nhất vì họ học cách để yêu thương. Không ai ngoài Đức Giê-hô-va có thể dạy họ yêu thương nhau (Đọc 1 Giăng 4:7, 8). Lời Ngài nói: “Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành” (Cô 3:12-14). Dây liên lạc của sự trọn lành—tình yêu thương—là đức tính chính nhận diện tín đồ Đấng Christ chân chính. Chẳng phải cá nhân bạn đã nhận thấy sự hợp nhất này là đặc điểm nổi bật của sự thờ phượng thật sao?—Giăng 13:35.

6. Làm thế nào hy vọng Nước Trời giúp chúng ta vui hưởng sự hợp nhất?

6 Những người thờ phượng thật cũng hợp nhất vì họ xem Nước Trời là hy vọng duy nhất cho nhân loại. Họ biết rằng không lâu nữa Nước Trời sẽ thay thế các chính phủ loài người và mang lại cho nhân loại biết vâng lời sự bình an thật sự, lâu dài (Ê-sai 11:4-9; Đa 2:44). Vì vậy, tín đồ Đấng Christ làm theo lời Chúa Giê-su nói về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:16). Các tín đồ chân chính giữ trung lập trong các cuộc xung đột của thế gian, nhờ đó có thể vui hưởng sự hợp nhất ngay cả khi xung quanh họ có chiến tranh.

Sự sắp đặt cung cấp những chỉ dẫn về thiêng liêng

7, 8. Bằng cách nào những chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh góp phần vào sự hợp nhất của chúng ta?

7 Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu vui vẻ trong sự hợp nhất vì tất cả họ đều nhận sự hướng dẫn đến từ một nguồn. Họ nhận biết Chúa Giê-su đang dạy dỗ và hướng dẫn hội thánh qua hội đồng lãnh đạo, gồm các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem. Những người này đưa ra quyết định dựa trên Lời Đức Chúa Trời và nhờ các giám thị lưu động truyền chỉ dẫn cho các hội thánh trong nhiều xứ. Nói về các giám thị này, Kinh Thánh viết: “Hễ ghé qua thành nào, [họ] cũng dặn-biểu phải giữ mấy lề-luật mà sứ-đồ và trưởng-lão tại thành Giê-ru-sa-lem lập ra”.—Công 15:6, 19-22; 16:4.

8 Ngày nay cũng thế, Hội đồng lãnh đạo—gồm các tín đồ được xức dầu—góp phần vào sự hợp nhất của hội thánh trên khắp thế giới. Hội đồng lãnh đạo xuất bản các ấn phẩm khích lệ về thiêng liêng trong nhiều ngôn ngữ. Thức ăn thiêng liêng này dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Vì thế, những điều được dạy đến từ Đức Chúa Trời, chứ không phải loài người.—Ê-sai 54:13.

9. Công việc Đức Chúa Trời giao giúp chúng ta hợp nhất như thế nào?

9 Giám thị đạo Đấng Christ cũng đẩy mạnh sự hợp nhất qua việc dẫn đầu công việc rao giảng. Tình bằng hữu đã hợp nhất những người phụng sự Đức Chúa Trời thì mật thiết hơn nhiều so với mối quan hệ giao tiếp của những người trong xã hội. Hội thánh tín đồ Đấng Christ được thành lập, không phải để hoạt động như một câu lạc bộ giao lưu, nhưng để tôn vinh Đức Giê-hô-va và thi hành công việc của Ngài—rao giảng tin mừng, đào tạo môn đồ và gây dựng hội thánh (Rô 1:11, 12; 1 Tê 5:11; Hê 10:24, 25). Vì thế, sứ đồ Phao-lô có thể nói về các tín đồ Đấng Chirst: “Anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống-cự vì đức-tin của [“tin mừng”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]”.—Phi-líp 1:27.

10. Là dân Đức Chúa Trời, chúng ta hợp nhất qua một số cách nào?

10 Là dân Đức Chúa Trời, chúng ta hợp nhất vì chấp nhận quyền cai trị của Đức Giê-hô-va, yêu thương anh em, hy vọng nơi Nước Trời và tôn trọng những người Đức Chúa Trời dùng để dẫn đầu. Vì bất toàn nên chúng ta có một số thái độ có thể đe dọa sự hợp nhất, nhưng Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta khắc phục chúng.—Rô 12:2.

Khắc phục thái độ kiêu ngạo và ghen tị

11. Tại sao thái độ kiêu ngạo gây chia rẽ? Và làm sao Đức Giê-hô-va giúp chúng ta khắc phục thái độ này?

11 Sự kiêu ngạo chia rẽ người ta. Một người kiêu ngạo xem mình hơn người khác, và thường thích thú khi khoe khoang mà không màng đến cảm xúc của người khác. Nhưng điều này thường cản trở sự hợp nhất, vì khi nghe các lời khoe khoang ấy, người khác có thể ghen tị. Môn đồ Gia-cơ thẳng thắn cho biết: “Phàm khoe-khoang như vậy là xấu” (Gia 4:16). Đối xử với người khác như thể họ thấp kém hơn là không yêu thương. Đức Giê-hô-va nêu gương nổi bật về sự khiêm nhường qua cách đối xử với người bất toàn như chúng ta. Đa-vít viết: “Sự hiền-từ [“hạ mình”, Bản Dịch Mới] Chúa đã làm cho tôi nên sang-trọng” (2 Sa 22:36). Lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta khắc phục tính kiêu ngạo qua việc dạy chúng ta biết lý luận cách phải lẽ. Phao-lô được soi dẫn để viết: “Ai phân-biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận-lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận-lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận-lãnh?”.—1 Cô 4:7.

12, 13. (a) Tại sao chúng ta dễ có thái độ ghen tị? (b) Có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về người khác mang lại kết quả nào?

12 Thái độ ghen tị cũng thường là một trở ngại cho sự hợp nhất. Vì bị di truyền sự bất toàn, chúng ta có khuynh hướng “ghen-tương”, và ngay cả những tín đồ lâu năm đôi khi cũng cảm thấy ghen tị với hoàn cảnh, tài sản, đặc ân hoặc khả năng của người khác (Gia 3:16). Chẳng hạn, một anh có vợ con có thể ghen tị với những đặc ân của một người phụng sự trọn thời gian, mà không nhận ra rằng người kia cũng có thể phần nào cảm thấy ghen tị với gia đình anh. Làm thế nào chúng ta có thể tránh ghen tị hầu giữ sự hợp nhất?

13 Để tránh ghen tị, hãy nhớ Kinh Thánh ví các thành viên xức dầu của hội thánh với các chi thể trong một thân. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 12:14-18). Thí dụ, chúng ta nhìn thấy đôi mắt nhưng không nhìn thấy trái tim, dù vậy chẳng phải cả hai đều quan trọng đối với chúng ta sao? Tương tự thế, Đức Giê-hô-va quý trọng mọi thành viên trong hội thánh dù có lúc người này có thể nổi bật hơn người khác. Vì thế, hãy có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va về anh em. Thay vì ghen tị, chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm và chú ý đến cá nhân họ. Khi làm thế, chúng ta góp phần cho thấy sự khác biệt giữa các tín đồ chân chính và những người trong khối đạo tự xưng theo Đấng Christ.

Khối đạo tự xưng theo Đấng Christ có đặc điểm chia rẽ

14, 15. Các tôn giáo bội đạo chia rẽ nhau như thế nào?

14 Sự hợp nhất của tín đồ chân chính tương phản với sự xung đột giữa các giáo hội của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ. Cho đến thế kỷ thứ tư, tôn giáo bội đạo lan rộng nên một hoàng đế La Mã ngoại đạo đã nắm quyền kiểm soát khối đạo này, khiến nó càng phát triển. Sau nhiều lần ly giáo liên tiếp, nhiều quốc gia tách khỏi La Mã và hình thành giáo hội riêng cho nước mình.

15 Trong nhiều thế kỷ, nhiều quốc gia trong số đó đã tranh chiến với nhau. Trong thế kỷ 17 và 18, người dân ở Anh, Hoa Kỳ và Pháp cống hiến mình cho quốc gia. Thế nên, chủ nghĩa quốc gia trở thành một tôn giáo. Trong thế kỷ 19 và 20, phần lớn người ta tôn sùng chủ nghĩa quốc gia. Cuối cùng, các giáo hội chia thành nhiều giáo phái, hầu hết đều chấp nhận chủ nghĩa quốc gia. Thậm chí, giáo dân còn tham gia chiến tranh chống lại những người cùng đạo ở nước khác. Ngày nay, khối đạo tự xưng theo Đấng Christ chia rẽ vì chủ nghĩa quốc gia và những niềm tin khác nhau của các giáo phái.

16. Những vấn đề nào gây chia rẽ trong khối đạo tự xưng theo Đấng Christ?

16 Vào thế kỷ 20, trong hàng trăm giáo phái của khối đạo tự xưng theo Đấng Christ, một số đã nỗ lực thực hiện phong trào thống nhất các giáo hội. Nhưng sau nhiều thập niên cố gắng, chỉ một ít giáo hội thống nhất với nhau và các giáo dân vẫn bị chia rẽ về các vấn đề như thuyết tiến hóa, phá thai, đồng tính luyến ái, và phong chức cho người nữ. Trong một số giáo phái, những người đứng đầu cố gắng hợp nhất người từ nhiều giáo phái bằng cách giảm đi tầm quan trọng của những giáo lý trước kia gây bất đồng. Tuy nhiên, điều này khiến người ta yếu đức tin và hiển nhiên không hợp nhất được các tôn giáo trong khối đạo tự xưng theo Đấng Christ.

Vượt lên trên chủ nghĩa quốc gia

17. Sự thờ phượng thật được báo trước sẽ hợp nhất người ta “trong những ngày sau-rốt” như thế nào?

17 Dù nhân loại ngày nay đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết, sự hợp nhất vẫn là dấu hiệu nhận diện người thờ phượng thật. Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Mi-chê báo trước: ‘Ta chắc sẽ đặt nó chung cả như một bầy ở giữa đồng cỏ chúng nó’ (Mi 2:12). Hơn nữa, Mi-chê tiên tri rằng sự thờ phượng thật sẽ được nâng cao trên tất cả hình thức thờ phượng khác, dù là thờ thần giả hoặc quốc gia. Ông viết: “Xảy ra trong những ngày sau-rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó. Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!”.—Mi 4:1, 5.

18. Sự thờ phượng thật giúp chúng ta thực hiện những thay đổi nào?

18 Mi-chê cũng miêu tả làm thế nào sự thờ phượng thật sẽ hợp nhất những người trước đây thù nghịch nhau. Ông nói: “[Người từ] nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Đức Giê-hô-va, nơi nhà của Đức Chúa Trời Gia-cốp! Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, và chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài... và họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm; nước nầy chẳng giá gươm lên nghịch cùng nước khác, và cũng không tập sự chiến-tranh nữa” (Mi 4:2, 3). Những người này đã từ bỏ việc thờ các thần do tay người ta làm ra hoặc thờ quốc gia để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ vui hưởng sự hợp nhất trên toàn thế giới. Đức Chúa Trời hướng dẫn họ trong đường lối yêu thương.

19. Sự hợp nhất của hàng triệu người trong sự thờ phượng thật là bằng chứng rõ ràng cho điều gì?

19 Sự hợp nhất trên toàn thế giới của tín đồ Đấng Christ chân chính ngày nay là điều rất đặc biệt và là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va tiếp tục hướng dẫn dân Ngài qua thánh linh. Hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại, có nhiều người từ mọi nước đang hợp nhất với nhau. Điều này làm ứng nghiệm rõ ràng những gì được ngụ ý nơi Khải-huyền 7:9, 14, và cho thấy thiên sứ Đức Chúa Trời không lâu nữa sẽ thả “gió” để hủy diệt hệ thống gian ác hiện tại. (Đọc Khải-huyền 7:1-4, 9, 10, 14). Chẳng phải được hợp nhất với anh em trên toàn thế giới là đặc ân sao? Làm thế nào mỗi người chúng ta góp phần vào sự hợp nhất ấy? Bài tiếp theo sẽ xem xét điều này.

Bạn trả lời thế nào?

• Làm thế nào sự thờ phượng thật hợp nhất người ta?

• Làm sao chúng ta có thể tránh để thái độ ghen tị phá vỡ sự hợp nhất?

• Dù các quốc gia đang chia rẽ hơn bao giờ hết, tại sao những người thờ phượng thật vẫn hợp nhất?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất có nhiều gốc gác khác nhau

[Các hình nơi trang 15]

Giúp đỡ trong các dự án Phòng Nước Trời góp phần vào sự hợp nhất như thế nào?