Dạy con biết tôn trọng người khác
Dạy con biết tôn trọng người khác
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Câu này có nghĩa là trước hết học lễ nghĩa, sau mới học văn chương. Lễ nghĩa là cách đối xử tôn trọng, có tình nghĩa. Vì thế, câu tục ngữ này cho thấy con người nên đối xử tử tế và tôn trọng lẫn nhau.
Thật vui khi thấy người trẻ biết cư xử lễ phép! Một giám thị vòng quanh ở nước Honduras đã đi rao giảng từng nhà với các công bố có độ tuổi khác nhau. Anh nhận xét: “Tôi thấy những em được dạy dỗ kỹ và lễ phép tác động tốt đến chủ nhà hơn là lời tôi nói”.
Trong thời kỳ người ta ngày càng thiếu tôn trọng người khác, biết cách đối xử là điều thực tế và mang lại lợi ích. Hơn nữa, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “ăn-ở một cách xứng-đáng” với tin mừng về Chúa Giê-su (Phi-líp 1:27; 2 Ti 3:1-5). Dạy con biết tôn trọng người khác là điều thiết yếu. Vậy, làm thế nào cha mẹ dạy con cái thật lòng tôn trọng người khác, chứ không chỉ tỏ vẻ lễ phép bề ngoài *?
Học cách tôn trọng qua gương mẫu
Con trẻ học hỏi qua việc noi theo những gương chúng thấy. Vì vậy, cách căn bản mà cha mẹ có thể dạy con cái cư xử lịch sự là chính họ phải nêu gương (Phục 6:6, 7). Lý luận với con về sự lễ phép là quan trọng, nhưng như thế chưa đủ. Ngoài những lời nhắc nhở, nêu gương tốt là điều thiết yếu.
Hãy xem trường hợp của Paula *, được dạy dỗ bởi người mẹ đơn chiếc là Nhân Chứng. Biểu lộ sự tôn trọng với mọi người đã trở thành một phần trong nhân cách của chị. Tại sao? Chị cho biết: “Mẹ tôi đã nêu gương, nên việc tôn trọng người khác là điều tự nhiên đối với chúng tôi”. Dù vợ không tin đạo, một tín đồ Đấng Christ tên Walter dạy các con trai tôn trọng mẹ. Anh cho biết: “Tôi cố gắng dạy các con tôn trọng mẹ chúng qua chính gương mẫu của mình. Tôi không bao giờ chỉ trích vợ tôi”. Anh Walter tiếp tục dùng Lời Đức Chúa Trời dạy dỗ các con, và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Một trong số các con anh hiện nay phụng sự tại chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, và một người khác làm tiên phong. Các con anh yêu mến và tôn trọng cả cha lẫn mẹ.
Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa sự loạn-lạc, bèn là Chúa sự hòa-bình”, hay trật tự (1 Cô 14:33). Đức Giê-hô-va làm mọi việc theo trật tự. Tín đồ Đấng Christ nên cố gắng noi theo đức tính này và giữ mọi thứ trong nhà được ngăn nắp. Một số cha mẹ dạy con dọn giường mỗi ngày trước khi đi học, để áo quần đúng chỗ và giúp việc nhà. Nếu thấy nhà cửa ngăn nắp và sạch sẽ, con cái sẽ dễ giữ phòng ốc và đồ đạc của chúng gọn gàng hơn.
Con cái của bạn nghĩ gì về những điều chúng học ở trường? Các em có nói lên lòng biết ơn về những điều thầy cô làm cho các em không? Là cha mẹ, bạn có bày tỏ lòng biết ơn đó không? Con cái sẽ có khuynh hướng thể hiện thái độ giống như bạn về bài vở và giáo viên của chúng. Sao không khuyến khích con có thói quen cảm ơn thầy cô? Khi được phục vụ, bày tỏ lòng biết ơn là cách rất tốt để thể hiện sự tôn trọng đối với thầy cô, bác sĩ, người bán hàng hoặc bất cứ người nào khác (Lu 17:15, 16). Người trẻ tín đồ Đấng Christ khác biệt với bạn bè vì có tính lễ phép và hạnh kiểm tốt, nên các em thật đáng khen.
Các thành viên trong hội thánh nên nêu gương trong cách cư xử. Thật tốt biết bao khi thấy người trẻ trong hội thánh tỏ thái độ lịch sự khi nói “xin vui lòng” và “cảm ơn”! Khi người lớn tỏ lòng tôn kính Đức Giê-hô-va bằng cách chăm chú lắng nghe chỉ dẫn trong các buổi họp, người trẻ được khuyến khích noi theo họ. Con trẻ có thể học cách tôn trọng hàng xóm qua việc quan sát những gương tốt về cách cư xử tử tế ở Phòng Nước Trời. Chẳng hạn, em Andrew bốn tuổi đã biết cách nói: “Cháu xin phép” khi em phải đi ngang qua trước mặt người lớn.
Cha mẹ có thể làm gì nữa để giúp con học cách cư xử đúng? Cha mẹ có thể và nên dành thời gian nói chuyện với con về những điều học được từ nhiều gương mẫu trong Lời Đức Chúa Trời.—Rô 15:4.
Dạy dỗ bằng các gương trong Kinh Thánh
Mẹ của Sa-mu-ên rất có thể đã dạy con cúi chào thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li. Khi bà đem Sa-mu-ên đến đền tạm, Sa-mu-ên có lẽ chỉ ba hoặc bốn tuổi (1 Sa 1:28). Bạn có thể tập trước với con nhỏ những lời chào như “chào ông”, “chào bà” hoặc chào theo phong tục nơi bạn sống không? Như cậu bé Sa-mu-ên, con bạn cũng có thể được “Đức Giê-hô-va và người ta đều lấy làm đẹp lòng”.—1 Sa 2:26.
Sao không dùng những lời tường thuật trong Kinh Thánh để nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự tôn trọng và thiếu tôn kính? 2 Vua 1:9, 10.
Chẳng hạn, khi vua A-cha-xia bất trung muốn gặp tiên tri Ê-li, ông “sai một quan cai năm mươi lính đi với năm mươi lính mình” để điệu nhà tiên tri đến. Quan cai này ra lệnh nhà tiên tri phải đi theo ông. Đó không phải là cách để nói chuyện với người đại diện cho Đức Chúa Trời. Ê-li trả lời thế nào? Ông nói: “Nếu ta là người của Đức Chúa Trời, nguyện lửa từ trên trời giáng xuống thiêu-đốt ngươi, luôn với năm mươi lính của ngươi đi!”. Và điều đó đã thật sự xảy ra. “Lửa từ trên trời liền giáng xuống thiêu-đốt quan cai và năm mươi lính của người”.—Quan cai thứ hai cùng 50 lính được sai đến bắt Ê-li. Ông cũng ra lệnh cho Ê-li đi với ông. Một lần nữa, lửa từ trên trời giáng xuống. Nhưng khi quan cai thứ ba mang 50 lính đến, ông tỏ lòng tôn trọng Ê-li. Thay vì ra lệnh cho Ê-li, ông quỳ gối xuống và cầu xin: “Hỡi người của Đức Chúa Trời, xin ông xem quí-trọng mạng-sống của tôi và mạng-sống của năm mươi người nầy, là kẻ tôi-tớ ông. Kìa, lửa đã giáng từ trời thiêu-nuốt hai quan cai năm mươi lính trước, và năm mươi lính của họ; nhưng bây giờ, xin xem mạng-sống tôi là quí-trọng trước mặt ông”. Nhà tiên tri của Đức Chúa Trời có xin lửa giáng xuống trên một người có lẽ sợ hãi nhưng nói một cách tôn trọng không? Hiển nhiên không! Ngược lại, thiên sứ Đức Giê-hô-va bảo Ê-li đi với quan cai này (2 Vua 1:11-15). Chẳng phải điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tỏ lòng tôn trọng sao?
Khi sứ đồ Phao-lô bị lính La Mã giam cầm ở đền thờ, ông không cho rằng mình có quyền lên tiếng. Với thái độ tôn trọng, Phao-lô hỏi viên quản cơ có trách nhiệm: “Tôi có phép nói với ông đôi điều chăng?”. Nhờ thế, Phao-lô có cơ hội lên tiếng để bênh vực mình.—Công 21:37-40.
Khi bị thử thách, Chúa Giê-su bị vả vào mặt. Tuy nhiên, ngài biết cách phản kháng: “Ví thử ta nói quấy, hãy chỉ chỗ quấy cho ta xem; nhược bằng ta nói phải, làm sao ngươi đánh ta?”. Không ai tìm được sai sót gì trong cách Chúa Giê-su nói.—Giăng 18:22, 23.
Lời Đức Chúa Trời cũng cho chúng ta những gương để biết cách phản ứng khi bị sửa trị và nhìn nhận lỗi lầm hoặc sự sơ suất của mình một cách lễ độ (Sáng 41:9-13; Công 8:20-24). Chẳng hạn, A-bi-ga-in xin lỗi về cách đối xử xấc xược của chồng bà là Na-banh với Đa-vít. Ngoài việc xin lỗi, bà còn mang nhiều quà đến cho Đa-vít. Hành động của A-bi-ga-in đã tạo ấn tượng tốt nơi Đa-vít đến độ sau khi Na-banh chết, ông chọn bà làm vợ.—1 Sa 25:23-41.
Dạy con thể hiện lòng tôn trọng dù hoàn cảnh khó khăn hoặc chỉ để cho thấy sự lễ độ. Qua cách này, chúng ta để ‘sự sáng soi trước mặt người ta’ hầu Cha chúng ta ở trên trời được ngợi khen.—Mat 5:16.
[Chú thích]
^ đ. 4 Dĩ nhiên, cha mẹ cần giúp con phân biệt giữa việc tôn trọng người lớn với việc nghe lời người có thể muốn làm hại chúng. Xin xem Tỉnh Thức! tháng 10-12 năm 2007, trang 3-11.
^ đ. 7 Một số tên đã đổi.