Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương với chúng ta

Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương với chúng ta

Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương với chúng ta

“Ân-điển cũng cai-trị bởi sự công-bình... đặng ban cho sự sống đời đời”.—RÔ 5:21.

1, 2. Hai món quà nào được so sánh, và món quà nào có giá trị hơn?

Một giáo sư thuộc Đại học Melbourne, Úc, viết rằng luật pháp của đế quốc La Mã là món quà có giá trị lâu dài cho nền văn minh. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một món quà có giá trị hơn nhiều. Món quà này là phương tiện mà Đức Chúa Trời cung cấp để chúng ta được chấp nhận và có vị thế công bình trước mắt Ngài, cũng như có triển vọng được cứu rỗi và nhận sự sống vĩnh cửu.

2 Đức Chúa Trời làm cho món quà này có thể đến với con người và phù hợp với luật pháp. Nơi Rô-ma chương 5, sứ đồ Phao-lô không trình bày về điều này như một luận án khô khan. Thay vì thế, ông bắt đầu với lời cam đoan đầy khích lệ: “Chúng ta đã được xưng công-bình bởi đức-tin, thì được hòa-thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta”. Những ai nhận món quà từ Đức Chúa Trời được thôi thúc đáp lại tình yêu thương của Ngài. Phao-lô là một người trong số ấy. Ông viết: ‘Sự yêu-thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi thánh-linh’.—Rô 5:1, 5.

3. Những câu hỏi nào được nêu lên?

3 Tại sao món quà đầy yêu thương này cần thiết? Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể ban món quà đó một cách công bằng, mang lại lợi ích cho mọi người? Và mỗi người được kêu gọi làm gì để hội đủ điều kiện nhận món quà ấy? Chúng ta hãy tìm những lời giải đáp thỏa đáng và nhận thấy chúng nêu bật tình yêu thương của Đức Chúa Trời như thế nào.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với người tội lỗi

4, 5. (a) Đức Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương của Ngài qua cách tuyệt diệu nào? (b) Biết được bối cảnh nào giúp chúng ta hiểu Rô-ma 5:12?

4 Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương cao cả qua việc phái Con một của Ngài đến giúp nhân loại. Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô 5:8). Hãy nghĩ đến điều mà ông đề cập: “Khi chúng ta còn là người có tội”. Mọi người cần hiểu tại sao chúng ta trở thành người có tội.

5 Phao-lô cho biết nét chính của vấn đề, bắt đầu như sau: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô 5:12). Chúng ta có thể hiểu được điều này vì Đức Chúa Trời cho ghi lại sự khởi đầu của nhân loại. Đức Giê-hô-va đã tạo ra hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va. Đấng Tạo Hóa là hoàn hảo, thế nên hai người đầu tiên ấy, tổ phụ của chúng ta, cũng là người hoàn toàn. Đức Chúa Trời đưa ra chỉ một mệnh lệnh và cho biết nếu vi phạm thì sẽ dẫn đến án chết (Sáng 2:17). Tuy nhiên, họ đã chọn hành động dại dột, vi phạm mệnh lệnh hợp lý của Đức Chúa Trời, như thế họ chống lại Ngài là Đấng ban luật và Đấng Tối Cao.—Phục 32:4, 5.

6. (a) Điều gì khiến con cháu A-đam phải chịu án chết, và Luật pháp Môi-se có thay đổi tình trạng này không? (b) Ảnh hưởng của tội lỗi có thể được ví với gì?

6 Chỉ sau khi phạm tội, A-đam mới sinh con, truyền tội lỗi và hậu quả của tội lỗi cho con cái. Dĩ nhiên, con cháu A-đam không vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời như ông. Thế nên, họ không bị buộc cùng một tội, và bấy giờ cũng chưa có luật pháp nào được ban ra (Sáng 2:17). Dù vậy, con cháu A-đam bị di truyền tội lỗi. Vì thế, “sự chết đã cai-trị” trên nhân loại. Đến thời dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời ban cho họ một bộ luật cho thấy rõ họ là người tội lỗi. (Đọc Rô-ma 5:13, 14). Ảnh hưởng của tội lỗi có thể được ví với một căn bệnh di truyền mà cha mẹ truyền cho con cái. Tất cả chúng ta đều bị di truyền tội lỗi vì là con cháu của A-đam. Thế nên, chúng ta phải chết. Vậy, có thể nào chấm dứt tình trạng đáng buồn này không?

Đức Chúa Trời cung cấp điều gì qua Chúa Giê-su?

7, 8. Làm thế nào con đường của hai người hoàn toàn dẫn đến hệ quả khác nhau?

7 Đức Giê-hô-va đã yêu thương cung cấp cho loài người một phương tiện để chấm dứt ảnh hưởng tội lỗi di truyền. Phao-lô giải thích điều này có thể được thực hiện qua một nhân vật khác, một người hoàn toàn xuất hiện sau này—đó là A-đam sau hết (1 Cô 15:45). Nhưng con đường của hai người hoàn toàn ấy dẫn đến hai hệ quả khác nhau. Như thế nào?—Đọc Rô-ma 5:15, 16.

8 Phao-lô viết: “Song tội-lỗi chẳng phải như sự ban-cho của ân-điển”. A-đam đã phạm tội, và ông đáng nhận bản án nặng nề—là cái chết. Tuy nhiên, ông không phải là người duy nhất phải chết. Phao-lô viết tiếp: “Bởi tội-lỗi của chỉ một người mà mọi kẻ khác đều phải chết”. Theo tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, tất cả con cháu bất toàn của A-đam, kể cả chúng ta, đều chịu án phạt như ông. Dù vậy, chúng ta có thể được an ủi khi biết rằng người nam hoàn toàn là Chúa Giê-su có thể mang đến một kết quả ngược lại. Kết quả nào? Phao-lô cho biết: “Sự xưng công-bình [cho mọi người], là sự ban sự sống”.—Rô 5:18.

9. Như Rô-ma 5:16, 18, Đức Chúa Trời đã làm điều gì khi xưng công bình cho con người?

9 Cụm từ tiếng Hy Lạp được dịch là “sự xưng công-bình” có nghĩa gì? Nói về khái niệm này, một dịch giả Kinh Thánh viết: “Đó là phép ẩn dụ có tính chất pháp luật. Nó nói về sự thay đổi vị thế của một người trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời, chứ không phải sự thay đổi bên trong con người ấy... Phép ẩn dụ cho thấy Đức Chúa Trời là quan án, và một người bị buộc tội là không công bình phải ứng hầu trước tòa án của Ngài. Nhưng Ngài đưa ra phán quyết có lợi và người ấy được tha bổng”.

10. Chúa Giê-su đã làm gì để cung cấp điều cần thiết hầu cho con người được xưng là công bình?

10 “Đấng đoán-xét toàn thế-gian” dựa trên điều gì để tha bổng một người bị xem là không công bình? (Sáng 18:25). Đức Chúa Trời yêu thương đã thực hiện bước quan trọng đầu tiên là gửi Con một của Ngài xuống trái đất. Dù trải qua nhiều cám dỗ, bị chế giễu cùng cực và ngược đãi, Chúa Giê-su đã thực hiện hoàn hảo ý muốn của Cha ngài. Chúa Giê-su vẫn giữ lòng trung kiên, thậm chí chết trên cây khổ hình (Hê 2:10). Qua việc hy sinh mạng sống hoàn toàn, Chúa Giê-su cung cấp giá chuộc để có thể giải thoát, hoặc chuộc lại, con cháu của A-đam khỏi tội lỗi và sự chết.—Mat 20:28; Rô 5:6-8.

11. Giá chuộc tương xứng thế nào?

11 Ở một câu khác, sứ đồ Phao-lô gọi điều này là “giá chuộc” cho mọi người (1 Ti 2:6). Giá chuộc này tương xứng thế nào? A-đam đã truyền sự bất toàn và sự chết cho hàng tỷ con cháu ông. Đúng là Chúa Giê-su, với tư cách là người hoàn toàn, có khả năng sinh ra hàng tỷ con cháu hoàn toàn *. Như vậy, trước đây có quan điểm là mạng sống hoàn toàn của Chúa Giê-su cộng với con cháu hoàn toàn của ngài là giá chuộc tương xứng với A-đam và con cháu bất toàn của ông. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói con cháu của Chúa Giê-su (theo giả thuyết) là một phần của giá chuộc. Rô-ma 5:15-19 cho thấy cái chết “bởi một người” cung cấp sự giải thoát. Thật vậy, mạng sống hoàn toàn của Chúa Giê-su tương xứng với mạng sống của A-đam. Nhân vật chính yếu là Chúa Giê-su. Mọi người đều có thể nhận được sự ban cho và sự sống nhờ “bởi chỉ một việc công-bình” của Chúa Giê-su, tức đường lối vâng phục và trung kiên cho đến chết của ngài (2 Cô 5:14, 15; 1 Phi 3:18). Làm sao có kết quả đó?

Sự tha tội dựa trên giá chuộc

12, 13. Tại sao những người được xưng công bình cần sự thương xót và tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

12 Đức Giê-hô-va chấp nhận giá chuộc hy sinh của Con Ngài (Hê 9:24; 10:10, 12). Tuy nhiên, các môn đồ của Chúa Giê-su ở trên đất, kể cả những sứ đồ trung thành, vẫn là người bất toàn. Dù cố gắng tránh làm điều sai, không phải lúc nào họ cũng thành công. Tại sao? Vì họ chịu tội lỗi di truyền (Rô 7:18-20). Nhưng Đức Chúa Trời có thể và đã làm một điều để giải quyết vấn đề này. Đó là chấp nhận “giá chuộc” và sẵn lòng áp dụng giá chuộc ấy vì các tôi tớ Ngài.

13 Không phải Đức Chúa Trời để cho các sứ đồ và những người khác nhận lợi ích từ giá chuộc vì họ đã làm một số điều lành. Nhưng Ngài làm thế vì sự thương xót và tình yêu thương cao cả của Ngài. Đức Chúa Trời quyết định tha các môn đồ và những người khác khỏi sự đoán phạt, xem như họ được xóa tội lỗi di truyền. Phao-lô nói rõ: “Ấy là nhờ ân-điển, bởi đức-tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—Ê-phê 2:8.

14, 15. Những người được xưng công bình bởi Đức Chúa Trời nhận được sự ban cho nào? Và họ vẫn cần tiếp tục làm gì?

14 Hãy nghĩ đến sự ban cho tuyệt vời từ Đấng Toàn Năng khi Ngài tha thứ tội di truyền cũng như những việc làm sai trái mà mỗi người đã phạm! Bạn không thể đếm được bao nhiêu tội người ta đã phạm trước khi trở thành tín đồ Đấng Christ, nhưng dựa trên căn bản giá chuộc, Đức Chúa Trời có thể tha thứ những tội ấy. Phao-lô viết: “Ân-điển thì sau nhiều tội rồi, dẫn đến sự xưng công-bình” (Rô 5:16). Các sứ đồ và những người khác nhận được sự ban cho này (được xưng công bình) thì phải tiếp tục thờ phượng Đức Chúa Trời với đức tin. Phần thưởng trong tương lai là gì? Phao-lô cho biết: “Những kẻ nhận ân-điển và sự ban-cho của sự công-bình cách dư-dật, họ sẽ nhờ một mình Đức Chúa Jêsus-Christ mà [sẽ] cai-trị trong sự sống là dường nào!”. Thật thế, trái với hậu quả tội lỗi, sự ban cho của sự công bình dẫn đến kết quả tốt đẹp: Đó là sự sống.—Rô 5:17; đọc Lu-ca 22:28-30.

15 Những ai nhận sự ban cho sẽ được xưng công bình và trở thành con thiêng liêng của Đức Giê-hô-va. Là những người đồng kế tự với Chúa Giê-su, họ có triển vọng được sống lại, trở thành con thần linh và cùng Chúa Giê-su “cai-trị” với tư cách là vua.—Đọc Rô-ma 8:15-17, 23.

Đức Chúa Trời tỏ tình yêu thương với những người khác

16. Ngay cả ngày nay những người có hy vọng sống trên đất nhận được món quà nào?

16 Không phải tất cả những người thể hiện đức tin và trung thành phụng sự Đức Chúa Trời đều mong chờ được “cai-trị” với tư cách là vua với Đấng Christ ở trên trời. Nhiều người có cùng hy vọng dựa trên Kinh Thánh như các tôi tớ của Đức Giê-hô-va trước thời Đấng Christ. Họ trông mong sống mãi trong địa đàng. Vậy, có thể nào ngay cả ngày nay họ nhận được món quà đầy yêu thương từ Đức Chúa Trời và được xem công bình với triển vọng sống trên đất không? Dựa trên lời Phao-lô viết cho người ở Rô-ma, câu trả lời đầy an ủi là có!

17, 18. (a) Nhờ có đức tin, Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời xem như thế nào? (b) Làm thế nào Đức Giê-hô-va có thể xem Áp-ra-ham là công bình?

17 Phao-lô nói đến một thí dụ là Áp-ra-ham. Ông là người có đức tin mạnh mẽ, sống trước thời Đức Giê-hô-va ban bộ luật cho dân Y-sơ-ra-ên và rất lâu trước khi Chúa Giê-su mở đường cho sự sống trên trời (Hê 10:19, 20). Kinh Thánh nói: “Chẳng phải bởi luật-pháp mà có lời hứa cho Áp-ra-ham hoặc dòng-dõi người lấy thế-gian làm gia-nghiệp, bèn là bởi sự công-bình của đức-tin” (Rô 4:13; Gia 2:23, 24). Vì thế, Đức Chúa Trời xem người trung thành Áp-ra-ham là công bình.—Đọc Rô-ma 4:20-22.

18 Điều này không có nghĩa là trong nhiều thập kỷ phụng sự Đức Giê-hô-va, Áp-ra-ham không có tội. Ông không công bình theo nghĩa đó (Rô 3:10, 23). Tuy nhiên, với sự khôn ngoan vô hạn, Đức Giê-hô-va lưu ý đến đức tin nổi bật của Áp-ra-ham và những việc làm thể hiện đức tin ấy. Đặc biệt, Áp-ra-ham cho thấy đức tin nơi việc “dòng-dõi” đã hứa sẽ đến từ ông. Dòng Dõi đó là Đấng Mê-si, hay Đấng Christ (Sáng 15:6; 22:15-18). Dựa trên “sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus-Christ”, Đấng Phán Xét có thể tha thứ những tội xảy ra trong quá khứ. Vì thế, Áp-ra-ham và những người có đức tin mạnh mẽ sống trước thời Đấng Christ có triển vọng sống lại.—Đọc Rô-ma 3:24, 25; Thi 32:1, 2.

Vui hưởng vị thế công bình ngày nay

19. Tại sao cái nhìn của Đức Chúa Trời về Áp-ra-ham là điều làm ấm lòng nhiều người ngày nay?

19 Hẳn việc Đức Chúa Trời đầy yêu thương xem Áp-ra-ham là công bình khiến tín đồ Đấng Christ ngày nay cảm thấy ấm lòng. Đức Giê-hô-va không nói Áp-ra-ham là công bình theo nghĩa mà Ngài áp dụng cho những người được xức dầu bằng thánh linh để “đồng kế-tự với Đấng Christ”. Số người giới hạn của nhóm này “được gọi làm thánh-đồ” và được chấp nhận là “con của Đức Chúa Trời” (Rô 1:7; 8:14, 17, 33). Tuy nhiên, Áp-ra-ham trở thành “bạn Đức Chúa Trời”, và điều đó xảy ra trước khi giá chuộc hy sinh được dâng (Gia 2:23; Ê-sai 41:8). Vậy, còn các tín đồ Đấng Christ có hy vọng sống trong địa đàng được khôi phục thì sao?

20. Như đã mong đợi nơi Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời mong đợi điều gì nơi những người Ngài xem là công bình?

20 Những người này không nhận được sự “ban-cho của sự công-bình” với triển vọng sống trên trời, là điều có được “bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Rô 3:24; 5:15, 17). Dù vậy, họ thể hiện đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời và sự cung cấp của Ngài, cũng như cho thấy đức tin qua các việc lành. Một trong số các việc lành đó là “giảng về nước Đức Chúa Trời, và dạy-dỗ về Đức Chúa Jêsus-Christ” (Công 28:31). Vì thế Đức Giê-hô-va có thể xem những người này là công bình, như Ngài đã làm với Áp-ra-ham. Món quà họ có—tình bạn với Đức Chúa Trời—khác với sự “ban-cho” mà những người xức dầu nhận được. Nhưng chắc hẳn đó là một món quà họ nhận lãnh với lòng biết ơn sâu xa.

21. Nhờ tình yêu thương và công lý của Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận được những lợi ích nào?

21 Nếu hy vọng được sống đời đời trên đất, bạn nên nhận biết rằng đây không phải là một lời hứa bốc đồng của một nhà cai trị loài người, trái lại, cho thấy ý định khôn ngoan của Đấng Cai Trị Hoàn Vũ. Đức Giê-hô-va đang thực hiện từng bước để hoàn tất ý định của Ngài. Những bước này phù hợp với công lý chân chính, và hơn nữa, phản ánh tình yêu thương cao cả của Đức Chúa Trời. Vì thế, Phao-lô có thể nói: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.—Rô 5:8.

[Chú thích]

^ đ. 11 Điểm này về con cháu của Chúa Giê-su đã được trình bày trong ấn phẩm, chẳng hạn sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures), tập 2, trang 736, đoạn 4 và 5.

Bạn còn nhớ không?

• Con cháu A-đam bị di truyền gì, và hậu quả là gì?

• Giá chuộc được cung cấp thế nào, và tương xứng theo nghĩa nào?

• Món quà được xưng công bình mang lại viễn cảnh nào cho bạn?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 13]

Người hoàn toàn A-đam phạm tội. Người hoàn toàn Chúa Giê-su cung cấp “giá chuộc” tương xứng

[Hình nơi trang 15]

Qua Chúa Giê-su, chúng ta có thể được xưng công bình—Thật là tin mừng!