Phụng sự với lòng không hối tiếc
“Tôi quên đi những điều đằng sau và vươn tới những điều phía trước”.—PHI-LÍP 3:13.
1-3. (a) Hối tiếc là gì, và nó ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? (b) Về việc phụng sự với lòng không hối tiếc, tại sao Phao-lô là gương mẫu cho chúng ta?
Theo thi sĩ J. G. Whittier, câu nói buồn nhất trên đời là “giá như...”. Người ta thường nói vậy khi hối tiếc điều gì đó trong quá khứ và ước là mình đã làm khác đi. Hối tiếc là cảm giác ân hận, đau buồn về điều mình đã làm hoặc đã bỏ lỡ mà đáng ra nên làm. Tất cả chúng ta đều có lúc ước mình có thể trở lại quá khứ và làm một điều gì đó khác đi. Bạn có điều gì hối tiếc không?
2 Một số người đã phạm lỗi lầm, thậm chí tội nghiêm trọng. Số khác dù không làm điều xấu nhưng họ băn khoăn không biết một số quyết định của họ trong quá khứ có phải là tốt nhất không. Một số người quên đi quá khứ và tiếp tục cuộc sống. Nhưng có người luôn hồi tưởng về quá khứ và nghĩ “giá như...” (Thi 51:3). Trong những nhóm người đó, bạn thuộc nhóm nào? Bạn có muốn phụng sự Ðức Chúa Trời với lòng không hối tiếc? Có gương mẫu nào trong Kinh Thánh mà chúng ta có thể noi theo không? Có, hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô.
3 Trong cuộc đời, Phao-lô đã phạm sai lầm nghiêm trọng nhưng ông cũng có những quyết định khôn ngoan. Ông vô cùng ân hận về lỗi lầm của mình, nhưng ông cũng học cách để đạt được thành công trong cuộc đời phụng sự Ðức Chúa Trời. Hãy xem chúng ta học được gì từ gương của ông về việc phụng sự với lòng không hối tiếc.
MỘT QUÁ KHỨ HỐI TIẾC
4. Sứ đồ Phao-lô đã hối tiếc về hành động nào trong quá khứ?
4 Là một người trẻ Pha-ri-si, Phao-lô đã làm những điều mà sau này ông phải hối tiếc. Chẳng hạn, ông dẫn đầu chiến dịch bắt bớ môn đồ Chúa Giê-su. Kinh Thánh ghi lại rằng ngay sau khi Ê-tiên tử vì đạo, ‘Sau-lơ [sau này gọi là Phao-lô] đối xử với hội thánh rất tàn bạo. Ông xông vào hết nhà này đến nhà khác, lôi cả đàn ông lẫn phụ nữ ra bỏ tù’ (Công 8:3). Học giả Albert Barnes nói rằng cụm từ Hy Lạp được dịch là ‘đối xử rất tàn bạo’ là “một cụm từ mạnh, mô tả sự giận dữ và cuồng nhiệt của [Phao-lô] trong chiến dịch bắt bớ”. Ông Barnes nói thêm rằng Phao-lô tấn công hội thánh đạo Ðấng Ki-tô “như một con thú dữ”. Là người Do Thái sùng đạo, Sau-lơ tin rằng Chúa giao cho ông nhiệm vụ xóa bỏ đạo Ðấng Ki-tô. Vì thế, ông đã truy lùng và bắt bớ tín đồ đạo Ðấng Ki-tô một cách rất tàn bạo, ‘đe dọa và rất muốn giết cả đàn ông lẫn phụ nữ’.—Công 9:1, 2; 22:4. *
5. Ðiều gì làm Sau-lơ ngưng bắt bớ môn đồ của Chúa Giê-su và bắt đầu rao giảng về ngài?
5 Sau-lơ định đến thành Ða-mách để lôi môn đồ Chúa Giê-su ra khỏi nhà và giải họ đến Giê-ru-sa-lem cho Tòa Tối Cao trừng trị. Tuy nhiên, Ðầu của hội thánh đạo Ðấng Ki-tô đã ngăn ông lại (Ê-phê 5:23). Khi Sau-lơ đang trên đường đến Ða-mách, Chúa Giê-su hiện ra với ông và ánh sáng chói lòa từ trời đã khiến ông bị mù. Chúa Giê-su bảo Sau-lơ vào thành Ða-mách đợi thêm chỉ dẫn. Chúng ta biết chuyện gì xảy ra sau đó.—Công 9:3-22.
6, 7. Ðiều gì cho thấy Phao-lô ý thức rõ lỗi lầm nghiêm trọng của mình trong quá khứ?
6 Từ khi trở thành môn đồ Chúa Giê-su, Phao-lô đã hoàn toàn thay đổi. Thay vì chống đối, ông sốt sắng bênh vực đạo Ðấng Ki-tô. Tuy vậy, ông vẫn viết về mình: “Chắc chắn anh em đã nghe về lối sống trước đây của tôi trong Do Thái giáo, ấy là tôi bắt bớ hội thánh của Ðức Chúa Trời một cách tàn bạo và cố tiêu diệt họ” (Ga 1:13). Sau này, ông nhắc lại sự hối tiếc của mình trong thư gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô, Phi-líp và cho Ti-mô-thê. (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 15:9; Phi-líp 3:6; 1 Ti 1:13). Phao-lô không tự hào về quá khứ của mình, nhưng ông cũng không cố làm như những chuyện đó chưa từng xảy ra. Ông ý thức rõ là mình đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng.—Công 26:9-11.
7 Một học giả Kinh Thánh là ông Frederic W. Farrar đã nói về vai trò của Phao-lô trong “cuộc bắt bớ tàn bạo đó”. Ông nói là chỉ khi biết rõ Phao-lô đã ngược đãi tín đồ đạo Ðấng Ki-tô thế nào thì “chúng ta mới hiểu được cảm giác buồn và ân hận đè nặng trên ông, và việc ông phải chịu các lời nhiếc móc của những người thù ghét ông”. Phao-lô viếng thăm nhiều hội thánh, những anh em gặp ông lần đầu có thể nói: “Thì ra anh là Phao-lô, người từng bắt bớ chúng tôi!”.—Công 9:21.
8. Phao-lô cảm thấy thế nào về lòng thương xót và tình yêu thương mà Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su tỏ ra với ông? Trường hợp của ông dạy chúng ta bài học nào?
8 Phao-lô nhận ra rằng ông có được chức vụ sứ đồ là nhờ lòng nhân từ bao la của Ðức Chúa Trời. Ông đề cập đến đức tính thương xót của Ðức Chúa Trời khoảng 90 lần trong 14 lá thư ông viết, nhiều hơn những người viết khác. (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 15:10). Phao-lô biết ơn sâu xa về việc ông được thương xót, và ông không muốn lòng nhân từ bao la của Ðức Chúa Trời đối với ông trở nên vô ích. Vì thế, ông “làm việc khó nhọc hơn các sứ đồ khác”. Trường hợp của Phao-lô cho thấy, nếu chúng ta thú tội và thay đổi đường lối, Ðức Giê-hô-va sẵn sàng xóa tội của chúng ta dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Thật là bài học đáng ghi nhớ cho những ai khó tin rằng giá chuộc có thể xóa tội của họ! (Ðọc 1 Ti-mô-thê 1:15, 16). Dù từng bắt bớ Ðấng Ki-tô một cách dữ dội, nhưng Phao-lô viết: ‘Con Ðức Chúa Trời yêu thương tôi và hy sinh cho tôi’ (Ga 2:20; Công 9:5). Thật vậy, Phao-lô đã học được bí quyết để phụng sự với lòng không hối tiếc. Bạn đã học được bí quyết đó chưa?
BẠN CÓ HỐI TIẾC ÐIỀU GÌ KHÔNG?
9, 10. (a) Tại sao một số tôi tớ của Ðức Giê-hô-va cảm thấy hối tiếc? (b) Tại sao tiếp tục lo lắng về quá khứ không phải là điều tốt?
9 Ðã bao giờ bạn làm những điều mà giờ đây phải hối tiếc? Bạn có từng lãng phí thời gian và năng lực vào những mục tiêu sai trái? Có hành động nào trong quá khứ của bạn đã gây hại cho người khác? Có lẽ còn những điều khác mà bạn ước mình có thể thay đổi được. Câu hỏi đặt ra là: Bạn có thể làm gì khi cảm thấy như thế?
10 Một số người luôn luôn lo lắng. Họ dằn vặt về lỗi lầm mình đã phạm và đêm ngày cứ trằn trọc lo âu. Việc quá lo lắng có giải quyết được vấn đề không? Chắc chắn không! Ðiều này có thể ví như một người ngồi trên ghế xích đu và chuyển động trong hàng giờ đồng hồ, mất sức nhưng chẳng đi đến đâu. Thay vì lo lắng, hãy làm những gì có thể để giải quyết vấn đề. Hãy xin lỗi người mà bạn gây tổn thương và cố gắng làm hòa. Hãy tránh những điều có thể khiến bạn phạm sai lầm lần nữa. Ðôi khi, bạn không thể giải quyết vấn đề và đành phải chịu hậu quả của lỗi lầm mình đã phạm. Nhưng dù sao, việc lo lắng chỉ khiến một người không thể phụng sự Ðức Chúa Trời hết lòng. Lo lắng không ích lợi gì!
11. (a) Chúng ta phải làm gì để được Ðức Giê-hô-va thương xót và tỏ lòng nhân từ bao la? (b) Làm theo sự chỉ dẫn nào của Ðức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta có bình an tâm trí?
11 Một số tín đồ quá nặng lòng về những sai lầm trong quá khứ đến mức cảm thấy mình không có giá trị trong mắt Ðức Chúa Trời. Họ cảm thấy mình đã phạm lỗi quá nặng hoặc quá nhiều đến mức lòng thương xót của Ðức Chúa Trời không đủ che lấp những tội đó. Thế nhưng, sự thật là dù họ đã phạm sai lầm nào đi nữa, họ có thể ăn năn, thay đổi và cầu xin sự tha thứ (Công 3:19). Ðức Giê-hô-va có thể tỏ lòng thương xót và nhân từ bao la đối với họ, như ngài đã làm với bao người khác. Ngài sẽ nhân từ tha thứ cho bất cứ ai khiêm nhường, thành thật ăn năn và hối lỗi. Ðức Chúa Trời đã làm thế với Gióp, người đã nói: ‘Tôi ăn-năn trong tro bụi’ (Gióp 42:6). Muốn có bình an tâm trí, chúng ta phải làm theo chỉ dẫn sau của Ðức Chúa Trời: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót” (Châm 28:13; Gia 5:14-16). Vậy, chúng ta hãy thú tội với Ðức Chúa Trời, cầu xin ngài tha thứ và có hành động cụ thể để sửa chữa sai lầm (2 Cô 7:10, 11). Nếu đã làm các bước đó, chúng ta có thể nhận được sự thương xót của Ðức Giê-hô-va, đấng “tha-thứ dồi-dào”.—Ê-sai 55:7.
12. (a) Chúng ta có thể bắt chước Ða-vít thế nào khi lương tâm mình bị cắn rứt? (b) Ðức Giê-hô-va “hối tiếc” theo nghĩa nào, và biết được điều này giúp chúng ta ra sao? (Xin xem khung).
12 Lời cầu nguyện rất có hiệu lực, và qua cách này Ðức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta. Ða-vít giãi bày những cảm xúc sâu kín trong một lời cầu nguyện được ghi lại nơi sách Thi-thiên. (Ðọc Thi-thiên 32:1-5). Khi chưa thú tội, việc cố đè nén lương tâm cắn rứt đã làm Ða-vít kiệt sức. Dường như ông chịu thiệt hại về tinh thần lẫn thể chất và mất niềm vui. Ða-vít chỉ được tha thứ và cảm thấy nhẹ nhõm khi ông thú tội với Ðức Chúa Trời. Ðức Giê-hô-va đáp lại lời cầu xin của ông và giúp ông vững tinh thần để tiếp tục cuộc sống và làm những điều có ý nghĩa. Tương tự, nếu lo lắng về lỗi lầm trong quá khứ, hãy chân thành cầu xin Ðức Giê-hô-va tha thứ và làm mọi điều cần thiết để sửa đổi. Sau đó, hãy tin chắc rằng Ðức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của bạn và tha thứ cho bạn.—Thi 86:5.
HƯỚNG ÐẾN TƯƠNG LAI
13, 14. (a) Chúng ta nên chú tâm vào điều gì? (b) Những câu hỏi nào có thể giúp chúng ta xem xét đời sống hiện tại của mình?
13 Ðúng là có thể ôn lại quá khứ để rút kinh nghiệm cho mình, nhưng chúng ta không nên lo nghĩ mãi về những điều đã qua. Thay vì thế, chúng ta nên chú tâm vào đời sống hiện tại và tương lai. Hãy thử nghĩ: “Trong những năm sau này, mình sẽ hối tiếc về những quyết định hiện tại của mình không? Mình sẽ muốn làm khác đi không? Mình có đang phụng sự trung thành để sau này không phải hối tiếc?”.
14 Hoạn nạn lớn đang đến gần, chúng ta muốn phụng sự Ðức Giê-hô-va hết lòng ngay bây giờ. Vì thế, chúng ta nên tự hỏi những câu như: “Mình có thể làm nhiều hơn trong việc phụng sự không? Mình có thể làm tiên phong không? Ðiều gì cản trở mình vươn tới đặc ân làm phụ tá hội thánh? Mình đã cố gắng hết sức để mặc lấy nhân cách mới chưa? Mình có phải là loại người mà Ðức Chúa Trời muốn cho sống trong thế giới mới?”. Thay vì cứ lo nghĩ về quá khứ, chúng ta muốn tập trung vào đời sống hiện tại và cố gắng đưa ra những quyết định mà sau này không phải hối tiếc.—2 Ti 2:15.
ÐỪNG BAO GIỜ HỐI TIẾC VỀ CUỘC ÐỜI PHỤNG SỰ ÐỨC GIÊ-HÔ-VA
15, 16. (a) Nhiều người đã hy sinh điều gì để ưu tiên cho việc phụng sự Ðức Chúa Trời? (b) Tại sao chúng ta không nên hối tiếc bất cứ điều gì mình đã hy sinh vì Nước Trời?
15 Nếu bạn đã hy sinh để phụng sự Ðức Giê-hô-va trọn thời gian thì sao? Có lẽ bạn đã từ bỏ sự nghiệp đầy hứa hẹn hoặc công việc kinh doanh phát đạt để đơn giản hóa đời sống và dành nhiều thời gian hơn cho công việc Nước Trời. Hoặc có lẽ bạn ở độc thân hay đã kết hôn nhưng quyết định không sinh con để hội đủ điều kiện tham gia thánh chức trọn thời gian, như làm việc trong nhà Bê-tên, tình nguyện viên xây cất quốc tế, giám thị vòng quanh hoặc giáo sĩ. Giờ đây đã qua tuổi xuân xanh, bạn có nên hối tiếc về những quyết định đó không? Bạn có nên cảm thấy những gì mình đã hy sinh là không cần thiết hoặc không đúng lúc? Chắc chắn không.
16 Bạn đã quyết định như thế dựa trên tình yêu thương dành cho Ðức Giê-hô-va và chân thành muốn giúp người khác phụng sự ngài. Ðừng nghĩ rằng cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn nếu bạn đã quyết định khác. Hãy cảm thấy thỏa nguyện vì biết mình đã làm điều đúng và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Hãy vui vì mình đã làm hết sức trong việc phụng sự Ðức Giê-hô-va. Ngài sẽ không bao giờ quên sự hy sinh bất vị kỷ của bạn. Trong thế giới mới sắp đến, ngài sẽ ban cho bạn những ân phước ngoài sức tượng tượng!—Thi 145:16; 1 Ti 6:19.
HÃY PHỤNG SỰ VỚI LÒNG KHÔNG HỐI TIẾC
17, 18. (a) Ðiều gì đã giúp Phao-lô phụng sự Ðức Chúa Trời với lòng không hối tiếc? (b) Noi gương Phao-lô, bạn quyết tâm làm gì?
17 Ðiều gì đã giúp Phao-lô phụng sự Ðức Chúa Trời với lòng không hối tiếc? Ông viết: “Tôi quên đi những điều đằng sau và vươn tới những điều phía trước, tôi nỗ lực đạt đến mục tiêu”. (Ðọc Phi-líp 3:13, 14). Phao-lô không nghĩ mãi về lối sống sai lầm của mình khi còn theo Do Thái giáo. Thay vì thế, ông cố gắng hết sức để giữ lòng trung thành hầu nhận được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu.
18 Tất cả chúng ta đều có thể bắt chước Phao-lô. Thay vì cứ lo nghĩ về những điều trong quá khứ mà mình không thể thay đổi, chúng ta nên vươn tới những điều phía trước. Dù không thể quên hẳn những lỗi lầm trước đây, nhưng chúng ta không nên tiếp tục dằn vặt về những lỗi lầm ấy. Hãy cố gắng bỏ quá khứ lại phía sau, hết lòng phụng sự Ðức Chúa Trời ngay bây giờ và hướng tới một tương lai huy hoàng!