Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hoàn thành chức vụ truyền giảng tin mừng

Hoàn thành chức vụ truyền giảng tin mừng

“Làm công việc của người truyền giảng tin mừng và hoàn thành chức vụ thánh của mình”.—2 TI 4:5.

1. Tại sao có thể nói Ðức Giê-hô-va là đấng đầu tiên truyền giảng tin mừng?

Ðấng đầu tiên truyền giảng tin mừng là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời. Ngay sau sự phản nghịch của tổ tiên chúng ta, Ðức Giê-hô-va đã công bố tin mừng là con rắn, tức Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, sẽ bị tiêu diệt (Sáng 3:15). Suốt nhiều thế kỷ, Ðức Giê-hô-va đã hướng dẫn những người trung thành viết ra chi tiết về cách danh ngài sẽ được minh oan, cách ngài sẽ xóa sạch những hậu quả do Sa-tan gây ra và cách nhân loại có lại được những cơ hội mà A-đam và Ê-va đã đánh mất.

2. (a) Các thiên sứ cũng có nhiệm vụ nào? (b) Chúa Giê-su nêu gương nào cho những người truyền giảng tin mừng?

2 Các thiên sứ cũng truyền giảng tin mừng và giúp người khác làm thế (Lu 1:19; 2:10; Công 8:26, 27, 35; Khải 14:6). Còn thiên sứ trưởng Mi-chen thì sao? Khi sống trên đất với tư cách là Chúa Giê-su, cuộc đời của ngài xoay quanh việc truyền giảng tin mừng. Gương của ngài cho thấy chúng ta cũng nên xem công việc ấy là quan trọng nhất.—Lu 4:16-21.

3. (a) Tin mừng chúng ta loan báo là gì? (b) Chúng ta chú ý đến những câu hỏi nào?

3 Chúa Giê-su giao cho môn đồ công việc truyền giảng tin mừng (Mat 28:19, 20; Công 1:8). Sứ đồ Phao-lô khuyến khích bạn cùng làm việc với ông là Ti-mô-thê: “Làm công việc của người truyền giảng tin mừng và hoàn thành chức vụ thánh của mình” (2 Ti 4:5). Tin mừng chúng ta loan báo là gì? Tin mừng bao gồm sự thật ấm lòng là Cha trên trời yêu thương chúng ta (Giăng 3:16; 1 Phi 5:7). Ðức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương qua cách chính yếu là Nước Trời. Thế nên, chúng ta vui mừng nói cho người khác biết là những ai phục tùng sự cai trị của  Nước Trời, vâng lời Ðức Chúa Trời và làm điều công chính thì có thể trở thành bạn ngài (Thi 15:1, 2). Thật vậy, ý định của Ðức Giê-hô-va là loại bỏ những cảnh đau khổ do sự bất công gây ra và xóa sạch mọi ký ức đau buồn. Ðó quả là tin mừng! (Ê-sai 65:17). Vì là những người truyền giảng tin mừng, chúng ta hãy cùng xem xét hai câu hỏi quan trọng: Tại sao ngày nay người ta cần nghe tin mừng? Làm sao chúng ta có thể truyền giảng tin mừng hữu hiệu?.

TẠI SAO NGƯỜI TA CẦN NGHE TIN MỪNG?

4. Nhiều người đã nghe những điều dối trá nào về Ðức Chúa Trời?

4 Hãy tưởng tượng có người nói rằng cha bạn đã bỏ rơi bạn và cả gia đình. Họ nói ông ấy là người khó gần, bí hiểm và tàn nhẫn. Thậm chí, một số người còn muốn bạn tin rằng cố liên lạc lại với cha là vô ích vì ông ấy đã qua đời. Nhiều người đã nghe những điều tương tự về Ðức Chúa Trời. Họ được dạy rằng Ðức Chúa Trời là mầu nhiệm, thần bí hoặc tàn nhẫn. Ví dụ, một số nhà lãnh đạo tôn giáo cho rằng Ðức Chúa Trời sẽ hành hại kẻ ác trong nơi thống khổ mãi mãi. Người khác thì đổ cho Ðức Chúa Trời tội gây ra những thảm họa thiên nhiên. Dù những sự kiện này làm cả người tốt lẫn kẻ xấu thiệt mạng, người ta đều nói đó là do Trời phạt.

Những câu hỏi khéo léo giúp người ta nhận ra niềm tin của họ dựa trên những lý do nào

5, 6. Thuyết tiến hóa và những giáo lý sai lầm ảnh hưởng thế nào đến người ta?

5 Người khác thì quả quyết là Ðức Chúa Trời không tồn tại. Về điều này, hãy xem xét thuyết tiến hóa. Những người tin thuyết này tuyên bố rằng sự sống xuất hiện mà không cần một nguồn thông minh thiết kế. Họ cho rằng không có Ðấng Tạo Hóa. Thậm chí, một số còn nói rằng con người tiến hóa từ loài thú nên không có gì ngạc nhiên khi có lúc người ta dữ tợn hoặc ích kỷ. Họ biện luận rằng mạnh được yếu thua vốn là quy luật tự nhiên, nên không lạ gì khi nhiều người tin rằng chúng ta không thể tránh khỏi sự bất công. Vì thế, những người tin thuyết tiến hóa mất hết hy vọng thật.

Những câu hỏi giúp động đến lòng họ để họ chấp nhận sự thật

6 Rõ ràng, thuyết tiến hóa và những giáo lý sai lầm góp phần vào sự khốn khổ mà nhân loại phải chịu trong những ngày sau cùng (Rô 1:28-31; 2 Ti 3:1-5). Những sự dạy dỗ này của loài người không mang lại tin mừng thật sự và lâu dài. Thay vì thế, như sứ đồ Phao-lô viết, chúng khiến “tâm trí họ tối tăm, họ xa cách sự sống đến từ Ðức Chúa Trời” (Ê-phê 4:17-19). Ngoài ra, thuyết tiến hóa và những giáo lý sai lầm cản trở người ta chấp nhận tin mừng đến từ Ðức Chúa Trời.—Ðọc Ê-phê-sô 2:11-13.

7, 8. Cách duy nhất để người ta có thể hiểu thấu tin mừng là gì?

7 Ðể hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời, trước hết người ta phải tin là ngài hiện hữu và có những lý do hợp lý để đến gần ngài. Chúng ta có thể giúp họ có sự hiểu biết đó bằng cách khuyến khích họ xem xét sự sáng tạo. Nếu người ta tìm hiểu về sự sáng tạo với tinh thần cởi mở, họ sẽ thấy sự khôn ngoan và quyền năng của Ðức Chúa Trời (Rô 1:19, 20). Ðể giúp người ta nghĩ đến những gì Ðấng Tạo Hóa Vĩ Ðại đã làm và kính sợ ngài, chúng ta có thể sử dụng hai sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo? Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng. Dù vậy, nếu chỉ tìm hiểu về sự sáng tạo thì người ta sẽ không thấy câu trả lời cho những câu hỏi phức tạp nhất trong đời sống như: Tại sao Ðức  Chúa Trời để cho có đau khổ? Ý định của Ðức Chúa Trời đối với trái đất là gì? Ðức Chúa Trời có quan tâm đến cá nhân tôi không?.

Những câu hỏi giúp họ lý luận dựa trên Kinh Thánh để tự rút ra kết luận đúng

8 Cách duy nhất để người ta có thể hiểu thấu tin mừng về Ðức Chúa Trời và ý định của ngài là học Kinh Thánh. Thật là một đặc ân khi được giúp người khác tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc của họ! Thế nhưng, để động đến lòng người nghe, chúng ta không chỉ cho họ biết thông tin mà còn phải thuyết phục họ tin (2 Ti 3:14). Chúng ta có thể trau dồi khả năng thuyết phục khi noi gương Chúa Giê-su. Tại sao ngài có thể thuyết phục người ta? Một lý do là ngài khéo đặt câu hỏi. Làm sao chúng ta có thể bắt chước ngài?

NGƯỜI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG HỮU HIỆU KHÉO ÐẶT CÂU HỎI

9. Nếu muốn giúp người ta về mặt tâm linh, chúng ta phải làm gì?

9 Giống như Chúa Giê-su, tại sao chúng ta nên đặt câu hỏi khi truyền giảng tin mừng? Hãy nghĩ đến tình huống sau: Bác sĩ nói là ông có tin mừng cho bạn. Ông ấy sẽ chữa lành cho bạn nếu bạn chấp nhận đại phẫu. Có thể bạn tin ông ấy. Nhưng nếu ông ấy hứa điều đó trước khi hỏi về bệnh tình của bạn thì sao? Chắc bạn khó mà tin bác sĩ đó. Dù bác sĩ có tài đến mấy thì trước khi đưa ra cách điều trị, ông phải hỏi và lắng nghe bạn nói ra những triệu chứng bệnh. Tương tự, nếu muốn giúp người khác chấp nhận tin mừng Nước Trời, chúng ta phải nắm vững nghệ thuật đặt câu hỏi. Chỉ khi hiểu rõ tình trạng tâm linh của họ, chúng ta mới có thể giúp họ.

Ðể động đến lòng người nghe, chúng ta phải thuyết phục họ tin

10, 11. Chúng ta sẽ đạt được gì khi bắt chước cách dạy dỗ của Chúa Giê-su?

10 Chúa Giê-su biết rằng những câu hỏi khéo léo không chỉ giúp người dạy hiểu học viên mà còn dẫn dắt người nghe vào cuộc thảo luận. Ví dụ, khi Chúa Giê-su muốn dạy các môn đồ bài học về sự khiêm nhường, trước tiên ngài đặt cho họ một câu hỏi gợi suy nghĩ (Mác 9:33). Ðể dạy Phi-e-rơ biết cách lý luận dựa trên nguyên tắc, Chúa Giê-su đặt một câu hỏi có nhiều lựa chọn để trả lời (Mat 17:24-26). Một dịp khác, khi Chúa Giê-su muốn biết những điều chất chứa trong lòng các môn đồ, ngài hỏi họ một loạt những câu hỏi dò quan điểm. (Ðọc Ma-thi-ơ 16:13-17). Chúa Giê-su không chỉ truyền đạt thông tin cho người ta. Cách ngài đặt câu hỏi động đến lòng họ và thúc đẩy họ hành động phù hợp với tin mừng.

11 Khi bắt chước cách Chúa Giê-su đặt câu hỏi, chúng ta đạt được ít nhất ba điều. Chúng ta tìm ra cách tốt nhất để giúp người khác, đáp lại những lời thoái thác và dạy người khiêm nhường biết làm sao nhận được lợi ích. Hãy xem ba tình huống cho thấy cách chúng ta khéo đặt câu hỏi.

12-14. Làm sao bạn có thể giúp con thêm tự tin khi chia sẻ tin mừng? Hãy cho ví dụ.

12 Tình huống 1: Là bậc cha mẹ, bạn sẽ làm gì nếu con ở tuổi thiếu niên lo lắng không biết cách nói với bạn học về sự sáng tạo? Làm sao bạn có thể giúp con tự tin chia sẻ tin mừng? Thay vì chê trách hoặc chỉ cách cho con liền, bạn có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách  đặt câu hỏi dò quan điểm của con. Bạn có thể làm điều đó như thế nào?

13 Hãy cùng con đọc một số thông tin trong sách Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng. Sau khi xem năm câu hỏi trong sách đó, bạn có thể hỏi con nghĩ người ta quan tâm đến câu nào nhất. Khuyến khích con nghĩ ra những lý do khác thuyết phục con tin nơi Ðấng Tạo Hóa và tại sao con muốn phụng sự ngài (Rô 12:2). Giúp con hiểu là những lý do của con không nhất thiết phải giống y như của cha mẹ.

14 Giải thích với con là khi nói chuyện với bạn học, con có thể bắt chước cách cha mẹ đã nói. Con có thể nói với bạn học một số thông tin về sự sáng tạo, rồi đặt câu hỏi dò quan điểm của bạn ấy. Ví dụ, con cho bạn học đọc khung nơi trang 21 sách Nguồn gốc sự sống. Rồi con hỏi: “Có phải ADN có khả năng lưu trữ thông tin hơn hẳn tất cả những máy vi tính tối tân ngày nay không?”. Có lẽ bạn ấy sẽ trả lời là phải. Sau đó con hỏi: “Nếu những kỹ thuật viên không thể tạo ra máy vi tính nào có khả năng như thế thì làm sao một thứ vô tri vô giác tự làm ra ADN được?”. Ðể giúp con tự tin hơn khi nói với bạn học về niềm tin của mình, bạn có thể thường xuyên thực tập với con. Nếu tập cho con khéo đặt câu hỏi, bạn sẽ giúp con hoàn thành chức vụ truyền giảng tin mừng.

15. Chúng ta có thể dùng câu hỏi để giúp người vô thần bằng cách nào?

15 Tình huống 2: Khi tham gia thánh chức, có thể chúng ta gặp những người nghi ngờ sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời. Ví dụ, một người nói mình là người vô thần. Thay vì kết thúc cuộc nói chuyện, bạn có thể lễ độ hỏi xem tại sao ông không tin Ðức Chúa Trời, và  ông có quan điểm như thế bao lâu rồi. Sau khi lắng nghe câu trả lời và khen ông vì đã suy nghĩ thấu đáo về điều này, chúng ta có thể hỏi xem ông có ngại đọc tài liệu chứng tỏ sự sống được sáng tạo không. Nếu ông ấy là người cởi mở, chúng ta có thể mời nhận sách Sự sống—Do sáng tạo? hoặc Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng. Ðặt câu hỏi một cách khéo léo và tế nhị có thể là bí quyết để tin mừng động đến lòng người ta.

16. Tại sao chúng ta không nên để học viên chỉ đọc câu trả lời in sẵn trong sách?

16 Tình huống 3: Khi hướng dẫn một cuộc học hỏi Kinh Thánh, có thể chúng ta chỉ để cho học viên đọc câu trả lời in sẵn trong sách. Nếu làm thế, có lẽ học viên sẽ chậm tiến bộ về tâm linh. Tại sao? Vì học viên đọc câu trả lời mà không suy ngẫm thì giống như cây không bám rễ sâu. Họ sẽ khó đứng vững trong sự thật nếu gặp chống đối (Mat 13:20, 21). Ðể tránh chuyện đó xảy ra, chúng ta cần hỏi học viên xem họ nghĩ sao về điểm đang học. Cố gắng nhận ra họ có đồng ý với điểm đó hay không. Quan trọng hơn, hãy để họ giải thích tại sao họ đồng ý hoặc không. Rồi giúp họ lý luận dựa trên Kinh Thánh để tự rút ra kết luận đúng (Hê 5:14). Nếu chúng ta khéo đặt câu hỏi, học viên sẽ bám rễ chắc trong niềm tin và có thể kháng cự khi bị người khác chống đối hoặc lừa gạt (Cô 2:6-8). Chúng ta có thể làm gì khác để hoàn thành chức vụ truyền giảng tin mừng?

NGƯỜI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG HỮU HIỆU TRỢ GIÚP NGƯỜI KHÁC

17, 18. Khi tham gia thánh chức cùng những người công bố khác, bạn có thể hợp tác với họ bằng cách nào?

17 Chúa Giê-su phái các môn đồ đi rao giảng từng đôi (Mác 6:7; Lu 10:1). Sau đó, sứ đồ Phao-lô đề cập đến “các cộng sự” là những người “chung vai sát cánh với [ông] tranh đấu vì tin mừng” (Phi-líp 4:3). Phù hợp với tiền lệ đó trong Kinh Thánh, vào năm 1953, những người công bố Nước Trời đã bắt đầu chương trình trợ giúp người khác trong thánh chức.

18 Khi tham gia thánh chức cùng những người công bố khác, bạn có thể hợp tác với họ bằng cách nào? (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 3:6-9). Theo dõi câu Kinh Thánh mà người đi cùng sử dụng. Chú ý đến người đi cùng lẫn chủ nhà khi họ đang nói. Chăm chú theo dõi cuộc thảo luận phòng khi người đi cùng cần bạn giúp lý luận với chủ nhà (Truyền 4:12). Tuy nhiên, tránh ngắt lời khi người đi cùng đang lý luận hợp lý. Sự nhiệt tình thái quá của bạn có thể làm người đó chán nản và làm chủ nhà bối rối. Không có gì sai nếu bạn góp đôi lời, nhưng sau đó hãy để người đi cùng tiếp tục dẫn dắt cuộc thảo luận.

19. Chúng ta nên nhớ điều gì, và tại sao?

19 Làm thế nào bạn và người đi cùng trợ giúp lẫn nhau khi rao giảng trong khu vực? Sao không dành thời gian bàn với nhau về cách cải thiện lời trình bày? Cẩn thận không bình phẩm tiêu cực về những người sống trong khu vực. Cũng tránh phàn nàn về anh chị khác (Châm 18:24). Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đều là bình bằng đất. Ðức Giê-hô-va biểu lộ lòng nhân từ bao la của ngài khi ban cho chúng ta món quà quý giá là chức vụ truyền giảng tin mừng. (Ðọc 2 Cô-rinh-tô 4:1, 7). Vì thế, tất cả chúng ta hãy bày tỏ lòng biết ơn bằng cách dốc sức hoàn thành chức vụ của người truyền giảng tin mừng.