KINH NGHIỆM
Háo hức phụng sự Ðức Giê-hô-va dù ở bất cứ nơi đâu
Trước đó, tôi chưa bao giờ đi rao giảng một mình. Mỗi lần đi là chân tôi run bần bật vì sợ hãi. Thêm vào đó, khu vực rao giảng lại không thuận lợi. Một số người rất dữ tợn và dọa hành hung tôi. Suốt tháng đầu làm tiên phong, tôi chỉ phát được một sách nhỏ!—Markus.
Ðó là năm 1949, cách đây hơn 60 năm, nhưng câu chuyện của tôi bắt đầu từ nhiều năm về trước. Cha tôi là Hendrik làm thợ đóng giày và người làm vườn ở Donderen, một làng nhỏ thuộc miền bắc Drenthe, Hà Lan. Tôi sinh tại đó vào năm 1927 và là con thứ tư trong gia đình có bảy người con. Nhà tôi nằm trên con đường đất thuộc miền quê. Những người hàng xóm chủ yếu làm nghề nông, và tôi thích đời sống nông trại. Năm 1947, khi 19 tuổi, tôi biết sự thật qua người hàng xóm là Theunis Been. Tôi nhớ lần đầu gặp anh, tôi không có cảm tình. Tuy nhiên, không lâu sau Thế Chiến II, anh trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va và tôi thấy anh thân thiện hơn nhiều. Sự thay đổi này khiến tôi tò mò, vì thế tôi đã lắng nghe khi anh chia sẻ lời hứa của Ðức Chúa Trời về một địa đàng trên đất. Tôi nhanh chóng chấp nhận sự thật, rồi chúng tôi trở thành đôi bạn tri kỷ. *
Tôi bắt đầu rao giảng vào tháng 5 năm 1948, và tháng sau, ngày 20 tháng 6, tôi làm báp-têm tại một hội nghị ở Utrecht. Vào ngày 1-1-1949, tôi bắt đầu làm tiên phong và được phái đến Borculo, miền đông Hà Lan, nơi có một hội thánh nhỏ. Ðể đến nhiệm sở, tôi phải đi khoảng 130km nên tôi quyết định đạp xe. Tôi nghĩ mất khoảng sáu tiếng, nhưng vì trời mưa to và gió thổi ngược, nên mất 12 tiếng, mặc dù ở chặng cuối, tôi đã đi tàu hỏa khoảng 90km! Tối mịt, tôi mới đến nơi, đó là nhà của một gia đình Nhân Chứng mà tôi đã ở khi làm tiên phong tại đấy.
Trong thời hậu chiến, người ta có ít của cải. Toàn bộ tài sản của tôi chỉ là một bộ com-lê và một chiếc quần âu—com-lê thì quá rộng, còn quần thì quá ngắn! Như tôi nói ở đầu bài, tháng đầu tiên ở Borculo rất khó khăn, nhưng nhờ Ðức Giê-hô-va ban phước, tôi có một số học hỏi Kinh Thánh. Chín tháng sau, tôi được phái đến Amsterdam.
TỪ MIỀN QUÊ RA THÀNH PHỐ
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, giờ đây tôi thấy thật lạ lẫm ở Amsterdam, thành phố lớn nhất của Hà Lan. Khu vực rao giảng tại đó rất màu mỡ. Tháng đầu, số ấn phẩm tôi phát được nhiều hơn chín tháng trước. Không lâu sau, tôi điều khiển hơn tám cuộc học hỏi Kinh Thánh. Sau khi được bổ nhiệm làm tôi tớ hội thánh (nay gọi là giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão), tôi được giao làm bài diễn văn công cộng đầu tiên. Nghĩ đến bài giảng là tôi thấy nản, vì thế khi được chuyển đến hội thánh khác trước khi nói bài giảng, tôi thở phào nhẹ nhõm. Không ngờ đến nay tôi đã trình bày hơn 5.000 bài giảng!
Vào tháng 5 năm 1950, tôi được phái đến Haarlem. Sau đó, tôi nhận được thư mời tham gia công việc vòng quanh. Mất ba đêm, tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi nói với anh Robert Winkler, một anh phụng sự ở văn phòng chi nhánh, rằng tôi cảm thấy mình không đủ khả năng. Nhưng anh ấy nói: “Cứ điền đơn. Anh sẽ học dần dần”. Không lâu sau, tôi được huấn luyện một tháng và bắt đầu phụng sự với tư cách là tôi tớ vòng quanh (giám thị vòng quanh). Trong chuyến viếng thăm một hội thánh, tôi đã gặp Janny Taatgen, một chị tiên phong trẻ vui tính, rất yêu mến Ðức Giê-hô-va và có tinh thần hy sinh. Chúng tôi kết hôn vào năm 1955. Nhưng trước khi kể tiếp câu chuyện của tôi, Janny sẽ giải thích cô ấy trở thành tiên phong thế nào và chúng tôi gặp nhau ra sao.
CÙNG NHAU PHỤNG SỰ
Chị Janny: Mẹ tôi trở thành Nhân Chứng năm 1945 lúc tôi 11 tuổi. Mẹ lập tức nhận ra tầm quan trọng của việc dạy Kinh Thánh cho ba người con, nhưng cha thì chống đối. Vì thế, mẹ dạy chúng tôi khi cha vắng nhà.
Nhóm họp đầu tiên tôi tham dự là một hội nghị ở The Hague năm 1950. Một tuần sau, tôi dự buổi nhóm đầu tiên tại Phòng Nước Trời địa phương ở Assen (Drenthe). Cha tôi tức giận và đuổi tôi ra khỏi nhà. Mẹ đã trấn an tôi: “Con biết mình có thể sống ở đâu”. Tôi biết mẹ đang muốn nói đến các anh chị em thiêng liêng. Lúc đầu, tôi sống với một gia đình Nhân Chứng gần đó, nhưng bố vẫn gây khó dễ cho tôi nên tôi phải chuyển đến hội thánh ở Deventer (Overijssel), cách nhà khoảng 95km. Nhưng rồi, cha tôi gặp rắc rối với chính quyền vì đã đuổi tôi ra khỏi nhà khi tôi còn ở tuổi vị thành niên. Cuối cùng, cha cho tôi trở về nhà. Dù cả đời cha không chấp nhận sự thật, nhưng cha cho phép tôi tham dự các buổi nhóm họp và đi rao giảng.
Không lâu sau khi trở về nhà, mẹ tôi đổ bệnh nặng và tôi phải cáng đáng hết việc nhà. Dù vậy, tôi tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng và làm báp-têm vào năm 1951, lúc 17 tuổi. Năm 1952, sau khi mẹ bình phục, tôi làm tiên phong kỳ nghỉ (tiên phong phụ trợ) trong hai tháng cùng ba chị tiên phong. Chúng tôi sống trên thuyền và rao giảng trong hai thị trấn ở Drenthe. Tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều năm 1953. Năm sau, một giám thị vòng quanh trẻ tuổi đến thăm hội thánh chúng tôi. Ðó là anh Markus. Chúng tôi kết hôn vào tháng 5 năm 1955 vì cảm thấy mình có thể phụng sự Ðức Giê-hô-va tốt hơn khi có hai người.—Truyền 4:9-12.
Anh Markus: Sau khi kết hôn, chúng tôi được phái đến Veendam (Groningen) với tư cách là tiên phong. Chúng tôi sống trong một phòng nhỏ chỉ vẻn vẹn khoảng 6m2. Nhưng Janny luôn làm cho căn phòng xinh xắn và ấm cúng. Mỗi tối, chúng tôi phải dời chiếc bàn và hai ghế nhỏ để có chỗ hạ giường xuống và ngủ.
Sáu tháng sau, chúng tôi được mời tham gia công việc lưu động tại Bỉ. Năm 1955, tại đó chỉ có khoảng 4.000 người công bố, nhưng hiện nay con số ấy đã tăng gấp sáu lần! Ở Flanders, thuộc miền bắc Bỉ, người ta nói ngôn ngữ giống ở Hà Lan. Tuy nhiên, những người Bỉ phát âm rất khác, nên thời gian đầu chúng tôi phải nỗ lực để vượt qua trở ngại này.
Chị Janny: Công việc lưu động đòi hỏi tinh thần hy sinh. Chúng tôi đi thăm các hội thánh bằng xe đạp và ở lại nhà của một số anh chị. Vì không có chỗ ở riêng, nên chúng tôi phải ở lại nhà các anh chị qua thứ hai, và sáng thứ ba đi thăm hội thánh kế tiếp. Nhưng chúng tôi luôn xem công việc này là ân phước đến từ Ðức Giê-hô-va.
Anh Markus: Thoạt đầu, chúng tôi không biết anh chị nào trong các hội thánh, nhưng các anh chị rất tử tế và hiếu khách (Hê 13:2). Trong những năm đó, chúng tôi vài lần thăm tất cả hội thánh nói tiếng Hà Lan ở Bỉ. Ðiều này đã mang lại nhiều ân phước. Chẳng hạn, chúng tôi làm quen với hầu hết các anh chị ở địa hạt nói tiếng Hà Lan và họ trở nên rất thân thương với chúng tôi. Chúng tôi chứng kiến hàng trăm em trẻ phát triển cả về thể chất lẫn thiêng liêng, dâng mình cho Ðức Giê-hô-va và đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. Thật vui mừng khi thấy nhiều người trong số đó trung thành phụng sự Ðức Giê-hô-va trọn thời gian (3 Giăng 4). Ðây là nguồn khích lệ rất lớn và giúp chúng tôi tiếp tục hết lòng với nhiệm vụ của mình.—Rô 1:12.
THỬ THÁCH VÀ ÂN PHƯỚC
Anh Markus: Từ ngày kết hôn, chúng tôi đã có ước muốn tham dự Trường Ga-la-át. Mỗi ngày, chúng tôi dành ít nhất một tiếng để học tiếng Anh. Tuy nhiên, học qua sách vở thì chậm tiến bộ, nên chúng tôi quyết định đi Anh Quốc trong kỳ nghỉ để vừa rao giảng vừa thực hành tiếng Anh. Cuối cùng, vào năm 1963, chúng tôi nhận được một bao thư từ trụ sở trung ương ở Brooklyn. Trong đó có hai lá thư, một cho tôi và một cho Janny. Tôi nhận được lời mời tham dự khóa học đặc biệt của Trường Ga-la-át kéo dài mười tháng. Khóa học chủ yếu huấn luyện các anh và cung cấp những chỉ dẫn để giúp các anh đảm nhận các trách nhiệm trong tổ chức. Vì thế, trong số 100 học viên được mời, có đến 82 anh.
Chị Janny: Trong lá thư của tôi, tôi được khuyên là cầu nguyện xem mình có sẵn sàng ở lại Bỉ trong khi anh Markus tham dự Ga-la-át hay không. Phải thừa nhận rằng cảm giác đầu tiên của tôi là thất vọng. Dường như những nỗ lực của tôi không được Ðức Giê-hô-va ban phước. Tuy nhiên, tôi tự nhủ rằng mục đích của Trường Ga-la-át là giúp các học viên thực hiện công việc rao giảng trên toàn cầu. Vì thế, tôi đồng ý ở lại và phụng sự với tư cách là tiên phong đặc biệt ở thành phố Ghent cùng với chị Anna và Maria Colpaert, hai tiên phong đặc biệt có kinh nghiệm.
Anh Markus: Vì cần trau dồi tiếng Anh nên tôi được mời đến Brooklyn trước khi khóa học bắt đầu 5 tháng. Tôi làm việc trong Ban công tác và Ban vận chuyển. Phụng sự ở trụ sở trung ương và giúp chuẩn bị những lô sách báo để chuyển đến châu Á, châu Âu và Nam Mỹ đã giúp tôi hiểu rõ hơn về đoàn thể anh em quốc tế. Tôi đặc biệt nhớ anh H. Macmillan, người làm công việc du hành (giám thị lưu động) cùng thời với anh Russell. Dù đã lớn tuổi và nặng tai, nhưng anh vẫn đều đặn tham dự tất cả các buổi nhóm họp. Ðiều đó để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi và dạy tôi rằng chúng ta không nên xem nhẹ việc kết hợp với anh em đồng đạo.—Hê 10:24, 25.
Chị Janny: Anh Markus và tôi viết thư cho nhau nhiều lần một tuần. Chúng tôi nhớ nhau da diết! Dù thế, anh Markus rất thích sự huấn luyện mà anh nhận được tại Ga-la-át, và tôi cũng tìm thấy niềm vui trong thánh chức. Lúc anh Markus trở về từ Hoa Kỳ, tôi đang hướng dẫn 17 học hỏi Kinh Thánh! Với chúng tôi, xa nhau 15 tháng quả là một thử thách nhưng tôi thấy Ðức Giê-hô-va ban phước cho tinh thần hy sinh của chúng tôi. Hôm anh Markus quay trở lại, máy bay bị trễ vài tiếng, nhưng cuối cùng anh cũng về tới nơi, chúng tôi ôm chầm lấy nhau và khóc. Từ đó về sau, chúng tôi không bao giờ xa nhau.
BIẾT ƠN VỀ MỌI ÐẶC ÂN PHỤNG SỰ
Anh Markus: Khi tôi trở về từ Ga-la-át vào tháng 12 năm 1964, chúng tôi được mời làm việc tại Bê-tên. Nhưng đó chỉ là nhiệm sở tạm thời vì chỉ ba tháng sau, chúng tôi được bổ nhiệm làm công tác địa hạt ở Flanders. Tuy nhiên, khi Aalzen và Els Wiegersma được phái đến Bỉ với tư cách là giáo sĩ và được bổ nhiệm làm công tác địa hạt, chúng tôi trở lại Bê-tên và tôi làm việc trong Ban công tác. Từ năm 1968 đến 1980, nhiệm vụ của chúng tôi thay đổi nhiều lần, từ việc phụng sự ở Bê-tên đến công tác lưu động. Từ 1980 đến 2005, tôi lại phụng sự với tư cách là giám thị địa hạt.
Dù nhiệm vụ thường thay đổi, nhưng chúng tôi không bao giờ quên rằng mình đã dâng đời sống cho Ðức Giê-hô-va để phụng sự ngài hết mình. Chúng tôi đã cảm nghiệm được niềm vui thật sự trong mỗi nhiệm vụ của mình, và tin chắc rằng bất cứ thay đổi nào đều vì quyền lợi Nước Trời.
Chị Janny: Tôi rất thích đặc ân được cùng anh Markus đến Brooklyn năm 1977 và Patterson năm 1997 khi anh được huấn luyện thêm với tư cách là thành viên Ủy ban chi nhánh.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA BIẾT NHU CẦU CỦA CHÚNG TA
Anh Markus: Năm 1982, Janny trải qua một ca phẫu thuật và bình phục trở lại. Ba năm sau, hội thánh ở Louvain cho chúng tôi sử dụng một căn phòng bên trên của Phòng Nước Trời. Lần đầu tiên trong 30 năm, chúng tôi có một chỗ ở nhỏ nhắn cho riêng mình. Vào mỗi thứ ba, khi chúng tôi gói ghém đồ đạc để bắt đầu viếng thăm một hội thánh, tôi phải lên xuống nhiều lần 54 bậc thang để mang đồ xuống! Thật tốt là năm 2002, có một số thay đổi nên chúng tôi được chuyển xuống tầng trệt. Khi tôi 78 tuổi, chúng tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt ở Lokeren. Thật hạnh phúc khi có đặc ân phụng sự này và được đi rao giảng mỗi ngày.
“Chúng tôi tin rằng phụng sự ở đâu và làm việc gì không quan trọng, nhưng quan trọng là mình phụng sự ai”
Chị Janny: Chúng tôi đã phụng sự trọn thời gian tổng cộng hơn 120 năm! Chúng tôi nghiệm thấy lời hứa sau của Ðức Giê-hô-va thật đúng: ‘Ngài sẽ không bao giờ lìa chúng ta’, và nếu trung thành phụng sự ngài, chúng ta sẽ “không thiếu chi hết”.—Hê 13:5; Phục 2:7.
Anh Markus: Chúng tôi dâng mình cho Ðức Giê-hô-va khi còn trẻ. Chúng tôi không bao giờ tìm những việc lớn cho riêng mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào vì chúng tôi tin rằng phụng sự ở đâu và làm việc gì không quan trọng, nhưng quan trọng là mình phụng sự ai.
^ đ. 5 Với thời gian, cha mẹ, một chị gái và hai em trai của tôi cũng trở thành Nhân Chứng.