Bạn có biết?
Vào thời Kinh Thánh, việc một người xé áo có ý nghĩa gì?
Kinh Thánh tường thuật nhiều trường hợp người ta xé áo của chính mình. Hành động ấy có lẽ không quen thuộc với độc giả thời nay nhưng đối với người Do Thái thời xưa, đó là biểu hiện của cảm xúc mạnh mẽ như thất vọng, đau buồn, nhục nhã hoặc phẫn nộ.
Chẳng hạn, Ru-bên đã “xé áo mình” khi ý định giải cứu em trai là Giô-sép thất bại, vì Giô-sép đã bị bán làm nô lệ. Cha của họ là Gia-cốp “xé quần áo mình ra” khi nghĩ rằng Giô-sép đã bị thú dữ ăn thịt (Sáng 37:18-35). Gióp “xé áo mình” khi hay tin tất cả các con đều đã chết (Gióp 1:18-20). Một sứ giả với “quần-áo rách” đến báo với thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li rằng dân Y-sơ-ra-ên đã bại trận, còn hai con trai Hê-li thì mất mạng và hòm giao ước bị cướp (1 Sa 4:12-17). Khi Giô-si-a nghe những lời đọc từ Luật pháp và nhận ra lỗi lầm của dân chúng thì “xé quần-áo mình”.—2 Vua 22:8-13.
Tại phiên xử Chúa Giê-su, thầy tế lễ thượng phẩm Cai-pha “xé áo mình” khi nghe điều mà ông quy kết là phạm thượng (Mat 26:59-66). Theo luật của các Ráp-bi, ai nghe thấy danh Đức Chúa Trời bị nói phạm thì phải xé áo mình. Tuy nhiên, sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, các Ráp-bi cho rằng “ngày nay ai nghe thấy danh của Đức Chúa Trời bị xúc phạm thì không cần phải xé áo để quần áo không trở thành giẻ rách”.
Dĩ nhiên, hành động xé áo không có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời nếu một người không thật sự đau buồn. Do đó, Đức Giê-hô-va bảo dân sự ngài hãy ‘xé lòng, đừng xé áo và trở lại cùng ngài’.—Giô-ên 2:13.