Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em sẽ làm chứng về tôi”

“Anh em sẽ làm chứng về tôi”

“[Chúa Giê-su] đáp: ‘... Anh em sẽ làm chứng về tôi... cho đến tận cùng trái đất’”.—CÔNG 1:7, 8.

1, 2. (a) Ai là nhân chứng xuất sắc nhất của Đức Giê-hô-va? (b) Danh Giê-su nghĩa là gì, và Con của Đức Chúa Trời sống xứng đáng với danh của mình như thế nào?

“Tôi được sinh ra và đến thế gian vì điều này: Để làm chứng cho sự thật”. (Đọc Giăng 18:33-37). Khi đang đứng trước tòa, Chúa Giê-su Ki-tô nói những lời này trước quan tổng đốc La Mã xứ Giu-đa. Chúa Giê-su vừa thừa nhận mình là một vị vua. Nhiều năm sau đó, sứ đồ Phao-lô nhắc đến gương can đảm của Chúa Giê-su, “đấng đã công khai làm chứng trước mặt Bôn-xơ Phi-lát” (1 Ti 6:13). Thật vậy, đôi khi cần phải can đảm để “làm chứng trung thành và chân thật” trong thế gian đầy thù hận của Sa-tan!—Khải 3:14.

2 Là một thành viên thuộc nước Do Thái, Chúa Giê-su là nhân chứng của Đức Giê-hô-va ngay từ lúc mới chào đời (Ê-sai 43:10). Thật vậy, ngài trở thành nhân chứng nổi trội nhất mà Đức Chúa Trời từng dùng để làm đại diện cho danh ngài. Chúa Giê-su rất xem trọng ý nghĩa danh mà chính Đức Chúa Trời ban cho mình. Khi thiên sứ bảo cha nuôi của Chúa Giê-su là Giô-sép rằng Ma-ri được thụ thai bởi thần khí, thiên sứ nói thêm: “Nàng sẽ sinh một con trai, và hãy đặt tên là Giê-su, vì con trai ấy sẽ cứu dân mình khỏi tội lỗi” (Mat 1:20, 21). Các học giả Kinh Thánh nói chung đều đồng ý là danh Giê-su đến từ một tên tiếng Hê-bơ-rơ là Giê-sua, và gồm một hình thức rút ngắn danh Đức Chúa Trời; có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Hòa hợp với ý nghĩa danh của mình, Chúa Giê-su giúp “những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên” ăn năn tội lỗi của họ để có thể được Đức Giê-hô-va chấp nhận (Mat 10:6; 15:24; Lu 19:10). Vì thế, Chúa Giê-su sốt sắng làm chứng về Nước Trời. Người viết Phúc âm là Mác đã tường thuật: “Chúa Giê-su đi đến Ga-li-lê rao giảng tin mừng của Đức Chúa Trời. Ngài giảng: ‘Thời điểm đã đến, Nước Đức Chúa Trời đã gần kề. Hãy ăn năn và tin vào tin mừng’” (Mác 1:14, 15). Chúa Giê-su cũng can đảm lên án các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, đó là một lý do khiến họ tìm cách giết ngài.—Mác 11:17, 18; 15:1-15.

“SỰ VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”

3. Sau khi Chúa Giê-su chết, điều gì xảy ra vào ngày thứ ba?

3 Nhưng kỳ diệu thay! Ba ngày sau cái chết đau đớn của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã làm ngài sống lại, không phải là con người, nhưng ở thể thần linh (1 Phi 3:18). Bằng chứng là Chúa Giê-su mặc lấy hình người và chứng minh ngài đã sống lại. Vào ngày đầu tiên sau khi được sống lại, ngài đã hiện ra ít nhất năm lần trước nhiều môn đồ.—Mat 28:8-10; Lu 24:13-16, 30-36; Giăng 20:11-18.

4. Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ và ngài cho họ biết rõ trách nhiệm nào?

4 Lần thứ năm Chúa Giê-su hiện ra là trước các sứ đồ và những người đang hiện diện với họ. Vào dịp đáng nhớ ấy, “ngài mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh”. Thế nên, họ dần nhận ra rằng cái chết của ngài trong tay kẻ thù của Đức Chúa Trời và sự sống lại bằng phép lạ đã được báo trước trong Kinh Thánh. Kết thúc buổi họp quan trọng ấy, Chúa Giê-su cho cử tọa biết rõ trách nhiệm của họ là gì. Ngài bảo họ rằng “bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem, người ta sẽ nhân danh ngài mà rao giảng cho muôn dân về sự ăn năn để được tha tội”. Ngài nói thêm: “Anh em phải làm chứng về những điều ấy”.—Lu 24:44-48.

5, 6. (a) Tại sao Chúa Giê-su nói: “Anh em sẽ làm chứng về tôi”? (b) Đặc điểm mới nào về ý định của Đức Giê-hô-va mà các môn đồ của Chúa Giê-su phải công bố cho người ta biết?

5 Vì thế, 40 ngày sau đó, trong lần hiện ra lần cuối, các sứ đồ hiểu rõ ý của ngài qua những mệnh lệnh đơn giản nhưng mạnh mẽ: “Anh em sẽ làm chứng về tôi tại thành Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đa, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Tại sao Chúa Giê-su nói: “Anh em sẽ làm chứng về tôi”, chứ không phải về Đức Giê-hô-va? Chúa Giê-su có thể nói về việc làm chứng cho cha ngài, nhưng những người nghe ngài là người Y-sơ-ra-ên nên họ đã là nhân chứng của Đức Giê-hô-va rồi.

Như các môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta tiếp tục công bố ý định của Đức Giê-hô-va về tương lai (Xem đoạn 5, 6)

6 Giờ đây các môn đồ Chúa Giê-su phải cho người ta biết về đặc điểm mới liên quan đến ý định của Đức Giê-hô-va—điều còn lớn lao hơn việc dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và sau đó khỏi sự phu tù ở Ba-by-lôn. Đó là cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô cung cấp nền tảng cơ bản cho sự giải thoát khỏi sự phu tù tệ hại nhất, tức nô lệ của tội lỗi và cái chết. Tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các môn đồ mới được xức dầu của Chúa Giê-su công bố cho người ta biết “sự vĩ đại của Đức Chúa Trời”, nhiều người đã nghe và hưởng ứng. Do đó, từ bên hữu của Cha ở trên trời, Chúa Giê-su bắt đầu thấy danh của mình mang ý nghĩa lớn hơn khi hàng ngàn người đã ăn năn và đặt đức tin nơi ngài với tư cách là phương tiện cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.—Công 2:5, 11, 37-41.

“LÀM GIÁ CHUỘC CHO NHIỀU NGƯỜI”

7. Biến cố vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN chứng tỏ điều gì?

7 Các biến cố vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN chứng tỏ rằng Đức Giê-hô-va chấp nhận của lễ hy sinh hoàn hảo của Chúa Giê-su là giá chuộc cần thiết để giải thoát con người khỏi tội lỗi (Hê 9:11, 12, 24). Như Chúa Giê-su giải thích, ngài đến “không phải để được người khác phục vụ, mà để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mat 20:28). “Nhiều người” hưởng lợi ích từ giá chuộc của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn cho người Do Thái biết ăn năn. Thay vì thế, ý muốn của Đức Chúa Trời là “mọi loại người được cứu” vì giá chuộc “cất tội lỗi của thế gian!”1 Ti 2:4-6; Giăng 1:29.

8. Các môn đồ của Chúa Giê-su làm chứng tới tầm mức nào, và làm sao họ có thể làm được?

8 Các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu có đủ can đảm để tiếp tục làm chứng về ngài không? Thật sự là có, nhưng họ không phải làm điều này bằng sức riêng. Thần khí mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va thôi thúc và thêm sức để họ tiếp tục làm chứng. (Đọc Công vụ 5:30-32). Khoảng 27 năm sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, có thể nói rằng “thông điệp chân thật, là tin mừng” đã đến với dân Do Thái và dân ngoại “giữa mọi tạo vật ở dưới trời”.—Cô 1:5, 23.

9. Như được báo trước, điều gì đã xảy ra cho hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu?

9 Tuy nhiên, đáng buồn thay, hội thánh của đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu dần dần trở nên tha hóa (Công 20:29, 30; 2 Phi 2:2, 3; Giu 3, 4). Như Chúa Giê-su cho thấy sự bội đạo ấy, do “Kẻ Ác” là Sa-tan đẩy mạnh, sẽ phát triển và lấn át đạo thật cho đến “thời kỳ cuối cùng của thế gian này” (Mat 13:37-43). Rồi Đức Giê-hô-va sẽ ban vương quyền cho Chúa Giê-su để cai trị nhân loại. Điều này đã xảy ra vào tháng 10 năm 1914, đánh dấu sự khởi đầu “những ngày sau cùng” của thế gian gian ác của Sa-tan.—2 Ti 3:1.

10. (a) Các tín đồ được xức dầu thời hiện đại báo trước về ngày quan trọng nào? (b) Điều gì xảy ra vào tháng 10 năm 1914 và có bằng chứng rõ rệt nào?

10 Các tín đồ được xức dầu thời hiện đại đã báo trước rằng tháng 10 năm 1914 là một thời điểm đáng chú ý. Họ dựa vào lời tiên tri của Đa-ni-ên về một cây to lớn bị đốn và sẽ mọc trở lại sau “bảy kỳ” (Đa 4:16). Chúa Giê-su liên kết thời kỳ này với “thời kỳ của dân ngoại” trong lời tiên tri về sự hiện diện của ngài trong tương lai và “kỳ cuối cùng của thời đại này”. Kể từ năm 1914 đầy ý nghĩa, mọi người có thể thấy rõ ‘dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của [Đấng Ki-tô]’ với tư cách là vua mới của trái đất (Mat 24:3, 7, 14; Lu 21:24). Kể từ đấy, “sự vĩ đại của Đức Chúa Trời” bao gồm việc Đức Giê-hô-va phong Chúa Giê-su làm vua cai trị loài người.

11, 12. (a) Năm 1919, vua mới của trái đất bắt đầu làm gì? (b) Điều gì trở nên rõ ràng vào năm 1935? (Xem hình nơi đầu bài).

11 Là vua mới của trái đất, không lâu sau Chúa Giê-su Ki-tô bắt đầu giải cứu các môn đồ được xức dầu khỏi sự kìm kẹp của “Ba-by-lôn Lớn” (Khải 18:2, 4). Không lâu sau khi Thế Chiến I kết thúc, năm 1919 mở ra triển vọng cho việc làm chứng khắp thế giới về phương tiện cứu rỗi của Đức Chúa Trời và tin mừng về Nước Trời đã được thiết lập. Các tín đồ được xức dầu nắm lấy cơ hội này để làm chứng, kết quả là có thêm hàng ngàn tín đồ được xức dầu khác được thu nhóm để trở thành những người đồng thừa kế với Đấng Ki-tô.

12 Vào năm 1935, rõ ràng Đấng Ki-tô đã bắt đầu thu nhóm hàng triệu “chiên khác”, những người hợp thành “đám đông” từ mọi nước trên khắp thế giới. Dưới sự hướng dẫn của các tín đồ được xức dầu, đám đông này cũng noi gương can đảm của Chúa Giê-su và làm chứng rằng nhờ Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô mà họ được cứu rỗi. Qua việc kiên trì làm chứng và tiếp tục thể hiện đức tin nơi giá chuộc của Chúa Giê-su, những người này sẽ có đặc ân sống sót qua “hoạn nạn lớn”, là điều kết thúc thế gian của Sa-tan.—Giăng 10:16; Khải 7:9, 10, 14.

‘THU HẾT CAN ĐẢM ĐỂ NÓI TIN MỪNG’

13. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta quyết tâm làm gì, và làm sao chúng ta có thể chắc chắn sẽ thành công?

13 Mong sao chúng ta tiếp tục quý trọng đặc ân được làm Nhân Chứng cho “sự vĩ đại” mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm và cho những lời hứa của ngài về tương lai. Đành rằng công việc làm chứng này không phải lúc nào cũng dễ. Nhiều anh em chúng ta làm chứng trong những khu vực có nhiều sự thờ ơ, chế giễu hoặc chống đối. Chúng ta có thể làm như sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng hành của ông. Phao-lô nói: “Chúng tôi nhờ Đức Chúa Trời mà thu hết can đảm để nói cho anh em tin mừng của ngài, dù bị chống đối rất nhiều” (1 Tê 2:2). Vậy chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc. Thay vì thế, khi thế gian Sa-tan bị hủy diệt, mong sao chúng ta quyết tâm sống đúng với sự dâng mình (Ê-sai 6:11). Chúng ta không thể làm điều này bằng sức riêng, nhưng theo gương các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu, chúng ta phải cầu xin Đức Giê-hô-va cho chúng ta “sức lực hơn mức bình thường” nhờ thần khí của ngài.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:1, 7; Lu 11:13.

14, 15. (a) Vào thế kỷ thứ nhất, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị đối xử ra sao, và sứ đồ Phi-e-rơ đã khuyến khích họ thế nào? (b) Chúng ta nên nhớ điều gì nếu bị ngược đãi vì là Nhân Chứng Giê-hô-va?

14 Ngày nay, hàng triệu người có lẽ tự nhận mình là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, “nhưng qua hành động lại chối bỏ [Đức Chúa Trời], vì họ thật gớm ghiếc, bất tuân và không xứng đáng với bất cứ việc lành nào” (Tít 1:16). Điều tốt để chúng ta nhớ là vào thế kỷ thứ nhất, những tín đồ chân chính bị nhiều người cùng thời thù ghét. Đó là lý do sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đấng Ki-tô thì anh em hạnh phúc, vì chính thần khí... của Đức Chúa Trời đang ngự trên anh em”.—1 Phi 4:14.

15 Ngày nay, những lời này của Phi-e-rơ có xảy ra cho Nhân Chứng Giê-hô-va không? Có, vì chúng ta làm chứng cho vương quyền của Chúa Giê-su. Thế nên, bị thù ghét vì mang danh Đức Giê-hô-va cũng giống như “bị sỉ nhục vì danh Đấng [Giê-su] Ki-tô”, đấng đã nói với những kẻ chống đối ngài: “Tôi nhân danh Cha mà đến nhưng các ông không tiếp nhận tôi” (Giăng 5:43). Vậy, nếu lần tới gặp chống đối trong công việc làm chứng, hãy can đảm. Sự ngược đãi ấy là bằng chứng cho thấy bạn được Đức Chúa Trời chấp nhận và thần khí của ngài ‘đang ngự trên bạn’.

16, 17. (a) Dân của Đức Giê-hô-va tại nhiều nơi trên thế giới cảm nghiệm điều gì? (b) Bạn quyết tâm làm gì?

16 Đồng thời, cũng hãy nhớ rằng có sự gia tăng đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay cả ở những khu vực đã làm chứng cặn kẽ, chúng ta vẫn tìm được người sẵn lòng lắng nghe và cũng có thể chia sẻ với họ thông điệp tuyệt vời về sự cứu rỗi. Mong sao chúng ta siêng năng viếng thăm những người chú ý và nếu có thể thì điều khiển học hỏi Kinh Thánh với họ, giúp họ tiến đến sự dâng mình và làm báp-têm. Rất có thể, bạn cảm thấy như chị Sarie ở Nam Phi, người đã sốt sắng làm chứng hơn 60 năm. Chị cho biết: “Tôi vô cùng biết ơn vì qua sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, tôi có thể có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, Đấng Tối Thượng của vũ trụ, và tôi vui mừng vì mình có thể công bố danh vinh hiển của ngài”. Chị và chồng là anh Martinus, đã giúp nhiều người, trong đó có ba con, trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chị Sarie nói thêm: “Không hoạt động nào khác mang đến sự thỏa nguyện sâu xa, và qua thần khí của ngài, Đức Giê-hô-va ban cho tất cả chúng ta sức mạnh cần thiết để tiếp tục công việc cứu người này”.

17 Dù là tín đồ đã báp-têm hoặc đang tiến đến mục tiêu đó, chúng ta có mọi lý do để biết ơn về đặc ân được kết hợp với hội thánh toàn cầu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Thế nên, trong khi nỗ lực giữ mình thánh sạch khỏi thế gian ô uế của Sa-tan, bạn hãy tiếp tục làm chứng cặn kẽ. Khi làm thế, bạn sẽ tôn vinh Cha yêu thương trên trời, đấng có danh vinh hiển mà chúng ta có đặc ân mang.