Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy giữ lòng trung thành với Nước Đức Chúa Trời

Hãy giữ lòng trung thành với Nước Đức Chúa Trời

“Họ không thuộc về thế gian”.GIĂNG 17:16.

BÀI HÁT: 63, 129

1, 2. (a) Tại sao lòng trung thành dành cho Đức Chúa Trời quan trọng đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô, và điều này liên quan đến sự trung lập như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Nhiều người thể hiện lòng trung thành nào, nhưng điều đó có thể dẫn đến hậu quả gì?

Lòng trung thành và sự trung lập luôn là vấn đề mà các tín đồ chân chính của đạo Đấng Ki-tô phải đối mặt, không chỉ trong thời chiến. Tại sao? Vì tất cả những ai dâng mình cho Đức Giê-hô-va đã hứa dành cho ngài tình yêu thương, lòng trung thành và sự vâng phục (1 Giăng 5:3). Chúng ta muốn vâng theo các tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời dù sống ở bất cứ nơi nào hay gốc gác, quốc tịch và văn hóa của mình là gì. Lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và Nước của ngài vượt qua bất kỳ mối ràng buộc nào khác (Mat 6:33). Lòng trung thành như thế đòi hỏi các tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải giữ mình tách biệt khỏi mọi cuộc xung đột và tranh cãi của thế gian này.—Ê-sai 2:4; đọc Giăng 17:11, 15, 16.

2 Những người không cùng đức tin với chúng ta có thể cảm thấy có lòng trung thành đặc biệt đối với đất nước, vùng miền hoặc nền văn hóa của họ, hay thậm chí là các đội tuyển thể thao quốc gia. Những sự trung thành như thế khi bị thách thức đã dẫn đến việc cạnh tranh, ganh đua, và trong những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến việc giết người và diệt chủng. Vì chúng ta là một phần không thể tách rời của xã hội loài người nên cách người ta giải quyết những vấn đề này dù tốt hay xấu đều có thể ảnh hưởng đến bản thân chúng ta và gia đình. Đức Chúa Trời tạo ra con người với ý thức bẩm sinh về sự công bằng, nên có thể chúng ta sẽ cảm thấy bực tức khi các quyết định mà chính phủ loài người đưa ra đi ngược lại với ý thức của chúng ta về điều đúng và công bằng (Sáng 1:27; Phục 32:4). Chúng ta phản ứng thế nào trong những hoàn cảnh như thế? Chúng ta rất dễ đứng về một phía nào đó trong các vấn đề của thế gian và bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi.

3, 4. (a) Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô giữ trung lập trong các cuộc tranh cãi của thế gian này? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Những chính phủ loài người có lẽ gây áp lực để các công dân đứng về phía nào đó khi xảy ra xung đột. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính không thể làm theo đòi hỏi này. Chúng ta không tham gia vào các cuộc tranh cãi chính trị của thế gian này và cũng không cầm vũ khí (Mat 26:52). Chúng ta không bị lay động bởi những nỗ lực lôi kéo chúng ta vào việc cổ vũ phần này của thế gian Sa-tan và xem thường phần khác (2 Cô 2:11). Vì không thuộc về thế gian, chúng ta hoàn toàn tách biệt khỏi những sự cạnh tranh của thế gian này.—Đọc Giăng 15:18, 19.

4 Dù vậy, vì bất toàn, một số người trong chúng ta có lẽ đang phải đấu tranh để loại bỏ thái độ chia rẽ vốn là đặc trưng của lối suy nghĩ trước đây (Giê 17:9; Ê-phê 4:22-24). Do đó, bài này sẽ xem xét một số nguyên tắc có thể giúp chúng ta vượt qua những khuynh hướng như thế. Cũng hãy xem xét làm thế nào mình có thể rèn luyện tâm trí và lương tâm để trung thành với Nước Đức Chúa Trời.

TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG ĐỨNG VỀ PHÍA NÀO TRONG CÁC VẤN ĐỀ CỦA THẾ GIAN NÀY?

5, 6. Chúa Giê-su phản ứng như thế nào trước sự đa dạng của đất nước mà ngài sống, và tại sao?

5 Nếu có lúc nào đó bạn không chắc về việc mình nên cư xử như thế nào trong một tình huống, sẽ là khôn ngoan nếu bạn tự hỏi: “Chúa Giê-su sẽ làm gì?”. Chúa Giê-su sống trong một đất nước gồm những người từ nhiều vùng khác nhau, như Giu-đa, Ga-li-lê, Sa-ma-ri và những vùng khác. Các lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy có sự căng thẳng giữa người dân của những khu vực này (Giăng 4:9). Cũng có sự căng thẳng giữa người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê (Công 23:6-9), giữa người dân và người thu thuế (Mat 9:11), giữa những người nhận được sự giáo dục của giới Ráp-bi và những người không nhận được sự giáo dục đó (Giăng 7:49). Vào thế kỷ thứ nhất, nước Y-sơ-ra-ên nằm dưới sự cai trị của La Mã, và sự có mặt của người La Mã khiến người dân bản địa vô cùng oán giận. Dù bênh vực cho sự thờ phượng thật và công nhận rằng sự cứu rỗi bắt nguồn từ người Do Thái, Chúa Giê-su không bao giờ khuyến khích các môn đồ của ngài nuôi dưỡng sự cạnh tranh với người khác (Giăng 4:22). Ngược lại, ngài khuyên họ yêu thương mọi người như người lân cận mình.—Lu 10:27.

6 Tại sao Chúa Giê-su không ủng hộ những thành kiến phổ biến của người Do Thái? Vì cả ngài lẫn Cha ngài đều không đứng về phía nào trong các cuộc tranh cãi của thế gian này. Khi Đức Giê-hô-va tạo ra người nam và người nữ qua Con ngài, ý định của ngài là họ sẽ sinh con cháu và làm cho đầy cả trái đất (Sáng 1:27, 28). Đức Chúa Trời thiết kế con người theo cách để họ có thể sinh ra nhiều chủng tộc khác nhau. Cả Đức Giê-hô-va lẫn Chúa Giê-su đều không xem chủng tộc, quốc gia hay ngôn ngữ này hơn chủng tộc, quốc gia hay ngôn ngữ khác (Công 10:34, 35; Khải 7:9, 13, 14). Chúng ta phải noi theo gương hoàn hảo của hai đấng ấy.—Mat 5:43-48.

7, 8. (a) Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải chọn đứng về một phía trong vấn đề nào? (b) Chúng ta phải nhận ra điều gì về việc giải quyết các vấn đề chính trị xã hội?

7 Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng ta phải chọn đứng về một phía, đó là ủng hộ quyền cai trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Sự tranh cãi về vấn đề này bắt đầu trong vườn Ê-đen khi Sa-tan thách thức quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Giờ đây, tất cả mọi người phải quyết định là họ tin đường lối của Đức Chúa Trời tốt hơn đường lối của Sa-tan hay ngược lại. Bạn có thật lòng đứng về phía Đức Giê-hô-va qua việc chọn vâng theo luật pháp và tiêu chuẩn của ngài thay vì làm mọi việc theo cách của riêng mình? Bạn có xem Nước của ngài là giải pháp duy nhất cho mọi đau khổ của nhân loại? Hay bạn tin rằng con người có khả năng tự cai trị chính mình?—Sáng 3:4, 5.

8 Câu trả lời của bạn cho những câu hỏi này sẽ quyết định bạn đáp lại thế nào khi người ta hỏi ý kiến của bạn về những vấn đề gây tranh cãi. Các chính trị gia, các nhà hoạt động chính trị xã hội và những nhà cải cách từ lâu đã đấu tranh để tìm ra giải pháp cho những vấn đề gây chia rẽ. Có lẽ những nỗ lực của họ là chân thành và họ có động cơ tốt. Nhưng các tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhận ra rằng chỉ có Nước Trời mới có thể giải quyết mọi vấn đề của nhân loại và bảo đảm công lý thật sự. Chúng ta phải để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va. Nói cho cùng, nếu mỗi tín đồ đều bênh vực cho giải pháp mà người đó nghĩ là tốt nhất, chẳng phải hội thánh của chúng ta sẽ nhanh chóng bị chia rẽ sao?

9. Vấn đề nào xảy ra trong hội thánh ở Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất, nhưng sứ đồ Phao-lô đã đề nghị giải pháp nào?

9 Hãy lưu ý đến cách phản ứng của một số tín đồ vào thế kỷ thứ nhất khi một vấn đề gây chia rẽ xảy ra trong hội thánh. Các anh em ở hội thánh Cô-rinh-tô cãi nhau và nói rằng: “‘Tôi là môn đồ của Phao-lô’, ‘Tôi là môn đồ của A-bô-lô’, ‘Tôi là môn đồ của Sê-pha’, ‘Còn tôi là môn đồ của Đấng Ki-tô’”. Dù nguyên nhân sâu xa là gì, sứ đồ Phao-lô cảm thấy sửng sốt và tức giận vì hậu quả nó gây ra. Ông nói: “Hội thánh của Đấng Ki-tô đã bị chia rẽ”. Giải pháp cho lối suy nghĩ tai hại như thế là gì? Phao-lô khuyên các tín đồ ấy: “Hỡi anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta, tôi khuyên hết thảy anh em hãy hợp nhất trong lời nói, không chia rẽ, nhưng nhất trí với nhau và có cùng lối suy nghĩ”. Trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng không nên có bất kỳ sự chia rẽ nào.—1 Cô 1:10-13; đọc Rô-ma 16:17, 18.

10. Sứ đồ Phao-lô minh họa như thế nào về việc tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần phải giữ trung lập trong những sự tranh cãi của thế gian này?

10 Phao-lô khuyên các tín đồ được xức dầu hãy tập trung vào quyền công dân của họ ở trên trời thay vì vào những chuyện phàm tục (Phi-líp 3:17-20). * Họ phải hành động như các đại sứ thay mặt cho Đấng Ki-tô. Đại sứ thì không can thiệp vào công việc của quốc gia mà mình được bổ nhiệm. Lòng trung thành của họ thuộc về nơi khác (2 Cô 5:20). Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô có hy vọng sống trên đất cũng là thần dân của Nước Trời, vì vậy sẽ không thích hợp nếu họ đứng về bất kỳ phía nào trong những sự tranh cãi của thế gian này.

RÈN LUYỆN BẢN THÂN ĐỂ TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

11, 12. (a) Môi trường nào có thể khiến một tín đồ đạo Đấng Ki-tô khó giữ trung thành với Nước Trời? (b) Một tín đồ đã gặp phải vấn đề gì, và chị đã đối phó như thế nào?

11 Tại phần lớn các nơi trên thế giới, các cộng đồng sống gắn bó với nhau và được liên kết bởi lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ chung mà người dân địa phương rất lấy làm tự hào. Trong những môi trường như thế, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải rèn luyện tâm trí và lương tâm của mình để có thể đáp lại một cách thích hợp khi xảy ra vấn đề liên quan đến sự trung lập. Họ có thể rèn luyện như thế nào?

12 Hãy xem ví dụ của chị Mirjeta * đến từ một vùng ở Nam Tư cũ. Chị lớn lên trong một môi trường căm ghét người Serbia. Khi biết được rằng Đức Giê-hô-va không thiên vị và Sa-tan mới là kẻ phải chịu trách nhiệm về các vấn đề sắc tộc, chị cố gắng bỏ đi cảm xúc yêu quốc gia mình và ghét quốc gia khác. Nhưng khi bạo lực sắc tộc bùng nổ ở nơi chị sống, lòng căm ghét có từ xưa lại bắt đầu trỗi lên trong chị, khiến chị thấy khó rao giảng cho người Serbia. Tuy nhiên chị nhận ra rằng mình không thể chỉ ngồi yên rồi hy vọng những cảm xúc không lành mạnh như thế sẽ qua đi. Chị nài xin Đức Giê-hô-va giúp mình không chỉ vượt qua thử thách này mà còn gia tăng thánh chức và hội đủ điều kiện làm tiên phong. Chị nói: “Tôi đã nhận ra rằng tập trung vào thánh chức là điều giúp ích nhiều nhất. Trong thánh chức, tôi cố gắng bắt chước nhân cách đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va, và tôi thấy những cảm xúc tiêu cực của mình tan biến”.

13. (a) Tình huống nào làm cho một chị Nhân Chứng thấy khó chịu, nhưng chị đã phản ứng ra sao? (b) Chúng ta học được bài học nào từ kinh nghiệm của chị Zoila?

13 Hãy xem ví dụ khác của chị Zoila. Chị đến từ Mexico và hiện đang kết hợp với một hội thánh ở châu Âu. Chị để ý thấy trong hội thánh, có những anh đến từ một số nơi khác ở Châu Mỹ La Tinh đã đưa ra những nhận xét thiếu tế nhị và thiếu tôn trọng về đất nước, phong tục và thậm chí là âm nhạc của nước chị. Nếu là bạn, bạn sẽ phản ứng thế nào? Thật dễ hiểu khi chị Zoila thấy khó chịu trước những lời nói đó. Nhưng thật đáng khen là chị đã tìm đến sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để dập tắt bất kỳ phản ứng tiêu cực nào nảy nở trong lòng mình. Phải thừa nhận rằng một số người trong chúng ta vẫn đang phải đấu tranh để có thể đối phó với những vấn đề tương tự. Chúng ta không bao giờ muốn nói hoặc làm bất cứ điều gì cho thấy nhóm người này có vẻ tốt hơn nhóm người kia. Chúng ta không muốn gây chia rẽ trong vòng anh em đồng đạo, cũng như trong vòng bất kỳ những người nào khác.—Rô 14:19; 2 Cô 6:3.

14. Liên quan đến những vấn đề về lòng trung thành, tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể rèn luyện tâm trí và lương tâm của mình như thế nào?

14 Hoàn cảnh xuất thân hoặc môi trường xung quanh có khiến bạn bị ảnh hưởng để ủng hộ một nước hoặc một vùng không? Trong lòng bạn có còn lưu lại bất kỳ cảm xúc nào như thế không? Tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên để cho tinh thần dân tộc khiến mình có cái nhìn tiêu cực về người khác. Nhưng nói sao nếu bạn nhận ra rằng mình đang có những suy nghĩ tiêu cực về những người thuộc quốc gia, nền văn hóa, ngôn ngữ hoặc chủng tộc khác? Nếu vậy chắc chắn bạn sẽ nhận được lợi ích khi suy ngẫm về quan điểm của Đức Giê-hô-va đối với chủ nghĩa dân tộc và sự thành kiến. Nghiên cứu về những điều này và các chủ đề liên quan là một điều đáng công. Chúng ta có thể lên kế hoạch làm điều đó trong buổi học hỏi cá nhân hoặc buổi thờ phượng của gia đình. Sau đó hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn có cùng quan điểm với ngài về những vấn đề này.—Đọc Rô-ma 12:2.

Lòng trung thành với Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải kiên định khi đối mặt với sự đe dọa (Xem đoạn 15, 16)

15, 16. (a) Một số người sẽ phản ứng như thế nào trước việc chúng ta giữ trung thành với Đức Chúa Trời? (b) Cha mẹ có thể giúp con cái đương đầu với thách thức về lòng trung thành của tín đồ đạo Đấng Ki-tô như thế nào?

15 Không sớm thì muộn, tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ rơi vào những tình huống mà khi đó lương tâm buộc họ phải khác biệt với người xung quanh, bất kể đó là đồng nghiệp, bạn cùng lớp, hàng xóm, họ hàng hay ai khác (1 Phi 2:19). Dù vậy, chúng ta phải khác biệt! Không nên ngạc nhiên nếu thế gian ghét chúng ta vì lập trường của chúng ta. Chúa Giê-su đã cảnh báo về điều này. Phần lớn những người chống đối không ý thức được tầm quan trọng của các vấn đề liên quan đến sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nhưng đối với chúng ta, đó là những vấn đề vô cùng quan trọng.

16 Lòng trung thành với Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải kiên định khi đối mặt với sự đe dọa (Đa 3:16-18). Sự sợ loài người có thể ảnh hưởng đến người ta ở mọi lứa tuổi, nhưng các em trẻ có lẽ thấy đặc biệt khó để khác biệt với những người xung quanh. Nếu con bạn đang gặp phải những vấn đề tại trường học, như các nghi lễ mang tính chính trị, đừng do dự trong việc trợ giúp chúng. Hãy dùng những Buổi thờ phượng của gia đình để giúp con bạn hiểu được các vấn đề liên quan, nhờ đó chúng có thể dũng cảm đương đầu với những thách thức ấy. Hãy giúp con biết cách bày tỏ một cách rõ ràng và tôn trọng điều mà bản thân chúng tin chắc (Rô 1:16). Để hỗ trợ con bạn, hãy chủ động nói chuyện với thầy cô của chúng về những vấn đề này nếu cần thiết.

HÃY QUÝ TRỌNG TẤT CẢ CÁC TẠO VẬT CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA!

17. Chúng ta nên tránh thái độ nào, và tại sao?

17 Thật dễ hiểu khi chúng ta cảm thấy thích cảnh vật, nền văn hóa, ngôn ngữ và thức ăn của đất nước nơi chúng ta lớn lên. Tuy nhiên, chúng ta phải tránh thái độ “nước tôi là số một”. Để chúng ta được vui thích, Đức Giê-hô-va đã tạo ra mọi thứ một cách vô cùng đa dạng (Thi 104:24; Khải 4:11). Vậy tại sao cứ khăng khăng rằng làm theo cách này tốt hơn làm theo cách khác?

18. Việc có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va sẽ mang lại ân phước như thế nào?

18 Đức Chúa Trời muốn mọi loại người hiểu biết chính xác về sự thật và được hưởng sự sống vĩnh cửu (Giăng 3:16; 1 Ti 2:3, 4). Khi có tinh thần cởi mở đối với các ý tưởng khác biệt, chúng ta sẽ có đời sống phong phú và bảo vệ được sự hợp nhất của đạo Đấng Ki-tô. Vì giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải tránh can dự vào những cuộc tranh cãi của thế gian. Tinh thần ủng hộ các đảng phái không có chỗ trong vòng chúng ta. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va đã giải thoát mình khỏi những việc làm gây chia rẽ, kiêu ngạo, cạnh tranh vốn phổ biến trong thế gian của Sa-tan! Mong sao chúng ta quyết tâm vun trồng một thái độ hòa thuận như người viết Thi-thiên mô tả: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!”.—Thi 133:1.

^ đ. 10 Thành Phi-líp là thuộc địa của La Mã. Một số thành viên trong hội thánh ở đấy có lẽ có quyền công dân La Mã, điều này mang lại cho họ những đặc quyền nhất định so với các anh em khác.

^ đ. 12 Một số tên đã được thay đổi.