Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm lại văn bản Kinh Thánh quý giá

Tìm lại văn bản Kinh Thánh quý giá

Tìm lại văn bản Kinh Thánh quý giá

Thời xưa, vật liệu để viết không dễ có như thời nay. Vì thế, những tấm da và những vật liệu khác dùng để viết đều được tái sử dụng. Người ta làm thế bằng cách cạo hoặc tẩy chữ của những văn bản không còn dùng nữa. Những tấm da tái sử dụng được gọi là palimpsest, từ này bắt nguồn từ một chữ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “được cạo lại”. Ngay cả văn bản Kinh Thánh cũng bị tẩy đi và những tấm da được dùng lại để ghi thông tin khác.

Một bản palimpsest quan trọng về Kinh Thánh là Codex Ephraemi Syri rescriptus, rescriptus nghĩa là “viết chồng lên”. Bản Codex này vô cùng quý giá vì là một trong những bản chép tay xưa nhất của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Vì thế, bản này là một trong những tài liệu đối chiếu quan trọng nhất để chứng minh phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp là chính xác.

Bản Codex này có từ thế kỷ thứ năm công nguyên (CN). Vào thế kỷ 12 CN, văn bản Kinh Thánh bị xóa đi và người ta đã ghi lên đó 38 bài thuyết giáo của một học giả người Sy-ri tên là Ephraem, được dịch sang tiếng Hy Lạp. Vào cuối thế kỷ 17, các chuyên gia phát hiện ra văn bản Kinh Thánh đã bị xóa bỏ. Trong những năm sau, họ cố gắng đọc văn bản ấy và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, việc đọc được hết là điều rất khó khăn vì nét chữ không rõ ràng và mờ do đã bị tẩy xóa. Hơn nữa, nhiều trang bị rách nát và có bài thuyết giáo được viết chồng lên. Các chuyên gia dùng hóa chất hầu làm nổi chữ của văn bản Kinh Thánh nhưng không có kết quả nhiều. Vì thế, phần đông kết luận rằng văn bản này bị mất vĩnh viễn.

Đầu thập niên 1840, nhà ngôn ngữ học tài năng người Đức, tên là Konstantin von Tischendorf, bắt tay vào nghiên cứu bản Codex. Sau hai năm, ông đã đọc được toàn bộ văn bản Kinh Thánh. Tại sao ông thành công trong khi nhiều người khác thất bại?

Ông Tischendorf có sự hiểu biết sâu sắc về dạng chữ ông-xi-an (uncial) của tiếng Hy Lạp, dạng chữ viết hoa, to và rời *. Ông tìm ra cách đơn giản là đưa bản này ra ánh sáng. Nhờ cách đó và thị lực tốt, ông đã đọc được văn bản bị xóa. Ngày nay để làm công việc tương tự, các chuyên gia dùng phương tiện quang học như tia hồng ngoại, tia cực tím và ánh sáng phân cực.

Ông Tischendorf công bố kết quả nghiên cứu về bản Codex Ephraemi vào năm 1843 và 1845. Nhờ thành công này, ông được công nhận là một người đi đầu về môn Hy Lạp cổ tự học.

Bản Codex Ephraemi có chiều dài 31cm, rộng 23cm, là bản chép tay xưa nhất mà mỗi trang chỉ có một cột chữ. Trong số 209 tờ còn nguyên vẹn, có 145 tờ là bản chép lại của toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp chỉ thiếu sách 2 Tê-sa-lô-ni-ca và 2 Giăng. Những tờ còn lại là một số phần của Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được dịch sang ngôn ngữ Hy Lạp.

Ngày nay, bản Codex này được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia ở Paris, Pháp. Không ai biết rõ bản chép tay này được viết ở đâu dù ông Tischendorf nghĩ rằng nó xuất xứ từ Ai Cập. Các học giả liệt kê bản Codex Ephraemi trong số bốn bản chép tay quan trọng bằng dạng chữ ông-xi-an của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Ba bản kia là bản Sinaitic, Alexandrine và Vatican 1209, tất cả có từ thế kỷ thứ bốn và thứ năm CN.

Như vậy, thông điệp Kinh Thánh được bảo tồn cách kỳ diệu dưới nhiều hình thức, trong đó có các bản palimpsest. Trong trường hợp trên, dù văn bản Kinh Thánh đã bị một người không quý trọng xóa đi nhưng văn bản ấy vẫn tồn tại đến ngày nay. Điều này càng giúp chúng ta tin chắc vào lời của sứ đồ Phi-e-rơ: “Lời Chúa còn lại đời đời”.—1 Phi-e-rơ 1:25.

[Chú thích]

^ đ. 6 Ông Tischendorf nổi tiếng vì là người phát hiện ra một trong những bản chép tay xưa nhất của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã được dịch sang ngôn ngữ Hy Lạp. Ông tìm thấy bản này tại Tu viện Saint Catherine ở chân núi Sinai. Sau đó, bản này được gọi là Codex Sinaiticus.

[Biểu đồ/Hình nơi trang 16]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Codex Ephraemi Syri rescriptus, bản palimpsest quan trọng mà ông Tischendorf đọc được (1815-1874)

VĂN BẢN KINH THÁNH BỊ XÓA

BÀI THUYẾT GIẢNG TIẾNG HY LẠP ĐƯỢC VIẾT CHỒNG LÊN

[Nguồn tư liệu]

© Bibliothèque nationale de France

[Hình nơi trang 17]

Bản Codex Sinaiticus được tìm thấy tại Tu viện Saint Catherine

[Hình nơi trang 17]

Ông Tischendorf