Kinh Thánh—Tồn tại cách phi thường
Kinh Thánh là cuốn sách được phổ biến rộng rãi nhất, ước tính đã có 4,8 tỉ cuốn được lưu hành. Chỉ riêng năm 2007, có hơn 64.600.000 cuốn được in ra. Hãy so sánh, cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất vào năm đó chỉ phát hành được 12 triệu cuốn trong lần xuất bản đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Trong quá trình trở thành cuốn sách lưu hành rộng rãi nhất thế giới, Kinh Thánh phải chịu nhiều mối đe dọa. Theo dòng lịch sử, sách này đã bị cấm đoán và thiêu hủy. Đồng thời, những người dịch Kinh Thánh bị đàn áp và xử tử. Tuy nhiên, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của Kinh Thánh không đến từ sự chống đối dữ dội nhất thời, nhưng là quá trình từ từ mục nát. Tại sao thế?
Kinh Thánh là bộ sưu tập gồm 66 sách nhỏ, cuốn xưa nhất được những người trong dân Do Thái viết ra hoặc biên soạn cách đây hơn 3.000 năm. Thông điệp này của Đức Chúa Trời được người viết bản gốc hoặc những người sao chép trên chất liệu dễ bị hư như giấy cói và da. Người ta chưa hề khám phá ra bất kỳ nguyên bản nào của Kinh Thánh. Thế nhưng, hàng ngàn mảnh bản sao cổ, lớn lẫn nhỏ, của các sách Kinh Thánh đã được phát hiện. Một mảnh trong các sách này, Phúc âm của Giăng, có niên đại chỉ vài chục năm sau tài liệu gốc do sứ đồ Giăng viết.
“Việc sao chép Kinh Thánh phần tiếng Do Thái cổ [Cựu ước] chính xác cách lạ thường, không hề giống như những tác phẩm cổ điển của Hy Lạp và La-tinh”.—Giáo sư Julio Trebolle Barrera
Tại sao bất kỳ bản sao nào của Kinh Thánh còn tồn tại là điều phi thường? Các bản Kinh Thánh hiện nay chính xác tới mức nào so với thông điệp của những người viết bản gốc?
Điều gì xảy ra với các tài liệu cổ xưa khác?
Quả thật, sự tồn tại của Kinh Thánh là điều phi thường. Đặc biệt khi so sánh với điều đã xảy ra cho những bản chép tay của các nước cùng thời với dân Do Thái xưa. Chẳng hạn, dân Phê-ni-xi sống kế cận dân Y-sơ-ra-ên suốt giai đoạn từ năm 1000 trước công nguyên (TCN) đến năm 1 công nguyên. Các nhà buôn đường biển phổ biến hệ thống chữ cái của họ khắp vùng Địa Trung Hải. Họ cũng thâu được lợi nhuận từ việc mở rộng buôn bán cây cói giấy với Ai Cập và những nước thuộc địa của Hy Lạp. Dù vậy, tạp chí Địa dư Quốc gia (National Geographic) nhận xét về người Phê-ni-xi: “Hầu hết văn bản của họ được viết trên giấy cói mỏng manh, dễ phân hủy; do đó, phần lớn thông tin mà chúng ta biết về người Phê-ni-xi đến từ những kẻ thù của họ. Dù người Phê-ni-xi được biết đến là có nhiều tài liệu quan trọng, nhưng từ lâu chúng đã hoàn toàn bị thất lạc”.
Còn về văn bản của người Ai Cập cổ xưa thì sao? Chữ viết tượng hình mà họ khắc hay vẽ trên các bức tường của đền thờ và những nơi khác thì rất nổi tiếng. Người Ai Cập cũng nổi tiếng vì chế ra các vật dụng dùng để ghi chép bằng giấy cói. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại là ông K. A. Kitchen nói về những tài liệu ghi trên giấy cói của Ai Cập như sau: “Ước tính khoảng 99% văn bản bằng giấy cói có từ khoảng năm 3.000 TCN đến thời kỳ đầu của Hy Lạp - La Mã đã bị hủy hoại hoàn toàn”.
Nói sao về văn bản được viết trên giấy cói của người La Mã? Theo sách viết về những bản giấy cói dùng trong quân đội La Mã (Roman Military Records on Papyrus), dường như lính La Mã được trả lương ba lần một năm bằng thẻ giấy cói, trên đó có ghi số tiền lương của họ. Ước tính trong suốt 300 năm kể từ thời hoàng đế Augustus (27 TCN–14 CN) đến thời hoàng đế Diocletian (284-305 CN), hẳn phải có 225.000.000 thẻ lương như thế. Có bao nhiêu thẻ còn tồn tại? Trong số những thẻ được tìm thấy, chỉ có hai thẻ đọc được.
Tại sao có quá ít văn bản viết trên giấy cói vào thời xưa còn tồn tại? Chất liệu dễ hư như giấy cói và chất liệu thông dụng khác là da, nhanh chóng mục nát khi gặp thời tiết ẩm ướt. Một từ điển Kinh Thánh (The Anchor Bible Dictionary) cho biết: “Các văn bản bằng giấy cói có từ thời điểm này [1000 TCN-1 CN] dường như chỉ được bảo tồn nếu chúng ở trong vùng sa mạc và hang đá hoặc nơi được che chắn”.
Còn Kinh Thánh thì sao?
Các bản Kinh Thánh gốc dường như được viết trên vật liệu dễ hư như của người Phê-ni-xi, Ai Cập và La Mã. Vậy tại sao Kinh Thánh vẫn tồn tại, để rồi sách này trở thành cuốn sách phát hành rộng rãi nhất trên thế giới? Giáo sư James L. Kugel cho biết một lý do. Ông nói rằng nguyên bản được sao chép “rất nhiều lần ngay trong giai đoạn Kinh Thánh chưa được hoàn tất”.
Các bản dịch Kinh Thánh hiện nay so với các bản chép tay thời xưa thì sao? Giáo sư Julio Trebolle Barrera là một thành viên trong nhóm chuyên nghiên cứu và ấn hành các bản chép tay xưa được biết đến với tên “các cuộn Biển Chết”, ông nói: “Việc sao chép Kinh Thánh phần tiếng Do Thái cổ chính xác cách lạ thường, không hề giống như những tác phẩm cổ điển của Hy Lạp và La-tinh”. Ông F. F. Bruce, nhà nghiên cứu Kinh Thánh được xem trọng, cho biết: “Bằng chứng về các sách trong Tân ước vượt trội hơn so với bằng chứng về nhiều bản thảo của các tác giả xưa, nhưng không ai đặt nghi vấn về tính chính xác của các bản thảo ấy”. Ông nói tiếp: “Nếu Tân ước là bộ sưu tập các văn bản thế tục, nói chung tính chính xác của nó sẽ không bao giờ bị đặt nghi vấn”. Chắc chắn, Kinh Thánh là một cuốn sách đặc biệt. Vậy, bạn có dành thời gian đọc Kinh Thánh mỗi ngày không?—1 Phi-e-rơ 1:24, 25.
Có khoảng 6.000 bản chép tay phần Kinh Thánh tiếng Do Thái (Cựu ước) và khoảng 5.000 bản phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (Tân ước) vẫn tồn tại cho đến nay