Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc
Để tình yêu không “chết” sau khi kết hôn
Chồng nói: “Tôi không ngờ vợ chồng tôi lại quá khác nhau! Thí dụ, tôi thích dậy sớm còn vợ tôi thì thường thức khuya. Tâm trạng của vợ tôi hay thay đổi đột ngột khiến tôi không hiểu nổi. Còn lúc tôi nấu nướng thì vợ tôi cứ càu nhàu, nhất là khi tôi lau tay bằng khăn lau chén”.
Vợ nói: “Chồng tôi là người kiệm lời. Tôi thì khác vì lớn lên trong một gia đình mọi người đều hay nói, nhất là trong bữa ăn. Còn khi nấu nướng, chồng tôi thường lấy khăn lau chén để lau tay. Thật là bực mình! Tại sao đàn ông lại khó hiểu đến vậy? Sao gia đình có thể hạnh phúc được chứ?”.
Nếu mới kết hôn, bạn có đang đối mặt với vấn đề tương tự không? Bạn có thấy người hôn phối bỗng có những khuyết điểm mà khi tìm hiểu bạn chưa biết không? “Người cưới gả sẽ có sự khó-khăn”, vậy làm sao để hạn chế những khó khăn này?—1 Cô-rinh-tô 7:28.
Trước hết, đừng nghĩ rằng sau khi kết hôn, bạn đương nhiên sẽ trở thành người vợ, người chồng tốt. Khi còn độc thân, có lẽ bạn đã học một số kỹ năng giao tiếp và trau dồi thêm trong thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, khi bước vào hôn nhân, bạn càng phải rèn những kỹ năng ấy và cần học thêm các kỹ năng mới. Hẳn là bạn sẽ có những sai sót, nhưng chắc chắn bạn sẽ tập được những kỹ năng cần thiết cho đời sống hôn nhân.
Cách tốt nhất để trau dồi bất cứ kỹ năng nào là tham khảo ý kiến của một chuyên gia, và áp dụng lời khuyên của người đó. Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng cho lời khuyên quý báu nhất về hôn nhân. Suy cho cùng, chính Ngài đã tạo ra chúng ta với ước muốn kết hôn (Sáng-thế Ký 2:22-24). Vậy, hãy xem làm thế nào Lời Ngài là Kinh Thánh có thể giúp bạn khắc phục khó khăn, và vun trồng những kỹ năng cần thiết để vượt qua năm đầu của hôn nhân.
KỸ NĂNG 1: BÀN BẠC VỚI NHAU
Tại sao khó?
Anh Keiji *, một người chồng sống tại Nhật Bản, đôi lúc quên là những quyết định của anh có thể ảnh hưởng đến vợ. Anh nói: “Tôi thường nhận lời mời mà không hỏi ý kiến của vợ. Sau đó, tôi mới biết là ngày và giờ đó không tiện cho vợ tôi”. Anh Allen, sống ở Úc, cho biết: “Tôi nghĩ nếu hỏi ý kiến của vợ khi quyết định việc gì thì tôi không phải là đàn ông”. Do hoàn cảnh xuất thân nên anh Allen có quan điểm như thế. Đó cũng là vấn đề của chị Dianne, sống ở Anh. Chị nói: “Tôi thường hỏi ý kiến của gia đình tôi. Vì thế, mỗi khi quyết định điều gì thay vì bàn bạc với chồng, tôi lại hỏi gia đình trước”.
Giải pháp nào?
Hãy nhớ rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời xem vợ chồng là “một thịt” (Ma-thi-ơ 19:3-6). Trước mắt Ngài, mối quan hệ vợ chồng cần được ưu tiên hơn các mối quan hệ khác. Để mối quan hệ đó bền vững, vợ chồng cần bàn bạc và trò chuyện cởi mở với nhau.
Cả chồng lẫn vợ có thể học từ cách Đức Giê-hô-va nói chuyện với Áp-ra-ham. Chẳng hạn, hãy đọc lời tường thuật được ghi nơi Sáng-thế Ký 18:17-33. Hãy lưu ý, Đức Chúa Trời tôn trọng Áp-ra-ham qua ba cách: (1) Ngài cho ông biết Ngài định làm gì; (2) Ngài lắng nghe ông bày tỏ quan điểm; (3) Ngài sẵn sàng chiều theo ý của ông khi có thể. Làm sao bạn có thể áp dụng ba cách này khi bàn bạc với người hôn phối?
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Khi bàn bạc những vấn đề trong gia đình: (1) cho người hôn phối biết bạn muốn giải quyết vấn đề đó thế nào, nhưng nên gợi ý chứ không phải đưa ra quyết định cuối cùng hoặc áp đặt quan điểm; (2) hỏi ý kiến của người hôn phối và nhìn nhận người hôn phối có quyền có ý kiến khác; (3) tỏ “tính phải lẽ” bằng cách chiều theo ý của người bạn đời, nếu có thể.—Phi-líp 4:5, NW.
KỸ NĂNG 2: CƯ XỬ TẾ NHỊ
Tại sao khó?
Có lẽ vì hoàn cảnh xuất thân hay văn hóa mà cách bày tỏ quan điểm của bạn hơi cứng nhắc, thậm chí thẳng thừng. Chẳng hạn, một anh sống ở châu Âu tên là Liam nói: “Tôi lớn lên trong một môi trường mà người ta thường thiếu tế nhị với nhau, nên tôi cũng hay nói thẳng thừng với vợ. Điều này khiến vợ tôi khó chịu. Tôi phải học cách nói năng mềm mỏng hơn”.
Giải pháp nào?
Đừng chủ quan, dù bạn quen cách nói năng nào đó nhưng không có nghĩa là người hôn phối sẽ chấp nhận cách nói ấy (Phi-líp 2:3, 4). Lời sứ đồ Phao-lô khuyên một nhà truyền giáo cũng có ích cho những người mới kết hôn. Ông viết: “Tôi-tớ của Chúa không nên ưa sự tranh-cạnh; nhưng phải ở tử-tế với mọi người”. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ “tử-tế” còn được dịch là “tế nhị” (2 Ti-mô-thê 2:24). Tế nhị có nghĩa là tinh ý nhận ra những vấn đề nhạy cảm và ứng xử khéo léo, tránh gây khó chịu cho người khác.
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Khi người hôn phối làm bạn bực bội, hãy tưởng tượng bạn đang nói chuyện với một người bạn thân hay người chủ của mình. Lúc ấy, bạn sẽ lựa lời và nói với giọng như thế nào? Cũng hãy nghĩ đến các lý do mà người hôn phối xứng đáng được nghe những lời tử tế và nhã nhặn, hơn cả bạn bè và người chủ.—Cô-lô-se 4:6.
KỸ NĂNG 3: THÍCH NGHI VỚI VAI TRÒ MỚI
Tại sao khó?
Ban đầu, có lẽ người chồng thực hiện vai trò chủ gia đình còn vụng về, hoặc người vợ đưa ra những lời gợi ý nhưng chưa tế nhị. Chẳng hạn, anh Antonio, ở Ý, nói: “Cha tôi chẳng bao giờ bàn bạc với mẹ tôi về các vấn đề trong gia đình. Vì thế, lúc đầu tôi cũng rất gia trưởng với gia đình mình”. Chị Debbie, ở Canada, cho biết: “Tôi muốn chồng phải gọn gàng hơn. Nhưng cách nói của tôi như một bà chủ chỉ làm chồng tôi càng ngoan cố”.
Giải pháp nào cho người chồng?
Một số người chồng nhầm lẫn lời dạy của Kinh Thánh về việc vợ vâng phục chồng với việc con cái vâng phục cha mẹ (Cô-lô-se 3:20; 1 Phi-e-rơ 3:1). Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng người chồng phải “dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt” (Ma-thi-ơ ). Kinh Thánh không nói như thế về cha mẹ và con cái. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va miêu tả người vợ là người giúp đỡ hoặc bổ túc cho chồng, nhưng Ngài không nói con cái là người giúp đỡ hoặc bổ túc cho cha mẹ ( 19:5Sáng-thế Ký 2:18). Theo bạn, nếu một người chồng cư xử với vợ như đối với con, thì anh ấy có tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về hôn nhân chăng?
Lời Đức Chúa Trời khuyên người chồng nên đối xử với vợ như cách Chúa Giê-su đối xử với hội thánh. Anh có thể giúp vợ dễ dàng nhìn nhận vị trí chủ gia đình của mình nếu: (1) anh không đòi hỏi vợ phải răm rắp tuân phục; (2) anh yêu vợ như chính thân mình, ngay cả khi nảy sinh vấn đề.—Ê-phê-sô 5:25-29.
Giải pháp nào cho người vợ?
Người vợ cần thừa nhận vị trí chủ gia đình của chồng theo như Đức Chúa Trời sắp đặt (1 Cô-rinh-tô 11:3). Khi thừa nhận vị trí này, chị cho thấy mình tôn kính Đức Chúa Trời. Trái lại, việc không thừa nhận vị trí ấy bộc lộ suy nghĩ của chị về chồng, Đức Chúa Trời và sự sắp đặt của Ngài.—Cô-lô-se 3:18.
Khi bàn bạc để giải quyết một vấn đề, hãy chú tâm vào sự việc thay vì chỉ trích chồng. Chẳng hạn, khi muốn vua A-suê-ru xét lại một chiếu chỉ bất công, hoàng hậu Ê-xơ-tê đã đề nghị một cách tế nhị thay vì chỉ trích vua. Vua làm theo lời đề nghị đúng đắn đó (Ê-xơ-tê 7:1-4; 8:3-8). Anh sẽ yêu chị hơn nếu: (1) chị kiên nhẫn để anh thích nghi dần với vai trò làm chủ gia đình; (2) chị tôn trọng anh, ngay cả khi anh có thiếu sót.—Ê-phê-sô 5:33.
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Thay vì nghĩ tới những điểm bạn muốn người hôn phối sửa đổi, thì hãy nghĩ đến những điểm mà bản thân bạn cần thay đổi. Nếu là người chồng: Khi vợ khó chịu về cách anh làm chủ gia đình hoặc vì anh không làm đúng vai trò này, hãy nhờ vợ góp ý để cải thiện, rồi viết ra lời góp ý đó. Nếu là người vợ: Khi chồng cảm thấy không được chị tôn trọng, hãy xin lời góp ý của chồng để cải thiện và ghi lại.
Hãy thực tế
Việc xây dựng hôn nhân hạnh phúc và bền vững giống như tập đi xe đạp. Bạn sẽ bị ngã vài lần rồi mới biết đi. Tương tự, trong cuộc sống hôn nhân, bạn sẽ mắc phải một số sai sót khiến bạn lúng túng.
Hãy tập tính khôi hài. Hãy cười với những sai sót của mình, nhưng không nên xem nhẹ những điều mà người hôn phối cho là quan trọng. Hãy nắm bắt những cơ hội để tạo niềm vui cho người bạn đời trong năm đầu chung sống (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:5). Trên hết, hãy để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn gia đình bạn. Khi làm thế, hôn nhân của bạn sẽ ngày một bền vững.
^ đ. 9 Một số tên đã được đổi.
HÃY TỰ HỎI:
-
Người hôn phối có là người bạn tâm tình của tôi không, hay tôi chỉ thích hỏi ý kiến của người khác?
-
Ngày vừa qua, tôi đã làm gì để cho thấy tôi yêu thương và tôn trọng người bạn đời?